Bạn đang xem bài viết Bài Giảng Luật Hình Sự được cập nhật mới nhất tháng 9 năm 2023 trên website Bac.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.
MỤC LỤC Trang Chương 1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia 1.1. Khái niệm chung về các tội xâm phạm an ninh quốc gia1.2. Các tội phạm cụ thể
Chương 2. Các tội xâm phạm tính mạng sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của con người
2.1. Các tội xâm phạm tính mạng con người
2.2. Các tội xâm phạm sức khoẻ của con người
2.3. Các tội xâm phạm danh dự của con người
2.4. Các tội xâm phạm nhân phẩm con người
Chương 3. Các tội xâm phạm sở hữu 3.1. Khái niệm chung3.2. Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt
3.3. Các tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt
Chương 4. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
4.1. Khái niệm chung4.2. Các tội phạm cụ thể
Chương 5. Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân
5.1. Khách thể của tội phạm 5.2. Một số tội phạm cụ thểChương 6. Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình
6.1. Khái niệm chung 6.2. Một số tội phạm cụ thểChương 7. Các tội phạm về ma tuý
7.1. Khái niệm chung 7.2. Một số tội phạm cụ thểChương 8. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính
8.1. Các tội xâm phạm an toàn công cộng 8.2. Các tội phạm trật tự công cộng 8.3. Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chínhChương 9. Các tội phạm về chức vụ
9.1. Khái niệm chung 9.2. Các tội phạm về tham nhũng 9.3. Các tội phạm khác về chức vụTài liệu tham khảo
Chương 1.
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA
1.1. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA
1.1.1. Khái niệm
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) là những hành vi xâm phạm độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, lực lượng quốc phòng, xâm phạm chế độ XHCN.
1.1.2. Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của các tội xâm phạm ANQG
Các tội xâm phạm ANQG xâm phạm các quan hệ xã hội về an ninh quốc gia. ANQG được hiểu là độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ XHCN (hay nói cách khác ANQG chính là sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân).
Mặt khách quan của các tội xâm phạm ANQG
Hành vi khách quan: Đa số các tội xâm phạm ANQG được thể hiện bằng hành động (trừ Điều 85 – Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có thể thực hiện bằng không hành động).
Đa số các tội xâm phạm ANQG có cấu thành tội phạm (CTTP) hình thức- tức là trong mặt khách quan chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan mà không có dấu hiệu hậu quả (trừ Điều 84 – Tội khủng bố, Điều 85 là tội có cấu thành vật chất). Bởi vì, hậu quả của các tội xâm phạm ANQG không mang tính xác định, mặt khác chỉ riêng hành vi khách quan của tội phạm đã phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Chủ thể của các tội xâm phạm ANQG là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch từ đủ 14 tuổi trở lên có NLTNHS.
Mặt chủ quan của các tội xâm phạm ANQG
Được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
Lỗi: Cố ý trực tiếp.
Mục đích phạm tội nhằm lật đổ hoặc làm suy yếu chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc đối với tất cả các tội xâm phạm ANQG.
1.2. CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ
Căn cứ vào mức độ hướng tới mục đích lật đổ chính quyền nhân dân hay chỉ làm suy yếu chính quyền nhân dân, các tội xâm phạm ANQG được chia làm 2 nhóm
1.2.1. Nhóm các tội xâm phạm ANQG trực tiếp uy hiếp sự tồn tại của chính quyền nhân dân (mục đích làm lật đổ chính quyền nhân dân)
Tội phản bội Tổ quốc (Điều 78)
Khái niệm: Tội phản bội Tổ quốc là hành vi của công dân Việt Nam cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ XHCN và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Dấu hiệu pháp lý của tội phản bội Tổ quốc
– Khách thể của tội phản bội Tổ quốc là sự xâm hại quan hệ xã hội về ANQG.
– Chủ thể của tội phạm chỉ có thể là công dân Việt Nam.
– Mặt khách quan của tội phản bội Tổ quốc chỉ được đặc trưng bởi dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội phản bội Tổ quốc là hành vi của công dân Việt Nam cấu kết với nước ngoài (có thể là cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài hoặc Nhà nước nước ngoài).
Như vậy, hành vi khách quan của tội phản bội Tổ quốc luôn thể hiện mối quan hệ giữa 2 bên đó là phía công dân Việt Nam và phía nước ngoài. Tính chất của mối quan hệ này là cấu kết giữa 2 chủ thể đó với nhau.Cấu kết được hiểu là hai bên có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau, hai bên đều thể hiện ý chí của mình trong việc hướng tới thực hiện mưu đồ chính trị. Thực tế được thể hiện ở các dạng sau:
@ Có sự bàn bạc với nước ngoài về mưu đồ chính trị.
@ Nhận sự giúp đỡ của nước ngoài như tiền bạc, vũ khí, phục vụ cho hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
@ Trong quá trình hoạt động, dựa vào thế lực nước ngoài hoặc tiếp tay cho nước ngoài hoạt động.
Thời điểm tội phạm hoàn thành: Khi có hành vi cấu kết với nước ngoài (khi thực hiện 1 trong 3 loại hành vi trên)
Mặt chủ quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Lỗi: Cố ý trực tiếp
+ Mục đích phạm tội: Nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79)
Khái niệm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi hoạt động thành lập tổ chức hoặc tham gia tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân.
Dấu hiệu pháp lý của tội phạm:
– Khách thể, lỗi, mục đích phạm tội giống Điều 78.
– Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai (có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch
– Mặt khách quan của tội phạm chỉ được phản ánh bởi dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi một trong hai loại hành vi sau:
@ Hành vi thành lập tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân: Ví dụ như: Rủ rê, lôi kéo người khác tham gia vào tổ chức, vạch ra điều lệ, chương trình hành động.
Đối với loại hành vi này thời điểm tội phạm hoàn thành: khi người phạm tội đề xướng ra chủ trương đường lối cho người thứ hai biết.
@ Hành vi tham gia tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân: người phạm tội biết rõ được mục đích hoạt động của tổ chức là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng vẫn tự nguyện tham gia vào tổ chức đó.
Về hành vi này thời điểm tội phạm hoàn thành: khi can phạm biểu hiện sự đồng ý tham gia vào tổ chức.
1.2.2. Nhóm các tội phạm ANQG trực tiếp uy hiếp sự vững mạnh của chính quyền nhân dân (mục đích làm suy yếu chính quyền nhân dân)
Tội gián điệp (Điều 80)
Khách thể của tội phạm xâm phạm quan hệ xã hội về ANQG.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai.
Mặt chủ quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Lỗi cố ý trực tiếp.
+ Mục đích phạm tội làm suy yếu chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc.
Mặt khách quan của tội phạm chỉ được đặc trưng bởi dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội hoạt động gián điệp được quy định căn cứ vào đặc điểm chủ thể.
* Đối với người nước ngoài, người không quốc tịch đối với nhóm chủ thể này hành vi khách quan thể hiện dưới một trong các dạng:
Hành vi hoạt động tình báo: Là hoạt động điều tra, thu thập tin tức bằng cách trực tiếp như lấy cắp, vẽ sơ đồ, quay phim, chụp ảnh hay sử dụng các phương tiện kỹ thuật bí mật thu thập tin tức thuộc hoặc không thuộc bí mật của Nhà nước để sử dụng chống lại Nhà nước XHCN Việt Nam.
Hành vi gây cơ sở để hoạt động tình báo phá hoại. Ví dụ: Rủ rê, lôi kéo người khác, tìm người giúp đỡ, tìm nơi ẩn náu, tuyển lựa, thu hút người vào trong mạng lưới gián điệp của chúng để làm nhiệm vụ liên lạc chuyển tin.
Hành vi hoạt động thám báo: Hoạt động của những tên gián điệp được các cơ quan tình báo nước ngoài tung vào lãnh thổ Việt Nam thu thập tin tức, chiến thuật trong lĩnh vực quân sự, có kèm theo hoạt động vũ trang. Thể hiện bằng cách trực tiếp quan sát, chụp ảnh, vẽ sơ đồ hoặc phục kích bắt cán bộ, bộ đội, nhân dân để khai thác tin tức phục vụ cho âm mưu gây chiến tranh, tập kích, bắn phá bằng máy bay.
Hoạt động phá hoại: Là những hoạt động phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nhà nước Việt Nam, phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế- xã hội, chính sách đoàn kết dân tộc.
* Đối với công dân Việt Nam hành vi khách quan được thể hiện ở một trong ba dạng sau:
Gây cơ sở hoạt động tình báo phá hoại. Loại hành vi này giống hành vi của người nước ngoài.
Hành vi hoạt động thám báo chỉ điểm chứa chấp, dẫn đường.
(Chỉ điểm: Là việc dùng ám hiệu báo cho người khác biết nơi cần hoạt động tình báo).
Hành vi cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp những tin tức tài liệu của Nhà nước Việt Nam để nước ngoài sử dụng chống lại Nhà nước CHCN Việt Nam.
Tính chất của hành vi phạm tội của công dân Việt Nam trong mối quan hệ với nước ngoài làbị động, bởi được thể hiện ở chỗ làm theo sự chỉ đạo của người nước ngoài.
Thời điểm tội phạm hoàn thành khi người phạm tội nhận làm gián điệp hoặc khi xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam nhằm hoạt động gián điệp (Tạp chí TAND số 07/2001).
Tội bạo loạn (Điều 82)
Khái niệm: Tội bạo loạn là hành vi hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân.
Dấu hiệu pháp lý:
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 80.
Mặt khách quan của tội phạm chỉ được quy định bởi dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội bạo loạn được thực hiện bằng một trong hai dạng sau:
Hành vi hoạt động vũ trang: Là hành vi hoạt động có trang bị vũ khí để bắn phá, gây nổ, đập phá trụ sở, tài sản của Nhà nước; cướp kho tàng, vũ khí của người đang thi hành công vụ; chiếm trụ sở cơ quan Nhà nước, doanh trại quân đội.
* Đặc điểm của hành vi hoạt động vũ trang của tội bạo loạn luôn mang tính công khai, quy mô lớn, mang tính dồn dập, liên tiếp (luôn có nhiều người tham gia).
Hành vi hoạt động bạo lực có tổ chức: Là hành vi tập hợp đông người, thường không có trang bị vũ khí (hoặc có nhưng không đáng kể) có các hoạt động mít tinh, biểu tình, hô khẩu hiệu xúc phạm danh dự của cán bộ cơ quan Nhà nước. Hoặc bao vây chiếm giữ trụ sở của cơ quan Nhà nước.
Thời điểm tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong hai hành vi nói trên.
Tội hoạt động phỉ (Điều 83)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 80
Mặt khách quan của tội phạm chỉ được quy định bởi dấu hiệu hành vi khách quan và địa điểm phạm tội.
Hành vi khách quan của tội hoạt động phỉ là hành vi hoạt động vũ trang, kèm theo là hành vi cướp tài sản, giết người.
* Đặc điểm của hành vi hoạt động vũ trang của tội hoạt động phỉ khi thì công khai, khi thì lén lút; qui mô có thể lớn mà cũng có thể là qui mô nhỏ, có khi mang tính dồn dập liên tiếp, có khi mang tính rời rạc, lẻ tẻ. Song đặc điểm cơ bản nhất của hành vi phạm tội hoạt động phỉ là mang tính chuyên nghiệp.
Địa điểm phạm tội hành vi hoạt động vũ trang phải xẩy ra ở vùng có địa hình hiểm trở, phức tạp như vùng núi, vùng biển, vùng đầm lầy.
Tội khủng bố (Điều 84)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 80
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi giết người, gây thương tích hoặc hành vi tước quyền tự do về thân thể của người khác (có thể có hành vi hoạt động vũ trang, có thể không).
Đặc điểm của hành vi hoạt động vũ trang của tội khủng bố là lén lút, qui mô nhỏ, thườngmang tính rời rạc.
+ Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc đó là hậu quả chết người, gây thương tích, hoặc quyền tự do về thân thể của người khác bị tước hoặc bị hạn chế.
Thời điểm tội phạm hoàn thành khi có hậu quả xẩy ra. Hay nói cách khác, đây là tội có cấu thành vật chất.
+ Đối tượng tác động của tội phạm phải là những cán bộ chủ chốt ở các địa phương hoặc những công dân có nhiều thành tích trong chiến đấu
Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 85)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 80
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản bằng cách đập phá, gây nổ, gây cháy…
+ Đối tượng tác động của tội phạm là những tài sản quan trọng trong lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá – xã hội như hệ thống tải điện, hệ thống thông tin liên lạc…
Thời điểm tội phạm hoàn thành khi những tài sản nói trên bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng. Như vậy, đây là tội có CTTP vật chất
Một số tội phạm khác: (Xem giáo trình).
Câu hỏi
So sánh tội phản bội Tổ quốc với tội gián điệp.
So sánh tội bạo loạn với tội hoạt động phỉ và với tội khủng bố.
Công dân Việt Nam có quan hệ với nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân luôn bị xử lý về tội phản bội Tổ quốc.
Hành vi hoạt động vũ trang ở miền núi nhằm gây nguy hại cho chính quyền nhân dân luôn bị xử lý về tội hoạt động phỉ.
Bài tập tình huống
Sau sự kiện bạo loạn chính trị ngày 03/02/2001 ở Tây Nguyên bị trấn áp, một số tên tham gia được khoan hồng, không bị xử lý. Lợi dụng sự việc này, Y Thuôn N và đồng bọn ngoan cố, vẫn tiếp tục bí mật móc nối với một số tên Fulro phản động đang sống lưu vong tại Mỹ để hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Y Thuôn N và đồng bọn đã phân công nhau đến nhiều buôn, thôn, xóm trên địa bàn tỉnh ĐakLak để tuyên truyền, lừa gạt và dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc một số người là đồng bào dân tộc thiểu số trốn khỏi địa phương, vượt biên trái phép sang Cămpuchia. Buộc họ phải ở lại các trại tỵ nạn không được quay trở lại Việt Nam. Chúng cố tạo nên tình hình mất ổn định về an ninh – chính trị ở Việt Nam. Từ đó tạo dư luận quốc tế cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền, bài trừ tôn giáo, để tạo cớ can thiệp, gây sức ép đối với Nhà nước ta.
Nhóm Y Thuôn N còn bí mật thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu không đúng sự thật về tình hình kinh tế – xã hội, về nhân quyền, về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta cho thế lực thù địch, bọn phản động lưu vong sống ở nước ngoài để vu cáo, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đồng thời chúng gây hằn thù, kỳ thị giữa các dân tộc trên địa bàn ĐakLak, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Hãy đánh giá tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Chương 2.
CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG SỨC KHOẺ, DANH DỰ VÀ NHÂN PHẨM CỦA CON NGƯỜI
2.1. CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG CON NGƯỜI
2.1.1. Tội giết người (Điều 93)
Văn bản áp dụng:
– Nghị quyết 04/86/HĐTPTANDTC ngày 29/11/1986
– Nghị quyết 01/89/HĐTPTATC ngày 19/04/1989
– Nghị quyết 01/2006/HĐTPTANDTC ngày 12/05/2006
Khái niệm
Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt (bỏ) tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.
Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm xâm phạm đến quyền sống của con người.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi tước bỏ tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.
* Về hình thức của hành vi khách quan của tội giết người có thể được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động.
Dạng hành động giết người mang tính chất phổ biến hơn và được thực hiện bằng hành vi dùng vũ lực như dùng súng, dao, gậy, thuốc độc, sức mạnh về thể chất để bắn chém, đầu độc, đấm đá, bóp cổ.
Dạng không hành động giết người ví dụ như bác sĩ đang khi trực, có một ca cấp cứu, nhưng đã không cấp cứu nạn nhân làm nạn nhân chết.
Ví dụ A đẩy B ra giữa sông sâu, B chấp chới giữa sông, A bỏ về, B chết.
Hành vi phạm tội của A, về hình thức của hành vi có thể là 2 khả năng sau: Nếu ý định tước bỏ tính mạng của B xuất hiện trước khi A đẩy B xuống sông thì hành vi phạm tội của A thực hiện bằng hành động (thuộc trường hợp phạm tội giết người Điều 93), còn nếu ý định tước bỏ tính mạng của B hình thành sau khi đẩy B xuống sông thì hành vi phạm tội của A thực hiện bằng không hành động (A phạm tội cố ý không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng Điều 102).
* Về tính chất của hành vi khách quan hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là trái pháp luật, tức là ngoài những trường hợp tước bỏ tính mạng của người khác mà pháp luật cho phép như phòng vệ chính đáng, thi hành hình phạt tử hình, và giết địch trong chiến đấu.
+ Hậu quả của tội phạm nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc. Như vậy, tôi giết người là tội có cấu thành vật chất, tội phạm hoàn thành khi nạn nhân chết.
+ Giữa hành vi và hậu quả phải có mối quan hệ nhân quả – là một dấu hiệu bắt buộc trong CTTP của tội giết người. Giữa hành vi khách quan và hậu quả được coi là có mối quan hệ nhân quả khi chúng thoả mãn đầy đủ 3 điều kiện:
@ Nạn nhân chết xẩy ra sau khi khi thực hiện hành vi khách quan.
@ Hành vi khách quan trên phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nạn nhân chết.
@ Nạn nhân chết hoàn toàn do hành vi khách quan của tội phạm gây ra (nó phản ánh sự hiện thực hoá khả năng làm phát sinh hậu quả).
+ Đối tượng tác động của tội phạm nạn nhân phải là con người còn sống. Con người được tính từ khi bắt đầu sinh ra cho đến khi chết.
Người chết là người mà tim ngừng đập, thần kinh ngừng hoạt động.
Mặt chủ quan của tội phạm lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Hình phạt. Tội giết người tại Điều 93 quy định 2 khung hình phạt
Khoản 2: (CTTP cơ bản) Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm giết người trong trường hợp thông thường.
Khoản 1: (CTTP tăng nặng) Phạt tù từ 12 năm đến tử hình nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Giết nhiều người: Là trường hợp giết từ 2 người trở lên. Để áp dụng tình tiết này chỉ cần xác định ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn giết từ 2 người trở lên, không phụ thuộc vào số người chết trên thực tế.
Giết phụ nữ mà biết là có thai: Trường hợp này phải thoả mãn 2 điều kiện:
Về khách quan nạn nhân là phụ nữ đang mang thai, không kể thai nhi đang ở tháng thứ mấy, để xác định điều kiện này phải dựa trên cơ sở kết luận giám định.
Về ý thức chủ quan của can phạm phải biết được người phụ nữ đó đang mang thai (có thể can phạm tự nhận biết hoặc nghe thông tin qua người khác). Để xác định điều kiện này phải xem xét, đánh giá các tình tiết sau:
@ Mối quan hệ giữa người phạm tội và nạn nhân.
@ Thời điểm thực hiện tội phạm là ban ngày hay ban đêm, mùa đông hay mùa hè.
@ Tình trạng thai nhi đã lớn hay còn nhỏ.
* Chú ý: Nếu nạn nhân đang mang thai là người tình của người phạm tội thì thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn. Tình tiết này được hướng dẫn tại Nghị quyết 04/86/HĐTPTATC.
Giết trẻ em: Nạn nhân là trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Ví dụ: A là thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử một vụ án hình sự mà B là bị cáo, trong lúc xét xử hoặc sau khi xét xử xong, B cho rằng A xử mình như vậy là quá nặng nên đã giết A.
Đối với trường hợp giết nạn nhân trước hoặc trong khi thi hành công vụ thường nhằm cản trở việc thi hành công vụ của nạn nhân, còn giết nạn nhân sau khi thi hành công vụ thường có động cơ là trả thù nạn nhân.
Giết ông bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy, cô giáo của mình: Nạn nhân là ông bà, cha mẹ có thể là ông bà nội ngoại, đẻ hoặc nuôi; bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ nuôi (phải được pháp luật thừa nhận).
Nạn nhân là người nuôi dưỡng là người chăm sóc, quản lý giáo dục người phạm tội như vai trò của bố mẹ người phạm tội.
Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng: Là trường hợp bị cáo phạm 2 tội trong đó có một tội giết người, giữa 2 tội này phải thoả mãn các điều kiện sau:
@ Tội thực hiện trước hoặc sau tội giết người phải là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (là loại tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 7 năm tù).
@ Khoảng cách giữa 2 tội không có sự gián đoạn về mặt thời gian.
Ví dụ: A vừa dùng súng uy hiếp B để lấy tài sản, sau khi lấy được tài sản, A thấy M đi qua vốn có mâu thuẫn sâu sắc trong chuyện làm ăn trong xã hội đen với nhau, A đã dùng súng bắn M chết.
Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác: Là trường hợp bị cáo phạm 2 tội trong đó có tội giết người, giữa 2 tội này phải thoả mãn các điều kiện sau:
@ Khoảng cách thời gian giữa 2 tội có thể liên tục có thể ngắt quãng về mặt thời gian.
@ Tội phạm khác có thể là bất kỳ loại tội nào (tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng).
Ví dụ: A hiếp dâm B xong, A sợ B tố cáo mình nên đã giết chết B ngay sau khi hiếp dâm.
Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: Như lấy tim, gan, thận dù với bất kỳ mục đích nào như để nghiên cứu khoa học hoặc để cứu sống người khác.
Thực hiện tội phạm một cách man rợ: Là trường hợp giết người bằng phương pháp nguyên thuỷ gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho nạn nhân cũng như thân nhân của nạn nhân trước khi nạn nhân chết như móc mắt, moi gan, xẻo tai, chặt từng bộ phận của nạn nhân cho đến khi nạn nhân chết.
(Nếu hành vi trên thực hiện sau khi nạn nhân chết thì không phải là trường hợp giết người một cách man rợ).
Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp: Là trường hợp người phạm tội đã sử dụng khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của mình để dễ dàng thực hiện việc giết người và dễ dàng che giấu tội phạm.
Ví dụ: Bác sĩ giết bệnh nhân rồi lập hồ hơ bệnh án là bệnh nhân chết do bệnh hiểm nghèo; người lái đò giả làm đò đắm để giết nạn nhân; thợ điện dùng dây điện dí vào nạn nhân nhưng làm cho mọi người tin rằng nạn nhân bị điện giật chết.
Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người: Tình tiết này phải thoả mãn các điều kiện sau:
@ Can phạm phải sử dụng các loại công cụ, phương tiện có khả năng gây ra cái chết cho nhiều người trong cùng một thời gian như dùng súng, mìn, lựu đạn, thuốc độc.
@ Phải đặt trong một hoàn cảnh cụ thể như: nổ súng nơi có đông người, đầu độc thức ăn, đồ uống có nhiều người dùng (thả thuốc độc vào giếng nước).
@ Ý thức chủ quan của người phạm tội chỉ mong muốn giết 1 người. Còn nếu ý thức chủ quan của người phạm tội mong muốn giết chết từ 2 người trở lên thì thuộc trường hợp giết nhiều người. Hậu quả trên thực tế không nhất thiết phải có nhiều người chết.
Thuê giết người hoặc giết người thuê: Là trường hợp can phạm không trực tiếp hành động, mà giấu mặt, dùng lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần (hứa gả con gái) để người khác thực hiện hành vi phạm tội giết người.
Có tính chất côn đồ: Là trường hợp giết người có tính hung hãn cao, coi thường tính mạng của người khác, giết người vì những nguyên cớ nhỏ nhặt. Đâm đánh người dã man không run tay.
Có tổ chức: Là trường hợp có từ 2 người trở lên thực hiện tội phạm giết người có sự bàn bạc, cấu kết chặt chẽ.
Tội phạm nguy hiểm: Là trường hợp một người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý chưa được xoá án tích; hoặc một người đã tái phạm chưa được xoá án tích mà lại phạm tội giết người.
Vì động cơ đê hèn: Là trường hợp giết người có tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc với những người thân như: giết người để cướp vợ hoặc cướp chồng của nạn nhân; giết người tình đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm, giết người đã cho vay, mượn tài sản để trốn tránh trả nợ (tức là giết ân nhân của mình).
2.1.2. Tội giết con mới đẻ (Điều 94)
Khách thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 93.
Mặt khách quan của tội phạm: Được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan thể hiện dưới hai dạng vứt bỏ con hoặc giết con mới đẻ. Có thể thực hiện bằng hành động hoặc không hành động.
+ Đối tượng tác động nạn nhân là đứa trẻ mới đẻ. Theo hướng dẫn tại NQ 04/86 trẻ mới đẻ là người sinh ra trong vòng 7 ngày.
+ Hậu quả đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc -tội phạm có CTTPVC nhưng mang tính đặc thù đó là chỉ coi là có tội nếu đứa trẻ chết, không đặt ra các giai đoạn thực hiện tội phạm. Nếu đứa trẻ bị vứt mà không chết, được người khác cứu thì TNHS không đặt ra cho người mẹ.
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đứa trẻ chết do hành vi giết hoặc vứt bỏ của người mẹ gây ra.
+ Hoàn cảnh phạm tội thuộc 2 dạng sau:
* Do hoàn cảnh khách quan đặc biệt như đứa trẻ bị dị dạng, hoặc hoàn cảnh cuộc sống của người mẹ đặc biệt khó khăn, bệnh tật.
* Do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu như do mê tín, sinh con ngoài giá thú hoặc do ngoại tình sợ dư luận chê bai.
Chủ thể của tội phạm: Người mẹ sinh ra đứa trẻ là nạn nhân.
Ví dụ: A sinh con nhưng bà ngoại hoặc cha của đứa trẻ gây sức ép buộc A giết con. Bà ngoại hoặc người cha là người xúi giục vai trò là đồng phạm, A là người thực hành. Nếu bà hoặc cha đứa trẻ trực tiếp giết đứa trẻ thì xử lý theo Điều 93 với tình tiết là giết trẻ em.
2.1.3. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95)
Khách thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 93.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên, có NLTNHS trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Mặt khách quan của tội phạm đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi tước bỏ tính mạng của người khác (luôn thực hiện bằng hành động mà biểu hiện cụ thể về tính chất là hành vi dùng vũ lực).
+ Hậu quả nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc (chỉ cấu thành tội phạm khi có hậu quả nạn nhân chết xẩy ra trên thực tế).
+ Hoàn cảnh phạm tội người phạm tội ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội.
Người thân thích của người phạm tội có thể là người có quan hệ huyết thống gần gũi với người phạm tội, hoặc bạn bè thân thiết, thầy cô giáo của người phạm tội.
Để xác định trạng thái tinh thần của người phạm tội phải căn cứ vào 2 điều kiện sau:
(@ Phải có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân là nguyên nhân Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân bao hàm cả hành vi trái đạo đức có thể cấu thành tội phạm có thể không nhưng phải có tính chất nghiêm trọng
@ Từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân là nguyên nhân phát sinh hậu quả làm cho trạng thái tinh thần của người phạm tội bị kích động mạnh (là trường hợp người phạm tội không kiềm chế, không làm chủ được hành vi của mình). Để đánh giá về trạng thái tinh thần của bị cáo hiện nay có 2 quan điểm khác nhau về vấn đề này:
Một là: Phải căn cứ vào kết quả giám định về trạng thái tinh thần của bị cáo tại thời điểm thực hiện tội phạm. Quan điểm này chưa có tính khả thi vì trình độ y học của chúng ta hiện nay chưa cao nên kết quả giám định về trạng thái tinh thần không chính xác; hơn nữa trạng thái tinh thần của bị cáo tại thời điểm thực hiện tội phạm khác với trạng thái tinh thần tại thời điểm giám định.
Hai là: Phải xem xét một cách toàn diện tính chất của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ giữa nạn nhân – người phạm tội, nhân thân người phạm tội, hoàn cảnh, thời điểm, sự việc xảy ra… Đây là quan điểm được áp dụng trên thực tế.
2.1.4. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96)
Khách thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 93.
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, thực hiện hành vi phòng vệ.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hoàn cảnh phạm tội nạn nhân có hành vi tấn công đang hiện tại.
+ Hành vi khách quan là hành vi tước bỏ tính mạng của người khác do việc thực hiện hành vi phòng vệ để chống trả lại người đang có hành vi tấn công nhưng vượt quá giới hạn cần thiết (tức là hành vi chống trả không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại).
+ Hậu quả nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc.
* Động cơ phạm tội trong mặt chủ quan là nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hành vi tấn công, hạn chế thiệt hại của hành vi tấn công có thể gây ra.
Ví dụ 1: A xúc phạm B bằng cách chửi bới, nhiếc móc, làm nhục B ở nơi đông người. B cầm dao đâm chết A trong trạng thái tâm lý căng thẳng, bức xúc, không kiềm chế được. A phạm vào Điều 95
Ví dụ 2: B đi học về tới nhà thì nghe tin mọi người báo là mẹ của B đã bị A đâm chết ở ngoài rẫy, B lấy dao chạy sang nhà A tìm A, đâm chết A. A phạm tội thuộc Điều 95.
Chú ý: Điều 95 và Điều 96 khác nhau cơ bản ở hoàn cảnh phạm tội.
Đối với Điều 95, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân có thể là hành vi tấn công nhưng hành vi tấn công phải đã kết thúc; hoặc là hành vi vi phạm pháp luật khác (không phải là hành vi tấn công) có thể ở bất kỳ thời điểm nào.
Đối với Điều 96 nạn nhân cũng có hành vi trái pháp luật nhưng chỉ là hành vi tấn công và phải đang hiện tại.
2.1.5. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97)
Khách thể của tội phạm xâm phạm tính mạng con người.
Chủ thể của tội phạm là người đang thi hành công vụ.
Lỗi có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi dùng vũ lực ngoài những trường pháp luật cho phép tức là sử dụng vũ lực (chủ yếu là sử dụng súng, công cụ hỗ trợ) không tuân thủ theo quy định tại Nghị định 84/ HĐBT ban hành ngày 2/7/84 (Nghị định này đã liệt kê những trường hợp được nổ súng bắn vào đối tượng).
+ Hậu quả nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc.
+ Hoàn cảnh phạm tội tội phạm xảy ra trong khi can phạm đang thi hành công vụ.
Ví dụ 1: A là cán bộ kiểm lâm, trong khi đang làm nhiệm vụ phát hiện trên xe của B, C, D đang chở gỗ lậu. A ra hiệu lệnh cho xe dừng lại để kiểm tra nhưng xe tiếp tục chạy trốn. A bắn vào lốp xe, xe bị xịt lốp. 3 tên này quay lại dùng súng xông vào tấn công A. A nhằm vào tên B để bắn, B chết. Hành vi của A phải bị xử lý theo Điều 96.
Ví dụ 2: Cũng tình huống trên nhưng ngay khi A ra hiệu lệnh cho xe dừng lại nhưng xe không dừng, mà A đã nổ súng làm B chết thì hành vi của A bị xử lý theo Điều 97.
Như vậy, giữa 2 tội này xét về mặt thực tế chúng khác nhau ở chỗ, đối với Điều 96 nạn nhân phải có hành vi tấn công và hành vi tấn công phải đang hiện tại, còn đối với Điều 97 nạn nhân có hành vi vi phạm pháp luật khác ngoài những trường hợp hành vi tấn công của nạn nhân đang hiện tại như hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, cán bộ kiểm lâm đang làm nhiệm vụ.
2.1.6. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99)
Khách thể của tội phạm xâm phạm tính mạng con người.
Chủ thể của tội phạm bất kỳ ai.
Mặt chủ quan của tội phạm lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc lỗi vô ý vì cẩu thả.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan được thực hiện bằng 1 trong 2 loại hành vi sau:
@ Hành vi phạm quy tắc hành chính.
Ví dụ: A khi thấy người khác đang có nguy cơ chết đuối nên điều động B là nhân viên của mình ra cứu người đó, mà A biết là B không biết bơi, B chết.
@ Hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp.
Ví dụ: A là thợ điện mắc dây điện trần không đúng độ cao quy định, B đụng phải, B chết. Hoặc A là y tá của bệnh viện Trung ương Huế, khi phát thuốc cho bệnh nhân do cẩu thả không kiểm tra thuốc nên đã đưa nhầm thuốc cho bệnh nhân uống và bệnh nhân chết.
+ Hậu quả nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc.
2.1.7. Tội vô ý làm chết người (Điều 98)
Tội vô ý làm chết người chỉ khác Điều 99 ở hành vi khách quan. Hành vi khách quan của Tội vô ý làm chết người là hành vi phạm các quy tắc về an toàn chung khác (ngoài phạm vi những trường hợp của Điều 99).
2.1.8. Tội bức tử (Điều 100)
Khách thể của tội phạm xâm phạm tính mạng con người.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan thể hiện ở 1 trong 4 dạng hành vi sau:
@ Hành vi đối xử tàn ác: Ví dụ bỏ đói, bỏ rét, bắt làm việc quá sức. Đánh đập nạn nhân có thể 1 hoặc nhiều lần. Hành vi đánh đập gây thương tích cho nạn nhân mà hậu quả thương tật từ 11% trở lên bị truy tố về 2 tội.
Ví dụ: A là mẹ kế thường xuyên đánh đập con riêng của chồng là B gây thương tích 20%. B tự sát.
A bị truy cứu TNHS về 2 tội: Tội cố ý gây thương tích với tỷ lệ thương tật là 20% và Tội bức tử.
@ Hành vi ức hiếp: Chèn ép không cho nạn nhân có quyền, ăn, quyền nói, quyền thể hiện ý chí của mình hoặc đối xử bất công với nạn nhân như đánh đập không cho kêu la, không cho khóc.
@ Hành vi ngược đãi: Đối xử tồi tệ với nạn nhân trái với quy tắc đạo đức, biểu hiện thực tế như cho nạn nhân ăn chung với chó, mèo hoặc cho ngủ ngoài chuồng lợn.
@ Hành vi làm nhục: Có những lời nói miệt thị, chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Chửi rủa, xỉ vả nạn nhân trước đám đông, tung tin thất thiệt để người khác tin nạn nhân là người xấu xa tội lỗi.
Chú ý: Hành vi thứ nhất có thể diễn ra một lần hoặc nhiều lần. nhưng ba loại hành vi sau phải xảy ra thường xuyên mới cấu thành tội phạm
+ Hậu quả nạn nhân có hành vi tự sát.
Đây là tội có CTTP vật chất, tội phạm hoàn thành khi có hành vi tự sát của nạn nhân – là hậu quả được quy định trong cấu thành tội phạm.
+ Giữa hành vi khách quan và việc tự sát của nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả với nhau, tức là nguyên nhân chính làm nạn nhân tự sát phải là do 1 trong 4 hành vi khách quan nêu trên gây ra.
Chủ thể của tội phạm là người mà nạn nhân có quan hệ lệ thuộc. Có thể lệ thuộc về kinh tế, quan hệ gia đình, quan hệ công tác, quan hệ tín ngưỡng. Ví dụ: Cha mẹ kế với con riêng của vợ hoặc của chồng, mẹ chồng với con dâu
Mặt chủ quan của tội phạm lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý vì quá tự. Nếu hành vi bức tử làm nạn nhân tự sát thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp thì bị xử lý về Tội giết người (Điều 93).
2.1.10 Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng(Điều l02)
Khách thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 93.
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 buổi trở lên, có NLTNHS, và phải là người có khả năng cứu giúp nạn nhân đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở một số các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi không cứu người khác (tức là tội phạm luôn thực hiện bằng không hành động).
Ví dụ: Người lái đò biết bơi thấy 1 người sắp chết đuối kêu cứu nhưng bỏ mặc dẫn đến họ bị chết.
+ Hoàn cảnh phạm tội nạn nhân đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng – là người đang gặp rủi ro như sắp bị chết đuối hoặc bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tính mạng đang trực tiếp bị đe doạ, nếu không kịp thời cứu chữa sẽ bị chết.
Tình trạng nguy hiểm này có thể do khách quan, có thể do người phạm tội gây ra.
+ Hậu quả của tội phạm nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc (chỉ CTTP nếu nạn nhân chết- tức là không có giai đoạn phạm tội chưa đạt)
Ví dụ 1: A là bác sĩ đang trên đường đến bệnh viện gặp B bị tai nạn xe máy đang nằm trên đường, A có đủ phương tiện để cấp cứu cho B nhưng A không cứu chữa, B chết.
Ví dụ 2: A là cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đang trên đường đi làm về, thấy có 2 nạn nhân trong vụ hoả hoạn nhưng không cứu nên nạn nhân chết.
Trong cả 2 ví dụ trên, nếu tình huống đó xây ra trong thời gian Bác sĩ hoặc Cảnh sát PCCC đang làm nhiệm vụ thì bị xử lý theo Điều 93 về tôi giết người. Vì lúc này phát sinh nghĩa vụ pháp lý bắt buộc theo công vụ, chứ không phải là cứu giúp như Điều 102
2.2. CÁC TỘI XÂM PHẠM SỨC KHOẺ CỦA CON NGƯỜI
2.2.1. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác (Điều l04)
Các dấu hiệu pháp lý
Các dấu hiệu pháp lý của tội này về khách thể, chủ thể, mặt chủ quan, mặt khách quan giống Điều 93. Chỉ khác Điều 93 ở dấu hiệu hậu quả trong cấu thành tội phạm
Hậu quả trong CTTP của Điều 93 là nạn nhân chết, còn hậu quả của Điều l04 thể hiện ở 2 dạng:
+ Gây thương tích là những tổn thương gây ra trên cơ thể của người khác mà tổn thương này có thể xác định được thông qua thị giác.
Ví dụ: A dùng dao đâm 1 nhát vào cánh tay phải của B.
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ là những tổn thương gây ra trên cơ thể của người khác, để xác định các tổn thương này phải thông qua phương tiện khoa học kỹ thuật.
Ví dụ: A dùng gậy đập vào lưng của B, B bị gãy xương bả vai.
Chú ý: Để xác định tỷ lệ thương tật của nạn nhân phải căn cứ vào Thông tư số 12, thông tư liên bộ Bộ Y tế- Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành ngày 26/7/95. Dù hậu quả của tội phạm ở dạng nào thì cũng đều xác định trên cơ sở tỷ lệ thương tật – là tỷ lệ % mất sức lao động của nạn nhân do tội phạm gây ra, làm cơ sở xác định TNHS đối với người phạm tội.
Hình phạt
Hình phạt của Điều 104 có 4 khung:
Khoản 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 11 – 30% hoặc dưới 11 % nhưng thuộc 1 trong các trường hợp sau:
Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người.
Hung khí nguy hiểm như: Dao nhọn, lê, thuốc nổ, a xít.
Thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người như: Tạt a xít nơi đông người, đốt nhà đêm khuya khi mọi người đang ngủ gây bỏng cho nhiều người.
Nghị quyết 02/2003/HĐTPTATC hướng dẫn về phương tiện nguy hiểm là những vật có sẵn trong tự nhiên hoặc vật do tự chế.
Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân: Là thương tật do tội phạm để lại vĩnh viễn trên cơ thể nạn nhân, hoặc làm mất đi một chức năng nào đó của nạn nhân như mất một miếng lưỡi làm nạn nhân nói ngọng, cụt một cánh tay. Tỷ lệ thương tật của cố tật phải dưới 11%.
Theo Nghị quyết 02/2003/HĐTPTATC thì cố tật nhẹ thuộc các dạng:
– Làm mất một bộ phận cơ thể nạn nhân như làm mất các đốt ngón tay.
– Làm mất chức năng một bộ phận cơ thể nạn nhân như thương tích làm cứng các khớp liên đốt ngón tay.
– Làm giảm chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân như làm giảm thị lực mắt.
– Làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân như để lại sẹo trên mặt.
Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người. (tình tiết này đã được hướng dẫn trong Nghị Quyết 01/2006/HĐTPTATC ngày 12/05/2006 nhưng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau).
Ví dụ: Ngày 01/01/2000 – A đâm B tỷ lệ thương tật của B là 10%. Ngày 03/01/2000 – A dùng gạch ném B tỷ lệ thương tật của B là 5%
Trường hợp trên có quan điểm cho rằng không bị coi là phạm tội nhiều lần, vì mỗi lần gây thương tích đều chưa đủ yếu tố CTTP. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần được quy định tại Điểm c, khoản 1, Điều 104.
Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ.
Nạn nhân là phụ nữ đang có thai thì không cần người phạm tội có biết hay không biết là nạn nhân là người đang có thai, mà chỉ cần dựa vào kết luận giám định pháp y là người đó đang có thai.
Phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ. người nuôi dưỡng, thầy giáo cô giáo của mình
Phạm tội có tổ chức.
Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.
Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.
Có tính chất côn đồ.
Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân
Nội dung các tình tiết này hoàn toàn giống Tội giết người
Khoản 2: Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 3 1% đến 60%.
Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 11% đến 30% nhưng thuộc 1 trong 10 trường hợp thuộc khoản 1.
Khoản 3: Phạt tù từ 5 năm đến 15 năm trong những trường hợp sau:
Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 61% trở lên
Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 31 % đến 60% nhưng thuộc 1 trong 10 trường hợp nêu ở khoản 1.
Gây thương tích dẫn đến chết người: Là trường hợp phạm tội mà can phạm chỉ cố ý với hậu quả thương tích mà vô ý với hậu quả chết người (ở đây có 2 dạng hậu quả là thương tích và chết người với 2 hình thức lỗi khác nhau). Theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/89/ HĐTPTANDTC ngày 19/04/89 tình tiết này phải thoả mãn 3 điều kiện sau:
* Phải có thương tích nặng là thương tích có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Ví dụ: Tổn thương động mạch, tĩnh mạch, não, cột sống, các bộ phận nội tạng trong cơ thể nạn nhân.
* Phải có hậu quả chết người xây ra trên thực tế.
* Giữa hậu quả thương tích nặng và hậu quả chết người phải có mối quan hệ nhân quả với nhau.
Cũng coi là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người trong trường hợp không phải là thương tích nặng nhưng vì nạn nhân là người quá già yếu (là người từ 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên đau ốm- Công văn số 102/2001/KHXX ngày 20/08/2001 của TANDTC), người có bệnh nặng, việc gây thương tích làm cho nạn nhân bị chết sớm hơn quy luật tự nhiên, nếu không bị gây thương tích thì nạn nhân chưa chết.
Khoản 4: Phạt tù từ 10 năm đến tù chung thân trong các trường hợp sau:
+ Gây thương tích làm chết tù 2 người trở lên
+ Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác: Hội tụ nhiều tình tiết ở khoản 3, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội
Bài tập tình huống 1
Lương là một tên vũ phu, tính tình hung hãn, đã có tiền án về tội gây rối trật tự công cộng. Vào lúc 18 giờ ngày 20/10/1998 khi thấy mất 2 con gà, Lương đã hỏi vợ (Loan) và con (Lê). Hai người trả lời không biết. Lương lấy luồng trên mái nhà bắt cháu Lê lên giường đánh 30 phút rồi bắt Lê ra khe suối, đẩy Lê xuống nước. Lê bị sặc nước vùng vẫy không đứng lên được Lương lội xuống kéo Lê lên bờ rồi bỏ về nhà bảo vợ lấy xe ra chở Lê về, về tới nhà được 15 phút thì Lê chết.
Hãy đánh giá tính chất pháp lý của vụ án trên.
2.2.2. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 105)
2.2.3. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106)
2.2.4. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 107)
2.2.5. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 108)
2.2.6. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 109)
Các dấu hiệu pháp lý của các tội danh này giống các tội danh tương ứng trong nhóm các tội xâm phạm tính mạng của con người, chỉ khác ở hậu quả thương tích phải từ 31% trở lên.
Bài tập tình huống 2
Đặng Văn V và Nguyễn Văn H là hai anh em rể sống với nhau vui vẻ và giữa hai người không có mâu thuẫn gì. Trong khi H đi làm xa, vợ con của H vẫn ở chung với gia đình V. Vào lúc l0h ngày 25/01/2000 vào dịp H nghỉ tết, hai anh em có xích mích cãi vã nhau. H nói “vợ tao là vợ mày, con tao là con mày” rồi đấm V một cái vào mặt. V chạy từ nhà ngoài vào nhà trong lấy 1 con dao rựa mới mua, dài 40cm đem ra chém H. H bị 3 vết thương nặng, trong đó có 1 vết dài 8cm làm vỡ xương sọ. H đã chết sau 37 ngày điều trị. Hãy xác định trách nhiệm hình sự của V?
2.3. CÁC TỘI XÂM PHẠM DANH DỰ CỦA CON NGƯỜI
2.3.1. Tội làm nhục người khác (Điều 121)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm danh dự con người.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi khách quan là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự của con người như có lời nói miệt thị, chửi rủa, lăng nhục, sỉ nhục nạn nhân ở nơi đông người; hoặc có hành động có tính chất bỉ ổi như: nhổ nước bọt vào mặt, lột trần truồng nạn nhân, ném phân vào người.
Hành vi trên có thể thực hiện công khai trước mặt nạn nhân, có thể không có mặt nạn nhân và phải ở mức độ nghiêm trọng. Để đánh giá tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội phải căn cứ vào:
* Thái độ nhận thức của người phạm tội
* Cường độ và thời gian kéo dài của hành vi
* Vị trí, môi trường xung quanh.
* Vai trò của người bị hại trong gia đình, tổ chức, xã hội
* Dư luận xã hội về hành vi lăng nhục nhục đó.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên
Mặt chủ quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Lỗi cố ý trực tiếp.
+ Mục đích nhằm hạ thấp danh dự của nạn nhân là dấu hiệu bắt buộc.
2.3.2. Tội vu khống (Điều 122)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 121.
Mặt khách quan của tội phạm hành vi khách quan được thực hiện bằng 1 trong 3 loại hành vi sau:
+ Bịa đặt: Hư cấu một thông tin không có thật. Ví dụ dựng ra thông tin A và B đi nghỉ mát 1 tuần ở Sa Pa
+ Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt
+ Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền
2.4. CÁC TỘI XÂM PHẠM NHÂN PHẨM CON NGƯỜI
2.4.1. Tội hiếp dâm (Điều 111)
Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm xâm phạm nhân phẩm con người- đó là quyền bất khả xâm phạm quyền tự do về tình dục của người khác.
Mặt khách quan của tội phạm được thực hiện bằng 2 loại hành vi
Nhóm 1: Được thực hiệu bằng 1 trong 4 loại hành vi sau:
@ Hành vi dùng vũ lực: Là hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động lên cơ thể của nạn nhân như vật ngã, xô ngã, đánh đấm, giữ tay, giữ chân, bịt miệng, xé quần, xé áo nạn nhân.
@ Đe doạ dùng vũ lực: Lời nói khống chế nếu nạn nhân không cho giao cấu thì sẽ dùng vũ lực ngay.
@ Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân như nạn nhân đang trong rừng một mình trong đêm tối, nạn nhân bị say rượu (không phải do người phạm tội làm nạn nhân say, nếu người phạm tội làm nạn nhân uống say thì rơi vào thủ đoạn khác). nạn nhân đang ngủ say, nạn nhân bị tâm thần.
@ Hoặc thủ đoạn khác: Là trường hợp can phạm cho nạn nhân dùng thuốc kích thích, uống rượu, nạn nhân nhầm là chồng mình.
Đặc điểm của hành vi trên phải làm tê liệt ý chí, hoặc khả năng chống cự của nạn nhân. Việc có hay không hành vi giao cấu là do người phạm tội quyết định.
Nhóm 2: Là hành vi giao cấu
Đặc điểm của hành vi giao cấu là nạn nhân hoàn toàn không biểu lộ được ý chí. Còn nếu nạn nhân biểu lộ được ý chí thì việc giao cấu phải là trái ý muốn của nạn nhân (tức là không được sự đồng ý của nạn nhân). Để đánh giá đặc điểm này phải căn cứ vào quá trình diễn biến tội phạm và sự chống trả, phản ứng của nạn nhân.
Thời điểm tội phạm hoàn thành khi bắt đầu có hành vi giao cấu. Đây là tội có CTTP hình thức nhưng mặt khách quan được đặc trưng bởi 2 loại hành vi, nên vẫn có trường hợp phạm tội hiếp dâm chưa đạt.
Chủ thể của tội phạm có thể là nam giới hoặc nữ giới. Quy định về chủ thể của tội phạm trong BLHS 1999 khác so với BLHS I985 là chủ thể của tội hiếp dâm chỉ là nam giới.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Hình phạt
Hình phạt của Điều 111 quy định 4 khung như sau:
Khoản 1: Bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm trong trường hợp thông thường.
Khoản 2: Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Có tổ chức.
Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
Nhiều người hiếp một người.
Phạm tội nhiều lần.
Hiếp dâm đối với nhiều người.
Có tính chất loạn luân: Là trường hợp hiếp dâm người có quan hệ cùng dòng máu về trực hệ trong phạm vi 3 đời.
Làm nạn nhân có thai.
Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31 % đến 60% (hậu quả này thực hiện với hình thức lỗi vô ý).
Khoản 3: Phạt tù từ 12 năm đến tử hình nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61 % trở lên.
Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
Các hậu quả của 2 tình tiết này đều với hình thức lỗi vô ý.
Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội
Khoản 4: Phạm tội hiếp dâm mà nạn nhân từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi.
Chú ý: Nạn nhân của tội hiếp dâm là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
2.4.2. Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112)
Trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi các dấu hiệu pháp lý và các tình tiết định khung hoàn toàn giống Điều 111.
Với trẻ em dưới 13 tuổi thì chỉ cần có hành vi giao cấu, hay nói cách khác mọi hành vi giao cấu với người dưới 13 tuổi luôn cấu thành tội hiếp dâm trẻ em.
2.4.3. Tội cưỡng dâm (Điều 113)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm, các tình tiết định khung giống Điều 111.
Mặt khách quan của tội phạm có 2 nhóm hành vi
Nhóm 1: Được thực hiện bằng 1 trong 2 loại hành vi sau
@ Lợi dụng sự lệ thuộc của nạn nhân đối với mình. Có thể lệ thuộc về kinh tế, quan hệ gia đình, quan hệ công tác, quan hệ tín ngưỡng. Ví dụ: Cha mẹ kế với con riêng của vợ hoặc của chồng, mẹ chồng với con dâu, thủ trưởng với nhân viên.
@ Lợi dụng nạn nhân đang ở trong tình trạng quẫn bách: Là trường hợp nạn nhân đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của người khác thì họ rất khó khắc phục được như người thân, ruột thịt bị mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn nghiêm trọng mà gia đình không có tiền chữa chạy và không thể vay mượn được.
Nhóm 2: Hành vi giao cấu.
Đặc điểm của hành vi giao cấu là nạn nhân miễn cưỡng chịu sự giao cấu. Việc giao cấu hay không là do nạn nhân quyết định.
2.4.4. Tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114)
Chỉ khác Điều 113 về đối tượng tác động là trẻ em từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
2.4.5. Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm, các tình tiết định khung giống Điều 111.
Mặt khách quan của tội phạm đặc trưng bởi 2 dấu hiệu.
+ Hành vi khách quan là hành vi giao cấu có sự thuận tình của nạn nhân.
+ Đối tượng tác động của tội phạm là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
2.4.6. Tội dâm ô với trẻ em (Điều 116)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 111.
Mặt khách quan của tội phạm đặc trưng bởi 2 dấu hiệu
+ Hành vi khách quan là hành vi dâm ô. Hành vi dâm ô được biểu hiện là hành vi kích thích, khoái lạc về tình dục như sờ, mó, hôn hít vào các bộ phận gây kích thích về tình dục của trẻ em. Can phạm có thể trực tiếp thực hiện, cũng có thể thể bắt nạn nhân thực hiện các hành vi này.
+ Đối tượng tác động của tội phạm là trẻ em dưới 16 tuổi.
Ví dụ: Vụ án dâm ô trẻ em của ca sĩ người Anh xảy ra ở Vũng Tàu năm 2005.
2.4.7. Tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 117)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm đến sức khoẻ hoặc tính mạng của con người.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai bị nhiễm vi rút HIV.
Mặt chủ quan của tội phạm lỗi cố ý trực tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi truyền trực tiếp HIV từ mình sang nạn nhân.
2.4.8. Tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 118)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm đến sức khoẻ hoặc tính mạng của con người.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có thể bị nhiễm có thể không bị nhiễm vi rút HIV. Thông thường là bác sĩ thực hiện khi truyền máu cho người khác.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi truyền HIV từ người khác sang nạn nhân.
Đây là 2 tội phạm mới được quy định trong BLHS 1999.
2.4.9. Tội mua bán phụ nữ (Điều 119)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm đến nhân phẩm của người phụ nữ.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có NLTNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Đối tượng tác động của tội phạm là phụ nữ. Phụ nữ là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi mua bán phụ nữ.
Hành vi này thể hiện 3 dạng:
@ Chỉ có hành vi bán phụ nữ.
@ Có hành vi mua và hành vi bán.
@ Mới có hành vi mua nhưng nhằm mục đích để bán.
2.4.10. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khoẻ của trẻ em.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có NLTNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu.
+ Đối tượng tác động của tội phạm là trẻ em. Trẻ em là người dưới 16 tuổi.
+ Hành vi khách quan của tội phạm thực hiện bởi một trong các hành vi sau:
@ Hành vi mua bán trẻ em: Giống hành vi mua bán phụ nữ.
@ Hành vi đánh tráo trẻ em: Là hành vi đổi trẻ em nữ lấy trẻ em nam hoặc đổi trẻ em dị tật lấy trẻ em bình thường.
@ Hành vi chiếm đoạt trẻ em: Là hành vi cướp, bắt cóc, trộm cắp trẻ em.Câu hỏi
1.So sánh tội giết người với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
2.So sánh tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
3.Giết nhiều người là trường hợp giết chết từ 2 người trở lên.
4.Giết thầy cô giáo của mình là trường hợp giết nạn nhân là người đã hoặc đang giảng dạy người phạm tội.
So sánh tội giết người bằng không hành động với tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Bài tập tình huốngBài tập số 01:
Tạ Thị Lạng và Trần Thị Thuỳ trú tại thị trấn Di Linh (Lâm Đồng) là bạn thân với nhau. Sáng 09/4/1999, cả hai đi coi bói, trên đường về gặp Trương Văn Dương là người quen Thuỳ. Dương mời Thuỳ và Lạng vào nhà chơi. Trong khi trò chuyện Dương nói là biết xem bói rồi cầm tay Lạng nói: “Lạng bị tình duyên trắc trở, người ốm yếu, đêm khó ngủ, ngày nắng đau đầu vì bị ma ám. Nếu không cúng trừ giải ma thì đến ngày 27/07/1999 sẽ bị chết”. Lạng hỏi: “Muốn cúng giải ma thì tìm thầy ở đâu ?”. Dương trả lời là Dương biết cúng giải ma, Lạng và Thuỳ nhờ Dương cúng giải ma, Dương đồng ý.
Khi Lạng đem rượu, nhang đến nhờ Dương cúng, Dương nói phải cúng nơi thoáng đãng mới thiêng và phải cúng 09 lần mới trừ được con ma. Từ ngày 16/04 đến ngày 22/04, Dương cúng 07 lần trừ giải ma cho Lạng bằng hình thức bắt Lạng ngồi quay lưng lại, kéo áo lên ngang lưng xoa rượu vào tay, sau đó xoa vào lưng Lạng.
Lần cúng trừ giải ma lần thứ 08 vào lúc 12 giờ ngày 22/04, Dương đưa Lạng ra gốc cây cổ thụ sau vườn cách nhà Dương 100m. Ra tới gốc cây trời đổ mưa, hai người đứng dưới gốc cây nói chuyện, Dương ngỏ lời yêu Lạng. Lạng trả lời đã có người yêu. Dương kéo tay Lạng làm Lạng ngã xuống đất. Dương nói: “Nếu không cho quan hệ tình dục thì sẽ không cúng giải ma nữa và sẽ bỏ bùa cho điên dại và sẽ chết vào ngày 27/07”. Lạng không nói gì, Dương đẩy Lạng nằm ngửa ra đất, một tay đè lên ngực Lạng, một tay cởi quần áo của Lạng và thực hiện hành vi giao cấu.
Sau khi quan hệ xong, cả hai mặc quần áo về nhà Dương vào bếp sưởi ăn bánh nói chuyện. Dương nói: “Sáng mai đem sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân cho Dương để đi đăng ký kết hôn”. Vào lúc 7 giờ 30 ngày 25/04, Lạng đem sổ hộ khẩu, giấy chứng minh cho Dương. Dương nói hôm nay UBND không làm việc, hôm nay lại là ngày cúng ma cuối cùng nên để hôm khác đi đăng ký kết hôn.
Hai ngày sau đó, Dương và Lạng về vườn cách nhà Lạng 100m để cúng trừ ma. Cúng xong, Dương ôm lấy Lạng, trong khi cả hai ôm nhau chuẩn bị giao cấu thì ông Tiến bố Lạng bắt gặp, hô lên. Lạng và Dương đón xe xuống nhà chị Thuận (chị gái Dương) ngủ lại một đêm. Sáng hôm sau, hai người cùng chị Thuận về gặp ông Tiến xin phép cho Dương cưới Lạng. Gia đình ông Tiến hẹn 03 ngày sau sẽ trả lời, nhưng đến ngay sáng hôm sau thì ông Tiến cùng Lạng làm đơn tố cáo hành vi của Dương
Hãy xác định tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Bài tập số 02:
Vào khoảng 08 giờ ngày 30/4/2003 Đinh Trọng Tài đang tưới cà phê ngoài rẫy thì Nguyễn Nông hàng xóm chạy đến báo tin: “Mày về nhà ngay, thằng Cường con mày đã bị thằng An đánh chết”. Tài vội vàng phóng xe về nhà thì thấy Cường đang nằm sóng soài giữa nền nhà, máu chảy rỉ từ cánh tay ra. Hãy xác định tính chất pháp lý hành vi của Tài trong các trường hợp sau:
1- Tài chạy vào trong nhà lấy dao rựa chạy sang nhà An, tìm An để chém. Lúc này trong nhà An chỉ có Thuỷ (10 tuổi con của An) đang nấu ăn trong bếp. Tài đã dùng dao đâm chết Thuỷ.
2- Khi Tài về đến nhà thì thấy An vẫn đang xông vào đấm đá Cường, Tài chạy vào nhà lấy dao chém chết An.
3- Khi Tài về tới nhà thì An đã bỏ đi, Tài liền lấy dao chạy ngay đi tìm An, Tài đi tìm được An đang chơi ở nhà Dũng, Tài đã dùng dao đâm chết An.
Bài tập số 03:
Vào khoảng 08 giờ ngày 03/05/2003 Trần Văn Mạnh là chiến sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ dẫn giải Nguyễn Minh Hoàng từ trại giam Thừa Phủ lên trại giam Bình Điền để thi hành án phạt tù. Khi đến địa phận xã Diên Khánh cách trại cải tạo khoảng 1km, địa hình hiểm trở, phức tạp xe ôtô không chạy được nên Mạnh phải dẫn giải Hoàng đi bộ. Đi được khoảng 500 m, bất thình lình Hoàng quay lại túm cổ áo Mạnh, vật ngã Mạnh với mục đích lấy súng làm phương tiện chạy trốn. Trong lúc Mạnh bị đè ngã và giằng co khẩu súng. Mạnh dí súng vào đầu Hoàng bóp cò, đạn nổ làm Hoàng chết.
Hãy xác định tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Bài tập số 04:
Lê Công B và Đào Văn H là hai anh em đồng hao. Trong khi H đi làm xa, vợ con H vẫn ở chung với gia đình B.
Ngày 25/01/2001, nhân dịp về ăn tết, H và vợ có chuyện xích mích, cãi nhau. B thấy vậy nói xen vào: “Mày đi cả năm mới về một lần, không thèm đoái hoài tới vợ con, khi về lại cãi nhau, không thấy xấu hổ à”. H nói: “Đây là chuyện riêng của vợ chồng tôi, anh không được chõ mồm vào”. Thế là hai bên gây sự cãi nhau. Trong khi lời qua tiếng lại, H có nói: “Tao nghe dân làng nói, trong thời gian tao vắng nhà mày dan díu với vợ tao. Con tao là con mày, vợ tao là vợ mày”, đồng thời đấm B một cái vào mặt. B tức giận chạy từ nhà ngoài (chỗ hai người cãi nhau) qua phòng trong vào bếp lấy con dao nhựa dài 40 cm đem ra ngoài nhắm đầu H chém liền 3 nhát. H bị 3 vết thương nặng, trong đó có một vết chém dài 08 cm ở vùng trán phải, làm vỡ xương sọ.
Do được đưa đi cứu chữa kịp thời tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nên H thoát chết nhưng phải mang thương tích suốt đời với tỷ lệ thương tật là 65%.
Trong quá trình điều tra cho thấy giữa hai người B và H không có mâu thuẫn gì.
Hãy đánh giá tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Bài tập số 05:
Bảo Thị Hoài P và anh Lê Văn L cùng quê ở Đồng Tháp, kết hôn với nhau từ năm 1985, đã có một con chung 6 tuổi. Trong thời gian chung sống, L thường xuyên ngược đãi và đánh đập P nên hai người đã có giai đoạn sống ly thân với nhau.
Đến năm 1995, cả hai đã hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng và lên Thành phố HCM làm ăn, sinh sống. Ngày 08/02/2002, do hai người có mâu thuẫn nhỏ trong việc giáo dục con, L và P đã lời qua tiếng lại với nhau. Trong lúc nóng giận, L đã doạ đòi giết P và lấy con dao chặt xương để bên cạnh giường rồi đi ngủ.
Thấy con dao đặt cạnh chồng, P thấy sợ liền lấy cất đi. Vừa lúc đó, L giật mình tỉnh dậy, giằng con dao trên tay P làm dao rơi trúng cổ L. Sợ L chém mình nên P chụp vội lấy con dao và chém nhiều nhát vào đầu, lưng L. Khi L chết, lo sợ bị phát hiện nên P đã cắt xác L ra nhiều phần cho vào bao bì, sau đó thuê xích lô đến chở xác L và giấu ở ba nơi.
Thực hiện xong việc tẩu tán xác L, P bỏ trốn về Đồng Tháp và một tuần sau thì bị bắt.
Hãy xác định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với P.
Bài tập số 06:
Phạm Anh H đi ô tô từ Hà Nội về Thị trấn K rồi từ đó cuốc bộ về nhà. Đi được khoảng hơn 1 km, do mệt mỏi H kiếm một lô đất bên đường ngồi nghỉ. Đang lúc lúi húi mở túi du lịch lấy chai rượu để uống vài ngụm cho lại sức thì bất ngờ một tiếng quát: “Ngồi im, động đậy tao giết” kèm theo tiếng quát là một mũi dao nhọ dí sát vào sườn của H. Tên này buộc anh phải đưa các thứ mang theo người như: túi du lịch, đồng hồ, tiền.
Thấy túi ngực anh H căng phồng, tên cướp tưởng là có tiền nên tay phải cầm dao tay trái lần mở cúc túi áo. Lợi dụng lúc tên cướp sơ hở, H đã dùng cùi chỏ thúc mạnh ra đằng sau vào ngực tên cướp và tay kia gạt mạnh hất con dao bắn ra xa và đấm vào mặt tên cướp. Tên cướp tránh quả đấm và sau đó dùng châm đạp mạnh vào ngực H, rồi cả hai người nhảy vào nhau vật lộn dữ dội. Cuối cùng H chống chân lật mạnh người đè lên người tên cướp rồi đấm liên tiếp vào mặt vào bụng tên cướp làm máu mồm, máu mũi hộc ra, ôm bụng quằn quại dưới đất. H đứng dậy toàn thân ê ẩm, chân tay xây xát, máu chảy nhiều. Anh vớ lấy chai rượu đang nằm nghiêng bên đường nhằm thẳng vào đầu tên cướp đang nằm dưới đất đập mạnh một nhát rồi lấy đồ đi về nhà.
Qua điều tra xác định, tên cướp tên là Nguyễn Quang S (người thị trấn K là con nghiện có nhiều tiền án, tiền sự). H đã được người dân phát hiện đưa đi cứu chữa. Do bị thương quá nặng, nên 25 ngày sau S bị chết.
Hãy đánh giá tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Bài tập số 07:
Tối ngày 24/04/2002, Nguyễn Văn K đang ở nhà thì thấy có người gọi ngoài ngõ. K ra xem ai gọi mình, nhưng do trời tối, chưa nhìn thấy ai thì bất thình lình bị nhiều người xông vào đấm đá túi bụi, thấy vậy K vội kêu cứu và bỏ chạy nhưng số người này vẫn đuổi theo tấn công. Sẳn có con dao nhíp trong túi, K rút ra nói: “Tao không có thù oán với đứa nào cả, để tao yên. Nếu đứa nào xông vào tao đâm chết”. Những người đuổi theo vẫn lao vào đánh, K bị ngã nhưng chúng vẫn không tha, sẵn có con dao trong tay K đâm ngược lại phía sau, không ngờ trúng tim một người trong bọn chúng chết ngay tại chỗ. Thấy vậy, cả bọn sợ bỏ chạy, sau đó K ra cơ quan công an trình báo sự việc.
Tại cơ quan công an, K được biết người chết là Nguyễn Văn B người làng bên. Do căm tức K tìm hiểu yêu đương Nguyễn Thị L là bạn thân của mình nên B đã rủ một số thanh niên trong làng tìm gặp cho K một bài học và dẫn đến sự việc đau lòng như đã nêu trên.
Hãy đánh giá tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Chương 3.
CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU3.1. KHÁI NIỆM CHUNG
Văn bản áp dụng pháp luật: Thông tư 02/01/TTLN ngày 25/12/2001 của liên ngành TANDTC – VKSNDTC – BTP – BCA hướng dẫn áp dụng các tội xâm phạm sở hữu
3.1.1. Khái niệm
Các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi xâm phạm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt về tài sản của người khác.
1.1.2. Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của các tội xâm phạm sở hữu là quan hệ sở hữu về tài sản.
Mặt khách quan của tội phạm
Về hành vi khách quan hầu hết các tội xâm phạm sở hữu được thực hiện bằng hành động (trừ Điều 143 có thể thực hiện bằng không hành động).
Về hậu quả đa số các tội xâm phạm sở hữu có CTTP vật chất, chỉ có một số tội có CTTP hình thức như Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Tội cướp tài sản, Tội cưỡng đoạt tài sản.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có NLTNHS
Mặt chủ quan của tội phạm: Đa số các tội thực hiện bởi hình thức lỗi cố ý, có một số tội có hình thức lỗi vô ý.
Căn cứ vào tính chất của hành vi khách quan xâm hại đến các quyền năng trong quyền sở hữu đối với tài sản, các tội xâm phạm sở hữu được chia làm 2 nhóm:
+ Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt được quy định từ Điều 133 đến Điều 140.
+ Các tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt được quy định từ Điều 141 đến Điều 145.
Chiếm đoạt tài sản là cố ý chuyển biến một cách bất hợp pháp tài sản của người khác thành tài sản của mình.
Tuỳ theo từng loại tội phạm mà dấu hiệu chiếm đoạt tài sản có thể được phản ánh là dấu hiệu mục đích chiếm đoạt như Tội cướp tài sản, hay dấu hiệu hành vi chiếm đoạt như Tội cướp giật tài sản, hoặc là dấu hiệu hậu quả chiếm đoạt như tội trộm cắp tài sản.
3.2. CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU CÓ TÍNH CHIẾM ĐOẠT
3.2.1. Tội cướp tài sản (Điều 133)
Khái niệm
Tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm: Tội cướp tài sản trực tiếp xâm hại đến 2 quan hệ xã hội sau:
@ Quan hệ nhân thân, đó là quan hệ về tính mạng, sức khoẻ con người.
@ Quan hệ tài sản.
Mặt khách quan của tội phạm chỉ đặc trưng bởi dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội cướp tài sản được thực hiện bằng 1 trong 3 hành vi sau:
@ Hành vi dùng vũ lực: Dùng sức mạnh về vật chất, thể chất tác động lên người khác như xô ngã, chặn xe, đánh, chém…
@ Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc: Có lời nói, cử chỉ khống chế tác động lên tư tưởng của người khác để người này tin rằng nếu không đưa tài sản cho can phạm thì việc dùng vũ lực sẽ xảy ra ngay không tránh khỏi. Cụm từ “ngay tức khắc” chỉ:
Sự mãnh liệt của hành vi đe doạ.
Khoảng cách thời gian không có sự gián đoạn giữa hành vi đe doạ và hành vi dùng vũ lực.
Ví dụ: Đ giơ súng doạ bắn, rút dao doạ chém, doạ đâm. Để đánh giá hành vi đe doạ dùng vũ lực có phải “ngay tức khắc” hay không phải căn cứ vào:
– Thái độ, cử chỉ, tính chất hành vi đe doạ.
– Công cụ, phương tiện người phạm tội sử dụng.
– Không gian, thời gian, hoàn cảnh, địa điểm sự việc xảy ra.
* Hành vi khác: Cho nạn nhân uống thuốc ngủ, dùng ê te, các loại thuốc hướng thần khác.
Tội cướp hoàn thành khi can phạm thực hiện một trong ba hành vi nên trên. Đặc điểm của các hành vi này phải làm tê liệt ý chí (làm nạn nhân không nhận thức, không biết sự việc đang xảy ra) hoặc làm tê liệt khả năng chống cự (biết sự việc xảy ra nhưng không có khả năng phản kháng) của nạn nhân. Việc lấy tài sản hay không là do người phạm tội quyết định.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Lỗi cố ý trực tiếp
+ Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích chiếm đoạt tài sản luôn phải xuất hiện trước hoặc muộn nhất là đồng thời với thời điểm thực hiện hành vi khách quan.
Hình phạt
Hình phạt của tội cướp quy định 4 khung:
Khoản 1: Phạt tù từ 3 năm đến 10 năm trong trường hợp thông thường (trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng).
Khoản 2: Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Có tổ chức: Băng cướp có nhiều người tham gia, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội.
Có tính chất chuyên nghiệp: Là trường hợp can phạm lấy việc cướp là nghề sống chính, tài sản cướp được là nguồn thu nhập chính.
Tái phạm nguy hiểm: Là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc đã tái phạm chưa được xoá án tích lại phạm tội cướp tài sản.
Ngoài 4 tình tiết định khung này tội cướp tài sản còn quy định 3 loại tình tiết định khung khác trong 3 khoản chúng đều phản ánh là hậu quả của tội cướp, giữa chúng chỉ khác nhau về mức độ, nên các loại tình tiết định khung này có thể thể hiện trong mối tương quan như sau:
1. Gây thương tích làm chết người.– Đặc điểm của tình tiết này là lỗi vô ý và là hậu quả trực tiếp. Khoản 2 Khoản 3 Khoản 4
Tỷ lệ thương tật từ 11 – 30% Tỷ lệ thương tật từ 31 – 60% Tỷ lệ thương tật trên 60% hoặc làm chết người
2. Chiếm đoạt tài sản. Lỗi cố ý – hậu quả trực tiếp Tài sản bị chiếm đoạt từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng Tài sản bị chiếm đoạt từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng. Tài sản bị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.
3. Gây hậu quả khác. Lỗi vô ý – hậu quả gián tiếp.– Chết người
– Gây thương tích tỷ lệ thương tật mỗi người từ trên 61%
– Thiệt hại về tài sản:
Gây hậu quả nghiệm trọng– 1 người
– 1 hoặc 2 người
– Từ 50 – 500 triệu đồng.
Gây hậu quả rất nghiêm trọng– 2 người
– 3 hoặc 4 người
– Từ 500 – 1.500 triệu đồng.
Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng– Từ 3 người trở lên
– Từ 5 người trở lên
– Từ 1.500 triệu đồng trở lên.
3.2.2. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134)
Khái niệm
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan và các tình tiết định khung giống tội cướp tài sản Điều 133.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng hai loại hành vi.
* Hành vi bắt cóc người khác làm con tin. Bắt cóc là hành vi bắt giữ người trái phép, có thể thực hiện bằng các thủ đoạn như dùng vũ lực, dụ dỗ, lừa dối, bắt trộm. Con tin có thể là bất kỳ người nào có ảnh hưởng về mặt tình cảm với người quản lý tài sản.
* Hành vi đòi tiền chuộc (hành vi tống tiền). Hành vi đe doạ người quản lý tài sản nếu không giao nộp tiền cho can phạm thì tính mạng, sức khoẻ của con tin bị đe doạ. Hành vi này có thể được thể hiện qua thư nặc danh, điện thoại hoặc gặp trực tiếp.
Tội phạm hoàn thành khi can phạm có hành vi tống tiền.
3.2.3. Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm, các tình tiết định khung giống Điều 133 tội cướp tài sản.
Mặt khách quan của tội phạm chỉ đặc trưng bởi dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của Điều 135 được thực hiện bằng một trong hai loại hành vi:
* Hành vi đe doạ dùng vũ lực. Can phạm có lời nói khống chế về tinh thần người quản lý tài sản nếu không đưa tài sản cho can phạm thì can phạm sẽ dùng vũ lực gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân. Hành vi đe doạ dùng vũ lực ít mãnh liệt, khoảng cách giữa hành vi đe doạ với hành vi dùng vũ lực có sự gián đoạn về mặt thời gian.
Ví dụ: A giơ kim tiêm về phía B nói có SiDa nếu không đưa cho A 500.000 đồng, A chích kim tiêm vào người B.
* Hành vi khác uy hiếp về mặt tinh thần người quản lý tài sản. Doạ tố cáo về hành vi phạm pháp hoặc tố cáo về vấn đề đời tư.
Đặc điểm của hành vi trên chỉ khống chế một phần về tư tưởng của nạn nhân. Việc giao tài sản cho can phạm hay không là do nạn nhân quyết định trong sự miễn cưỡng.
Ví dụ: A buôn hàng cấm, B khống chế A đưa cho B 1.000.000 đồng nếu không sẽ báo Công an bắt giữ A.
Tội phạm hoàn thành khi can phạm thực hiện một trong hai hành vi trên.
3.2.4. Tội cướp giật tài sản (Điều 136)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm quan hệ sở hữu.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có NLTNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Đặc điểm của hành vi chiếm đoạt tài sản của tội cướp giật tài sản là mang tính công khaivà nhanh chóng
Tính chất nhanh chóng của hành vi chiếm đoạt của tội cướp giật thể hiện ở cả ba giai đoạn trong quá trình chiếm đoạt tài sản, đó là:
@ Nhanh chóng tiếp cận tài sản.
@ Nhanh chóng chiếm đoạt tài sản.
@ Nhanh chóng tẩu thoát tài sản.
Ngoài hành vi chiếm đoạt tài sản ra can phạm không có bất kỳ thủ đoạn nào để tiếp cận với tài sản.
Để thoả mãn đặc điểm này tài sản chiếm đoạt phải là vật gọn, nhỏ dễ lấy, dễ mang đi như dây chuyền, bông tai, túi xách. Thời điểm chuyển giao tài sản là do người phạm tội giật lấy.
3.2.5. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 136.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Hành vi khách quan là hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi này có đặc điểm là mang tínhcông khai và ngang nhiên.
Tính chất ngang nhiên của hành vi chiếm đoạt tài sản của tội phạm thể hiện ở các điều kiện sau:
* Từ thời điểm hình thành ý định phạm tội cho đến khi lấy được tài sản can phạm không có bất kỳ một thủ đoạn nào, không có ý thức đối phó, đương đầu với người quản lý tài sản, không có ý thức chạy trốn hay nhanh chóng tẩu thoát.
* Tội phạm xảy ra trong hoàn cảnh người quản lý tài sản biết người phạm tội đang chiếm đoạt tài sản của mình nhưng không có điều kiện và khả năng ngăn cản việc thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Ví dụ: B biết được A đang đứng tầng 5 nhìn xuống đất coi chiếc xe máy của mình để dưới sân, B mở khoá lấy đi.
+ Đối tượng tác động của tội phạm: Tài sản chiếm đoạt phải trị giá từ 500.000 đồng trở lên, nếu dưới 500.000 đồng thì phải thoả mãn 1 trong 3 điều kiện.
Gây hậu quả nghiêm trọng.
Đã bị xử lý hành chính về một trong những hành vi chiếm đoạt.
Đã bị kết án về một trong các tội chiếm đoạt nhưng chưa được xoá án tích.
(Các điều kiện này sẽ được giải thích trong Tội trộm cắp tài sản).
3.2.6. Tội trộm cắp tài sản (Điều 138)
Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 137.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan được thực hiện bởi hai hành vi:
* Hành vi lén lút: Là hành vi che giấu việc thực hiện hành vi phạm tội đối với người quản lý tài sản. Ví dụ: Lợi dụng hoặc tạo ra sự sơ hở của người quản lý tài sản, dùng chìa khoá mở cửa, cạy cửa…
* Hành vi chiếm đoạt tài sản: Đặc điểm của hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản là tại thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng người quản lý tài sản không biết được hành vi chiếm đoạt tài sản của mình.
+ Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản bị chiếm đoạt phải thoả mãn hai điều kiện:
Là tài sản đang do người khác quản lý, bao gồm các nhóm sau:
Những tài sản đang thuộc sự chiếm hữu về mặt thực tế của người quản lý tài sản. Ví dụ, ví tiền có 30 triệu đồng bỏ trong túi quần.
Những tài sản tuy thoát ly khỏi sự chiếm hữu về mặt thực tế của người quản lý tài sản nhưng nằm trong khu vực quản lý. Ví dụ, tài sản bỏ trong phòng ở của khách sạn.
Những tài sản không nằm trong khu vực quản lý nhưng hình thành khu vực quản lý riêng. Ví dụ, nguyên vật liệu tập kích tại một địa điểm nơi công cộng.
Tài sản chiếm đoạt phải trị giá từ 500.000 đồng trở lên. Nếu dưới 500.000 đồng phải thoả mãn một trong ba điều kiện sau:
Gây hậu quả nghiêm trọng: Là hậu quả gián tiếp của hành vi trộm cắp và hậu quả này thực hiện với hình thức lỗi vô ý, có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự trị an xã hội (như đã phân tích ở tội cướp tài sản).
Đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Can phạm đã thực hiện một trong các hành vi cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà trong thời hạn một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính hoặc quyết định xử lý kỷ luật lại tiếp tục trộm cắp tài sản trị giá dưới 500.000 đồng.
Đã bị kết án về một trong những tội chiếm đoạt chưa được xoá án tích.
Vi phạm từ hai lần trở lên có tính liên tục, mỗi lần giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 500.000 đồng (trường hợp này mới được hướng dẫn trong Thông tư số 02/2001).
+ Hậu quả của tội phạm: Thời điểm phạm tội hoàn thành khi can phạm chiếm đoạt được tài sản, hay nói cách khác trong CTTP của tội trộm cắp phải có dấu hiệu hậu quả. Thời điểm tội phạm được coi là chiếm đoạt được tài sản tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng loại tài sản, thể hiện cụ thể như sau:
@ Can phạm đã cất giữ tài sản trong người nếu tài sản chiếm đoạt là vật gọn, nhỏ.
@ Can phạm đã mang ra khỏi khu vực quản lý nếu là tài sản cồng kềnh.
@ Can phạm đã xê dịch tài sản khỏi vị trí ban đầu nếu là tài sản hình thành khu vực quản lý riêng.
Các tình tiết định khung
Tình tiết định khung của tội trộm cắp tài sản giống các tình tiết định khung của tội cướp tài sản và có thêm tình tiết hành hung để tẩu thoát.
Về tình tiết định khung tăng nặng – Hành hung để tẩu thoát là tình tiết định khung tăng nặng của tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, và tội trộm cắp tài sản. Tình tiết này phải thoả mãn các điều kiện:
Về nội dung của tình tiết hành hung để tẩu thoát: Can phạm thực hiện một trong ba hành vi trên nhưng trong quá trình thực hiện bị phát hiện can phạm đã có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực nhằm tẩu thoát về người hoặc tài sản.
Về thời điểm hành hung: Nếu can phạm đã lấy được tài sản bị người khác phát hiện mà tài sản đang nằm trong tay người phạm tội, người phạm tội có hành vi hành hung để giữ bằng được tài sản đã lấy.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện 1 trong 3 loại tội này mà can phạm có hành vi hành hung sẽ chuyển hoá thành tội cướp tài sản nếu thuộc hai trường hợp sau:
@ Nếu can phạm thực hiện hành vi trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản chưa lấy được tài sản, bị phát hiện mà có hành vi hành hung để lấy tài sản.
@ Đã lấy tài sản nhưng đã bị người khác lấy lại hoặc tài sản đang giành giật trên tay người phạm tội mà can phạm có hành vi hành hung để lấy tài sản chỉ xử lý về Tội cướp tài sản.
3.2.7. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm, giá trị tài sản chiếm đoạt: giống tội trộm cắp tài sản.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan thể hiện ở 2 hành vi:
Hành vi gian dối. Là hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật để người khác tin đó là sự thật. Ví dụ A nói với bố mẹ B là B bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện, yêu cầu bố mẹ B đưa cho A 5.000 000 đồng để chi phí chi việc điều trị cho B sau đó đã chiếm đoạt số tiền này.
Hành vi chiếm đoạt tài sản. Hình thức chiếm đoạt tài sản được thể hiện ở hai dạng:
+ Giao nhầm: Nếu tài sản chiếm đoạt nằm trong tay người quản lý tài sản.
+ Nhận nhầm: Nếu tài sản chiếm đoạt nằm trong tay người phạm tội.
Đặc điểm việc chuyển giao tài sản: Người quản lý tài sản do bị lừa dối nên đã tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội.
+ Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu được phản ánh trong CTTP. Tội phạm hoàn thành khi can phạm chiếm đoạt được tài sản.
3.2.8. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140)
Khách thể, mặt chủ quan, chủ thể của tội phạm giống tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan được thực hiện bằng một trong 3 loại hành vi sau:
Sau khi nhận được tài sản trên cơ sở của hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó. Ví dụ: A vận chuyển cho B một lô hàng điện tử, A tạo hiện trường giả tàu bị đắm để lấy lô hàng.
Sau khi nhận được tài sản trên cơ sở của hợp đồng rồi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó. Ví dụ: A tham gia dây hụi sau khi bốc hụi xong bỏ trốn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các con hụi khác.
Sau khi nhận được tài sản trên cơ sở hợp đồng đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Ví dụ: A mượn tiền của B đánh bạc, mua bán ma tuý bị bắt và tịch thu tài sản, tang vật.
+ Đối tượng tác động của tội phạm: Về giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ 1 triệu đồng trở lên, nếu dưới 1 triệu đồng phải thoả mãn một trong ba điều kiện.
Gây hậu quả nghiêm trọng.
Đã bị xử lý hành chính về một trong những hành vi chiếm đoạt.
Đã bị kết án về một trong các tội chiếm đoạt nhưng chưa được xoá án tích.
(Các điều kiện này đã được giải thích trong Tội trộm cắp tài sản)
* Sự khác nhau giữa tội lừa đảo với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. thể hiện ở các tiêu chí sau:
1. Chủ thể Điều 139 Điều 140
Bất kỳ ai Bất kỳ ai được chủ tài sản tín nhiệm giao tài sản
2. Mặt khách quan – Tài sản chiếm đoạt từ trên 500.000 đồng – Tài sản chiếm đoạt từ trên 1 triệu đồng
– Giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
– Hành vi khách quan – Luôn phải có hành vi gian dối, hành vi gian dối, hành vi phải thực hiện trước thời điểm chuyển giao tài sản – Có thể có hành vi gian dối, có thể không, nếu có hành vi gian dối luôn phải thực hiện sau thời điểm chuyển giao tài sản.
– Đặc điểm tài sản – Tại thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu bất hợp pháp của người phạm tội – Tại thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người phạm tội.
3.3. CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU KHÔNG CÓ TÍNH CHIẾM ĐOẠT
3.3.1. Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141)
Khách thể của tội phạm xâm phạm quan hệ sở hữu.
Chủ thể của tội phạm bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm lỗi cố ý trực tiếp
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan cố tình không nộp trả lại tài sản cho người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm sau khi đã có yêu cầu được nhận lại tài sản theo quy định của pháp luật như bán, tiêu dùng, tẩu tán, từ chối việc giao nội.
+ Đối tượng tác động của tội phạm thể hiện ở 2 điều kiện sau:
@ Nguồn gốc tài sản. Do tìm được, bắt được ngẫu nhiên, được giao nhầm Tức là tại thời điểm có tài sản can phạm không có lỗi đối với tài sản có được.
Ví dụ: Tài sản đào bới được trong lòng đất, tài sản nhặt được của người khác đánh rơi.
@ Loại tài sản.
Cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hoá.
Tài sản khác có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên.
3.3.2. Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142)
Khách thể, chủ thể của tội phạm giống Điều 141
Mặt chủ quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Lỗi cố ý trực tiếp
+ Động cơ vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác. Tức là hành vi khai thác quyền năng sử dụng của tài sản mà không được sự đồng ý chủ tài sản, hành vi này không làm mất đi quyền năng định đoạt của chủ tài sản với tài sản. Sau thời gian sử dụng tài sản, tài sản không bị mất đi vẫn còn nguyên tính năng sử dụng ban đầu.
Ví dụ: A sang nhà hàng xóm lấy xe máy đi chở hàng trong lúc không có ai ở nhà, sau đó trả lại xe ở vị trí cũ.
+ Hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm nếu tài sản sử dụng trị giá từ 50 triệu đồng trở lên và phải thoả mãn 1 trong 3 điều kiện.
Gây hậu quả nghiêm trọng.
Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.
Đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích.
Các tình tiết này về nội dung giống tội trộm cắp tài sản.
Thông thường, tài sản là đối tượng tác động của tội này là những vật không tiêu hao như bất động sản, xe máy, ô tô.
3.3.3. Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 141.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác, thường thể hiện ở hành vi đập, phá, gây nổ, gây cháy. Có thể thực hiện bằng hành động hoặc không hành động.
+ Hậu quả của tội phạm, tội phạm hoàn thành khi tài sản nói trên bị hư hỏng, bị huỷ hoại trị giá từ 500.000đ trở lên. Nếu tài sản bị huỷ hoại giá trị dưới 500.000 đồng phải thoả mãn 1 trong 3 điều kiện giống tội sử dụng trên phép tài sản.
Chú ý: Đối tượng tác động của Điều 143 không phải là những công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Vì hành vi huỷ hoại những tài sản này cấu thành Điều 231 tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
3.3.4. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước (Điều 144)
Khách thể của tội phạm xâm phạm quan hệ sở hữu Nhà nước.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi thiếu trách nhiệm, tức là hành vi không làm, làm không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao như: bảo vệ bỏ vị trí trực làm mất tài sản.
+ Hậu quả của tội phạm tài sản Nhà nước bị mất, hư hỏng, lãng phí trị giá từ 50 triệu đồng trở lên.
Chủ thể của tội phạm: Là người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản Nhà nước. Như bảo vệ, thủ kho, thủ trưởng cơ quan, lái xe…
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý cẩu thả.
3.3.5. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 145)
Khách thể của tội phạm xâm phạm quan hệ sở hữu.
Chủ thể của tội phạm bất kỳ ai có NLTNHS.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở 2 dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi không tuân thủ, tuân thủ không đúng, không đầy đủ quy tắc bảo quản tài sản.
+ Hậu quả của tội phạm tài sản bị thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi vô ý cẩu thả hoặc vì quá tự tin.
Câu hỏi
So sánh tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản.
So sánh tội cướp tài sản với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
So sánh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
So sánh tội cướp tài sản với tội cướp giật tài sản.
Bài tập tình huống
Bài tập số 01
Thành yêu cầu Tám trả lại số tiền đó nhưng Tám kiên quyết từ chối với lý do là vé không trúng thưởng.
Xác định Tám có phạm tội không. Tội gì ? Tại sao?
Bài tập số 02
Trần Hùng là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Vào khoảng 09 giờ ngày 20 tháng 08 năm 2002, Hùng đi xe máy tới trường rồi gửi xe vào bãi giữ xe của trường nhưng vẫn cắm chìa khoá ở ổ khoá. Khi Hùng đi khỏi Nguyễn Thành phát hiện thấy xe của Hùng có chìa cắm ở ổ khoá đã lợi dụng lúc người giữ xe không để ý, rút lấy chìa khoá đó rồi đi ra ngoài. Khoảng 10 phút sau Thành quay lại tra chìa vào ổ khoá chiếc xe của Hùng rồi dắt xe ra ngoài. Khi người giữ xe hỏi thẻ giữ xe, Thành luống cuống trả lời là dắt lộn xe rồi dắt xe quay lại để ở vị trí cũ. Người giữ xe thấy có nghi ngờ nên đã bắt giữ Thành. Qua điều tra Thành khai nhận diễn biến vụ việc như trên.
Hãy xác định trách nhiệm hình sự của Thành.
Bài tập số 03
Trần Hoàn trú tại Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), làm thuê cho cửa hàng điện tử số 37 Hùng Vương, thành phố Đà Nẵng. Hoàng thường xuyên nhận nhiệm vụ giao hàng điện tử cho Hoàn Mỹ trú tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Do có quan hệ quen biết với Mỹ nên Hoàn nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trong nhà Mỹ. Hoàn đã bàn bạc với Chuyên và Huy, được hai tên đồng ý.
Vào lúc 16 giờ ngày 20/10/2003, theo kế hoạch Huy chui vào thùng đựng tủ lạnh. Hoàn và Chuyên đã mang thùng hàng này tới nhà Mỹ và nói với Mỹ cho gửi lại sáng mai tới lấy để đưa vào giao cho người khác ở Tam Kỳ. Khoảng 23 giờ khi mọi người trong nhà ngủ im ắng, Huy chui ra khỏi thùng hàng mở chốt cửa phía trong nhà Mỹ cho Hoàn và Chuyên đợi sẵn ngoài cổng vào trong nhà, 03 tên lấy được 3 linh kiện hàng trị giá 50 triệu đồng bán tiêu xài.
Hãy xác định tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Bài tập số 04
Hoàng Văn Huy do muốn có tiền tiêu xài nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Huy theo dõi thấy cô giáo Thuỷ đang đi dạy về qua đường nên Huy đã giả danh là một sinh viên, ăn mặc lịch sự, đón xe của cô Thuỷ quá giang và được Thuỷ đồng ý cho đi nhờ, rồi Thuỷ giao tay lái cho Huy. Khi qua đoạn đường vắng người, Huy giả vờ đánh rơi chiếc mũ và dừng lại, rồi nhờ cô Thuỷ quay lại nhặt hộ mũ. Khi Thuỷ đi nhặt mũ thì Huy phóng xe máy tẩu thoát. Thấy vậy, Thuỷ hô “cướp, cướp” và Huy đã bị những người dân làm việc gần đấy bắt giữ.
Hãy xác định Huy phạm tội gì. Tại sao?
Bài tập số 05
Ông Trần Đình Khang trú tại huyện Mỹ Đức (Hà Tây) có hai con vịt đẻ thường xuyên thả ra cánh đồng trước nhà. Chiều 09/06/2000, không thấy vịt về, Khang đi tìm thì được một số người cho biết là Thái Hoàng Phương (bảo vệ thôn) đã lùa vịt từ ruộng mạ vào bãi dâu để bắt. Khang lên UBND xã báo sự việc. Sáng hôm sau, Khang tìm thấy hai con vịt bị khoá cánh đã chết nằm cạnh một quả trứng trong bãi dâu. Khang đã đến UBND xã báo cáo thì gặp Phương đang ở đó. Khang yêu cầu Phương viết giấy đền bù hai con vịt đẻ là 500.000đ. Vì sợ bị cắt hợp đồng bảo vệ nên Phương đã ký nhận vào giấy cam kết nhưng sau đó không thực hiện. Khang làm đơn yêu cầu uỷ ban xã giải quyết. Chiều 12/7/2000, xã mời hai bên lên hoà giải lần cuối cùng nhưng không thành. Khang ra về với lời lăng mạ thách thức sẽ xử theo luật rừng và sẽ về nhà Phương bắt trâu để thực hiện cam kết.
Trên đường từ xã về, Khang ghé nhà Phương thì gặp Trương Thị Quỳnh (vợ Phương) đang dắt trâu vào chuồng. Khang xông vào túm lấy thừng trâu giằng co với Quỳnh. Thừng đứt, trâu sổng chuồng lội xuống ao làng. Khang lội xuống ao dắt trâu về nhà hằng ngày đi chăn giữ nhằm thi hành án.
Trong lúc giằng co trâu, thừng đứt Quỳnh bị ngã va đầu vào tường tỷ lệ thương tật 11%.
Hãy đánh giá tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Bài tập số 06
Khoảng 16 giờ ngày 30 tháng 09 năm 2003, Đoàn Minh Đĩnh trú ở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh cao hứng chở vợ là Mạc Thị Ngân đến thăm nhà người bạn là Huệ ở cách nhà Đĩnh khoảng 2 km. Tại nhà Huệ, uống xong 1 tuần trà, Đĩnh bảo vợ: “Em ở lại chơi với Huệ, anh về cho heo ăn”, rồi Đĩnh lấy xe đi về nhà. Ngân vừa nói chuyện với Huệ vừa hồ nghi trong bụng, bởi chính Ngân vừa cho heo ăn xong. Hơn nữa, từ trước tới nay Đĩnh đâu có để ý tới chuyện nuôi heo, cớ gì hôm nay lại quan tâm như vậy. Ngân nói với Huệ cho qua chuyện rồi ra thuê xe ôm về nhà quyết tìm cho ra sự thật.
Tới nhà, cửa nhà mở, trong nhà im ắng, Ngân lại nghe có tiếng nói nho nhỏ, tiếng thở khe khẽ. Ngân cầm cái kéo may, đạp mạnh cửa buồng xông vào và sững sờ nhìn thấy chồng mình đang cùng chị Yến Vy (người hàng xóm đã có chồng) đang làm chuyện mây mưa trên giường.
Ngân quơ hết mớ quần áo của 02 người vứt ra khỏi buồng. Tiếp đến, Ngân nhảy vào tát vào mặt Vy 02 cái và đạp 03 đạp. Vy ngồi im không dám la. Đĩnh cũng ngồi im ôm gối sợ vợ làm to chuyện. Ngân đánh đấm Vy một hồi mỏi tay chân, Ngân quay ra dùng kéo cắt tóc Vy. Ngân vừa cắt tóc Vy, vừa doạ: “Mày khôn hồn thì ngồi im, nếu chống cự thì tao la làng ngay cho mọi người đến coi thử xem ai xấu hổ”.Vy phải cúi lạy Ngân, xin Ngân tha thứ. Ngân nói: “Mày phải mua danh dự”. Vy năn nỉ Ngân cho đền 2 con bò có sẵn bên nhà nhưng Ngân không đồng ý. Sau đó, Ngân thấy sợi dây chuyền 3 chỉ lấp lánh trên ngực Vy, Ngân cởi ra lấy luôn rồi cho Vy và Đĩnh mặc quần áo ra về.
Hãy xác định tính chất pháp lý của vụ án trên.
Bài tập số 07
Chiều 09/6/2001, ông Ngô Hà (trú tại thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà) mua 02 vé xổ số kiến thiết loại vé 3.000đ. Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, anh Nguyễn Lam hàng xóm sang chơi, do không biết chữ nên Hà đã đưa cho Lam 02 vé số nhờ dò hộ. Khi dò vé số thấy 02 vé số trúng giải đặc biệt với số tiền 150 triệu đồng. Vì lòng tham muốn chiếm đoạt 02 vé số đó nên Lam nói là vé không trúng thưởng rồi vứt 02 vé số vào sọt rác trong góc nhà ông Hà. Sau 15 phút, Lam về nói với vợ là bà Nga: “Trong sọt rác nhà ông Hà có 02 vé số trúng giải đặc biệt cô qua đó giả vờ xin tấm bìa rồi lấy về”. Nga thực hiện theo sự sắp đặt của Lam lấy được 02 vé số về rồi 02 vợ chồng đi nhận thưởng.
Hãy xác định trách nhiệm hình sự của Hà và Nga.
Chương 4.
CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
4.1. KHÁI NIỆM CHUNG
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thông qua hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
1.1.2. Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xâm hại chế độ quản lý, điều hành nền kinh tế Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xâm phạm quyền và lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Mặt khách quan của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thể hiện ở các hành vi cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước bằng nhiều loại hành vi khác nhau.
Đa số các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có cấu thành tội phạm (CTTP) hình thức- tức là trong mặt khách quan chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan. Một số tội, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc như Điều 165
Chủ thể của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Người thực hiện các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có thể là bất kỳ ai đạt độ tuổi chịu TNHS và có NLTNHS
Mặt chủ quan của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thực hiện với hình thức lỗi cố ý trực tiếp.
4.2. CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ
4.2.1. Tội buôn lậu (Điều 153)
Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý nội thương và ngoại thương.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi buôn bán hàng hoá qua biên giới quốc gia trái phép.
+ Địa điểm phạm tội qua biên giới quốc gia là dấu hiệu bắt buộc.
+ Đối tượng tác động của tội phạm thuộc 3 nhóm sau:
@ Hàng cấm phải có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về 1 trong các hành vi từ Điều 153 đến Điều 161, hoặc đã bị kết án về 1 trong những tội này nhưng chưa được xoá án tích.
Chú ý: Hàng cấm là đối tượng tác động của Điều 153 trừ các mặt hàng cấm đã quy định thành các tội độc lập như ma tuý, vũ khí quân dụng… vì các loại tài sản này đã được quy định thành các tội danh độc lập.
@ Vật phẩm thuộc di tích lịch sử văn hoá.
@ Hàng hoá khác phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 100 triệu đồng thì phải thoả mãn 1 trong 2 điều kiện:
Đã bị xử phạt hành chính về 1 trong những hành vi được quy định từ Điều 153 đến Điều 161.
Đã bị kết án về một trong những tội này nhưng chưa được xoá án tích.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có năng lực TNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm lỗi cố ý trực tiếp.
Hình phạt
Các tình tiết định khung hàng cấm có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu lời bất chính lớn, chưa được hướng dẫn cụ thể, do đối tượng tác động của tội buôn lậu rất rộng, đa dạng. Mới chỉ có hướng dẫn về một số mặt hàng như thuốc lá ngoại, thuốc pháo…(sẽ được giải thích cụ thể trong tội buôn bán hàng cấm).
4.2.2. Tội vận chuyển trái phép hàng hoá tiền tệ qua biến giới (Điều 154)
Các dấu hiệu pháp lý và các tình tiết định khung giống điều 154, chỉ khác điều 153, ở hành vi khách quan đó là hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biến giới.
4.2.3. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155)
Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có năng lực TNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan được thực hiện bởi 1 trong 4 loại hành vi:
Hành vi sản xuất hàng cấm.
Hành vi tàng trữ hàng cấm.
Hành vi vận chuyển hàng cấm.
Hành vi buôn bán hàng cấm.
+ Đối tượng tác động của tội phạm là hàng cấm có số lượng lớn (trừ các mặt hàng cấm là ma tuý, động vật, thực vật rừng quý hiếm, vũ khí quân dụng…).
Vật thuộc di tích lịch sử văn hoá.
Sản phẩm văn hoá phản động đồi truỵ, mê tín dị đoan.
Thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài.
Thuốc chữa bệnh, dụng cụ y học chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục, nhân cách, sức khoẻ trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Pháo nổ, thuốc pháo.
Theo hướng dẫn tại Công văn số 81/2002 ngày 10/6/2002 của Chánh án TANDTC thì hàng cấm là thuốc lá ngoại: từ 1.500 đến 4.500 bao là số lượng lớn, từ 4.500 đến 13.500 bao là số lượng rất lớn vµ từ 13.500 bao trở lên là số lượng đặc biệt lớn.
Thông tư 01/96/BNV-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/01/1996 hướng dẫn định lượng thuốc pháo và pháo nổ
Nếu hàng cấm có số lượng chưa lớn phải thoả mãn 1 trong 3 điều kiện:
@ Thu lời bất chính lớn.
@ Đã bị xử phạt hành chính về 1 trong những hành vi được quy định từ Điều 153 đến Điều 161.
@ Đã bị kết án về một trong những tội này nhưng chưa được xoá án tích.
+ Địa điểm phạm tội các hành vi trên phải diễn ra trong nội địa.
4.2.4.Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có năng lực TNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan được thực hiện bằng 1 trong 2 loại hành vi
@ Hành vi sản xuất hàng giả.
@ Hành vi buôn bán hàng giả.
+ Đối tượng tác động của tội phạm là hàng giả.
Có 2 loại hàng giả là hàng giả về nội dung và hàng giả về hình thức.
* Hàng giả về hình thức: Là loại hàng có đảm bảo về giá trị sử dụng nhưng nó mang nhãn hiệu của 1 cơ sở sản xuất khác.
Đối với người sản xuất buôn bán hàng giả về hình thức bị xử lý về Điều 171 Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
* Hàng giả về nội dung: Là loại hàng hoá mà mức chất lượng thực tế thấp hơn mức tối thiểu mà Nhà nước quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, hoặc hàng hoá có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên của nó
Hàng giả về nội dung mới là đối tượng tác động của tội này.
Văn bản hướng dẫn: Công văn số 36, ngày 2/5/91 TANDTC. Thông tư số 10/2000 ngày 25/4/2000 của Bộ thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường. Theo thông tư này thì răng giả, chân tay giả, đồ cổ giả, vàng bạc, tiền, ngoại tệ giả không phải là hàng giả. Đối tượng tác động của tội này.
Sự khác nhau giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội buôn bán hàng giả được thể hiện như sau:
1. ĐTTĐ.2. Hành vi gian dối
3. Mục đích.
4. Người bị hại.
5. Tính chất hành vi buôn bán.
Tội buôn bán hàng giả Tội lừa đảo
– Chỉ là hàng hoá.– Có thể có, có thể không
– Trục lợi.
– Nhằm vào bất kỳ người tiêu dùng nào.
– Luôn thể hiện qua hành vi buôn bán.
– Hàng hoá, ngoại tệ, tiền…– Bắt buộc có hành vi gian dối
– Chiếm đoạt.
– Nhằm vào 1 người xác định.
– Có thể có, có thể không có hành vi mua bán.
Ngoài ra giữa 2 tội này còn có điểm khác biệt đặc trưng đó là:
– Đối với tội lừa đảo: Người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối như chào hàng bằng hàng thật, bằng giấy tờ thật nhưng khi giao hàng thì là hàng giả, giấy tờ giả hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác làm cho người mua tin tưởng và đồng ý mua hàng nhưng khi giao lại trao hàng giả hoặc lừa dối khi trả tiền thiếu cho người bán.
– Đối với tội buôn bán hàng giả: Người mua có sự xem xét, trao đổi, mặc cả khi mua nhưng do bất cẩn mà mua phải hàng giả.
* Chú ý: Nếu một người có hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì cấu thành Điều 157 tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, và Điều 158 tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với các mức hình phạt nặng hơn.
Nếu sản xuất, buôn bán hàng giả là nguyên vật liệu xây dựng thì xử lý theo Điều 156. Nguyên tắc xử lý này là bất cập vì tính chất của đối tượng tác động hàng giả là nguyên vật liệu xây dựng có khả năng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4.2.5. Tội đầu cơ (Điều 160)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có năng lực TNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi mua vét hàng hoá tiêu dùng thiết yếu trong đời sống hàng ngày như lương thực, xăng dầu với số lượng lớn.. Mua vét được hiểu là có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, vượt ngoài nhu cầu tiêu dùng nhằm mục đích bán lại để kiếm lòi.
+ Thủ đoạn phạm tội thể hiện ở 1 trong 2 dạng
* Lợi dụng tình hình khan hiếm: Thực tế trên thị trường mặt hàng kẻ phạm tội đầu tư thực sự không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
* Tạo ra sự khan hiếm giả tạo: Thực tế mặt hàng đó đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nhưng can phạm đã tung tin thất thiệt làm người tiêu dùng lầm tưởng hàng hoá khan hiếm mà bỏ tiền mua hàng của họ với giá cao hơn.
+ Hoàn cảnh phạm tội hành vi trên chỉ CTTP nếu thực hiện trong hoàn cảnh có thiên tai, dịch bệnh hoặc chiến tranh.
4.2.6. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước.
Chủ thể của tội phạm là người có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Ví dụ: Thủ trưởng cơ quan, chánh văn phòng, trưởng phòng tài vụ, kế toán.
Mặt chủ quan của tội phạm lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp, có thể là lỗi cố ý gián tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi làm trái (tức là làm không đúng không đầy đủ) các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Ví dụ: Cố ý chuyển mục đích sử dụng đất Nông nghiệp để cấp làm nhà ở. Nhập hàng đã sản xuất được trong nước khi đã có văn bản đình chỉ nhập khẩu. Hoặc vụ Tổng công ty bưu chính viễn thông, trong quá trình hoạt động thừa tiền gửi Ngân hàng (lãi suất cho vay thấp hơn), khi cần vốn đầu tư lại đi vay Ngân hàng (lãi suất đi vay cao hơn), mua bán thiết bị vòng vèo tăng chi phí vô lý cho công ty.
Tuy nhiên, nếu việc làm năng động, sáng tạo mang tính thể nghiệm, tìm tòi cái mới vì lợi ích chung nhằm phát triển sản xuất cái thiện đời sống của cán bộ nhưng bị thất bại gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước thì không cấu thành tội phạm.
+ Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP. Cụ thể là phải gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên. Hoặc dưới 100 triệu đồng phải thoả mãn đồng thời 2 điều kiện:
@ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
@ Gây hậu quả nghiêm trọng khác như: làm hư hỏng cán bộ, lũng đoạn tổ chức, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, công nhân bị thất nghiệp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cán bộ, công nhân của cơ quan, công ty.
Bài tập tình huống:
Chu Mạnh Cường trú tại quận Tây Hồ (Hà Nội) thường xuyên qua Trung Quốc mua hàng hoá vận chuyển qua cửa khẩu Tân Thanh mang về Hà Nội tiêu thụ. Trong thời gian ở Trung Quốc, Cường đã nắm bắt được công nghệ sản xuất bát điện tử, sử dụng cho mục đích cờ bạc bịp. Cường về Lạng Sơn mua bát sứ thường có đế rỗng, một số linh kiện như màn hình ti vi 5 inch, đầu thu camera sản xuất được 100 mặt hàng này đã tiêu thụ hết với giá 5,5 triệu đồng một chiếc, thu được lợi nhuận 200 triệu đồng.
Hãy đánh giá tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Chương 5.
CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ
CỦA CÔNG DÂN
5.1. KHÁI NIỆM CHUNG
5.1.1. Khái niệm
Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân là những hành vi xâm phạm các quyền tự do về thân thể, chỗ ở, quyền chính trị, quyền lao động, quyền được đảm bảo bí mật về đời tư, quyền tự do tôn giáo của công dân.
5.1.2. Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm: Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân xâm phạm các quyền tự do về thân thể, chỗ ở, quyền chính trị, quyền lao động, quyền được đảm bảo bí mật về đời tư, quyền tự do tôn giáo của công dân.
Mặt khách quan của tội phạm các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân đều có CTTP hình thức. Vì vậy, trong mặt khách quan của tội phạm chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của các tội này thực hiện bằng hành động như: xâm nhập trái phép vào chỗ ở của người khác, bóc trộm thư, nghe trộm điện thoại của người khác…
Chủ thể của tội phạm là người có NLTNHS và đủ 16 tuổi trở lên
Mặt chủ quan của tôi phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
5.2. MỘT SỐ TỘI PHẠM CỤ THỂ
5.2.1. Tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm quyền tự do về thân thể của công dân.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi một dấu hiệu hành vi khách quan, đó là hành vi bắt hoặc giữ hoặc giam người trái pháp luật (tức là hành vi bắt, giữ, giam người không tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục, thẩm quyền).
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên có NLTNHS
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
5.2.2. Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân (Điều 126)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm quyền tự do về chính trị như: quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hành vi khách quan là hành vi cản trở quyền bầu cử của công dân bằng một trong các thủ đoạn như:
@ Lừa gạt. Ví dụ, người phạm tội có hành vi gian dối để người khác hiểu sai về người được giới thiệu ra ứng cử hoặc giải thích xuyên tạc cách ghi trong phiếu bầu làm phiếu đó bất hợp lý.
@ Mua chuộc. Ví dụ, người phạm tội dùng lợi ích vật chất buộc người khác bỏ phiếu theo ý chí của mình.
@ Cưỡng ép. Ví dụ, người phạm tội đe doạ, khống chế người đi bầu cử để họ bỏ phiếu theo ý chí của mình.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi có NLTNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
5.2.3. Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 132)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hành vi khách quan với một trong 3 dạng hành vi sau:
@ Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, có lời nói khống chế không cho gửi đơn, không nhận đơn, buộc người gửi đơn rút lại đơn…
@ Cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại tố cáo như: không nhận người đã sa thải trái pháp luật trở lại làm việc, không khôi phục Đảng, danh hiệu cho người khiếu kiện đã bị xử lý không đúng quy định…
@ Trả thù người khiếu nại, tố cáo như: không nâng lương, hạ chức vụ, chuyển đi làm nhiệm vụ không đúng chuyên môn…
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Động cơ, mục đích phạm tội của tội này rất đa dạng nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Câu hỏi: Các khẳng định sau đúng hay sai? Tại sao?
Hành vi bắt, giữ, giam người nhằm chiếm đoạt tài sản bị truy tố về tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123).
Chủ thể của tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo của công dân phải là người có chức vụ quyền hạn.
Chủ thể của tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân là bất kỳ ao có NLTNHS và đạt độ tuổi.
Chương 6.
CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH
6.1. KHÁI NIỆM CHUNG
6.1.1. Khái niệm
Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình.
6.1.2. Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình xâm phạm các quan hệ xã hội hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, giữa những người có quan hệ huyết thống, trực hệ, giữa những người có quan hệ tình cảm gắn bó về cấp dưỡng, về thuần phong mỹ tục.
Mặt khách quan của tội phạm: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình đều có CTTP hình thức. Vì vậy, trong mặt khách quan của tội phạm chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan thực hiện bằng hành động.
Chủ thể của tội phạm: Là người có NLTNHS và đủ 16 tuổi trở lên và là người có quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ huyết thống đối với nạn nhân.
Mặt chủ quan của tội phạm: Được đặc trưng bởi dấu hiệu lỗi cố ý trực tiếp. còn động cơ và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của các tội này.
6.2. MỘT SỐ TỘI PHẠM CỤ THỂ
6.2.1. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm đến chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Mặt khách quan của tội phạm được thực hiện bởi 1 trong 3 loại hành vi sau:
Hành vi cưỡng ép kết hôn: Là hành vi dùng mọi thủ đoạn để bắt buộc bên nam hoặc bên nữ hoặc cả hai phải kết hôn trái với sự tự nguyện của họ.
Hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Ví dụ, không cho lấy người ngoài đạo.
Hành vi cản trở việc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Các hành vi trên phải thực hiện bằng một trong các thủ đoạn sau:
Hành hạ ngược đãi, đối xử tàn ác, tồi tệ với người khác.
Ví dụ: Đánh đập nạn nhân, bắt nạn nhân nhịn ăn, xỉ vả, nhiếc móc nạn nhân.
Uy hiếp về tinh thần như: doạ sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, tài sản của người bị đe doạ.
Ví dụ: Một người chồng chết, muốn tái hôn nhưng con không đồng ý nên đã doạ mẹ sẽ chết, hoặc bỏ nhà đi bụi đời nếu mẹ lấy chồng khác.
Đưa ra yêu sách về của cải như: thách cưới cao để bên kia không đáp ứng được phải bỏ nhau.
Hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Tức là người đó đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi này, trong vòng một năm người đó lại tái phạm.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai. Thông thường là người có ảnh hưởng về vật chất, tinh thần hoặc quan hệ tôn giáo, tín ngưỡng.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp
6.2.2. Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng (Điều 147)
Khách thể của tội phạm: Là sự xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Mặt khách quan của tội phạm: Được thực hiện bởi 1 trong 2 hành vi sau:
Hành vi của người đã có vợ hoặc đã có chồng kết hôn với người đang có chồng hoặc đang có vợ hoặc với người chưa có vợ, chưa có chồng.
Hành vi chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc đang có chồng.
Chung sống một cách công khai, được mọi người xung quanh coi như vợ chồng và cả hai bên đều hướng tới thực hiện các chức năng của một gia đình như có con chung, có tài sản chung.
Những hành vi nói trên chỉ cấu thành tội phạm nếu thoả mãn 1 trong 2 điều kiện sau:
@ Gây hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ: A kết hôn với B đã có 2 con chung, A tiếp tục chung sống với M như vợ chồng. B nhiều lần khuyên nhủ A và nhờ chính quyền địa phương can thiệp để A chấm dứt quan hệ hôn nhân bất hợp pháp này nhưng A không thay đổi. B đã tự sát. Trường hợp này B tự sát là hậu quả nghiêm trọng của hành vi của A đã có vợ mà còn chung sống như vợ chồng với người khác.
@ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.
Tức là người phạm tội đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi này, trong thời hạn 1 năm người đó lại tiếp tục vi phạm.
Chủ thể của tội phạm: Thuộc một trong hai nhóm:
Người đang có vợ hoặc đang có chồng.
Người chưa có vợ hoặc chưa có chồng: Đối với người này phải thoả mãn điều kiện là họ phải biết rõ là người kia là người đang có vợ hoặc đang có chồng.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp có thể là cố ý gián tiếp).
6.2.3. Tội loạn luân (Điều 150)
Khách thể của tội phạm: Là sự xâm phạm thuần phong mỹ tục trong quan hệ huyết thống trong gia đình.
Mặt khách quan của tội phạm: Chỉ có hành vi giao cấu.
Đặc điểm của hành vi giao cấu là phải có sự thuận tình giữa 2 bên.
Chú ý: Nếu một trong 2 người dưới 13 tuổi thì xử lý người kia về tội hiếp dâm trẻ em, nếu từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì xử lý người kia về tội giao cấu với trẻ em có tính chất loạn luân.
Chủ thể của tội phạm: Giữa những người thực hiện hành vi giao cấu phải cùng dòng máu trực hệ trong phạm vi ba đời.
Mặt chủ quan của tội phạm: Là lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp có thể là cố ý gián tiếp).
6.2.4. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151)
Khách thể của tội phạm: Là sự xâm phạm sự tôn trọng, đối xử bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.
Mặt khách quan của tội phạm: Được thực hiện bằng hành vi hành hạ hoặc ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.
Ví dụ: Xỉ vả nạn nhân, cho ăn đói mặc rách, cho nạn nhân sinh hoạt cùng chó mèo, đánh đập, giam hãm…Các hành vi này chỉ cấu thành tội phạm nếu thoả mãn 1 trong hai điều kiện:
@ Gây hậu quả nghiêm trọng.
@ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này. Tức là người phạm tội đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi này, trong thời hạn 1 năm người đó lại tiếp tục vi phạm.
Chủ thể của tội phạm: Chỉ có thể là những người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.
Mặt chủ quan của tội phạm: Là lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp có thể là cố ý gián tiếp)
Câu hỏi:
Các khẳng định sau đúng hay sai? Tại sao?
Mọi hành vi giao cấu thuận tình giữa những người cùng dòng máu về trực hệ trong phạm vi 3 đời đều cấu thành tội loạn luân.
Bố chồng giao cấu thuận tình với con dâu cấu thành tội loạn luân.
Mọi hành vi chung sống với người khác như vợ chồng của người đã có vợ hoặc đã có chồng đều cấu thành tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Chương 7.
CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TUÝ7.1. KHÁI NIỆM CHUNG
Văn bản pháp luật:
Thông tư 01/98/VKSNDTC-TANDTC-BCA ngày 02/01/1998 hướng dẫn áp dụng các tội phạm ma tuý.
Thông tư 02/98/VKSNDTC-TANDTC-BCA ngày 05/08/1998
Nghị quyết 01/2001/HĐTPTATC ngày 15/03/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 278 và 289
Nghị quyết 02/2003/ HĐTPTATC ngày 17/04/2003
7.1.1. Khái niệm
Các tội phạm ma tuý là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lý của Nhà nước đối với các chất ma tuý.
7.1.2. Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách độc quyền của Nhà nước đối với các chất ma tuý.
Đối tượng tác động của các tội phạm trong nhóm này là các chất ma tuý hoặc các dụng cụ, phương tiện dùng vào vật sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Mặt khách quan của tội phạm: Cấu trúc của các tội phạm ma tuý đều có CTTP hình thức. Vì vậy, trong mặt khách quan của tội phạm chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan luôn thực hiện bằng hành động.
Chủ thể của tội phạm là người có NLTNHS và đủ 16 tuổi trở lên (trừ Điều 201- chủ thể là người có trách nhiệm trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, bảo quản, phân phối, cấp phát, sử dụng các chất ma tuý).
Mặt chủ quan của tội phạm được thực hiện với hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của các tội này.
7.2. MỘT SỐ TỘI PHẠM CỤ THỂ
Trong cấu thành tội phạm của các tội phạm ma tuý hoàn toàn giống nhau ở các dấu hiệu là khách thể, chủ thể, mặt chủ quan như đã phân tích trong phần khái niệm chung. Giữa chúng chỉ khác nhau về mặt khách quan. Vì vậy khi đề cập đến các dấu hiệu của mỗi cấu thành tội phạm chúng ta chỉ cần đề cập đến nội dung các dấu hiệu trong mặt khách quan.
7.2.1. Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý (Điều 192)
Mặt khách quan của tội phạm: Là hành vi trồng trái phép các loại cây có chứa chất ma tuý. Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm nếu thoả mãn đầy đủ 3 điều kiện sau:
Đã được giáo dục nhiều lần: Người phạm tội đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc trồng các loại cây đó, đã được nhắc nhở từ 2 lần trở lên yêu cầu chấm dứt việc trồng loại cây này và yêu cầu vứt bỏ những cây đã trồng.
Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống: Là đã được hỗ trợ tiền vốn, kỹ thuật, cây giống thay thế cây thuốc phiện
Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này: Tức là người phạm tội đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi này, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt người đó lại tiếp tục vi phạm.
7.2.2. Tội sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 192)
Mặt khách quan của tội phạm: Là hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào
Ví dụ: Lấy nhựa cây cần sa, cây thuốc phiện, chiết xuất dầu cần sa, cao cô ca, điều chế nhựa thuốc phiện thành moóc phin, từ moóc phin thành hêrôin. Hoặc pha chế trộn các chất ma tuý tạo thành hỗn hợp ở thể rắn hay thể lỏng. Thành viên nén, thành bánh.
Chú ý: Những hành vi pha chế ma tuý đơn giản để dễ sử dụng như pha chế thuốc phiện thành dung dịch để dễ tiêm chích, nghiền hêrôin từ bánh thành bột để dễ hút hít thì không cấu thành tội phạm này.
7.2.3. Tội tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý(Điều 194)
Mặt khách quan của tội phạm: Được thực hiện bởi một trong các hành vi sau:
Hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý: Là hành vi cất giữ bất hợp pháp chất ma tuý ở bất kỳ nơi nào mà không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma tuý khác.
Hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý: Là hành vi chuyển dịch trái phép chất ma tuý từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào mà không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma tuý khác.
Hành vi mua bán trái phép chất ma tuý: Là hành vi mua và bán, hoặc hành vi mua nhằm mục đích để bán hoặc hành vi bán trái phép chất ma tuý nhằm kiếm lời.
Hành vi chiếm đoạt chất ma tuý: Là hành vi lấy trái phép chất ma tuý của người khác bằng các hành vi cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo…
Chú ý:
+ Nếu một người thực hiện nhiều loại hành vi nêu trên chỉ nhằm vào một loại đối tượng tác động thì chỉ xử lý một tội với tên tội danh đầy đủ là Tội tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý.
+ Nếu một người làm giả chất ma tuý để buôn bán trao đổi thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139).
7.2.4. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197)
Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội phạm được thực hiện bằng hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Hành vi này thể hiện ở các dạng như sau:
@ Hành vi cung cấp trái phép chát ma tuý cho người khác sử dụng (trừ hành vi bán).
@ Hành vi cung cấp công cụ, phương tiện để người khác sử dụng trái phép chát ma tuý.
@ Hành vi tập hợp, lôi kéo những người có nhu cầu sử dụng trái phép chất ma tuý.
Hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm để người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
7.2.5. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 198)
Mặt khách quan của tội phạm. Được thực hiện bằng hành vi chứa chấp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Hành vi này được thực hiện như: cho thuê, cho mượn, địa điểm để người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Các hành vi trên mang tính bị động hay nói cách khác người cho thuê cho mượn địa điểm thực hiện sau khi con nghiện yêu cầu, còn hành vi cho thuê cho mượn địa điểm của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mang tính chủ động tức là người cho thuê cho mượn địa điểm có ý định trước khi con nghiện yêu cầu.
7.2.6. Tội sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 199)
Mặt khách quan của tội phạm: Được thực hiện bằng hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý – Là hành vi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể mình bằng bất kỳ hình thức nào. Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm nếu thoả mãn đầy đủ 2 điều kiện.
Đã được giáo dục nhiều lần về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.
Đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc về hành vi này.
Bài tập tình huống
Ngày 28/01/2000, Trần Đình Mến trú tại thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) đã mua 100 kg quả thuốc phiện tươi bằng việc thu gom của những người dân trong bản rồi mang về nhà phơi khô, sau đó chế biến thành 05 kg nhựa thuốc phiện.
Ngày 02/02/2000, Nông Viết Ngư hàng xóm sang chơi, thấy Mến đang đóng thuốc phiện thành từng gói nhỏ, Mến dụ dỗ Ngư hút thử tại nhà Mến, rồi cho Ngư 100g thuốc phiện mang về nhà để hút. Sau khi sử dụng hết số thuốc phiện này, Ngư lại sang nhà Mến xin thêm thì Mến không cho nữa mà Mến đề nghị Ngư phải mua. Cuối cùng Ngư đã mua 100g thuốc phiện, rồi Mến cho Ngư mượn tẩu hút thuốc phiện để hút ngay tại nhà mình.
Hãy căn cứ vào quy định của pháp luật hình sự hiện hành về các tội phạm ma tuý, hãy xác định trách nhiệm hình sự của Mến. Trên cơ sở đó chỉ ra những bất cập và hướng hoàn thiện.
Chương 8.
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG VÀ TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
8.1. CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG
8.1.1. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202)
Văn bản hướng dẫn:Thông tư 02/96/TTLN VKSNDTC – TANDTC – BNV ngày 07/01/1995.
Nghị quyết 02/2003/ HĐTPTATC ngày 17/04/ 2003.
Luật giao thông đường bộ ngày 01/07/2003
Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trực tiếp xâm hại tới 2 loại quan hệ xã hội, đó là:
+ Xâm phạm đến sự an toàn, sự hoạt động bình thường của các phương tiện giao thông đường bộ.
+ Xâm phạm quan hệ về tính mạng, sức khoẻ và tài sản của người khác
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Như đi qua tốc độ, tránh, vượt trái phép, chở hàng hoá cồng kềnh, chở quá trọng tải…
Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc: Chỉ cấu thành tội phạm nếu hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng trong CTTP của tội này được hướng dẫn trong Nghị quyết 02/2003 như sau:
– Làm chết một người.
– Gây thương tích cho từ 1 đến 4 người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên.
– Gây thiệt hại về tài sản trị giá tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với hậu quả tai nạn
Trong một CTTP nếu hậu quả đã được phản ánh là một dấu hiệu trong mặt khách quan thì mối quan hệ nhân quả cũng sẽ là một dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của CTTP. Như vậy, việc áp dụng những CTTP loại này nói chung và CTTP của các tội xâm phạm TTATGTĐB nói riêng không chỉ đòi hỏi phải xác định hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà còn phải xác định mối quan hệ nhân quả, giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Một người chỉ phải chịu TNHS về hậu quả nguy hiểm cho xã hội nếu giữa hành vi khách quan đã thực hiện của họ và hậu quả nguy hiểm có mối quan hệ nhân quả với nhau, hay nói cách khác nếu.hậu quả nguy hiểm đó do chính hành vi khách quan của họ gây ra
Khi có một vụ TNGT xảy ra thường do một loạt các nguyên nhân và điều kiện tác động, gắn liền với nhau. Chúng có thể là hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông, có thể do sự vô ý của người khác trong đó có người bị hại, hoặc do lỗi của cả 2 bên, thậm chí do lỗi của người thứ 3, tình trạng đường sá, thời tiết, thiết bị an toàn của phương tiện giao thông, hệ thống đèn, biển báo giao thông, do tình trạng sức khoẻ của nạn nhân và điều kiện cứu chữa nạn nhân… Như vậy, trong từng trường hợp một, đặt trong hoàn cảnh cụ thể đó phải xác định được những nguyên nhân nào do ai gây ra, đâu là nguyên nhân trực tiếp, đâu là nguyên nhân gián tiếp. Đây cũng chính là nội dung của việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của loại tội này.
Trong thực tiễn, việc xác định mối quan hệ nhân quả đối với những trường hợp hậu quả là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người nói chung rất phức tạp, thì việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm các quy định về ATGTĐB và hậu quả tai nạn về thực tế còn phức tạp hơn nhiều. Tính phức tạp của vấn đề do đặc thù của loại tội này quyết định. Vì vậy, phải có sự đánh giá nội dung này một cách khoa học, có sức thuyết phục, đảm bảo cơ sở thực tế, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), từ đó mới có cơ sở đưa ra một mức chế tài hợp lý và mới có thể tránh tình trạng xử lý oan sai.
Ví dụ: Nguyễn Quốc V điều khiển xe Super Dream (100 cm3) không có giấy phép lái xe trên đoạn đường Quốc lộ 1A từ thị trấn Tứ Hạ về thị trấn Phú Bài. V đi đúng tốc độ cho phép, đúng phần đường. Khi đến km số 720, thì B đi xe hon đa ngược chiều đã đâm vào xe V. Hậu quả B chết tại chỗ, V bị thương nhẹ. Nguyên nhân của vụ tai nạn xác định được do B lái xe trong tình trạng say, chạy quá tốc độ cho phép 75%, và một phần do V không có bằng lái. B và V đều có lỗi đối với 3 nguyên nhân này.
Song trong 3 nguyên nhân góp phần gây tai nạn trong trường hợp này thì việc chạy quá tốc độ và lái xe trong tình trạng say của B là nguyên nhân trực tiếp (nguyên nhân có mối quan hệ nhân quả với hậu quả vụ tai nạn). Còn V không có bằng lái là nguyên nhân gián tiếp (nguyên nhân không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả vụ tai nạn). Tình huống này, V không phải chịu TNHS về hậu quả B chết mà V chỉ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi điều khiển phương tiện không có giấy phép theo quy định của pháp luật.
Chủ thể của tội phạm: Là người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, trong đó bao gồm cả người trực tiếp điều khiển các phương tiện thô sơ đường bộ.
Tuy nhiên, qua công tác đấu tranh phòng, chống TNGT trong thời gian qua cho thấy, chưa có trường hợp nào mà người điều khiển phương tiện thô sơ gây tai nạn lại bị truy cứu TNHS theo Điều 202. Trên thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn giao thông giữa xe máy với xe đạp nhưng nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân chính lại do người xe đạp gây ra mà hậu quả là người đi xe máy chết. Trường hợp này nếu không xử lý hình sự với người đi xe đạp thì rõ ràng là bỏ lọt tội. Chính từ thực tế đó, dẫn đến trong xã hội, ngay cả với một số không nhiều người tiến hành tố tụng quan niệm cho rằng, các trường hợp tai nạn giao thông xảy ra thì lỗi trước hết là do người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới với phân khối lớn hơn, sau đó là người điều khiển phương tiện thô sơ, cuối cùng mới là do người đi bộ. Chính vì vậy, cần phải có những biện pháp làm thay đổi nhận thức về vấn đề này của mọi công dân về TNHS đối với các trường hợp người điều khiển xe thô sơ gây tai nạn. Qua đó mới có thể góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông khi tham gia giao thông đối với người điều khiển phương tiện thô sơ và người sử dụng thiết bị chuyên dùng lưu thông trên đường bộ. Đòng thời, mới đảm bảo việc xử lý các vụ TNGT được khách quan, chính xác, hạn chế tình trạng bỏ lọt tội, hoặc làm oan người vô tội.
Mặt chủ quan của tội phạm: Được thực hiện với hình thức lỗi vô ý, có thể là vô ý vi quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả.
Lỗi vô ý vì cẩu thả của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thường thể hiện ở những trường hợp như: người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chưa được học tập, đào tạo về quy tắc ATGTĐB, hoặc trường hợp người phạm tội do sơ ý không quan sát nên không thấy và đã không tuân theo tín hiệu giao thông; hoặc trường hợp lái xe buổi đêm sáng trăng nên không chú ý bật đèn nên gây ra tai nạn.
Lỗi vô ý vì quá tự tin của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thường thể hiện thông thường là những trường hợp phóng nhanh vượt ẩu nhưng tin vào kinh nghiệm trình độ lái xe của mình mà cho rằng không để xảy ra tai nạn. Việc phán đoán, đánh giá, tính toán cân nhắc này hoàn toàn không phù hợp với thực tế khách quan, hay nói cách khác là nhận định chủ quan của người phạm tội là không có cơ sở thực tế nên hậu quả tai nạn đã xảy ra trái với nhận thức, trái với ý muốn của họ.
Hình phạt
Điều 202 quy định 4 khung hình phạt như sau:
Khoản 1: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và không có tình tiết định khung tăng nặng
Khoản 2: Phạt tù từ 3 đến 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định.
Tức là trường hợp người phạm tội không có bằng lái do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đó, hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển, hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi bằng lái, hoặc trường hợp điều khiển phương tiện GTĐB trong thời hạn bị cơ quan có thẩm quyền cấm điều khiển.
Qua thực tế áp dụng tình tiết này vẫn còn một vướng mắc là đối với trường hợp người điều khiển vi phạm quy định về ATGTĐB bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ bằng lái trong một thời hạn nhất định thì trong thời hạn bị tạm giữ bằng lái người lái xe có được tiếp tục điều khiển phơng tiện nữa hay không?Về vấn đề này chưa có văn bản pháp luật nào quy định nên trong thực tiễn áp dụng pháp luật có 2 quan điểm trái ngược nhau. Để việc áp dụng pháp luật thống nhất cần có văn bản pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này. Theo quan điểm của chúng tôi nên quy định trong thời hạn bị giam giữ bằng lái người lái xe không được điều khiển phương tiện. Bởi vì, người bị tạm giữ bằng lái là người đã có hành vi vi phạm quy định về ATGTĐB, nhưng vì nhiều lý do khách quan khác nhau mà người có thẩm quyền chưa có biện pháp xử lý ngay, nếu cứ cho phép họ tiếp tục điều khiển sẽ không đảm báo an toàn trong quá trình vận hành. Mặt khác, điều này sẽ gây khó khăn cho việc thi hành công vụ của các trạm kiểm soát trong thời gian bằng lái của họ bị tạm giữ.
Phạm tội trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác.
Tại khoản 7, 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ quy định: “Cấm người lái xe sử dụng chất ma tuý. Cấm người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 40 mg/1ít khí thở hoặc các chất kích thích mạnh khác”.
Như vậy, khi nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc 40 mg/1ít khí thở thì bị coi là phạm tội trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác. Đây là một hướng dẫn mang tính định lượng cụ thể, đòi hỏi sự đánh giá phải chính xác bởi nó cho phép xác định ranh giới giữa trường hợp có tội hoặc không có tội, bị xử lý theo Khoản 1 hay Khoản 2, Điều 202 đối với người lái xe trong tình trạng say gây tai nạn.
Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
Là trường hợp người phạm tội sau khi gây tai nạn nghiêm trọng đã có ý thức bỏ mặc cho sự đã rồi” hòng chạy trốn, lẩn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị hại mà lẽ ra họ phải có trách nhiệm áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục đến mức thấp nhất thiệt hại do họ gây ra. Tình trạng gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn hiện nay đã trở thành phổ biến, nhất là ở những đoạn đường vắng người, hoặc tai nạn xảy ra vào đêm khuya. Trong nhiều trường hợp nếu người phạm tội sau khi gây ra tai nạn mà có hành vi cứu giúp người bị nạn thì hậu quả gây ra sẽ không ở mức độ nghiêm trọng. Mặt khác, thực trạng này sẽ gây khó khăn rất lớn trong công tác điều tra, phát hiện tội phạm.
Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.
Khoản 2, Điều 3 Luật giao thông đường bộ quy định: “Người làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông là cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông; ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt”. Hành vi của người điều khiển phương tiện GTĐB không chấp hành hiệu lệnh của những người nói trên gây tai nạn nghiêm trọng thì áp dụng tình tiết này để truy tố.
Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Nghị quyết số 02/HĐTPTANDTC ngày 17/04/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1999, tại mục 4.2 quy định những trường hợp sau đây được coi là gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc Khoản 2 của các tội xâm phạm TTATGTĐB.
+ Làm chết hai người.
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ từ 3 đến 4 người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên.
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của các nạn nhân từ 101% đến 200%.
+ Gây thiệt hại về tài sản trị giá từ 500 triệu đến dưới 1.500 triệu đồng.
Khoản 3: Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Tại mục 4.3 của Nghị quyết trên quy định những trường hợp sau đây được coi là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc Khoản 3 của các tội xâm phạm TTATGTĐB.
+ Làm chết từ 3 người trở lên.
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ từ 5 người trở lên với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên.
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỉ lệ thương tật của mỗi người dưới 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của các nạn nhân từ trên 200%.
+ Gây thiệt hại về tài sản trị giá từ 1.500 triệu đồng trở lên.
Khoản 4: Phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm trong trường hợp vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chăn kịp thời.
8.1.2. Tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 203)
Khách thể, lỗi, hậu quả của tội phạm giống Điều 202.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên có NLTNHS
Mặt khách quan của tội phạm được phản ánh bởi các dấu hiệu sau.
Về hành vi khách quan là hành vi cản trở giao thông đường bộ. Hành vi này thường được thể hiện ở các dạng như sau:
@ Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ.
@ Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ.
@ Lấn chiếm. sử dụng vỉa hè, lòng đường, lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ.
@ Tháo dỡ di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ.
@ Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách.
Về hậu quả của tội phạm, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, các tình tiết định khung giống Điều 202.
8.1.3. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn (Điều 204)
Khách thể, lỗi, hậu quả của tội phạm giống Điều 202.
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi điều động hoặc hành vi cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Ví dụ: Điều xe tải đi chở người, điều xe không có hệ thống chiếu sáng, phanh không đảm bảo an toàn…
Chủ thể của tội phạm thuộc 2 nhóm sau:
+ Chủ phương tiện là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường bộ.
+ Kiểm định viên là người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật, phương tiện giao thông đường bộ.
8.1.4. Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (Điều 205)
Khách thể, lỗi, hậu quả của tội phạm giống Điều 202.
Hành vi khách quan của tội phạm được thực hiện bằng một trong 2 loại hành vi sau:
@ Điều động người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
@ Giao cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là người không có bằng lái theo quy định, người không đủ điều kiện về tình trạng sức khoẻ.
Chủ thể của tội phạm thuộc 2 nhóm người là chủ phương tiện và người đang điều khiển phương tiện.
8.1.5. Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 206)
Văn bản hướng dẫn
Nghị quyết 02/2003/HĐTPTATC ngày 17/04/2003
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm an toàn giao thông công cộng trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan: Là hành vi tổ chức đua xe trái phép. Hành vi này được thể hiện như kích động, lôi kéo, xúi, giục, cầm đầu 1 hoặc nhiều người đua xe trái phép trên đường giao thông công cộng.
+ Phương tiện phạm tội: Là những phương tiện giao thông đường bộ có gắn động cơ. Như vậy, hành vi tổ chức đua xe đạp trái phép không cấu thành tội phạm này.
Chủ thể của tội phạm: Là bất kỳ ai từ đủ 14 hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên có NLTNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm: Là lỗi cố ý trực tiếp.
8.1.6. Tội đua xe trái phép (Điều 207)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm an toàn giao thông công cộng trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi đua xe trái phép. Hành vi đua xe trái phép chỉ cấu thành tội phạm nếu thoả mãn 1 trong 3 điều kiện
Gây hậu quả nghiêm trọng, tức là gây tai nạn làm chết người hoặc gây thiệt hại về tài sản do việc đua xe trái phép.
Đã bị xử phạt hành chính về hành vi đua xe trái phép.
Hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa xoá án tích.
+ Về phương tiện phạm tội là những phương tiện giao thông đường bộ có gắn động cơ. Như vậy, hành vi đua xe đạp trái phép không cấu thành tội phạm này.
Chủ thể của tội phạm: Là bất kỳ ai từ đủ 14 hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên có NLTNHS trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia cuộc đua
Chú ý: Nếu có người ngồi sau xe tham gia đua xe thì người ngồi sau bị xử lý về tội này với vai trò là đồng phạm.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp.
8.1.7. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ chất phóng xạ, chất cháy, chất độc (Điều 230, 232, 233, 236 và 238).
Khách thể, chủ thể, lỗi của tội phạm giống tội đua xe trái phép
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm: vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ chất phóng xạ, chất cháy, chất độc, dao găm, kiếm, giáo mác, mã tấu, đinh ba, roi cao su, roi điện, găng tay điện
+ Hành vi khách quan của tội phạm được thực hiện bằng một trong các loại hành vi sau:
Hành vi tàng trữ trái phép các tài sản trên: Là hành vi cất giữ bất hợp pháp tài sản này ở bất kỳ nơi nào mà không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép ra chất khác.
Hành vi vận chuyển trái phép tài sản trên: Là hành vi chuyển dịch trái phép tài sản này từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào mà không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép ra loại tài sản khác.
Hành vi mua bán trái phép tài sản trên: Là hành vi mua và bán, hoặc hành vi mua nhằm mục đích để bán hoặc hành vi bán trái phép loại tài sản này nhằm kiếm lời.
Hành vi chiếm đoạt loại tài sản trên: Là hành vi lấy trái phép các tài sản trên từ người khác bằng các hành vi cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo…
Chú ý: Nếu một người thực hiện nhiều loại hành vi nêu trên chỉ nhằm vào một loại đối tượng tác động thì chỉ xử lý một tội với tên tội danh đầy đủ theo các tội danh tương ứng.
8.1.8. Tội phá huỷ công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231).
Khách thể, chủ thể, lỗi của tội phạm giống tội đua xe trái phép
Mặt khách quan của tội phạm: Được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Đối tượng tác động của tội phạm là công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Như công trình giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc công trình điện, công trình dẫn chất đốt. công trình thuỷ lợi…
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi phá huỷ công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Được biểu hiện như đập phá, gây nổ, gây cháy, lấy trộm tài sản đang nằm trong hệ thống công trình quan trọng về an ninh quốc gia.
Chú ý: Tài sản là đối tượng tác động của tội phạm phải nằm trong hệ thống công trình đang vận hành. 8.2. CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ CÔNG CỘNG 8.2.1. Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245)Khách thể của tội phạm. Tội phạm xâm phạm trật tự công cộng. Trật tự công cộng được hiểu là xâm phạm nếp sống văn minh, vi phạm quy tắc của cuộc sống XHCN, ảnh hưởng đến những hoạt động của những người khác ở nơi công cộng.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở các dấu hiệu sau
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi gây rối trật tự công cộng. Biểu hiện của hành vi này là lăng mạ, gây lộn, gây gổ, hành hung, trêu ghẹo người qua đường, có những lời nói thiếu văn minh, hành vi đốt pháo ở những nơi công cộng.
Hành vi gây rối trật tự công cộng chỉ cấu thành tội phạm nếu thoả mãn 1 trong 3 điều kiện:
Gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ hành vi gây rối làm ngừng trệ các hoạt động ở nơi công cộng như gây ách tắc giao thông, buổi biểu diễn không thực hiện được.
Theo nghị quyết 02/2003/HĐTPTATC thì hậu quả nghiêm trọng của hành vi gây rối trật tự công cộng ví dụ như:
Cản trở ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ.
Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.
Thiệt hại về tài sản trị giá từ 10 triệu đồng trở lên.
Làm chết người hoặc gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên.
Ngoài ra hậu quả nghiêm trọng còn có thể là hậu quả phi vật chất như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng.
“Gây cản trở giao thông nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 245 là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tách giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu).
Đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa xoá án tích.
+ Địa điểm phạm tội. Hành vi gây rối phải xảy ra ở nơi công cộng-nơi công cộng là phạm vi ngoài khuôn viên nhà riêng và có ảnh hưởng đến sinh hoạt của người khác.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên có NLTNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm lỗi cố ý trực tiếp.
Chú ý: Nếu hành vi hành hung của tội gây rối trật tự công cộng mà gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc gây chết người thì chỉ xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.
8.2.2. Tội đánh bạc (Điều 248)
Chủ thể, khách thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 245.
Mặt khách quan của tội phạm chỉ đặc trưng bởi hành vi khách quan đó là hành vi đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào, được thua bằng tiền, hay hiện vật. Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm nếu thoả mãn 1 trong 3 điều kiện sau:
Tiền hay hiện vật dùng vào việc đánh bạc ở mức giá trị lớn
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/HĐTPTATC ngày 17/04/2003 và Công văn số 1371/KSĐT-VKSNDTC ngày 20/06/2002 thì tiền hay hiện vật dùng vào việc đánh bạc ở mức giá trị lớn là từ 1 triệu đồng trở lên của tất cả các con bạc trên chiếu bạc.
Đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
Đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nhưng chưa được xoá án tích.
Chú ý: Chỉ coi là phạm tội đánh bạc nếu việc được thua là do may, rủi.
8.2.3. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 249)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 248
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội này thể hiện ở một trong 2 dạng sau:
@. Hành vi tổ chức đánh bạc: Là hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập những người khác vào việc đánh bạc.
@. Hành vi gá bạc: Là hành vi chứa chấp việc đánh bạc bằng việc cho thuê, cho mượn địa điểm của mình hoặc của người khác để người khác sử dụng vào việc đánh bạc.
Các hành vi này chỉ cấu thành cấu phạm nếu thoả mãn 1 trong 3 điều kiện:
Có quy mô lớn.
Theo hướng dẫn tại 2 văn bản trên trong tội đánh bạc, thì tổ chức đánh bạc và gá bạc được coi là có quy mô lớn là tổ chức hoặc chứa chấp từ 10 lượt người trở lên hoặc từ 2 sòng bạc trở lên.
Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc, lắp đặt trang thiết bị cho việc đánh bạc, khi đánh bạc có phân công người canh gác.
Đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
Đã bị kết án về một trong các tội này nhưng chưa được xoá án tích.
8.2.4. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 248.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội này thể hiện ở một trong 2 dạng sau:
@. Hành vi chứa chấp.
@. Hành vi tiêu thụ những tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có.
Hành vi này phải thoả mãn điều kiện là phải không có sự hứa hẹn trước, nếu có sự hứa hẹn trước sẽ trở thành đồng phạm về tội mà người có tài sản đã thực hiện.
Chú ý: Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cấu thành một số tội độc lập thì xử lý về những tội độc lập này. Ví dụ: A mua 1 kg thuốc nổ từ Khăm pa seuth – Lào mang về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo bán cho B ở thị xã Đông Hà. Hành vi của A phạm tội buôn lậu (Điều 153), Hành vi của B mua số tài sản này thực chất là hành vi tiêu thụ tài sản do A phạm tội buôn lậu mà có, nhưng trường hợp này hành vi của A lại cấu thành tội mua bán trái phép hàng cấm (Điều 155)
Theo hướng dẫn tại Công văn số 102/98/TANDTC ngày 7/10/98 thì tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 250 triệu đồng được coi là có giá trị lớn. Tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ 250 triệu đồng đến dưới 750 triệu đồng được coi là có giá trị rất lớn. Tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ 750 triệu đồng trở lên được coi là có giá trị đặc biệt lớn.
8.2.5. Tội chứa mại dâm (Điều 254)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạmgiống Điều 248
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hành vi khách quan là hành vi chứa mại dâm. Hành vi chứa mãi dâm là hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm để người khác thực hiện việc mua bán dâm.
Chú ý: Chỉ cấu thành tội chứa mãi dâm nếu người mua bán dâm từ đủ 13 tuổi trở lên. Nếu người mua bán dâm chưa đủ 13 tuổi thì người chứa mãi dâm sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm trẻ em với vai trò là đồng phạm.
8.2.6. Tội môi giới mại dâm (Điều 255)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 248
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hành vi khách quan là hành vi môi giới mại dâm. Hành vi môi giới mãi dâm là hành vi làm trung gian tổ chức móc nối, dụ dỗ, dẫn dắt tìm người mua dâm, bán dâm, tạo điều kiện cho hai bên gặp nhau để thực hiện mua bán dâm.
Chú ý: Chỉ cấu thành tội môi giới mãi dâm nếu người mua bán dâm từ đủ 13 tuổi trở lên. Nếu người mua bán dâm chưa đủ 13 tuổi thì người môi giới mãi dâm sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm trẻ em với vai trò là đồng phạm.
8.2.7. Tội mua dâm người chưa thành niên (Điều 256)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 248
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hành vi khách quan là hành vi dùng tiền hay lợi ích vật chất khác để thực hiện hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi
Chú ý: Chỉ cấu thành tội này nếu người bán dâm từ đủ 13 tuổi trở lên. Nếu người bán dâm chưa đủ 13 tuổi thì người mua dâm sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm trẻ em.
8.3. CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
8.3.1. Tội chống người thi hành công vụ (Điều 257)
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm trật tự quản lý hành chính- xâm phạm sự hoạt động đúng đắn và bình thường của cơ quan Nhà nước làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước.
Mặt khách quan của tội phạm đặc trưng bởi dấu hiệu hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội phạm này được thực hiện bởi 1 trong 3 loại hành vi sau:
@. Hành vi dùng vũ lực: Được hiểu là hành vi tác động bằng sức mạnh vật chất lên thân thể người thi hành công vụ như: trói, đấm đá, nhốt người thi hành công vụ.
Nếu hành vi dùng vũ lực gây thương tích hoặc gây chết người cho người thi hành công vụ thì tuỳ theo hậu quả xảy ra trên thực tế chỉ xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng của các tội này là nạn nhân là người đang thi hành công vụ. Hay nói cách khác, hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ khi không có thương tích thì mới xử lý theo Điều 257.
@. Đe doạ dùng vũ lực: Là hành vi khống chế, đe doạ bằng lời nói, cử chỉ là sẽ dùng vũ lực ngay nếu người thi hành công vụ vẫn tiếp tục thi hành công vụ.
@. Dùng thủ đoạn khác: Như doạ sẽ sẽ công bố những tin tức tài liệu bất lợi cho người thi hành công vụ, tố cáo vấn đề đời tư của người thi hành công vụ
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên có NLTNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Lỗi cố ý trực tiếp
+ Mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP thể hiện ở một trong hai dạng:
@. Nhằm cản trở việc thi hành công vụ của nạn nhân.
@. Ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.
8.3.2. Một số tội phạm khác
Bài tập số 01
Ngô Thị Mỹ Yên trú tại Bình Thạnh, thành phố HCM. Vào khoảng 13 giờ ngày 30/4/2003, Yên đã đi bộ đi ngang qua mặt cầu có giải phân cách. Khi ra đến giữa cầu, Yên thấy 1 xe máy chạy tới nên đứng lại. Khi xe này chạy qua thì xe khác do Nguyễn Khắc Hùng điều khiển chạy từ phía sau tới, Yên luống cuống đi tới đi lui để tránh xe Hùng thì Hùng đã đâm vào Yên rồi va vào con lươn giữa cầu làm 02 người ngã xuống đường bất tỉnh.
Hậu quả là Yên bị thương nhẹ, người điều khiển xe máy bị chết trên đường đi cấp cứu.
Hãy đánh giá tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Bài tập số 02
Lê Văn Phương là chủ xe khách loại 54 chỗ ngồi, mang biển kiểm soát 77H 43 – 27. Phương thuê Phạm Ngọc Thành lái (Thành có bằng lái xe hợp lệ). Ngày 24/02/2001, Thành chở khách từ Bình Định vào thành phố HCM, trên xe có 60 người (trong đó có Phượng). Do chạy quá tốc độ, chở quá số người theo quy định nên đã bị cảnh sát giao thông Phú Yên tạm giữ bằng lái của Thành vào hồi 16 giờ cùng ngày và hẹn Thành 03 ngày sau đến xử lý.
Vì khách trên xe đã đầy nên Phượng bảo Thành lái xe tiếp vào thành phố HCM để trả khách. Vào khoảng 16 giờ ngày 26 tháng 02, khi xe của Thành quay ra đến đoạn đường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn do phóng nhanh vượt ẩu đả gây tai nạn làm chết 02 em học sinh đang đi xe đạp trên lề đường bên phải cùng chiều.
Hãy xác định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với Thành và Phượng. Chương 9.
CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ
9.1. KHÁI NIỆM CHUNG
9.1.1. Khái niệm
Khái niệm người có chức vụ: Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. (Điều 277)
Khái niệm tội phạm về chức vụ: Tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ (Điều 277).
Các tội phạm về chức vụ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức
9.1.2. Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của các tội phạm về chức vụ: Các tội phạm về chức vụ trực tiếp xâm hại sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Xâm hại đến quan hệ sở hữu Nhà nước và xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp cơ bản của công dân
Mặt khách quan của các tội phạm về chức vụ: Hành vi khách quan đa số các tội phạm về chức vụ được thể hiện bằng hành động.
Đa số các tội phạm về chức vụ có cấu thành tội phạm (CTTP) hình thức – tức là trong mặt khách quan chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan mà không có dấu hiệu hậu quả (trừ Điều 278,279,280,283,291 là tội có cấu thành vật chất).
Chủ thể của các tội phạm về chức vụ: Đối với các tội phạm tham nhũng thì chủ thể của tội phạm luôn phải là người có chức vụ quyền hạn. Đối với các tội phạm khác về chức vụ thì chủ thể của tội phạm có thể là người có chức vụ có thể không phải là người có chức vụ.
Mặt chủ quan của các tội phạm về chức vụ bao gồm:
– Về hình thức lỗi: Đa số các tội phạm về chức vụ thực hiện với hình thức lỗi cố ý, một số tội thực hiện với hình thức lỗi vô ý
– Về động cơ phạm tội: Một số tội phạm về chức vụ động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc như Điều 281, Điều 282.
9.2. CÁC TỘI PHẠM THAM NHŨNG
9.2.1. Tội tham ô tài sản (Điều 278)
Văn bản hướng dẫn:
Thông tư số 02/2001/TTLN TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Nghị quyết số 01/2001/HĐTPTANDTC. Ban hành ngày 15/3/2001.
Các dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm. Tội tham ô tài sản trực tiếp xâm hại 2 quan hệ xã hội, đó là:
+ Xâm phạm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội.
+ Xâm phạm quan hệ sở hữu.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Thủ đoạn phạm tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để biến tài sản của Nhà nước thành tài sản của mình
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt tài sản có thể thực hiện một cách công khai có thể bí mật. Thông thường là để che giấu hành vi chiếm đoạt can phạm thường có hành vi sửa chữa sổ sách, chứng từ, lập chứng từ giả, tạo hiện trường giả, tiêu huỷ hoá đơn, chứng từ, đốt kho chứa tài sản…
+ Đối tượng tác động của tội phạm phải thoả mãn 2 điều kiện, đó là:
@. Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Được coi là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý tức là người phạm tội có quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản.
@. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải trị giá từ 500.000 đồng trở lên. Nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 500.000 đồng phải thoả mãn 1 trong 3 điều kiện:
Gây hậu quả nghiêm trọng.
Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng nhưng chưa được xoá án tích.
Các điều kiện này đã được giải thích trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu.
Chủ thể của tội phạm phải thoả mãn đầy đủ 2 điều kiện, đó là: Người phạm tội phải là người có chức vụ quyền hạn và là người có trách nhiệm quản lý tài sản.
Trên thực tế chủ thể của tội tham ô tài sản thuộc 3 nhóm sau:
* Nhóm 1: Là người có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý kinh tế.
Ví dụ: Thủ trưởng cơ quan, chánh văn phòng, trưởng phòng tài vụ, kế toán.
* Nhóm 2: Những người đảm nhiệm công tác nghiệp vụ quản lý kinh tế tài chính.
Ví dụ: Kế toán, thủ quỹ, thủ kho.
* Nhóm 3: Những người đảm nhiệm những công việc mang tính độc lập nhưng có khả năng trực tiếp tiếp cận với tài sản.
Ví dụ: Người bảo vệ được quyền tiếp cận với tài sản, người lái xe chở hàng không có người áp tải.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Tình huống: A là cán bộ vật tư của một hợp tác xã nông nghiệp, được hợp tác xã giao cho 100 triệu đồng đi mua vật tư nông nghiệp. Khi nhận được tiền, A đã dựng hiện trường giả bị mất trộm số tiền này. Qua điều tra, A khai “Số tiền 100 triệu đồng đang chôn ở sau vườn nhà A”. Hãy phân tích ví dụ trên trên cơ sở các dấu hiệu cấu thành tội tham ô tài sản.
Các tình tiết định khung của tội tham ô tài sản giống các tình tiết định khung của các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt.
9.2.2. Tội nhận hối lộ (Điều 279)
Khách thể của tội phạm: Tội nhận hối lộ trực tiếp xâm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Thủ đoạn phạm tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để thực hiện việc nhận hối lộ.
+ Hành vi khách quan của tội phạm được thực hiện bởi 2 loại hành vi:
Hành vi nhận tiền, của hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào, trực tiếp hoặc qua trung gian.
Làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa.
Trong 2 loại hành vi khách quan này thì hành vi (1) có thể thực hiện trước hành vi (2) hay nói cách khác là nhận của hối lộ rồi làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa. Nhưng hành vi (2) cũng có thể thực hiện trước hành vi (1) hay nói cách khác là làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa rồi sau đó nhận của hối lộ.
Nếu người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa rồi sau đó nhận của hối lộ thì phải thoả mãn điều kiện là có sự thoả thuận trước mới cấu thành tội nhận hối lộ
Nếu người phạm tội làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa mà cấu thành một tội độc lập thì ngoài tội nhận hối lộ họ còn bị truy tố thêm tội đã cấu thành.
Ví dụ: A là Điều tra viên được giao nhiệm vụ xử lý vụ tai nạn giao thông do B gây ra, A đã nhận của B 10 triệu đồng sau đó không đề nghị ra quyết định khởi tố vụ án. Trường hợp này A bị truy tố về Tội nhận hối lộ và Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.
+ Phương tiện phạm tội. Của hối lộ phải trị giá từ 500.000 đồng trở lên, nếu dưới 500.000 đồng phải thoả mãn 1 trong 3 điều kiện
Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng nhưng chưa được xoá án tích.
Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ quyền hạn
Mặt chủ quan của tội phạm. Tội phạm thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp
9.2.3. Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280)
Khách thể của tội phạm. Tội phạm trực tiếp xâm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội.
Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ quyền hạn.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Thủ đoạn phạm tội. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội đã làm một việc vượt quá quyền hạn của mình để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi chiếm đoạt tài sản.
+ Giá trị tài sản chiếm đoạt giống tội tham ô tài sản
Ví dụ: cán bộ địa chính xã khi làm giấy tờ quyền sử dụng đất cho dân đã thu các khoản thuế và chiếm đoạt.
9.2.4. Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281)
Khách thể của tội phạm. Tội phạm trực tiếp xâm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội.
Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ quyền hạn.
Mặt chủ quan của tội phạm đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Lỗi cố ý trực tiếp.
+ Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Thủ đoạn phạm tội. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để thực hiện tội phạm.
+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm trái công vụ tức là không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao.
Ví dụ: Cán bộ hải quan không bắt người thân vận chuyển hàng lậu. Điển hình là vụ án xảy ra ở cửa khẩu Mộc Bài- Tây Ninh vào năm 2002 của cán bộ Hải quan.
+ Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Chú ý: Tội phạm này hoàn toàn không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.
9.2.5. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282)
Các dấu hiệu pháp lý của tội phạm giống Điều 281, chỉ khác Điều 281 ở thủ đoạn phạm tội là người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ- tức là làm một việc vượt quá giới hạn quyền năng của mình.
9.2.6. Tội lợi dụng chức vụ quyền quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 281
Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm 2 loại hành vi sau:
Hành vi nhận tiền hoặc tài sản của người khác. Giá trị tài sản giống tội nhận hối lộ.
Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa.
9.3. CÁC TỘI PHẠM KHÁC VỀ CHỨC VỤ
9.3.1. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285)
Khách thể của tội phạm. Tội phạm trực tiếp xâm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội.
Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ quyền hạn.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách quan là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.
+ Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP. Cụ thể là hành vi trên phải gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng của tội này là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác nếu không thuộc các trường hợp quy định tại các điều luật sau:
@ Điều 144- Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước
@ Điều 235- Tội thiếu trách nhiệm trong việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng.
@ Điều 301- Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam giữ trốn.
Mặt chủ quan của tội phạm được thực hiện với hình thức lỗi vô ý
Ví dụ: A được cấp giấy phép mở lớp tập bơi, do sơ suất A đã không bố trí người kèm B là người mới tập bơi làm B bị chết do ngạt nước.
9.3.2. Tội đưa hối lộ (Điều 289)
Khách thể của tội phạm là xâm phạm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước.
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi đưa của hối lộ cho người có chức vụ quyền hạn.
Giá trị của hối lộ giống tội nhận hối lộ, không đòi hỏi người đưa hối lộ phải đưa ra yêu cầu với người nhận hối lộ.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai.
Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Chú ý: Nếu người đưa hối lộ đưa nhầm cho người không có chức vụ quyền hạn thì vẫn cấu thành Tội đưa hối lộ, nếu người nhận biết người đưa nhầm mình là người có chức vụ quyền hạn mà vẫn nhận của hối lộ thì người nhận bị xử lý về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
9.33. Tội làm môi giới hối lộ (Điều 290)
Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan, giá trị của hối lộ giống Điều 289.
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi làm môi giới hối lộ.
Bản chất của hành vi này là giúp sức cho hai bên đưa hoặc nhận hối lộ, thể hiện ở các dạng sau:
@ Tổ chức cho 2 bên gặp nhau để thoả thuận về việc hối lộ.
@ Chuyển lời đề nghị của bên này cho bên kia và ngược lại.
@ Chuyển của hối lộ từ người đưa sang người nhận.
Đặc điểm của các hành vi này là chỉ thực hiện sau khi người đưa hoặc người nhận đã hình thành ý định đưa hoặc nhận hối lộ. Nếu người thứ 3 trong quan hệ hối lộ chủ động tham gia trước khi người đưa hoặc người nhận hình thành ý định đưa hoặc nhận hối lộ thì họ sẽ bị xử lý về tội đưa hoặc nhận hối lộ với vai trò là đồng phạm.
CÂU HỎI
So sánh tội trộm cắp tài sản với tội tham ô tài sản.
So sánh tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội vô ý làm chết người.
Cho ví dụ minh hoạ về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282) và tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280)
BÀI TẬP TÌNH HUỐNG
Bài tập số 01:
Hãy xác định tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Bài tập số 02:
Trần Văn H và Nguyễn Văn Q đều là nhân viên bảo vệ, đồng thời được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý số nhựa đường của xí nghiệp K. Khoảng 22 giờ ngày 23/3/2001, H ra quán phở thì gặp N đề nghị mua nhựa đường, lúc này gần hết ca trực nên H nói với N: “Tao sắp hết ca trực rồi, Q là người trực ca sau “.
Hai bên thống nhất giá cả là 40.000đ/1 bao nặng 30kg. Sau đó H dẫn N vào gặp Q là người trực ca sau, H giới thiệu với Q: “N là người cần mua nhựa đường. Ông cứ làm đi, giá cả hai bên đã thoả thuận”. Nói xong, H đi ra cổng vào quán phở ăn và canh gác cho bọn N lấy hàng.
Bọn chúng đóng được 25 bao, sau đó vận chuyển ra sát tường rào để ném ra ngoài thì bị bắt giữ cùng tang vật.
Kết quả điều tra còn cho biết ngoài lần bị bắt trên, trong tháng 1 và tháng 2/2001, hai tên H và Q đã ba lần bán nhựa đường cho người ngoài xã hội thu gần 3 triệu đồng.
Hãy xác định tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
Bài tập số 03:
Ngày 10/01/2001, Trần Văn An là chiến sĩ cảnh sát, công an tỉnh Cao Bằng vào huyện biên giới T chơi. Khi đi An mặc quần áo cảnh sát, đeo quân hàm mang giày đen. Khoảng 18 giờ cùng ngày, An vào tới khu vực gần đồn biên phòng tỉnh D, huyện T thì gặp một tốp 6 người dân đang gánh đồ sang Trung Quốc để bán. An xưng là cán bộ công an tỉnh đến tăng cường cho đồn biên phòng để chống hàng lậu, An đã doạ và buộc những người này phải nộp phạt nếu không sẽ bắt về đồn giải quyết. Những người này tưởng thật đã đưa cho An 500.000đ. Nhận tiền xong, An cho họ gánh hàng đi bán. Khi gần qua biên giới thì họ bị lực lượng biên phòng bắt giữ và họ đã khai rõ hành vi của Trần Văn An.
Hãy đánh giá tính chất pháp lý hình sự của vụ án trên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Văn Độ (2004), Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
Trần Văn Luyện (2003), Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
Trần Văn Luyện (2004), Các tội phạm ma tuý, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội (2005), Giáo trình luật hình sự, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
8. Đinh Văn Quế (1999), Pháp luật thực tiễn và án lệ, NXB Đà Nẵng. 9. Trần Quang Tiệp (2003), Lịch sử luật hình sự Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 10. Nguyễn Quốc Nhật (2005), Tội phạm có tổ chức – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội.Nguyễn Minh Đức (2002), Một số vấn đề cơ bản về pháp luật hình sự và những tình huống trong thực tiễn, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội.
Lê Cảm và Trịnh Quốc Toản (2004), Định tội danh – lý luận, hướng dẫn mẫu và 350 bài tập thực hành, NXB ĐHQG Hà Nội.
Bài Giảng Bộ Luật Hình Sự 2023 Sửa Đổi, Bổ Sung 2023
Bộ luật hình sự 2023, có hiệu lực 01/7/2023, tuy nhiên do có nhiều sai sót (khoảng 90 lỗi) nên Quốc hội đã lùi ngày có hiệu lực để sửa đổi, bổ sung. Năm 2023, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
Để bạn đọc tìm hiểu Bộ luật Hình sự 2023, sửa đổi bổ sung 2023, chúng tôi biên soạn slide bài giảng Bộ luật Hình sự bao gồm 3 phần:
Phần 1: Sự cần thiết ban hành Bộ luật hình sựNhững hạn chếcủa Bộ luật Hình sự 1999
-BLHS 1999 chưa thể chế hóa đầy đủ chiến lược cải cách tư pháp…
-Chưa cập nhật đầy đủ hành vi phạm tội phổ biến nguy hiểm cho xã hội: Mua bán trái phép mô tạng, bộ phận cơ thể người, vi phạm giao thông đường bộ, lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền, pháp nhân thương mại phạm tội…
-Hiến pháp 2013: Đề cao quyền con người, quyền công dân nên phải sửa BLHS cho phù hợp tinh thần Hiến pháp.
2. Một số điểm mới ở phần chung của Bộ luật Hình sự– Hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù: Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng (thường trong lĩnh vực giao thông);
– Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình: Bỏ tử hình: Tội cướp tài sản; chiếm đoạt chất ma tùy; đầu hàng địch; sản xuất buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, chống mệnh lệnh, hoạt động phỉ…
3. Một số tội phạm thường gặp. – Về giao thông đường bộ:Từ 01/01/2023, người đi bộ sai luật có thể bị ở tù đến 15 năm: BLHS 1999 quy định Người nào điều khiển phương tiện giao thông” còn Bộ luật Hình sự mới dùng từ “Người tham gia giao thông”
– Về hôn nhân và gia đình:+ Cưỡng ép kết hôn, ly hôn; cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bị phạt đến 3 năm tù:
+ Ngoại tình bị phạt đến 3 năm tù: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng với ngời mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ dẫn đến vợ, chồng hoặc con của một trong 2 bên tự sát.
Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc 2 bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì bị phạt tù đến 1 năm…
Liên hệ kesitinh355@gmail.com hoặc zalo 0935634572 để tải bài giảng Bộ luật Hình sự 2023, sửa đổi bổ sung 2023.
Bài Giảng Luật Dân Sự 2
(bài giảng Luật dân sự 2 – VB 2, ĐH Luật Hà Nội, 2023)
Đại học Luật Hà Nội
Lớp: K14CCQ – 2023
BÀI GIẢNG LUẬT DÂN SỰ 2
Thời lượng: 45 tiết
Ngày 10/01/2023
Giảng viên: cô Kiều Thị Thuỳ Linh
Tài liệu:
Luật dân dự 2005 (tham khảo Luật Dân sự 2023)
Giáo trình Luật Dân sự II đại học luật Hà Nội
Hướng dẫn học Luật Dân sự (thầy Tuyết)
Tư vấn tại tổ bộ môn Dân sự: sáng thứ 5 hàng tuần, có giáo viên trực tư vấn
Câu hỏi:
– Đi sửa xe, không đủ tiền trả, chủ cửa hàng sửa xe giữ xe. Hỏi có đúng luật ?
Trả lời: Theo điều 416 về Cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ thì bên có quyền đang chiếm giữ tài sản hợp pháp được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận.
– Trong thỏa thuận mua hàng hóa, nếu các bên không thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì hàng sẽ được giao ở đâu ?
Trả lời: Luật quy định trong trường hợp các bên không thỏa thuận về địa điểm giao tài sản thì địa điểm giao tài sản sẽ là nơi cư trú của bên có quyền hoặc trụ sở chính của tổ chức pháp nhân.
– Trình bày phân loại tài sản (không có trong Giáo trình)
Trả lời: tùy vào tiêu chí phân loại
+ theo thời hình thành: tài sản đã hình thành, tài sản hình thành trong tương lai
+ theo đăng ký: tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu
+ …
– Phân tích quyền định đoạt của các chủ thể trong quan hệ PL dân sự ?
Chú ý: tránh nhầm lẫn với quyền sở hữu.
Nội dung Dân sự 2:
– Nghĩa vụ dân sự:
(nghĩa vụ là gốc, quyền là ngọn. Khi đã thực hiện nghĩa vụ thì đương nhiên có quyền. Ngược lại khi bị xâm phạm quyền thì sẽ phải xem xét từ nghĩa vụ các bên để xem vi phạm từ đâu)
+ Các quy định chung về nghĩa vụ dân sự
+ Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (7 biện pháp: cầm cố, thế chấp, ký cược, ký quỹ, …)
– Hợp đồng dân sự:
+ các quy định chung về hợp đồng dân sự
+ quy định riêng cho từng nhóm hợp đồng. Dựa vào đối tượng của hợp đồng:
đối tượng là tài sản:
Chuyển giao quyền sở hữu: mua bán, trao đổi, tặng cho
Chuyển giao quyền sử dụng: thuê, mượn
đối tượng là công việc (7 loại): hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển (vận chuyển hành khách, vận chuyển tài sản), hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng bảo hiểm (luật Dân sự 2023 bỏ hợp đồng bảo hiểm, vì đã có Luật Kinh doanh bảo hiểm riêng)
– Nghĩa vụ ngoài hợp đồng: các bên không thỏa thuận nhưng được quy định trong luật.
+ hứa thưởng
+ nghĩa vụ hoàn lại:
Khi chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ PL
Nếu ngay tình: chỉ phải hoàn trả lại hoa lợi (ở đây là trứng) từ thời điểm biết được đó không phải do tài sản của mình tạo ra (ở đây là biết không phải do gà nhà mình đẻ)
Nếu không ngay tình: phải hoàn trả lại toàn bộ cho A
– Bồi thường ngoài hợp đồng :
(chú ý cần phân biệt giữa nguyên nhân và động cơ, điều kiện gây ra thiệt hại. VD: một cô gái xinh đẹp đi trên đường làm nhiều người lái xe ngoái lại nhìn và đâm vào nhau, hỏi cô gái có phải chịu trách nhiệm ? Trả lời: không, vì hành vi gây ra thiệt hại là việc không làm chủ được tay láy của người lái xe, cô gái chỉ là điều kiện)
Phải có đủ 4 điều kiện :
+ phải có hành vi trái PL gây thiệt hại: cần phân biệt với hành vi gây thiệt hại nhưng được PL cho phép (trong tình thế cấp thiết, PL cho phép được gây ra 1 thiệt hại nhỏ để tránh gây ra 1 thiệt hại lớn hơn. VD thấy có đám cháy, lại thấy bể nước nhà hàng xóm, thì có thể phá khóa nhà hàng xóm để đến bể nước lấy nước dập lửa)
+ có mỗi quan hệ nhân quả giữa hành vi trái PL với hậu quả xảy ra
+ phải có lỗi: trong dân sự là lỗi suy đoán. Có những trường hợp luật quy định không có lỗi cũng phải bồi thường (Điều 623, 624)
Nội dung:
+ các quy định chung về trách nhiệm bồi thường hợp đồng
+ các trường hợp cụ thể về bồi thường hợp đồng: do hành vi của con người gây ra, do tài sản gây ra (VD do gia súc gây ra)
Chương 1: Những quy định chung về Nghĩa vụ dân sự
1. Khái niệm nghĩa vụ dân sự (Điều 280)
– Nghĩa vụ dân sự là một quan hệ PL dân sự mà theo đó, bên có nghĩa vụ phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của bên có quyền.
Bên có nghĩa vụ:
+ chuyển giao: vật, quyền, giấy tờ có giá; trả tiền
+ thực hiện / không thực hiện: công việc nhất định
VD: A ký hợp đồng mua tài sản của B, khi đó phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa A và B: A có nghĩa vụ trả tiền cho B, và B có nghĩa vụ chuyển giao tài sản cho A
VD: A thỏa thuận trả một khoản tiền cho B (là hàng xóm của A) để B không làm công việc gò hàn gây ồn ào vào buổi trưa để cho bố mẹ của A được ngủ trưa.
2. Đặc điểm
+ chủ thể: các bên tham gia
+ khách thể: mục đích của quan hệ (mang lại lợi ích gì)
+ nội dung: là quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể
– Quan hệ nghĩa vụ là quan hệ trái quyền nên quyền dân sự của các chủ thể là quyền đối nhân: quyền của bên này được thực hiện thông qua hành vi của chủ thể phía bên kia. Tức là quyền của bên này chỉ được đáp ứng khi bên kia đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên có quyền có thể sử dụng các phương thức được PL quy định để yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện, tức là tác động vào “con người” chứ không phải tác động vào tài sản của họ.
3. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự (Điều 282)
Gồm 02 loại đối tượng:
– Với tài sản: cần thỏa mãn 2 điều kiện:
+ luôn xác định
+ được phép lưu thông: gồm:
tự do lưu thông, hoặc
hạn chế lưu thông
– Với công việc: cần thỏa mãn 3 điều kiện:
+ luôn xác định: phải nêu được cụ thể, chi tiết công việc
+ phải có năng lực thực hiện:
Nhóm công việc có điều kiện: VD bác sỹ, luật sư, …
Nhóm công việc không có điều kiện: cần xem năng lực có thực hiện được hay không (VD quét vôi tường nhà, sửa chữa thiết bị điện gia dụng, … thì không phải ai cũng làm được, nhưng không cần phải có điều kiện theo quy định của PL)
+ không bị PL cấm hoặc trái đạo đức XH: VD môi giới mại dâm, mua bán vũ khí
4. Phân loại nghĩa vụ dân sự
– Căn cứ vào số lượng người tham gia vào quan hệ nghĩa vụ dân sự:
+ quan hệ ít người: bên có quyền là 1 người, bên có nghĩa vụ là 1 người
+ quan hệ nhiều người: có 3 trường hợp:
Bên có quyền 1 người, bên có nghĩa vụ nhiều người
Bên có quyền nhiều người, bên có nghĩa vụ 1 người
Bên có quyền nhiều người, bên có nghĩa vụ nhiều người
Trong quan hệ nhiều người, có:
nghĩa vụ riêng rẽ: ai hoàn thành nghĩa vụ của mình thì sẽ chấm dứt quan hệ nghĩa vụ dân sự đó. VD: ông A vay tiền của B, C, D và vay độc lập với từng người, khi A trả hết tiền cho B thì quan hệ nghĩa vụ dân sự giữa A với B chấm dứt, quan hệ nghĩa vụ dân sự giữa A với C và A với D vẫn còn
nghĩa vụ liên đới: quan hệ nghĩa vụ chỉ chấm dứt khi toàn bộ nghĩa vụ được thực hiện xong. VD: ông A cần 1 khoản tiền và đến nhờ B, C, D giúp đỡ, B C D bàn nhau và cùng góp tiền cho A vay, khi đó thì dù A có trả hết khoản tiền B đã góp để A vay thì khi đó A vẫn chưa hết nghĩa vụ dân sự với B và B vẫn có quyền đòi A trả hết số tiền mà B C D cùng góp cho A vay.
Câu hỏi: Phân biệt nghĩa vụ dân sự riêng rẽ với nghĩa vụ dân sự liên đới.
– Căn cứ vào thời điểm phát sinh nghĩa vụ:
+ nghĩa vụ gốc
+ nghĩa vụ phái sinh:
Nghĩa vụ hoàn lại: VD: A vay tiền của B C D , B đứng ra nhận tiền A trả lại, sau đó B có nghĩa vụ hoàn lại cho C và D
Nghĩa vụ bổ sung: để hoàn thiện thêm nghĩa vụ gốc. VD: A mua hàng của B, sau đó A lại yêu cầu thêm việc B vận chuyển hàng đến địa điểm A yêu cầu
– Căn cứ vào việc có phân được nghĩa vụ theo từng phần hay không (theo sự thỏa thuận của các bên chủ thể):
+ nghĩa vụ từng phần: VD thuê xây nhà, chia thành các hạng mục như xây móng, xây thô, cất mái, …
+ nghĩa vụ toàn bộ: VD hợp đồng trọn gói
Chú ý: có những công việc không thể chia theo phần, đó thường là những công việc có điều kiện, VD: đỡ đẻ, cấp cứu bệnh nhân
———————
Ngày 17/01/2023
Giảng viên: cô Lê Thị Giang
Vấn đề 2: Căn cứ xác lập, chấm dứt nghĩa vụ dân sự, thực hiện nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm nghĩa vụ dân sự
I. Căn cứ xác lập, chấm dứt nghĩa vụ dân sự
1. Căn cứ xác lập nghĩa vụ dân sự (Điều 281)
Nghĩa vụ dân sự được xác lập thông qua các căn cứ sau:
a. Hợp đồng dân sự
– Là sự thỏa thuận giữa 2 hay nhiều bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự
VD về hợp đồng làm thay đổi nghĩa vụ dân sự: 1 người ký hợp đồng thuê nhà với giá 5 tr/tháng, sau 1 năm do biến động thị trường, hai bên thỏa thuận tăng giá thuê lên 5.5tr/tháng
– Nghĩa vụ của các bên trong quan hệ nghĩa vụ phát sinh cùng với thời điểm hợp đồng có hiệu lực PL: chú ý phải xem xét kỹ điều khoản có hiệu lực của hợp đồng và tuân thủ quy định của PL.
VD: điều khoản quy định hợp đồng có hiệu lực sau 5 ngày kể từ ngày 2 bên ký, hoặc vào 1 ngày cụ thể (phải sau ngày ký HĐ)
VD: hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thì sau khi 2 bên ký cần phải có công chứng và chứng thực của cơ quan có thẩm quyền (đây là quy định của PL)
Câu hỏi: Hai bên ký hợp đồng mua bán ma túy, phụ nữ, trẻ em. Hỏi đây có phải là hợp đồng ?
Trả lời: Đây vẫn là hợp đồng, nhưng vì hợp đồng này vi phạm theo điểm c khoản 1 điều 122 nên nó bị vô hiệu.
Câu hỏi : Nếu hợp đồng bị coi là vô hiệu thì hai bên có nghĩa vụ phải thực hiện không ?
– Hợp đồng dân sự vô hiệu không được coi là căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự, khi đó các bên có nghĩa vụ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Chú ý: nghĩa vụ hoàn trả là theo quy định của PL, không phải do các bên thỏa thuận nên không được coi là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng vô hiệu.
b. Hành vi pháp lý đơn phương
– Là sự thể hiện ý chí của 1 bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự. VD: lập di chúc, hứa thưởng
Chú ý: ý chí thể hiện phải không trái PL và đạo đức XH
c. Thực hiện công việc không có ủy quyền
– Là việc 1 người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc khi người có công việc không biết hoặc biết nhưng không phản đối.
VD: mượn xe của người khác, phát hiện ra xe bị hỏng, đi sửa xe hộ cho chủ xe (sau đó có quyền yêu cầu chủ xe hoàn trả chi phí)
– Điều kiện:
+ người thực hiện công việc không có nghĩa vụ phải thực hiện công việc
Một người có nghĩa vụ thực hiện công việc theo các căn cứ sau:
theo thỏa thuận,
do PL quy định,
theo bản án của tòa hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền
+ người thực hiện công việc phải hoàn toàn tự nguyện
Tự nguyện được hiểu là sự thống nhất giữa ý chí bên trong và sự thể hiện ý chí ra bên ngoài. Trái ngược là bị ép buộc, hoặc do nhầm lẫn (VD: đi làm cỏ ruộng lúa, do nhầm lẫn nên làm cỏ cho nhà hàng xóm)
+ người thực hiện công việc phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc
Lưu ý: nếu công việc không được thực hiện thì có thể sẽ có thiệt hại xảy ra với người có công việc
VD: nhà hàng xóm phơi thóc, lại đi vắng, trời sắp mưa, sang thu dọn thóc hộ
+ người có công việc không biết hoặc biết nhưng không phản đối.
– Nghĩa vụ của người có công việc và người thực hiện công việc
+ Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền (Điều 595):
thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.
phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.
phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có uỷ quyền không biết nơi cư trú của người đó.
trong trường hợp người có công việc được thực hiện chết thì người thực hiện công việc không có uỷ quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.
trong trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.
+ Nghĩa vụ của người có công việc (Điều 596):
phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có uỷ quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.
phải trả cho người thực hiện công việc không có uỷ quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có uỷ quyền từ chối.
Lưu ý: xem lại phần Chiếm hữu / Sử dụng không có căn cứ PL trong Dân sự 1
– Nghĩa vụ:
+ với hoa lợi, lợi tức: (VD: trâu, bò, gà đẻ con)
Nếu ngay tình: được hưởng hoa lợi, lợi tức cho đến khi biết hoặc phải biết về việc chiếm hữu, sử dụng, được lợi là không có căn cứ PL
Nếu không ngay tình: phải trả lại toàn bộ
e. Gây thiệt hại do hành vi trái PL
– Điều kiện:
+ phải có thiệt hại xảy ra: 2 loại:
Thiệt hại vật chất
Thiệt hại tinh thần
+ hành vi gây thiệt hại phải là hành vi trái PL, thể hiện bởi:
Hành động
Không hành động: không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
+ có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại phát sinh
– Bồi thường thiệt hại:
+ do vi phạm hợp đồng
+ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
f. Những căn cứ khác do PL quy định
– Là các trường hợp nghĩa vụ dân sự phát sinh theo bản án của tòa án hoặc quyết định của cơ quan NN có thẩm quyền
VD: người nhận di sản thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Câu hỏi: Hợp đồng dân sự là 1 loại nghĩa vụ dân sự, đúng hay sai ?
Trả lời: Sai. Vì hợp đồng dân sự (và 6 loại trên) chỉ là căn cứ để xác lập nghĩa vụ dân sự chứ không phải là nghĩa vụ dân sự.
2. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự
a. Nghĩa vụ được hoàn thành (Điều 375)
– Trường hợp 1: hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ
– Trường hợp 2: bên có nghĩa vụ mới thực hiện được 1 phần, phần còn lại được bên có quyền miễn
b. Theo thỏa thuận của các bên (Điều 377)
– Là trường hợp nghĩa vụ chưa hoàn thành nhưng bên có quyền và bên có nghĩa vụ thỏa thuận về việc chấm dứt nghĩa vụ
c. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ
– Việc miễn hay không miễn phụ thuộc vào ý chí của người có quyền.
Lưu ý: miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho người khác nhưng không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. VD: A gây tai nạn cho B làm B mất khả năng lao động, B có thể miễn việc bồi thường của A đã gây ra thiệt hại cho bản thân mình, nhưng B không thể miễn cho trách nhiệm bồi thường để nuôi dưỡng con chưa thành niên của A.
d. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác (Điều 379)
– Bên có quyền và bên có nghĩa vụ cùng nhau thỏa thuận, thống nhất để thay thế 1 nghĩa vụ dân sự này bằng 1 nghĩa vụ dân sự khác. VD: A vay tiền của B, A đến hạn không trả được, A và B thỏa thuận A sẽ làm việc cho B để trừ nợ.
– Khi đó, nghĩa vụ cũ chấm dứt, nghĩa vụ dân sự mới phát sinh.
Lưu ý: trong 1 số trường hợp không được quyền thay thế nghĩa vụ (khoản 3 Điều 379: Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các nghĩa vụ khác gắn liền với nhân thân không thể chuyển cho người khác được thì không được thay thế bằng nghĩa vụ khác.)
e. Nghĩa vụ được bù trừ (Điều 380)
– Điều kiện để bù trừ nghĩa vụ:
+ cả 2 bên cùng có nghĩa vụ đối với nhau
+ các nghĩa vụ về tài sản cùng loại (có thể quy ra tiền, không nhất thiết phải cùng 1 loại tài sản)
+ các nghĩa vụ đều cùng đến hạn
– Các trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ dân sự: (Điều 381)
+ nghĩa vụ đang có tranh chấp
+ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín
+ nghĩa vụ cấp dưỡng
+ các trường hợp khác do PL quy định
VD: A bán đất cho B, đồng thời A cũng đang nợ B một khoản tiền, khi đó A và B thỏa thuận bù trừ nghĩa vụ cho nhau, nếu có chênh lệch thì bên nhận chênh lệch nhiều hơn sẽ hoàn trả lại cho bên kia.
VD: A làm việc tại Công ty N, A do không cẩn thận đã làm hỏng một thiết bị đắt tiền của công ty, công ty N bỏ tiền ra để sửa chữa thiết bị đó, sau đó Công ty N trừ dần vào tiền lương của A.
f. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm 1 (Điều 282)
– Ban đầu, bên có quyền và bên có nghĩa vụ là các chủ thể khác nhau, sau đó bên có quyền và bên có nghĩa vụ lại là cùng 1 chủ thể theo một cách nào đó.
VD: sáp nhập, thừa kế
VD: Công ty B nợ công ty A 2 tỷ, sau đó công ty A sáp nhập công ty B, khi đó công ty B không còn, và công ty A vừa có quyền vừa có nghĩa vụ với khoản nợ 2 tỷ, do đó nghĩa vụ mặc nhiên được chấm dứt
Chú ý: trường hợp công ty A hợp nhất với công ty B thì sẽ trở thành công ty AB, tức là tạo thành 1 chủ thể mới, khi đó nghĩa vụ trả nợ của công ty B với công ty có thể vẫn còn (tùy theo quan điểm)
Chú ý: trường hợp chị A vay của anh B một khoản tiền, sau đó chị A và anh B kết hôn, thì nghĩa vụ trả tiền của chị A với anh B vẫn còn (anh B không đòi nữa thì đó là trường hợp miễn nghĩa vụ dân sự)
g. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết (Điều 283)
– Thời hiện miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ
– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự phải có tính liên tục kể từ thời điểm nghĩa vụ bắt đầu đến khi chấm dứt
VD: nếu gặp gia súc bị thất lạc, sau khi nuôi giữ 6 tháng mà không có người đến nhận, thì gia súc đó thuộc về người đó
h. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà nghĩa vụ phải do chính những chủ thể đó thực hiện (Điều 384)
Câu hỏi: Nếu 1 bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự chết, thì nghĩa vụ mặc nhiên chấm dứt, Đúng hay Sai?
Trả lời: Người có nghĩa vụ chết không đương nhiên làm nghĩa vụ chấm dứt. Nghĩa vụ chỉ chấm dứt trong trường hợp nghĩa vụ phải do chính người có nghĩa vụ thực hiện
VD: A bán cho B chiếc xe máy, B đã trả tiền, đang chờ A giao xe máy thì A chết, khi đó những người thừa kế của A sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ giao chiếc xe máy cho B
VD: Cô A đến gặp ông họa sỹ nổi tiếng B và thỏa thuận ông họa sỹ B sẽ tự tay vẽ bức chân dung cho cô A, đang vẽ dở thì ông B chết, khi đó nghĩa vụ chấm dứt vì theo thỏa thuận chính ông B phải là người thực hiện nghĩa vụ (vì người thừa kế không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ)
– Trường hợp 1: Bên có nghĩa vụ chính là người phải thực hiện nghĩa vụ theo PL.
VD cấp dưỡng: anh A và chị B ly hôn, anh A có nghĩa vụ cấp dưỡng để chị B nuôi con đến khi đủ 18 tuổi, đến khi đứa con 14 tuổi thì anh A chết, khi đó nghĩa vụ cấp dưỡng cũng chấm dứt theo cho dù anh A có người thừa kế thì người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đó.
– Trường hợp 2: Bên có nghĩa vụ và bên có quyền thỏa thuận về việc nghĩa vụ phải do chính người có nghĩa vụ thực hiện. Thường là những công việc phải do “nghệ nhân” hoặc người có năng lực đặc biệt thực hiện (mà người khác không thể thực hiện được).
VD: anh A đến cửa hàng cắt may và thỏa thuận rõ bộ quần áo phải do chính tay người chủ cửa hàng thực hiện (không để người khác thực hiện), khi đang làm dở thì người chủ cửa hàng cắt may chết, khi đó nghĩa vụ chấm dứt.
– Trường hợp 3: Người có quyền chính là người được tiếp nhận các lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ mà người có quyền chết thì nghĩa vụ cũng chấm dứt
VD: Ông A thuê cô y tá đến chăm sóc cho mình trong 12 tháng, chăm sóc được 3 tháng thì ông A chết, khi đó nghĩa vụ chăm sóc của cô ý tá cũng chấm dứt
i. Phá sản (Điều 387)
– Là trường hợp pháp nhân chấm dứt do tuyên bố phá sản, khi đó sẽ chấm dứt nghĩ vụ dân sự trong những trường hợp mà PL về phá sản quy định.
VD: công ty A ký hợp đồng lao động 3 năm với anh B, làm được 1 năm thì công ty A phá sản, khi đó hợp đồng lao động với anh B mặc nhiên chấm dứt
j. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ dân sự không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác (Điều 386)
– Vật đặc định là vật duy nhất, không thể thay thế, VD đồ cổ, kỷ vật. Khi đó sẽ được thỏa thuận để thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác
Chú ý: khi vật đặc định không còn thì chỉ là chấm dứt nghĩ vụ giao đúng vật, không phải là chấm dứt toàn bộ nghĩa vụ dân sự (hai bên thỏa thuận bồi thường thiệt hại hoặc thay thế bằng vật khác)
II. Thực hiện nghĩa vụ dân sự
1. Khái niệm
– Là việc 1 bên chuyển giao vật, trả tiền, giao giấy tờ có giá, thực hiện 1 công việc, hoặc không thực hiện 1 công việc nhằm thỏa mãn lợi ích cho bên kia
2. Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 283)
– Bên có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách:
+ trung thực: các bên phải nói rõ cho nhau về tình trạng và đặc tính của đối tượng, nếu che dấu khuyết tật nhằm mục đích tư lợi mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường
+ theo tinh thần hợp tác: trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, các bên cần tương trợ, giúp đỡ và thông tin cho nhau để đảm bảo lợi ích các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự
+ đúng cam kết: đúng đối tượng, đúng thời gian, đúng địa điểm, … như đã cam kết
+ không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
3. Nội dung thực hiện nghĩa vụ dân sự
a. Thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng địa điểm (Điều 284)
– Theo thỏa thuận
– Nếu không có thỏa thuận thì:
+ nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự là bất động sản thì phải giao tại nơi có bất động sản
+ nếu là động sản thì giao tại nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền
Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
b. Thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn (Điều 285, 286, 287, 288)
– Thực hiện đúng thời hạn được hiểu là bên có nghĩa vụ thực hiện theo đúng nghĩa vụ vào thời gian mà các bên đã thỏa thuận
– Nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện bất kỳ lúc nào, và bên có nghĩa vụ cũng được thực hiện bất kỳ lúc nào nhưng phải báo trước cho nhau 1 khoảng thời gian hợp lý
Lưu ý: trường hợp thực hiện nghĩa vụ trước và sau thời hạn:
+ trước thời hạn: phải được bên có quyền đồng ý và tiếp nhận sự thực hiện, khi đó nghĩa vụ dân sự được coi là thực hiện đúng thời hạn
+ sau thời hạn: nếu bên có nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ đứng thời hạn thì cần thỏa thuận với bên có quyền để kéo dài thời hạn, khi đó nghĩa vụ được hoàn thành trong thời hạn kéo dài cũng được coi là thực hiện đúng thời hạn
c. Thực hiện đúng đối tượng
– Đối tượng gồm:
+ vật
+ công việc: thực hiện / không thực hiện
– Trong nghĩa vụ chuyển giao vật, phân biệt thành 2 trường hợp:
+ vật cùng loại
+ vật đặc định: phải giao đúng vật đã thỏa thuận
d. Thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ 3 (Điều 293)
– Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể uỷ quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Câu hỏi: Phân biệt việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba
+ VD chuyển giao nghĩa vụ dân sự: A cho B vay 500 triệu, B không trả mà thỏa thuận với A chuyển giao việc trả nợ cho C, khi đó nghĩa vụ trả nợ 500 triệu được chuyển cho C, B không còn nghĩa vụ đó nữa. Nếu C không trả được nợ thì A cũng không được quyền đòi B
+ VD thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ 3: A cho B vay 500 triệu, B phải đi công tác đúng vào thời điểm phải trả nợ cho A, B đưa 500 triệu cho C và nhờ C trả giúp cho A, khi đó nghĩa vụ trả nợ của B vẫn còn, nếu C không đưa 500 triệu cho A thì A có quyền đòi B (thực chất ở đây có 2 hợp đồng: hợp đồng vay nợ, và hợp đồng ủy quyền)
e. Thực hiện nghĩa vụ dân sự có điều kiện (Điều 294)
– Là trường hợp các bên đã thỏa thuận hoặc PL đã quy định về các sự kiện là điều kiện để thực hiện nghĩa vụ, theo đó bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi sự kiện đó đã phát sinh
VD: mua sổ số, bên phát hành sổ số chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thưởng khi bên mua sổ số trúng giải
VD: bên bán bảo hiểm chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra
f. Thực hiện nghĩa vụ dân sự có đối tượng tùy ý lựa chọn (Điều 295)
– Là trường hợp đối tượng của nghĩa vụ dân sự là 1 trong nhiều tài sản hoặc công việc khác nhau mà bên có nghĩa vụ có thể tùy ý lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ.
VD: bên mua thỏa thuận có thể trả bằng tiền mặt VNĐ, ngoại tệ, hay bằng vàng
g. Thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế được (Điều 296)
– Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện 1 nghĩa vụ khác nếu được bên có quyền chấp nhận.
VD vay tiền không trả được thì có thể thực hiện một số công việc khác
Chú ý: phân biệt với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự có đối tượng tùy ý lựa chọn (Điều 295) là các đối tượng của nghĩa vụ được thỏa thuận ngay từ đầu
h. Thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng rẽ (Điều 297)
– Là trường hợp nhiều người cùng thực hiện 1 nghĩa vụ dân sự nhưng được xác định là nghĩa vụ riêng rẽ thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình, không cần quan tâm đến việc thực hiện nghĩa vụ của người khác.
i. Thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới (Điều 298, 299)
– Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
– Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
– Trong trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
– Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.
j. Thực hiện nghĩa vụ dân sự chia được theo phần (Điều 300)
– Là trường hợp đối tượng của nghĩa vụ dân sự có thể được thực hiện theo từng phần, miễn là tổng hợp lại đúng với đối tượng đã thỏa thuận.
VD: A mua của B 100 tấn gạo và thỏa thuận trong vòng 5 ngày phải giao đủ hàng, mỗi ngày B giao cho A 20 tấn và sau 5 ngày B giao cho A đủ 100 tấn gạo
k. Thực hiện nghĩa vụ dân sự không chia được theo phần (Điều 301)
– Là trường hợp đối tượng của nghĩa vụ dân sự không thể chia được, khi đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc.
VD: A đặt hàng B may 1 bộ vec-ton thì B không thể chỉ giao áo hoặc quần được mà phải giao đủ cả áo + quần vec-ton thì mới hoàn thành nghĩa vụ.
III. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự
1. Khái niệm, đặc điểm
– Khi một nghĩa vụ dân sự được xác lập thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ đó, nếu 1 bên vi phạm (không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ) thì sẽ phải chịu hậu quả.
– Khái niệm: Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự là sự quy định của PL về việc người vi phạm nghĩa vụ buộc phải tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình gây ra cho phía bên kia.
– Đặc điểm:
+ trách nhiệm dân sự là 1 loại trách nhiệm pháp lý, nên có các đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý:
chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm PL
là 1 hình thức cưỡng chế của NN và do cơ quan NN có thẩm quyền áp dụng
luôn mang đến 1 hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm pháp luật
+ đặc điểm riêng:
Biểu hiện của hành vi vi phạm PL trong trách nhiệm dân sự là việc không thực hiện, thực hiện không đúng, hoặc không đầy đủ nghĩa vụ
Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự luôn gắn liền với tài sản: vì khách thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự luôn mang tính chất tài sản, do đó trách nhiệm dân sử của người vi phạm là bù đắp lợi ích vật chất cho bên bị vi phạm
Trách nhiệm dân sự được áp dụng với người có hành vi vi phạm, nhưng cũng có thể được áp dụng đối với người khác (trong trường hợp người đại diện cho người chưa thành niên)
Hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu là việc bắt buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại cho người bị vi phạm.
2. Phân loại trách nhiệm dân sự
– Trách nhiệm dân sự gồm 2 loại:
+ Trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ dân sự: người vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền, nếu không thực hiện thì bên có quyền có quyền yêu cầu cơ quan NN có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế bắt buộc. Loại trách nhiệm này gồm:
Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ giao vật (Điều 303)
Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc (Điều 304)
Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 305)
Trách nhiệm dân sự do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 306)
+ Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 307): xuất hiện khi hành vi vi phạm nghĩa vụ đã gây ra thiệt hại, căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Có hành vi trái PL: là hành vi không thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, ngoại trừ 2 trường hợp nghĩa vụ dân sự không thể thực hiện được do:
lỗi của người có quyền
sự kiện bất khả kháng
Có thiệt hại xảy ra trong thực tế: gồm 2 loại
Thiệt hại trực tiếp: tài sản bị mất, bị hủy hoại, hư hỏng, giảm sút giá trị
Không thu được hoa lợi, lợi tức vì tài sản bị hủy hoại
Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm PL và thiệt hại xảy ra
Có lỗi của người vi phạm nghĩa vụ dân sự (Điều 308): gồm 2 loại
Lỗi cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra
Lỗi vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Chú ý: cần phân biệt trách nhiệm và nghĩa vụ. VD: A cho B vay 100 triệu từ ngày 1/1 đến ngày 30/1, trong khoảng thời gian đó B có nghĩa vụ phải trả tiền cho A, đến quá ngày 30/1 mà B không trả được nợ thì gọi là B có trách nhiệm trả tiền cho A.
– Trách nhiệm được hình thành trên cơ sở có sự vi phạm nghĩa vụ:
+ không thực hiện nghĩa vụ
+ thực hiện nghĩa vụ không đúng
+ thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ
IV. Thay đổi chủ thể trong nghĩa vụ dân sự
1. Chuyển giao quyền yêu cầu
– VD: A cho B vay 100 triệu, khi đó A là người có quyền đòi nợ và B là người có nghĩa vụ trả nợ. A chuyển giao quyền đòi nợ cho C, khi đó C là người có quyền đối với khoản nợ 100 triệu của B, và B có nghĩa vụ phải trả cho C mà không cần phải trả cho A, tức là nghĩa vụ dân sự của B với A chấm dứt và chuyển thành nghĩa vụ của B với C. Khi B không trả được nợ thì A cũng không có quyền đòi B mà chỉ có C mới có quyền đòi B.
– Việc chuyển quyền có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói, trừ trường hợp PL có quy định khác.
A có thể chuyển quyền cho C mà không cần hỏi ý kiến của B. A phải thông báo việc chuyển quyền cho B bằng văn bản. Nếu A không thông báo cho B thì B có quyền từ chối nghĩa vụ với C là người thế quyền.
– Chú ý: không được chuyển giao quyền yêu cầu nếu quyền đó gắn với nhân thân của bên có quyền như quyền yêu cầu cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín
– Phân biệt Chuyển giao quyền yêu cầu với Thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba:
Chuyển giao quyền yêu cầu Thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba
Tên gọi Người thế quyền Người được ủy quyền yêu cầu
Nội dung Chuyển quyền yêu cầu từ người này sang người khác Ủy quyền cho người thứ ba nhân danh mình thực hiện quyền yêu cầu đối với người có nghĩa vụ
Tư cách tham gia Người thế quyền là người có quyền thực sự đối với nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ Người được ủy quyền chỉ được nhân danh người có quyền để yêu cầu
Cơ sở thực hiện Văn bản chuyển giao quyền Hợp đồng ủy quyền
Phạm vi quyền yêu cầu Toàn bộ nghĩa vụ dân sự Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền
Sự ràng buộc nghĩa vụ Người có nghĩa vụ chỉ chịu trách nhiệm trước người thế quyền Người có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước người được ủy quyền và người có quyền
Biện pháp bảo đảm kèm theo (nếu có) Chuyển cho người thế quyền và người thế quyền trở thành bên nhận bảo đảm mới Vẫn giữ nguyên tại người có quyền, không được chuyển cho người được ủy quyền
2. Chuyển giao nghĩa vụ
– VD: A cho B vay 100 triệu, khi đó A là người có quyền đòi nợ và B là người có nghĩa vụ trả nợ. B thỏa thuận với A là C sẽ thay B trả nợ cho A, khi đó C là người có nghĩa vụ trả nợ 100 triệu cho A, và B không còn nghĩa vụ phải trả nợ cho A nữa, tức là nghĩa vụ dân sự của B với A chấm dứt và chuyển thành nghĩa vụ của C với B. Khi CB không trả được nợ thì A cũng không có quyền đòi B mà chỉ có quyền đòi C.
– Việc chuyển nghĩa vụ có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói, trừ trường hợp PL có quy định khác.
Việc chuyển giao nghĩa vụ thực chất là thỏa thuận tay ba, B bắt buộc phải được sự đồng ý của A mới có thể chuyển giao nghĩa vụ cho C.
– Phân biệt Chuyển giao nghĩa vụ với Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba:
Chuyển nghĩa vụ Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba
Tên gọi Người thế nghĩa vụ Người được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ
Nội dung Chuyển nghĩa vụ từ người này sang người khác Ủy quyền cho người thứ ba nhân danh mình thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền
Tư cách tham gia Người thế nghĩa vụ là người có nghĩa vụ thực sự đối với bên có quyền Người được ủy quyền chỉ được nhân danh người có nghĩa vụ để thực hiện nghĩa vụ theo sự ủy quyền
Phạm vi nghĩa vụ Toàn bộ nghĩa vụ dân sự Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền
Sự ràng buộc nghĩa vụ Người thế nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm trước người có quyền Người có nghĩa vụ vẫn phải chịu trách nhiệm trước người có quyền nếu người thế nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ
————————–
Ngày 24/01/2023
Giảng viên: thầy Nguyễn Văn Hợi
Vấn đề 3: Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
I. Những quy định chung
1. Khái niệm các biện pháp bảo đảm
– Là các biện pháp mang tính dự phòng nhằm để ngăn chặn, khắc phục những tổn thất khi có sự vi phạm
– Đặc điểm:
+ được hình thành trên cơ sở có sự thỏa thuận, VD thế chấp khi vay vốn ngân hàng, đặt cọc khi mua bán.
Chú ý: trong một số trường hợp PL bắt buộc phải có bảo đảm, VD việc bắt buộc phải ký quỹ khi người lao động ra nước ngoài (để bảo đảm không ở lại nước ngoài sau khi hết thời hạn)
+ là biện pháp mang tính dự phòng
Dự phạt: dự trù 1 khoản phạt khi nghĩa vụ không được thực hiện đúng hạn, tuy nhiên nếu bên có nghĩa vụ cố tình không thực hiện thì cũng không có cách nào bắt buộc được
Dự phòng: nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ thì sẽ có biện pháp khác thay thế
+ chỉ được áp dụng / thực hiện khi vi phạm nghĩa vụ chính
– Mục đích:
+ nhằm hạn chế sự vi phạm
+ bảo vệ cho bên có quyền khi có sự vi phạm xảy ra
+ là hợp đồng phụ, có thể được xác lập 1 cách độc lập hoặc được ghi vào hợp đồng chính
2. Đối tượng của biện pháp bảo đảm
– Đối tượng của biện pháp bảo đảm là cái gì được dùng để bảo đảm, gồm 3 loại: tài sản, công việc, uy tín
– Đối tượng của biện pháp bảo đảm là những lợi ích vật chất, vì theo quy luật ngang giá chung thì chỉ có lợi ích vật chất mới bù đắp được các lợi ích vật chất, và do đó không thể dùng quyền nhân thân làm đối tượng cho biện pháp bảo đảm
a. Tài sản
– Là đối tượng của 5 biện pháp bảo đảm: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ
– Điều kiện để tài sản được mang ra bảo đảm:
+ tài sản bảo đảm phải được phép giao dịch
Giao dịch là chuyển chuyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác
Kinh doanh là hoạt động mua đi bán lại để kiếm lợi nhuận
Câu hỏi: Tài sản được phép giao dịch có đương nhiên là tài sản được phép kinh doanh ?
Trả lời: Sai, VD ma túy có thể được giao dịch nhưng không được phép kinh doanh
+ tài sản bảo đảm phải được xác định 1 cách cụ thể
+ tài sản bảo đảm phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm, trừ 2 trường hợp:
Tài sản bảo đảm là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tại thời điểm mang đi bảo đảm đang làm thủ tục chuyển quyền sở hữu (theo Nghị định 11/2012 về 3 loại tài sản hình thành trong tương lai: loại đang được tạo lập, loại đang làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, tài sản hình thành từ vốn vay)
Tài sản thuê nhưng thỏa mãn 3 điều kiện (Nghị định 163)
Hợp đồng thuê từ 1 năm trở lên
Tàu sản thuê không thuộc nhóm phải đăng ký quyền sở hữu
Bên cho thuê là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh
– Một tài sản có thể bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ, và ngược lại có thể dùng nhiều tài sản để bảo đảm cho 1 nghĩa vụ.
b. Công việc
– Là đối tượng của 1 biện pháp bảo đảm là bảo lãnh
– Phải có các điều kiện sau:
+ phải được xác định cụ thể
+ phải có tính khả thi
+ không vi phạm điều cấm của PL và trái đạo đức XH
c. Uy tín
– Là đối tượng của 1 biện pháp bảo đảm là tín chấp.
– Chỉ có duy nhất tổ chức chính trị XH mới có thể dùng uy tín của mình để bảo đảm. (Điều 372)
Có 6 tổ chức chính trị XH: mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn TNCS, liên đoàn lao động, hội nông dân, hội cựu chiến binh.
VD: Hội phụ nữ đứng ra bảo đảm để thành viên của hội là những phụ nữ ở nông thôn, miền núi gặp khó khăn vay vốn ngân hàng chính sách XH để thực hiện xóa đói giảm nghèo.
Câu hỏi: có bao nhiêu biện pháp bảo đảm có đối tượng là tài sản ?
Trả lời: có tất cả 7 biện pháp bảo đảm là cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược, bảo lãnh, tín chấp .Trong đó có 5 biện pháp bảo đảm có đối tượng là tài sản, gồm cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược.
3. Thời hạn và phạm vi bảo đảm
– Thời hạn: do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận thì sẽ chấm dứt khi nghĩa vụ bảo đảm chấm dứt.
Vì có trường hợp nghĩa vụ dù chưa hoàn thành nhưng đã chấm dứt.
VD: A cho B vay 500 triệu trong 1 năm, B ký hợp đồng bảo đảm với A thế chấp bằng căn nhà của B cũng với thời gian 1 năm trùng với thời gian vay 500 triệu. Sắp hết 1 năm B xin gia hạn hợp đồng vay 3 tháng và A đồng ý, nhưng 2 bên không gia hạn hợp đồng bảo đảm. Khi hết 3 tháng gia hạn, B vẫn không trả được nợ, hỏi A có xử lý tài sản bảo đảm của B được không ?
Trả lời: A không thể xử lý tài sản bảo đảm của B vì B không hề vi phạm để A có thể xử lý tài sản bảo đảm: do khi hết 1 năm thì hợp đồng vay của B không bị vi phạm (vì đã được gia hạn) và hợp đồng bảo đảm chấm dứt khi thời hạn đã hoàn thành (là 1 năm)
– Phạm vi bảo đảm: do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì được hiểu là bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ.
Chú ý: Biện pháp bảo đảm có thể được bảo đảm cho nghĩa vụ hiện có hoặc nghĩa vụ trong trương lai. VD đặt cọc là biện pháp bảo đảm cho hợp đồng mua / thuê tài sản sẽ ký kết sau đó (vì tại thời điểm đặt cọc, nghĩa vụ chưa tồn tại)
4. Về giao dịch bảo đảm
– Chủ thể:
+ bên bảo đảm: là bên có nghĩa vụ, hoặc là người thứ 3
+ bên nhận bảo đảm: bên có quyền
– Hiệu lực: giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ 2 trường hợp:
+ các bên có thỏa thuận khác về thời điểm biện pháp bảo đảm có hiệu lực
+ PL có quy định, có 2 trường hợp:
Với cầm cố: thời điểm có hiệu lực là thời điểm giao nhận tài sản cầm cố
Với giao dịch phải đăng ký: thời điểm có hiệu lực là thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký
– Đăng ký giao dịch bảo đảm: các trường hợp bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan có thẩm quyền (theo Nghị định 11/2012):
+ thế chấp bằng quyền sử dụng đất hoặc rừng sản xuất là rừng trồng
+ cầm cố, thế chấp tàu bay
+ thế chấp tàu biển
Chú ý: ngoài các trường hợp PL quy định bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm, nếu các bên có yêu cầu thì vẫn có thể đến cơ quan NN có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm.
Nơi đăng ký giao dịch bảo đảm:
Quyền sử dụng đất, rừng: phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở tài nguyên môi trường
Tàu bay: Cục hàng không dân dụng VN
Tàu biển: Cục hàng hải VN
Các trường hợp khác: Cục đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm, thuộc bộ Tư pháp
– Ý nghĩa pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm:
+ xác định hiệu lực của giao dịch bảo đảm trong trường hợp PL quy định
+ nhằm xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi bị xử lý tài sản bảo đảm
+ có giá trị đối kháng đối với người thứ 3: là trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc sở hữu của bên đăng ký bảo đảm, VD trường hợp tài sản của người cho thuê, hoặc bán theo hình thức trả góp
+ là căn cứ để NN quản lý sự biến động của các loại bất động sản và tài sản trên thị trường
5. Xử lý tài sản bảo đảm và vấn đề ưu tiên thanh toán
a. Các trường hợp xử lý tài sản đảm bảo
– Khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ: không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ
– Chưa đến thời hạn xử lý tài sản đảm bảo (tức là chưa có vi phạm nghĩa vụ) nhưng phải xử lý tài sản đảm bảo để đảm bảo cho 1 nghĩa vụ khác đã đến hạn: VD A thế chấp tài sản để vay B (thế chấp không cần giao tài sản, chỉ cần giao giấy tờ), sau đó A lại dùng chính tài sản đó để cầm cố vay của C (cầm cố phải giao tài sản), thời hạn trả nợ cho B là 1/1/2023, thời hạn trả nợ cho C là 1/2/2023, khi đến ngày 1/1/2023 A không trả được thì tài sản thế chấp được mang đi xử lý, khi đó mặc dù nghĩa vụ với C chưa đến hạn nhưng trong trường hợp này được coi như đã đến hạn, B và C sẽ cùng xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ với B, khi xử lý xong nghĩa vụ với B, nếu nghĩa vụ của A với C vẫn còn tiếp tục thì A và C sẽ thỏa thuận biện pháp bảo đảm mới.
– Chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ nhưng bên có nghĩa vụ vi phạm. VD sử dụng tài sản bảo đảm sai mục đích (chẳng hạn vay tiền để phục vụ sản xuất nhưng lại sử dụng tiêu dùng), khi đó bên cho vay có quyền thu hồi khoản vay trước thời hạn và nếu không trả được thì sẽ bị xử lý tài sản bảo đảm.
– Các bên có thỏa thuận dù chưa đến hạn: VD A vay của B với thế chấp bằng tài sản, mặc dù chưa đến hạn nhưng A thấy không có khả năng trả nợ cho B nên A và B cùng thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm trước thời hạn.
b. Ai có quyền xử lý tài sản bảo đảm
– Bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm, nếu tài sản được bảo đảm cho nhiều bên thì các bên nhận bảo đảm sẽ cùng xử lý tài sản bảo đảm đó.
– Cách xử lý tài sản bảo đảm thông thường là bán đấu giá.
Câu hỏi: Ai sẽ là người có quyền định giá khởi điểm cho tài sản đấu giá ?
Trả lời: Hai bên (bên nhận bảo đảm và chủ sở hữu) cùng tham gia định giá khởi điểm cho tài sản đảm bảo khi đấu giá bán thanh lý (quy định trong Nghị định 163/2006)
c. Phương thức xử lý tài sản bảo đảm
– Do các bên thỏa thuận: VD hai bên thỏa thuận nếu bên vay không trả được nợ thì tài sản bảo đảm sẽ thuộc về bên cho vay; hoặc bên cho vay có quyền mang tài sản đi bán thanh lý
– Nếu không thỏa thuận, tài sản bảo đảm được bán đấu giá, trừ trường hợp cầm cố tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu mà giá của tài sản đó được xác định cụ thể trên thị trường thì sẽ được bán trực tiếp với giá đó chứ không được bán đấu giá. VD: vàng, ngoại tệ
d. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm
– Khi 1 tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ: (Điều 325)
+ nếu tất cả đều được đăng ký: bên nào đăng ký trước sẽ được thanh toán trước
+ nếu có bên đăng ký và bên không đăng ký: ưu tiên cho bên có đăng ký giao dịch bảo đảm
+ nếu tất cả các bên đều không đăng ký: bên nào xác lập giao dịch bảo đảm trước sẽ được ưu tiên
– Thứ tự ưu tiên khi tài sản bảo đảm đang bị cầm giữ: theo Nghị định 163 thì bên cầm giữ được ưu tiên thanh toán trước.
VD: A thế chấp chiếc ô tô vay tiền ngân hàng, A vẫn sử dụng ô tô bình thường, xe hỏng, A mang ra cửa hàng sửa chữa của C, sửa xong A không có tiền trả, C liền cầm giữ (theo Điều 416 thì C được cầm giữ ô tô của A cho đến khi A thanh toán hết tiền sửa chữa), đến hạn trả nợ ngân hàng (lúc này xe vẫn do C cầm giữ), ngân hàng yêu cầu C giao xe ô tô của A để ngân hàng xử lý, sau khi bán thanh lý, C sẽ được ưu tiên thanh toán trước ngân hàng (mặc dù ngân hàng có đăng ký giao dịch bảo đảm, trong khi C không đăng ký giao dịch bảo đảm).
– Thứ tự ưu tiên trong trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc sở hữu của bên bảo đảm, đó là trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản thuê hoặc tài sản bán trả chậm, trả dần:
+ nếu hợp đồng thuê / hợp đồng trả chậm, trả dần được đăng ký trong 15 ngày: ưu tiên thanh toán cho chủ sở hữu (tức là bên thứ 3)
+ nếu ngoài 15 ngày: ưu tiên thanh toán cho bên đăng ký trước
II. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
1. Cầm cố và thế chấp
Cầm cố Thế chấp
Khái niệm Điều 326: Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Điều 342: Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
Đặc điểm – Mọi tài sản dù có đăng ký hay không đăng ký đều có thể cầm cố được, gồm:
+ vật
+ giấy tờ có giá
– Tài sản thế chấp phải có giấy tờ đi kèm: giấy đăng ký quyền sở hữu (sổ đỏ, giấy đăng ký xe, …), giấy tờ khác như Giấy chứng nhận nguồn gốc (kim cương, đá quý), gồm:
+ vật
+ giấy tờ có giá
+ quyền tài sản
– Chuyển giao tài tài sản: bên cầm cố chỉ chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản (không chuyển giao quyền sử dụng và quyền định đoạt) – Không chuyển giao tài sản
– Tài sản cầm cố phải là tài sản đang hiện hữu – Tài sản thế chấp là tài sản hiện hữu hoặc tài sản đang hình thành
– Trong suốt thời gian cầm cố, tài sản không phát huy được giá trị (vì không bên nào được sử dụng) – Trong thời gian thế chấp, tài sản vẫn được sử dụng theo công dụng bình thường
Hình thức Được xác lập bằng văn bản
Thời điểm có hiệu lực Thời điểm giao tài sản Thời điểm các bên giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hoặc PL có quy định thế chấp phải đăng ký thì sẽ có hiệu lực từ thời điểm đăng ký
Xử lý tài sản và ưu tiên thanh toán Xem phần chung bảo đảm
Tình huống: A mang xe máy cầm cố ở cửa hàng B để vay tiền, sau đó A phát hiện ra B sử dụng chiếc xe máy của mình. Khi đó B đã sử dụng tài sản không có căn cứ PL, và theo quy định của PL thì đây không phải là căn cứ để chấm dứt biện pháp cầm cố, nhưng lại là căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu. Tuy nhiên do tài sản đang được cầm cố nên không thể lấy lại được. Làm thế nào để bên nhận cầm cố không sử dụng được tài sản của mình ?
Tình huống: A cầm cố tài sản để vay tiền của B, ngày giao tài sản là 1/1 nhưng không ký giấy tờ, đến ngày 4/1 hai bên mới làm văn bản cầm cố. Hỏi thời điểm có hiệu lực của cầm cố là ngày 1/1 hay ngày 5/1 ?
2. Đặt cọc
– Khái niệm (Điều 358): là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác
– Đối tượng:
+ tiền
+ vật (phải là vật có giá trị thanh khoản cao như vàng, bạc, đá quý)
– Hình thức: phải bằng văn bản (không bắt buộc công chứng hay chứng thực), trong văn bản phải xác định khoản tài sản mà các bên giao nhận là tài sản đặt cọc, nếu không có sự xác định là khoản đặt cọc thì được coi là tiền trả trước.
Nghị định 163/2006, điều 29: Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.
– Chủ thể:
+ bên đặt cọc:
Là bên đã giao cho bên kia 1 khoản tiền hoặc vật để đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự
Bên đặt cọc có quyền yêu cầu bên nhận đặt cọc ngừng việc sử dụng tài sản nếu tài sản đặt cọc là vật mà việc sử dụng đó có nguy cơ làm mất hay giảm sút giá trị
+ bên nhận đặt cọc:
Là bên nhận tài sản do bên đặt cọc giao để đảm bảo việc giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hợp đồng
Bên nhận đặt cọc có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc
Bên nhận đặt cọc không được khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc, không được xác lập giao dịch đối với tài sản đặt cọc, trừ trường hợp bên đặt cọc đồng ý
Bên nhận đặt cọc có quyền sở hữu tài sản đặt cọc, nếu bên đặt cọc không thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng đã thỏa thuận
– Mục đích:
+ bảo đảm giao kết hợp đồng: nếu đặt cọc được lập trước khi giao kết hợp đồng
+ bảo đảm thực hiện hợp đồng: nếu đặt cọc được lập sau khi giao kết hợp đồng
– Tính chất: đặt cọc có tính 2 chiều:
+ một chiều có tính dự phòng: đối với bên nhận đặt cọc, để đảm bảo bên đặt cọc phải giao kết hoặc thực hiện hợp đồng
+ một chiều có tính dự phạt: đối với bên đặt cọc, để đảm bảo bên nhận đặt cọc phải giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (tuy nhiên thực tế thường không áp dụng dự phạt được)
– Thời điểm có hiệu lực của đặt cọc:
+ theo thỏa thuận của các bên trong văn bản đặt cọc
+ nếu các bên không có thỏa thuận thì đặt cọc có hiệu lực từ kể từ khi bên sau cùng ký vào văn bản đặt cọc (nếu việc đặt cọc không cần công chứng hay chứng thực)
+ với trường hợp văn bản đặt cọc cần công chứng, chứng thực thì đặt cọc có hiệu lực kể từ khi văn bản đặt cọc được công chứng, chứng thực
– Xử lý vi phạm:
+ bên đặt cọc vi phạm: bị mất khoản đặt cọc về bên nhận đặt cọc
+ bên nhận cọc vi phạm: phải hoàn trả lại khoản đặt cọc và phải chịu 1 khoản phạt theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì chịu 1 khoản bằng số đặt cọc đã nhận
3. Ký cược và ký quỹ
a. Ký cược
– Khái niệm (Điều 359): là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc vật có giá trị khác (gọi là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.
– Chỉ áp dụng với hợp đồng thuê động sản. VD thuê xe máy
Câu hỏi: tại sao ký cược không áp dụng với hợp đồng thuê bất động sản ?
Trả lời: ký cược là nhằm tránh cho bên thuê “tẩu tán” tài sản, bất động sản không thể “tẩu tán” được, nên không cần ký cược
– Chủ thể:
+ bên ký cược: là bên thuê tài sản
+ bên nhận ký cược: là bên cho thuê tài sản
– Hình thức: có thể bằng
+ lời nói
+ văn bản: thường áp dụng với tài sản ký cược có giá trị lớn
+ là 1 điều khoản trong hợp đồng thuê tài sản được lập thành văn bản
– Nội dung:
+ nếu tài sản thuê được trả lại thì bên thuê nhận lại được tài sản ký cược sau khi tiền thuê được thanh toán
+ nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê:
Nếu tài sản ký cược là vật thì các bên thực hiện nghĩa vụ với nhau như hợp đồng trao đổi tài sản sau khi tiền thuê được thanh toán
Nếu tài sản ký cược là tiền thì các bên thực hiện nghĩa vụ với nhau như hợp đồng mua bán tài sản sau khi tiền thuê được thanh toán
– Đặc điểm:
+ ký cược được hình thành để làm đảm bảo cho hợp đồng cho thuê tài sản là động sản
+ đối tượng của tài sản phải là tài sản hữu hình: vì phải chuyển giao tài sản ký cược cho bên cho thuê
+ giá trị của tài sản ký cược phải lớn hơn hoặc ngang bằng với giá trị tài sản thuê
+ nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê, tức là coi như bên thuê đã mua tài sản đó (nếu ký cược bằng tiền) hoặc trao đổi tài sản đó (nếu ký cược bằng vật)
b. Ký quỹ
– Khái niệm (Điều 360): là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
– Ký quỹ thường được sử dụng trong thương mại khi mua bán hàng hóa nhiều lần và thanh toán theo kiểu “gối đầu”, hoặc kinh doanh xuất nhập khẩu (mở L/C)
– Đặc điểm:
+ ngân hàng có được sử dụng tài sản mà bên ký quỹ gửi vào không ?
Trả lời: ngân hàng được sử dụng, trừ khi tài sản gửi vào là vật đặc định
+ người mở tài khoản ký kỹ có được nhận tiền lãi không ?
Trả lời: Có, với lãi suất là lãi tiền gửi không kỳ hạn
+ bên ký quỹ sẽ phải trả cho ngân hàng 1 khoản gọi là phí ký quỹ
+ A ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ với B, nếu khoản phí ký quỹ + số tiền phải trả cho B lớn hơn khoản ký quỹ, thì ai sẽ được ưu tiên thanh toán trước, B hay ngân hàng ?
Trả lời: ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán trước
+ số tiền bên ký quỹ phải trả cho ngân hàng là số tiền phải trả cho hoạt động gì của ngân hàng, có phải là tiền phí gửi giữ tài sản ?
Trả lời: không phải hợp đồng giữ, mà là hợp đồng dịch vụ thanh toán, tức là nếu bên ký quỹ không hoàn thành nghĩa vụ thì ngân hàng sẽ thanh toán số tiền ký quỹ cho bên có quyền.
4. Bảo lãnh và tín chấp
Bảo lãnh Tín chấp
Khái niệm Là việc người thứ ba (gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình Tổ chức chính trị – xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho thành viên của mình là cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.
Đặc điểm Nếu bên được bảo lãnh không trả được nợ thì bên bảo lãnh sẽ trả thay
Có thể nhiều người cùng bảo lãnh cho 1 nghĩa vụ:
+ nếu có thỏa thuận về phần nghĩa vụ thì từng người sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh
+ nếu không có thỏa thuận phần nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm liên đới: bên nhận bảo lãnh có thể yêu cầu bất kỳ người nào trong số những người cùng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh
Nếu bên vay không trả được thì tổ chức chính trị – xã hội đó sẽ không trả thay.
Vì sao ?
————————————————————————————————-
Ngày 31/01/2023
Giảng viên: thầy Nguyễn Văn Hợi
Vấn đề 4: Những quy định chung về hợp đồng dân sự
1. Khái niệm, phân loại (Điều 388)
a. Khái niệm (Điều 388)
– Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
VD về hợp đồng 3 bên hay nhiều bên:
+ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nhiều chủ thể, gọi là tổ hợp tác, phải có ít nhất 3 thành viên trở lên, và cùng ký thỏa thuận về hợp tác kinh doanh, và hợp đồng này phải có chứng thực của UBND cấp xã
+ hợp đồng liên doanh giữa nhiều đối tác, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ từng bên
Chú ý: phân biệt với hợp đồng hỗn hợp: trong 1 hợp đồng có nhiều hợp đồng “con”, nhiều bên cùng ký vào hợp đồng đó
Câu hỏi: Hợp đồng là sự thỏa thuận, vậy có phải mọi sự thỏa thuận đều là hợp đồng ?
Trả lời: Hợp đồng dân sự theo điều 122 quy định phải đáp ứng đủ 3 điều kiện:
+ Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự
+ Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội
+ Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện
Và phải làm phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự
2. Phân loại
– Căn cứ vào sự phụ thuộc giữa các loại hợp đồng:
+ hợp đồng chính: hiệu lực phát sinh một cách độc lập
+ hợp đồng phụ: hiệu lực phát sinh phụ thuộc vào hợp đồng chính
VD: A cho B thuê nhà, B cho C thuê lại, khi đó hiệu lực của hợp đồng giữa B và C phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng giữa A và B
VD: A cho B vay, B thế chấp bằng tài sản của mình, thì hợp đồng thế chấp là hợp đồng phụ của hợp đồng vay
– Căn cứ vào mối liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ:
+ hợp đồng song vụ: là các bên đều có nghĩa vụ với nhau. VD hợp đồng mua bán, thuê, …
+ hợp đồng đơn vụ: chỉ 1 bên có nghĩa vụ, bên kia có quyền. VD hợp đồng tặng cho
– Căn cứ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng:
+ hợp đồng ưng thuận: hiệu lực phát sinh tại thời điểm giao kết hoặc tại 1 thời điểm do các bên thỏa thuận
– Căn cứ vào tính chất có đi có lại về lợi ích (3 loại):
+ hợp đồng luôn có đền bù: gồm 7 nhóm hợp đồng: mua bán tài sản, trao đổi tài sản, thuê tài sản, dịch vụ, vận chuyển, gia công, bảo hiểm
+ hợp đồng luôn không có đền bù: gồm hợp đồng tặng cho tài sản, mượn tài sản
+ hợp đồng có thể có hoặc không có đền bù: gồm hợp đồng vay tài sản (khi phải trả lãi thì mới có đền bù), gửi giữ tài sản, ủy quyền (có hoặc không có thù lao được quy định trong hợp đồng)
– Căn cứ vào đối tượng hợp đồng (2 nhóm):
+ hợp đồng có đối tượng là tài sản (2 loại, căn cứ vào mục đích xác lập hợp đồng):
Mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản: gồm hợp đồng mua bán, vay, tặng cho, trao đổi tài sản
Mục đích chuyển quyền sử dụng tài sản: gồm hợp đồng thuê, mượn tài sản
+ hợp đồng có đối tượng là công việc phải thực hiện: gồm hợp đồng dịch vụ, vận chuyển, gia công, gửi giữ, bảo hiểm, ủy quyền
Câu hỏi: Hãy phân tích đặc điểm pháp lý của hợp đồng A (hợp đồng cụ thể nào đó)
Trả lời: Dựa vào các căn cứ phân loại trên để xác định A thuộc loại hợp đồng:
+ song vụ hay đơn vụ,
+ thực tế hay ưng thuận,
+ có đền bù hay không có đền bù hoặc vừa có vừa không có đền bù
Câu hỏi: Phân tích đặc điểm pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản.
Trả lời: Đây là loại hợp đồng :
+ song vụ
+ ưng thuận
+ luôn có đền bù
+ có đối tượng là tài sản
+ có mục đích chuyển sở hữu tài sản
– Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. VD hợp đồng cha mẹ mua bảo hiểm cho con nhỏ
– Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. VD hợp đồng mua con ngựa đua nếu con ngựa đó giành chiến thắng trong cuộc đua ngựa
– Hợp đồng dân sự hỗn hợp: chứa nội dung của nhiều hợp đồng khác nhau,
VD hợp đồng du lịch trọn gói sẽ gồm nhiều hợp đồng như hợp đồng vận chuyển (đi bằng máy bay hay ô tô), hợp đồng ăn uống, hợp đồng dịch vụ khách sạn, hợp đồng thăm quan thắng cảnh, …
VD đến hiệu may chọn vải và đặt hàng may quần áo, đây cũng là hợp đồng hỗn hợp gồm hợp đồng mua bán vải và hợp đồng thuê gia công
2. Nội dung hợp đồng (Điều 402)
– Nội dung hợp đồng là tất cả những gì mà các bên thỏa thuận với nhau. Điều 402 quy định nội dung hợp đồng có thể gồm:
(1) Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm
(2) Số lượng, chất lượng
(3) Giá, phương thức thanh toán
(4) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng
(5) Quyền, nghĩa vụ của các bên
(6) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
(7) Phạt vi phạm hợp đồng
(8) Các nội dung khác.
Không phải hợp đồng nào cũng có đủ các nội dung trên, VD trong hợp đồng vay sẽ không có giá cả
– Nội dung hợp đồng được chia làm 3 nhóm điều khoản:
+ Nhóm điều khoản cơ bản:
là các điều khoản quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng
có thể do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định (VD điều khoản về sự kiện bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm có thể do các bên thỏa thuận hoặc do PL quy định)
khi giao kết hợp đồng mà thiếu điều khoản cơ bản thì hợp đồng không hình thành được
Chú ý: điều khoản về đối tượng là yêu cầu bắt buộc của mọi hợp đồng, và đều do các bên thỏa thuận, không bao giờ do PL quy định
+ Nhóm điều khoản không cơ bản: là các điều khoản không bắt buộc phải thỏa thuận khi giao kết hợp đồng, gồm 2 nhóm:
điều khoản thông thường: là các điều khoản trong luật đã có sẵn (nếu các bên không thỏa thuận thì sẽ theo quy định của PL), VD hai bên ký hợp đồng vay, trong hợp đồng có điều khoản bên vay phải trả lãi, nhưng không nói cụ thể lãi bao nhiêu, khi đó sẽ áp dụng mức lãi suất cơ bản theo quy định của PL
điều khoản tùy nghi: là các điều khoản không bắt buộc nhưng các bên có thỏa thuận ghi trong hợp đồng, VD A cho B vay 100 triệu, lãi suất thỏa thuận 1% / tháng, khi đó điều khoản về lãi suất là điều khoản tùy nghi, tức là có thể có hoặc không
Như vậy ngoài điều khoản cơ bản thì điều khoản trong hợp đồng có thể là thông thường hoặc tùy nghi, VD điều khoản về giá trong hợp đồng mua bán có thể là thông thường hoặc tùy nghi, vì PL quy định giá của tài sản trong hợp đồng mua bán do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì sẽ lấy mức giá trên thị trường của tài sản đó vào thời điểm giao kết.
3. Hình thức của hợp đồng
– Điều 401 quy định hình thức của hợp đồng:
(1) Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
(2) Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Chú ý: một số loại hợp đồng bắt buộc phải bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực; tuy nhiên việc công chứng, chứng thực hợp đồng không phải là 1 hình thức hợp đồng mà chỉ là thủ tục xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về giao dịch giữa các chủ thể.
Chú ý: trường hợp chuyển nhượng đất mà không làm hợp đồng có công chứng, chứng thực, tức là đã vi phạm hình thức của hợp đồng, thì vẫn có thể được công nhận nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện:
+ bên nhận chuyển nhượng đã làm nhà, xây các công trình xây dựng, hoặc trồng cây lâu năm trên đất
+ bên chuyển nhượng không phản đối về việc sử dụng đất này
+ việc sử dụng đất không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
4. Giao kết hợp đồng dân sự
a. Các nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự (Điều 389)
– Điều 389 quy định 2 nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự:
+ Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội
+ Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng
b. Trình tự giao kết hợp đồng dân sự
– Bước 1: đề nghị giao kết hợp đồng:
+ là sự thể hiện ý chí của 1 bên chủ thể với mong muốn giao kết hợp đồng với bên kia
+ Ba dấu hiệu của đề nghị giao kết:
bên đề nghị phải thể hiện rõ mong muốn giao kết hợp đồng
trong nội dung lời đề nghị phải chứa đựng điều khoản cơ bản của hợp đồng
lời đề nghị phải hướng đến chủ thể nhất định
+ Hình thức đề nghị giao kết hợp đồng:
đề nghị trực tiếp: gặp trực tiếp, hoặc thông qua điện thoại để đề nghị. Thông thường trả lời ngay hoặc sau 1 khoảng thời gian thỏa thuận
đề nghị gián tiếp: gửi thư đề nghị, thời gian trả lời do bên đề nghị đưa ra. Chú ý trường hợp bên đề nghị đưa ra điều khoản ‘‘nếu quá thời hạn mà không nhận được ý kiến phản hồi thì chúng tôi coi như lời đề nghị được chấp thuận’’
+ thay đổi, rút khỏi lời đề nghị (Điều 392): bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị
b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
Như vậy, chỉ có thể rút lại lời đề nghị khi bên nhận chưa nhận được lời đề nghị hoặc nhận được cùng với thông báo rút lại, do đó đề nghị trực tiếp không bao giờ rút lại được.
+ hủy bỏ lời đề nghị (Điều 393): Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền huỷ bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
VD: A gửi cho B đề nghị, A chỉ có thể hủy bỏ lời đề nghị khi B chưa chấp thuận
Câu hỏi: so sánh việc rút lại và hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng
Trả lời:
Giống nhau: kết quả cùng là không còn giao kết
Khác nhau: khác nhau về điều kiện
Rút lại được khi lời đề nghị chưa đến bên nhận hoặc đến cùng với thời điểm nhận được đề nghị
Hủy được khi bên nhận đề nghị chưa trả lời chấp thuận, mặc dù đã nhận được đề nghị
– Bước 2: chấp nhận đề nghị:
+ là thể hiện ý chí của bên nhận đề nghị với lời đề nghị
+ Ba dấu hiệu của chấp nhận đề nghị:
bên chấp nhận phải trả lời chấp nhận toàn bộ lời đề nghị
bên chấp nhận không được đặt ra bất kỳ điều kiện gì khác: nếu đặt ra điều kiện khác thì sẽ là thỏa thuận mới và sẽ cần xác định lại xem ai mới là người đề nghị
việc trả lời phải trong thời hạn chờ chấp nhận
————————————————————————————————-
Ngày 28/02/2023
Giảng viên: cô Hoàng Thị Loan
Vấn đề 4: Những quy định chung về hợp đồng dân sự (tiếp)
Nói thêm về hợp đồng dân sự
a. Thời điểm hợp đồng có hiệu lực
– Điều 405: Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
– Ý nghĩa của việc xác định thời điểm hợp đồng có hiệu lực: để xác định thời điểm quyền và nghĩa vụ của các chủ thể phát sinh, từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các chủ thể được phép xử sự như đã thỏa thuận, nếu 1 bên không tuân theo, thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan NN có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
– Các căn cứ để hợp đồng có hiệu lực:
(1) theo thời điểm giao kết hợp đồng: là thời điểm bên nhận được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng, gồm các trường hợp sau:
Nếu HĐ được giao kết bằng văn bản viết thì thời điểm có hiệu lực của HĐ là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản
Nếu HĐ phải đăng ký theo quy định của PL thì thời điểm có hiệu lực của HĐ là thời điểm hoàn thành việc đăng ký
Nếu các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp thuận giao kết thì thời điểm có hiệu lực của HĐ là thời điểm kết thúc thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng
(2) theo thỏa thuận của các bên: gồm 2 trường hợp :
HĐ có hiệu lực từ ngày cụ thể được các bên xác định
HĐ có hiệu lực vào thời điểm xảy ra sự kiện là điều kiện phát sinh hiệu lực của HĐ
(3) theo quy định của PL: VD hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực sau khi hợp đồng được công chứng tại cơ quan NN có thẩm quyền
b. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng
– Điều 412: Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác
Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau
Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. – Ý nghĩa của nguyên tắc
+ nguyên tắc ‘‘trung thực’’: VD trong hợp đồng tặng cho tài sản, bên tặng cho có nghĩa vụ phải thông báo đầy đủ tình trạng của tài sản, các khuyết tật của tài sản cho bên được tặng cho biết, nếu bên tặng cho không thông báo mà để cho bên được tặng cho sử dụng tài sản gây ra thiệt hại cho họ hay cho người khác thì bên tặng cho sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.
Chú ý: Luật dân sự 2023 bỏ đi phần các nguyên tắc, tuy nhiên bổ sung thêm 1 quy định mới rất có giá trị là ‘‘Tòa án không được phép từ chối thụ lý các vụ việc dân sự, ngay cả khi không có quy phạm để giải quyết’’
c. Thực hiện hợp đồng dân sự
– Thực hiện hợp đồng đơn vụ: chỉ 1 bên có nghĩa vụ
– Thực hiện hợp đồng song vụ: 2 bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau
+ hợp đồng cầm giữ: bên đang cầm giữ tài sản của bên kía có quyền tiếp tục cầm giữ tài sản đó cho đến khi bên kia thực hiện xong nghĩa vụ. VD sửa xe, cửa hàng sửa xe được quyền cầm giữ chiếc xe sau khi sửa xong và chỉ giao lại cho người chủ xe khi chủ xe đã thanh toán xong tiền sửa xe
+ hợp đồng vì quyền lợi của người thứ 3 (Điều 419): hai bên trong quan hệ hợp đồng có nghĩa vụ với nhau, nhưng lợi ích lại dành cho người thứ ba, và quyền của người thứ ba được PL quy định đặt lên hàng đầu. VD cha mẹ mua bảo hiểm cho con
+ hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm: PL cho phép hai bên được quyền thỏa thuận về việc phạt vi phạm nếu 1 trong 2 bên vi phạm thỏa thuận của mình
+ hợp đồng mẫu: hợp đồng được 1 bên soạn thảo sẵn, bên kia không được phép thay đổi. VD hợp đồng dịch vụ điện, nước
d. Hợp đồng dân sự vô hiệu
– Hợp đồng dân sự vô hiệu khi không đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (Điều 122):
+ điều kiện về chủ thể: phải có năng lực hành vi dân sự
+ điều kiện về mục đích và nội dung: không vi phạm điều cấm của PL, không trái đạo đức XH
+ điều kiện về sự tự nguyện: người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện
+ điều kiện về hình thức: đáp ứng các điều kiện về hình thức trong trường hợp PL có quy định
+ trường hợp đối tượng của hợp đồng không còn thì hợp đồng có thể được tuyên vô hiệu
e. Sửa đổi và chấm dứt hợp đồng
– Sửa đổi hợp đồng dân sự (Điều 423):
+ là sự thỏa thuận các bên về việc thay đổi một số nội dung của hợp đồng
+ hình thức sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng. VD hợp đồng phải công chứng chứng thực thì việc sửa đổi cũng phải công chứng, chứng thực
+ phần không bị sửa đổi của hợp đồng vẫn có hiệu lực PL nên các bên vẫn thực hiện phần đó, phần bị sửa đổi không còn hiệu lực và các bên thực hiện theo sự thay đổi.
– Chấm dứt hợp đồng: căn cứ để chấm dứt (Điều 424):
+ nghĩa vụ đã được hoàn thành
+ theo thỏa thuận của các bên
+ hợp đồng bị hủy bỏ (Điều 425): khi bị hủy bỏ thì hợp đồng sẽ không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận (tức là coi như hợp đồng chưa từng tồn tại). Nếu có thiệt hại xảy ra thì bên có lỗi làm cho hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường.
+ hợp đồng bị đơn phương chấm dứt (Điều 426): điều khoản về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng thường được ghi vào trong hợp đồng. Hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên này, kể từ đó các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, bên nào đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán, bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.
Câu hỏi: phân biệt hợp đồng bị hủy bỏ với hợp đồng bị đơn phương chấm dứt.
Trả lời:
+ đơn phương chấm dứt: nghĩa vụ chấm dứt tại thời điểm thông báo đơn phương chấm dứt, những nghĩa vụ đã thực hiện trước đó vẫn được công nhận
+ hủy bỏ: coi như hợp đồng chưa từng tồn tại, các bên trở lại điểm ban đầu và hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận
+ căn cứ để đơn phương chấm dứt có thể từ sự vi phạm của 1 bên hoặc do 1 sự kiện nào đó không phải là sự vi phạm của bên kia ; còn hủy bỏ bắt buộc phải căn cứ vào sự vi phạm nghĩa vụ của 1 bên
+ giống nhau: đều phải thông báo cho bên kia, và bên nào có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia
f. Thời hiệu khởi kiện vi phạm hợp đồng (Điều 427)
– Thời hiệu hiện tại là 2 năm (đến luật Dân sự 2023 là 3 năm) kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị vi phạm
Câu hỏi: nếu quá thời hiệu mà không đi kiện, thì giải quyết thế nào ?
Trả lời: hiện tại luật chưa có quy định cụ thể.
Luật dân sự 2023 đã giải quyết triệt để với vấn đề thời hiệu khởi kiện đối với chế định thừa kế (các chế định khác chưa giải quyết), quy định : Hết thời hiệu khởi kiện thừa kế, những người thừa kế mà không khởi kiện thì ai đang là người quản lý trực tiếp di sản đó trở thành chủ sở hữu của di sản.
Vấn đề 5 : Hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản
I. Hợp đồng mua bán tài sản
1. Khái niệm và đặc điểm
– Khái niệm (Điều 428): Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.
– Đặc điểm:
+ là hợp đồng song vụ: hai bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau
+ là hợp đồng có đền bù: có tính chất đền bù tương đương
+ là hợp đồng ưng thuận: hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận xong với nhau những nội dung cơ bản của hợp đồng, như đối tượng mua bán, giá cả, phương thức thanh toán, …
2. Hình thức của hợp đồng mua bán
– Với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì hình thức phải bằng văn bán có công chứng
3. Nội dung cơ bản của hợp đồng mua bán
– Đối tượng của hợp đồng mua bán (Điều 429): là tài sản
+ được phép giao dịch
+ là vật, hoặc quyền tài sản: nếu là vật thì phải được xác định cụ thể, nếu là quyền tài sản thì phải có giấy tờ chứng minh tư cách chủ sở hữu tài sản đó
+ thuộc sở hữu của bên bán: luật quy định bên bán phải đảm bảo tính sở hữu của tài sản cho bên mua (tức là sau khi bán cho bên mua sẽ không có tranh chấp, nếu có bên thứ 3 tranh chấp thì bên mua được quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ hợp đồng)
+ không phải là đối tượng của các biện pháp bảo đảm, trừ trường hợp PL có quy định khác: tài sản đã được mang ra làm đối tượng của các biện pháp bảo đảm (như thế chấp, cầm cố, ký cược, …) thì không được mua bán. Tuy nhiên vẫn có trường hợp tài sản vừa là đối tượng của biện pháp bảo đảm, vừa là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản, đó là trường hợp tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, VD siêu thị nhập lô hàng điện máy, có thể dùng chính lô hàng đó để thế chấp vay tiền ngân hàng, và lô hàng đó vẫn được bán cho người tiêu dùng
– Giá trong hợp đồng mua bán: là lượng tiền nhất định do các bên thỏa thuận tương ứng với giá trị của tài sản bán, việc xác định giá có thể:
+ theo thỏa thuận của các bên
+ nhờ người thứ 3 định giá
+ do cơ quan NN có thẩm quyền ấn định: VD giá xăng, giá vàng, ngoại tệ
+ áp dụng hệ số trượt giá: các bên có thể thỏa thuận hệ số trượt giá nếu có biến động về giá. VD với hợp đồng mua hàng hóa dài hạn, hoặc hợp đồng thuê nhà dài hạn, có thể thỏa thuận mức trượt giá theo các năm
+ áp mức giá và phương thức xác định giá: có thể căn cứ vào giá thị trường đối với tài sản cùng loại. Nếu các bên tranh chấp nhau mà không thể áp dụng mức giá trị trường thì tòa án sẽ thành lập hội đồng thẩm định giá.
– Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán (Điều 432):
+ theo thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì:
Với chuyển giao tài sản: bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý
Với thanh toán: bên mua phải thanh toán ngay khi nhận tài sản
– Địa điểm giao tài sản (Điều 433):
+ theo thỏa thuận
+ nếu không có thỏa thuận thì:
Với động sản: tại nơi cư trú của bên mua, hoặc trụ sở của bên mua nếu là tổ chức
Với bất động sản: tại nơi có bất động sản
– Phương thức thực hiện hợp đồng mua bán:
+ với việc chuyển giao tài sản: theo thoả thuận, nếu không có thoả thuận về phương thức giao tài sản thì tài sản do bên bán giao một lần, giao trực tiếp cho bên mua
+ với việc thanh toán tiền: theo thỏa thuận, có thể bằng tiền mặt hay chuyển khoản, trả hết 1 lần hay chia làm nhiều lần, trả trực tiếp hay thông quan bên thứ 3, …
– Quyền và nghĩa vụ của các bên:
+ bên bán:
Có nghĩa vụ:
Chuyển giao tài sản đúng theo thỏa thuận
Cung cấp thông tin đầy đủ về tài sản, hướng dẫn sử dụng tài sản cho bên mua
Đảm bảo quyền sở hữu cho bên mua
Bảo hành: theo thỏa thuận, hoặc theo quy định của PL (trường hợp nhà chung cư từ 9 tầng trở lên thì theo luật Nhà ở chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành trong ít nhất 5 năm). Chú ý: bên bán thường không phải là bên thực hiện việc bảo hành, mà trách nhiệm bảo hành thuộc về nhà sản xuất, tài các trung tâm bảo hành
Có quyền:
Yêu cầu bên mua thanh toán giá trị của tài sản
Yêu cầu hủy bỏ hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có)
+ bên mua: có quyền và nghĩa vụ tương ứng với bên bán
– Thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản (Điều 439):
+ với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu: là thời điểm chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc PL có quy định khác
+ với tài sản phải đăng ký: là thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu
+ trường hợp tài sản mua bán chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên bán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
– Thời điểm chịu rủi ro (Điều 440):
+ đối với tài sản không phải đăng ký, nếu không có thỏa thuận khác thì:
bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua
bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản
+ đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, nếu không có thỏa thuận khác thì:
bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký
bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản
4. Hợp đồng mua bán nhà ở
Xem: – Luật nhà ở
-Nghị định 99/2023 hướng dẫn luật Nhà ở
5. Một số quy định khác về hợp đồng mua bán tài sản
a. Bán đấu giá tài sản
– Khái niệm: (theo Nghị định 17/2010) là trường hợp bán tài sản 1 cách công khai để cho nhiều người cùng tham gia trả giá lên
– Bán đấu giá phải theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và phải được thực hiện theo trình tự nhất định.
Lý do: vì theo điều 258, người mua được tài sản trong phiên bán đấu giá là người ngay tình, và trở thành chủ sở hữu của tài sản đó mà không cần quan tâm đến nguồn gốc của tài sản đó.
– Đặc điểm:
+ nhiều người cùng tham gia
+ giá khởi điểm chưa phải là giá của hợp đồng mua bán
+ không có ai trả giá cao hơn giá khởi điểm thì bán với giá khởi điểm
+ người tham gia đấu giá phải nộp 1 khoản tiền đặt trước (bằng từ 1 – 15% giá khởi điểm)
Nếu mua được tài sản thì giá mua được trừ đi khoản đặt trước
Nếu không mua được tài sản thì được trả lại
Nếu không tham gia phiên đấu giá thì bị mất khoản đặt trước
– Thông báo đấu giá:
+ trước 7 ngày đối với động sản, trước 30 ngày đối với bất động sản
+ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng
– Chủ thể:
+ người có tài sản cần bán đấu giá: có thể là:
chủ sở hữu của tài sản
cơ quan NN có thẩm quyền: đối với tài sản bị tịch thu, bị đem bán đấu giá sung công quỹ
+ người bán đấu giá: có thể là:
Trung tâm bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh
Doanh nghiệp có ngành nghề bán đấu giá
+ người mua tài sản: đủ năng lực hành vi dân sự, theo Nghị định 17/2010 quy định người không được tham gia đấu giá như người thân thuộc hàng thừa kế thứ 1 của thành viên hội đồng bán đấu giá
– Bán đấu giá: trình tự và thủ tục (xem Nghị định 17/2010)
– Hình thức: phải bằng văn bản, có chữ ký của các chủ thể tham gia, trong đó phải có ít nhất 2 người tham gia đấu giá
b. Hợp đồng trả chậm, trả dần (Điều 461)
– Là trường hợp các bên có thể thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận vật mua.
– Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác
– Hình thức: phải bằng văn bản
Chú ý: phân biệt với mua trả góp:
+ mua trả góp là trường hợp mua bán tài sản thông thường, quyền sở hữu tài sản thuộc về bên mua ngay sau khi chuyển giao
+ mua trả chậm, trả dần thì quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán, chỉ đến khi bên mua trả hết tiền thì quyền sở hữu tài sản mới thuộc về bên mua
c. Mua sau khi dùng thử (Điều 460)
– Là trường hợp bên mua được dùng thử tài sản trong một thời hạn do bên bán đưa ra (hoặc theo thỏa thuận các bên), hết thời hạn dùng thử, bên mua có quyền trả lại tài sản mà không bắt buộc phải mua
– Rủi ro đối với tài sản thuộc về bên bán, nếu bên mua gây ra thiệt hại cho tài sản thì phải bồi thường
d. Mua bán có chuộc lại (Điều 462)
– Là trường hợp bên bán thỏa thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.
– Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thoả thuận nhưng không quá một năm đối với động sản và năm năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm giao tài sản. Trong thời hạn này bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, nếu không có thoả thuận khác.
– Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, phải chịu rủi ro đối với tài sản
————————————————————————————————-
Ngày 06/03/2023
Giảng viên: thầy Phạm Văn Tuyết
Vấn đề 5: Hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản (tiếp)
Nói thêm về Các loại hợp đồng mua bán tài sản đặc biệt
a. Bán đấu giá
Câu hỏi: Tại sao bán đấu giá lại là 1 trường hợp riêng của hợp đồng mua bán tài sản ?
– Chủ thể: bao gồm 4 chủ thể:
+ người có tài sản bán đấu giá: có thể là
Chủ sở hữu tài sản: người có tài sản và mong muốn bán tài sản bằng hình thức đấu giá
Bên nhận tài sản bảo đảm: gồm bên nhận cầm cố tài sản, bên nhận thế chấp tài sản, bên nhận bảo lãnh tài sản trong trường hợp bảo lãnh bằng vật, có quyền yêu cầu bán đấu giá khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình
Cơ quan thi hành án dân sự: yêu cầu bán đấu giá tài sản của chủ thể vi phạm PL để thi hành án
Cơ quan có thẩm quyền đối với tài sản công: VD bán đấu giá đất công, xe công
Cơ quan đã ra quyết định tịch thu tài sản: sau khi tịch thu có quyền yêu cầu bán đấu giá tài sản đó, VD hải quan tịch thu hàng buôn lậu
+ người bán đấu giá: theo quy định của PL thì người bán đấu giá không thể là cá nhân mà phải là tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc do cơ quan NN lập ra trong các trường hợp đặc biệt, gồm:
Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở tư pháp cấp tỉnh
Doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản
Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện: bán đấu giá tài sản bị tịch thu
Hội đồng bán đấu giá đặc biệt: bán đấu giá tài sản công như đất công, xe công, …
+ người tham gia đấu giá: mọi người từ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự, đều được quyền đăng ký tham gia phiên bán đấu giá, và phải nộp lệ phí theo quy định
+ người mua tài sản bán đấu giá: là 1 trong những người tham gia đấu giá, là người trả giá cao nhất và giá mua không được thấp hơn giá khởi điểm (nếu giá cao nhất lại thấp hơn giá khởi điểm thì buổi bán đấu giá không thành)
Câu hỏi: Tại sao nói bán đấu giá là hình thức bán tài sản có thủ tục đặc biệt ?
Trả lời: Đặc biệt ở chỗ:
+ phải thực hiện 2 hợp đồng:
Người có tài sản bán đấu giá ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá trong đó ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá đứng ra bán tài sản đó
Sau khi đã chọn được mua qua phiên đấu giá, thì người mua và người bán sẽ ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
+ khác với mua bán thông thường trong đó bên bán ký giấy tờ chuyển quyền sở hữu cho bên mua, với trường hợp bán đấu giá tài sản do bị tịch thu, bị cưỡng chế thi hành án, bị mất tài sản bảo đảm do không thực hiện được nghĩa vụ thì người chủ sở hữu của tài sản đó thường có thái độ không hợp tác với tổ chức bán đấu giá, rất khó để họ ký giấy tờ chuyển quyền sở hữu cho bên mua. Vì vậy cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản sẽ không cần chủ tài sản phải ký vào các giấy tờ chuyển quyền sở hữu tài sản mà dựa vào hợp đồng vay (hợp đồng tín dụng) và hợp đồng này có thể thay thế cho giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
VD: A bị tịch thu ô tô, cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá ô tô của A, khi đã xác định được người mua và đăng ký quyền sở hữu cho người mua, thường thì A sẽ không hợp tác giao giấy tờ xe, khi đó Quyết định tịch thu tài sản sẽ có ý nghĩa thay thế cho giấy tờ xe và việc mua bán, đăng ký quyền sở hữu vẫn diễn ra bình thường.
b. Hợp đồng trả chậm, trả dần
+ trả chậm: thỏa thuận sau 1 thời gian mới trả tiền
+ trả dần: thỏa thuận sẽ trả dần từng khoản cho đến khi hết
VD: hình thức thuê mua tài chính
– Đặc điểm: bên bán có quyền bảo lưu quyền sở hữu:
+ là việc quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán cho đến khi bên mua thực hiện xong nghĩa vụ
+ bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, ở đây thực chất chỉ là bảo lưu quyền định đoạt tài sản, còn quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đã thuộc về bên mua
+ cách thức bảo lưu:
Với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu: bên bán chưa chuyển quyền sở hữu cho bên mua
Với tài sản không phải đăng ký: bên bán có quyền truy đòi tài sản
c. Hợp đồng mua bán có chuộc lại
– Thường áp dụng với vật đặc định (kỷ vật, đồ cổ, …): các bên thỏa thuận bên bán có quyền chuộc lại tài sản đã bán trong một thời hạn, nhưng không quá 1 năm đối với động sản và 5 năm với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản
– Trong thời hạn thỏa thuận, bên mua là chủ sở hữu của tài sản, nhưng bị hạn chế quyền: không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản đó, và bên mua phải chịu rủi ro đối với tài sản
– Trong thời hạn thỏa thuận, bên bán có quyền chuộc lại tài sản bất kỳ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua, giá chuộc lại là giá thỏa thuận hoặc theo giá thị trường tại thời điểm chuộc lại
– Bản chất là cầm cố tài sản, khác ở chỗ không tính lãi mà sẽ hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá mua với giá bán lại tài sản
d. Hợp đồng mua bán sau khi dùng thử
– bản chất là 1 hình thức khuyến mãi, thường áp dụng với vật không tiêu hao, VD sử dụng thử thiết bị điện tử (laptop, điện thoại, …); hoặc với vật tiêu hao thì dùng thử với 1 lượng nhất định, VD gói nhỏ dầu gội đầu, …
– Các bên thỏa thuận về việc bên mua được dùng thử tài sản muốn mua trong 1 thời hạn. Trong thời hạn dùng thử, tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán, bên bán vẫn phải chịu rủi ro đối với tài sản cho bên mua dùng thử và không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời có mua không.
– Trong thời gian dùng thử, bên mua có thể đồng ý mua hoặc không mua. Nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời, thì coi như đã chấp nhận mua tài sản đó.
– Nếu bên dùng thử trả lời không mua thì phải trả lại tài sản cho bên bán và phải bồi thường cho bên bán nếu làm mất, hư hỏng
– Bên dùng thử không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn thông thường do việc dùng thử gây ra và không phải hoàn trả lại hoa lợi do việc dùng thử mang lại.
II. Hợp đồng trao đổi tài sản
– Khái niệm: hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau
– Đặc điểm:
+ là hợp đồng có đền bù: mỗi bên đều nhận được tài sản của bên kia. Nếu tài sản chênh lệch về giá trì thì các bên phải thanh toán cho nhau phần giá trị chênh đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc PL có quy định khác
+ là hợp đồng song vụ: các bên đều có nghĩa vụ giao cho bên kia 1 tài sản theo thỏa thuận
+ có thể là hợp đồng ưng thuận, có thể là hợp đồng thực tế:
Nếu có thỏa thuận hợp đồng chỉ có hiệu lực khi các bên đã chuyển giao tài sản cho nhau thì là hợp đồng thực tế
III Hợp đồng cho vay tài sản
1. Khái niệm (Điều 471)
– Là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc PL có quy định.
– Đặc điểm:
+ là hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu tài sản 1 cách tạm thời: bên vay được toàn quyền định đoạt tài sản vay trong thời hạn vay
+ có thể là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù:
Có đền bù nếu các bên thỏa thuận về lãi
Không có đền bù nếu không có lãi
+ có thể là hợp đồng thực tế hoặc ưng thuận:
Thực tế: các bên thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực là thời điểm giao tài sản
Ưng thuận: khi các bên không thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm hợp đồng được giao kết
+ có thể là hợp đồng song vụ hoặc đơn vụ:
Song vụ: tương ứng với trường hợp hợp đồng cho vay là ưng thuận, kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên đều có nghĩa vụ phải thực hiện đối với nhau: bên cho vay phải có nghĩa vụ chuyển giao tài sản, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn
Đơn vụ: tương ứng với trường hợp hợp đồng cho vay là thực tế, kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, chỉ có 1 bên có nghĩa vụ, bên còn lại có quyền: tức là tài sản đã được chuyển giao cho bên vay thì hợp đồng mới có hiệu lực, khi đó chỉ có bên vay có nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay không còn nghgiã vụ gì mà có quyền đòi nợ
VD: hợp đồng tín dụng ngân hàng là hợp đồng song vụ
2. Lãi suất và lãi trong hợp đồng vay
– Lãi suất: là tỷ lệ % so với dư nợ vay được xác định theo 1 đơn vị thời gian nhất định
– Lãi: là tài sản dôi ra so với vốn gốc được tính trên cơ sở lãi suất nhân với thời gian vay
VD: vay 100 triệu, lãi suất 1% / tháng, thời gian vay 3 tháng thì
[lãi] = 100 triệu x 1% x 3 = 3 triệu
– Lãi trong hạn: là khoản lãi được tính theo lãi suất nhân với nợ gốc trong thời hạn hợp đồng vay
– Lãi quá hạn (lãi phạt): là phần lãi tính trên nợ gốc nhân với lãi quá hạn theo thỏa thuận (thường bằng 150% so với lãi trong hạn), nếu không thỏa thuận thì xác định bằng dư nợ cuối cùng nhân với lãi suất cơ bản do ngân hàng NN công bố nhân với thời gian chậm trả (Điều 474).
VD: A thỏa thuận cho B vay 100 triệu trong 6 tháng, từ tháng 1 đến tháng 6, lãi suất 1% / tháng. Đến hết 6 tháng B không trả được nợ và kéo dài đến hết tháng 12, lãi suất cơ bản của ngân hàng NN là 0.8% / tháng. Hãy xác định khoản lãi mà B phải trả cho A sau 12 tháng.
[tổng lãi] = [lãi trên dư nợ gốc] + [lãi phạt]
= [100 tr x 1% x 12] + [100 tr x 0.8% x 6]
= 12 tr + 4.8 tr
= 16.8 tr
– Lãi trên dư nợ gốc: là lãi trên số tiền đã vay ban đầu nhân với thời gian vay.
– Lãi trên dư nợ giảm dần: là lãi trên số tiền thực tế còn nợ sau khi đã trừ ra phần tiền gốc đã trả trước đó
VD: vay 100 triệu trong 10 tháng, mỗi tháng sẽ trả bớt nợ gốc 10 triệu, như vậy:
+ tháng 1: lãi được tính trên 100 tr, trả bớt nợ gốc 10 tr
+ tháng 2: lãi được tính trên 90 tr, trả bớt nợ gốc thêm 10 tr
+ tháng 3: lãi được tính trên 80 tr, trả bớt nợ gốc thêm 10 tr
+ …
Chú ý: với cùng số tiền lãi thì với cách tính lãi trên dư nợ giảm dần sẽ cao hơn mức tính lãi trên dư nợ gốc
3. Thực hiện hợp đồng vay tài sản
Căn cứ vào kỳ hạn và lãi, có 4 trường hợp (Điều 477, 478):
– Hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi: bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác.
– Hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi: các bên đều có quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng vào bất kỳ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau 1 khoảng thời gian hợp lý, và bên vay chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ. VD gửi tiền vào ngân hàng được hưởng lãi suất không kỳ hạn.
– Hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi: bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
– Hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi: bên vay có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, bên cho vay chỉ được quyền đòi nợ trước hạn nếu được bên vay đồng ý.
Chú ý: thời gian hợp lý là thời gian để bên thực hiện nghĩa vụ có thể thực hiện được nghĩa vụ của mình (thường do các bên thỏa thuận)
4. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản
– Bên cho vay có các nghĩa vụ sau (Điều 473):
+ giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận
+ bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó
+ không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn
– Bên vay có các nghĩa vụ sau (Điều 474):
+ trả nợ đủ và đúng thời hạn như đã thỏa thuận. Nếu tài sản vay là vật thì phải trả vật cùng loại, đúng số lượng, chất lượng. Nếu bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo giá trị của vật đã vay nếu được bên cho vay đồng ý
+ việc trả nợ được thực hiện tại nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu trước thời hạn trả nợ mà bên cho vay đã chuyển địa điểm cư trú, trụ sở đến nơi khác và đã báo trước cho bên vay, thì bên vay phải trả tài sản tại địa chỉ mới của bên cho vay. Nếu có chi phí phát sinh của việc trả nợ tại điểm mới so với địa điểm cũ thì bên cho vay phải chịu thanh toán.
+ trường hợp cho vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có thể yêu cầu bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất do ngân hàng NN công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm trả nợ.
+ trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả được hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do ngân hàng NN công bố tại thời điểm trả nợ
IV. Hợp đồng tặng cho tài sản
1. Khái niệm (Điều 465)
– Là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.
– Đặc điểm:
+ không có đền bù: đây là loại hợp đồng nằm ngoài quy luật trao đổi ngang giá, trong đó 1 bên trao cho bên kia 1 khoản lợi ích vật chất mà không yêu cầu bên kia phải trao lại cho mình 1 lợi ích vật chất khác.
+ luôn là hợp đồng thực tế: dù 2 bên có sự thỏa thuận cụ thể (bằng văn bản) về đối tượng tặng cho, điều kiện và thời hạn giao tài sản tặng cho, nhưng nếu bên tặng cho chưa giao tài sản cho bên được tặng cho thì hợp đồng tặng cho tài sản chưa được coi là xác lập, và các bên không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện hợp đồng.
– Hình thức: luật không quy định hình thức hợp đồng tặng cho, riêng với trường hợp tặng cho bất động sản thì bắt buộc phải lập văn bản có công chứng, chứng thực, hoặc đăng ký tài sản cho người được tặng cho
2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho
– Nếu là tài sản không phải đăng ký: thời điểm chuyển giao tài sản
– Nếu là tài sản phải đăng ký: thời điểm hoàn thành đăng ký quyền sở hữu cho bên nhận
Chú ý: thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho không tuân theo quy định chung về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng quy định tại Điều 405.
Tại sao ? Vì 2 lý do:
Là loại hợp đồng nằm ngoài quy luật trao đổi ngang giá
Chỉ được xác lập và thực hiện chừng nào giữa các bên chủ thể còn tồn tại yếu tố tình cảm
3. Trách nhiệm của bên tặng cho tài sản
– Trường hợp tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình: Nếu cố ý tặng cho tài sản của người khác và bên được tặng cho cũng không biết thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí làm tăng giá trị tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.
Chú ý: chủ sở hữu chỉ được lấy lại tài sản của mình mếu thỏa mãn Điều 257. Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
VD: A mượn điện thoại của B trị giá 5 triệu, A tặng chiếc điện thoại đó cho C, C mang điện thoại đó đi nâng cấp (ví dụ thêm RAM, thẻ nhớ, …) làm tăng giá trị chiếc điện thoại thành 7 triệu. B phát hiện ra và đòi lại chiếc điện thoại. Khi đó A phải thanh toán cho C chi phí làm tăng giá trị tài sản là [7 – 5 = 2 triệu]
Chú ý: trong ví dụ này C là người chiếm hữu ngay tình (vì điện thoại không phải đăng ký quyền sở hữu), và hợp đồng tặng cho của A với C là hợp đồng không có đền bù, nên B là chủ tài sản có quyền đòi lại theo Điều 257.
– Phải thông báo khuyết tật của vật tặng cho, phải bồi thường thiệt hại do vật có khuyết tật gây ra (nếu đã biết vật có khuyết tật).
VD: A có chiếc ô tô, A biết chiếc ô tô của mình sắp bị hỏng phanh, A tặng ô tô cho B, B không biết xe bị hỏng phanh nên gây tai nạn, khi đó nếu B chứng minh được là A biết chiếc xe bị hỏng phanh thì A sẽ phải bồi thường thiệt hại do B dùng xe được A tặng gây ra.
————————————————————————————————-
Ngày 13/03/2023
Giảng viên: thầy Nguyễn Văn Hợi
(tiếp bài trước)
4. Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện (Điều 470)
-Là việc bên tặng cho đặt ra một số điều kiện, bên được tặng cho phải hoàn thành các điều kiện đó để được nhận tài sản tặng cho.
VD: Bố ra điều kiện tặng 1 chiếc xe máy cho con là con phải thi đỗ đại học
– Điều kiện trong hợp đồng tặng cho có điều kiện phải thỏa mãn:
+ điều kiện tặng cho mang lại lợi ích trực tiếp cho người được tặng cho.
Chú ý: nếu điều kiện mang lại lợi ích cho người tặng cho thì đó không phải là hợp đồng tặng cho có điều kiện mà là hợp đồng mua bán, trao đổi, hoặc dịch vụ, VD A hứa sẽ tặng B 1 chiếc điện thoại nếu B trông nhà cho A trong thời gian A đi công tác.
+ nếu điều kiện tặng cho là 1 công việc phải thực hiện thì công việc đó không được vi phạm PL và điều cấm của XH
+ điều kiện tặng cho không nhằm hạn chế quyền và nghĩa vụ của người khác
Chú ý: nếu điều kiện tặng cho theo kiểu ‘‘Tặng cho đất nhưng không được bán’’ thì điều kiện tặng cho không có giá trị (ngay cả khi được công chứng, chứng thực), vì sau khi được chuyển quyền sử dụng đất thì người được tặng cho là chủ sở hữu và có quyền định đoạt với mảnh đất đó.
– Thời điểm thực hiện điều kiện: có thể được thực hiện trước hoặc sau khi chuyển giao tài sản
+ nếu điều kiện là thực hiện trước: khi điều kiện hoàn thành bên tặng cho không bắt buộc phải trao tài sản, vì khi chưa chuyển giao tài sản thì hợp đồng chưa có hiệu lực
+ nếu điều kiện là thực hiện sau: bên được tặng cho buộc phải hoàn thành điều kiện, nếu không hoàn thành điều kiện thì phải hoàn trả lại tài sản, và phải bồi thường thiệt hại nếu có
Vấn đề 6: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng tài sản
1. Hợp đồng thuê tài sản
a. Khái niệm và đặc điểm
– Khái niệm (Điều 480): Hợp đồng thuê tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải trả tiền thuê.
– Đặc điểm:
+ luôn có đền bù
+ song vụ: từ thời điểm có hiệu lực, các bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau
+ là loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng tài sản
b. Các nội dung chủ yếu của hợp đồng thuê tài sản
– Đối tượng của hợp đồng thuê tài sản:
+ là loại tài sản không tiêu hao
+ là tài sản được phép giao dịch : không thuộc hoàng hóa cấm giao dịch như ma túy, vũ khí quân dụng
+ thuộc sở hữu của bên cho thuê, trừ trường hợp cho thuê lại
+ tài sản không có tranh chấp về quyền sở hữu
+ không là tài sản đang bị kê biên để chờ thi hành án
Chú ý : tài sản đang là đối tượng của các biện pháp bảo đảm vẫn có thể cho thuê được trong trường hợp bảo lãnh, nhưng không thể cho thuê được trong trường hợp cầm cố
Chú ý: điều khoản về đối tượng là điều khoản cơ bản của (mọi) hợp đồng, và phải được thỏa thuận đầu tiên
– Giá thuê tài sản:
+ do các bên thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì giá thuê sẽ theo giá thị trường tại thời điểm giao kết hợp đồng.
+ trong trường hợp PL quy định có khung giá thì giá thuê sẽ không được phép thỏa thuận vượt ra ngoài khung giá (VD giá cho thuê quyền sử dụng đất).
+ trong 1 số trường hợp NN áp giá thì các bên không được thỏa thuận về giá, VD với nhà ở xã hội do ngân sách NN đầu tư thì UBND tỉnh sẽ quy định mức giá bán, giá thuê cho những đối tượng được ưu đãi.
– Thời hạn thuê:
+ do các bên thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì sẽ xác định theo mục đích thuê: hợp đồng sẽ hết hạn vào thời điểm bên thuê đã đạt được mục đích. VD A thuê nhà ở để thi đại học thì hợp đồng sẽ hết hạn vào thời điểm kết thúc kỳ thi đại học đó
Chú ý: trong trường hợp không xác định được mục đích thuê, thì mục đích thuê sẽ được xác định theo công dụng chính của tài sản do nhà sản xuất đưa ra.
Chú ý: với trường hợp mục đích thuê không có hạn định, như “thuê để kinh doanh”, “thuê để ở” thì mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê, miễn là thông báo trước cho bên kia 1 khoảng thời gian hợp lý
– Thời hạn trả tiền thuê:
+ theo thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì bên thuê sẽ trả tiền thuê vào thời điểm trả lại tài sản thuê
– Quyền và nghĩa vụ của các bên: Điều 484 đến Điều 490
Lưu ý: về nghĩa vụ sửa chữa tài sản thuê. Theo luật thì bên cho thuê phải có nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng và giá trị sử dụng của tài sản, như vậy nếu có hư hỏng xảy ra với tài sản mà không có lỗi của bên thuê, thì bên cho thuê phải có nghĩa vụ sửa. Tuy nhiên nếu sửa chữa với giá trị ‘‘lớn’’ thì bên cho thuê chịu, còn nếu là sửa chữa ‘‘ nhỏ’’, thì bên thuê sẽ chịu. VD thuê nhà ở, nếu bóng đèn điện bị cháy thì bên thuê sẽ chịu, nếu tường bị nứt thì bên cho thuê sẽ chịu.
c. Hình thức của hợp đồng thuê
– Hình thức của hợp đồng thuê: phụ thuộc vào đối tượng tài sản cho thuê:
+ bằng miệng,
+ bằng văn bản, trong trường hợp PL có quy định thì có thể phải công chứng, chứng thực
2. Một số quy định riêng về hợp đồng thuê tài sản
a. Hợp đồng thuê nhà ở (Điều 492 đến Điều 500)
– Đối tượng: một phần hoặc toàn bộ ngôi nhà
– Hình thức: phải bằng văn bản, có thể công chứng nếu các bên thấy cần thiết
Chú ý: luật Dân sự 2005 quy định với hợp đồng thuê nhà thời hạn từ 6 tháng trở lên phải có công chứng, chứng thực và phải đăng ký. Hiện nay quy định này đã được bãi bỏ để giảm thiểu thủ tục hành chính.
b. Hợp đồng thuê khoán tài sản (Điều 501 đến Điều 511)
– Khái niệm (Điều 501): là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản đó và có nghĩa vụ trả tiền thuê.
hợp đồng thuê: khai thác công dụng của tài sản
hợp đồng thuê khoán: khai thác công dụng của tài sản + hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản
– Mục đích thuê:
+ khai thác công dụng
+ hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản
– Đối tượng: phải là tư liệu sản xuất, VD đất nông nghiệp, rừng, cơ sở sản xuất, ao hồ, gia súc, …
Với hợp đồng thuê thì đối tượng thuê là bất kỳ tài sản nào.
– Giá thuê: thường thông qua đấu thầu, VD đấu giá cho thuê khoán mặt bằng của trường học để làm cang-tin
Với hợp đồng thuê thì giá thuê thường do các bên thỏa thuận.
– Thời hạn thuê:
+ thường kéo dài nhiều năm
+ thời gian thuê khoán do các bên thỏa thuận, nhưng phải phù hợp với chu kỳ sản xuất, khai thác tài sản. VD thuê ruộng lúa để sản xuất trong 10 vụ
– Nghĩa vụ trả tiền:
+ trường hợp bên thuê bị mất từ 1/3 số hoa lợi do khách quan (thiên tai, tai nạn, sự kiện bất khả kháng) thì sẽ được giảm hoặc miền tiền thuê khoán
+ đối với thuê khoán gia súc, trong thời gian thuê sinh ra gia súc con thì bên thuê khoán sẽ được 1/2 tài sản sinh thêm đó
Khác với thuê thông thường thì tài sản phát sinh thêm trong thời gian thuê sẽ thuộc về bên cho thuê.
c. Hợp đồng mượn tài sản (Điều 512 đến Điều 517)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
– Đặc điểm:
+ không có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
+ thuộc loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng tài sản
– Đối tượng: tài sản là vật không tiêu hao, không có tranh chấp
Vấn đề 7: Hợp đồng có đối tượng là công việc
1. Hợp đồng dịch vụ (Điều 518 đến Điều 526)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
– Đặc điểm:
+ có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Đối tượng: là công việc, thỏa mãn những điều kiện sau:
+ xác định cụ thể
+ có tính khả thi
+ không vi phạm điều cấm của PL và trái đạo đức XH
– Thời hạn:
+ do các bên thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì thời hạn sẽ là khi công việc được hoàn thành
2. Hợp đồng gia công (Điều 547 đến Điều 558)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
– Đặc điểm:
+ có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Đối tượng: là công việc đáp ứng 3 điều kiện giống với Hợp đồng dịch vụ, khác ở chỗ kết quả của việc thực hiện hợp đồng dịch vụ không tạo ra sản phẩm mới, không được vật chất hóa; nhưng đối tượng của hợp đồng gia công được vật chất hóa bằng sản phẩm cụ thể.
Chú ý: Điều 548 quy định “Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.” là không đúng, ở đây đối tượng của hợp đồng gia công là công việc.
– Bên thuê gia công không quan tâm đến người thực hiện công việc (điều này khác với hợp đồng dịch vụ) mà chỉ quan tâm đến sản phẩm đạt chất lượng, số lượng như đã thỏa thuận.
– Thời hạn:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận, sẽ tính theo thời hạn trung bình để gia công sản phẩm cùng loại trên thị trường tại thời điểm giao kết
– Giá:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận, sẽ tính theo giá trung bình để gia công sản phẩm cùng loại trên thị trường tại thời điểm giao kết
– Trách nhiệm chịu rủi ro (Điều 553):
+ cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác
+ khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
+ khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.
Chú ý: rủi ro ở đây là do điều kiện khách quan gây ra, không phải là lỗi của bất kỳ bên nào (nếu có lỗi thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại)
3. Hợp đồng vận chuyển (Điều 527 đến Điều 546)
– Khái niệm: gồm 2 loại:
+ hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thoả thuận, còn hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
+ hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thoả thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
– Đặc điểm:
+ có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Đối tượng: là công việc vận chuyển hành khách / tài sản từ địa điểm này sang địa điểm khác
Câu hỏi: + Đối tượng của hợp chuyển hành khách không chỉ là hành khách mà còn bao gồm cả hành lý của hành khách trong giới hạn quy định.
+ Đối tượng của hợp đồng vận chuyển tài sản là tài sản có thể thuộc hoặc không thuộc sở hữu của bên thuê vận chuyển.
Trả lời: Cả 2 câu đều Sai. Vì đối tượng của hợp đồng vận chuyển hành khách / tài sản phải là công việc vận chuyển hành khách / tài sản, chứ không phải bản thân hành khách / tài sản
– Hình thức:
+ với hợp đồng vận chuyển hành khách: có thể giao kết bằng lời nói, hoặc văn bản. Vé (vé xe, vé tàu, vé máy bay, …) là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, tuy nhiên:
Vé không phải là hợp đồng (vì vé là văn bản nhưng 2 bên không ký, trong khi PL quy định hợp đồng bằng văn bản có hiệu lực khi bên cuối cùng ký vào văn bản hợp đồng)
Vé không bắt buộc phải có (tùy theo yêu cầu của bên cung cấp dịch vụ vận chuyển)
+ với hợp đồng vận chuyển tài sản: có thể giao kết bằng lời nói, hoặc văn bản. Vận đơn là bằng chứng của việc giao kết giữa các bên.
– Giá:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận sẽ tính theo mức trung bình của thị trường.
Trường hợp PL có quy định khung giá vận chuyển thì phải tuân theo khung giá đó.
4. Hợp đồng gửi giữ tài sản (Điều 559 đến Điều 566)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
– Đặc điểm:
+ có đền bù hoặc không có đền bù: VD gửi xe tại nhà hàng, khách sạn thường không lấy tiền
+ song vụ
+ ưng thuận
– Hình thức: bằng lời nói hoặc bằng văn bản
– Giá:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thoả thuận thì áp dụng mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công
+ nếu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì vẫn phải trả đủ tiền công và thanh toán chi phí cần thiết phát sinh từ việc bên giữ phải trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
+ nếu bên giữ yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì bên giữ không được nhận tiền công và phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
5. Hợp đồng bảo hiểm (Điều 567 đến Điều 580)
(xem Luật bảo hiểm)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
– Đặc điểm:
+ có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm: là công việc bảo hiểm (gánh chịu rủi ro khi xảy ra sự kiện bảo hiểm)
– Đối tượng của bảo hiểm: là người (bảo hiểm nhân thọ), tài sản, hay trách nhiệm dân sự
– Hình thức: phải bằng văn bản
– Phí bảo hiểm: là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho bên bảo hiểm.
– Sự kiện bảo hiểm: là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc PL quy định mà khi xảy ra thì bên bảo hiểm phải có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm
– Các loại hợp đồng bảo hiểm :
+ theo đối tượng :
Bảo hiểm con người: bảo hiểm nhân thọ
Bảo hiểm tài sản
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: VD khi mua xe máy, ô tô phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; công ty kinh doanh xe khách phải mua bảo hiểm hành khách; cửa hàng bán gas, xăng dầu phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (do có nguy cơ gây nguy hiểm cho cộng đồng cao)
+ theo tính chất :
Bảo hiểm bắt buộc: bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Bảo hiểm tự nguyện
6. Hợp đồng ủy quyền (Điều 581 đến Điều 589)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
– Đặc điểm:
+ có đền bù hoặc không có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Thời hạn ủy quyền:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận và PL không quy định thì thời hạn có hiệu lực của hợp đồng ủy quyền là 1 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền
————————————————————————————————-
Ngày 20/03/2023
Giảng viên: thầy Nguyễn Minh Tuấn (TS)
Vấn đề 8: Nghĩa vụ bồi thường
I. Các vấn đề chung
1. Khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
– Các khái niệm đồng nghĩa:
+ trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng
+ trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng
+ nghĩa vụ bồi thường ngoài hợp đồng
– Khái niệm: là trách nhiệm của cá nhân, pháp nhân phải bồi thường vì hành vi của mình hoặc tài sản của mình gây ra.
– Trách nhiệm = bắt buộc phải bồi thường: thông thường các bên sẽ thỏa thuận để bên gây ra thiệt hại tự nguyện bồi thường theo yêu cầu của người bị hại, nếu không thỏa thuận được thì mới bị cưỡng chế thực hiện bồi thường.
Chú ý: cho dù người gây ra thiệt hại có bị chết thì vẫn phải bồi thường bằng tài sản của mình, bồi thường xong mới được chia thừa kế. VD lái xe gây tai nạn, lái xe chết, nhưng vẫn phải bồi thường, vì hành vi gây ra thiệt hại diễn ra khi anh vẫn còn sống.
– Thời điểm phát sinh trách nhiệm: là thời điểm bắt đầu có hành vi gây thiệt hại.
– Hình thức BTTH: khắc phục thiệt hại, sửa chữa, thay thế, hoặc bồi thường bằng khoản tiền
– Chủ thể nhận bồi thường:
+ người bị hại,
+ người được cấp dưỡng: là thân nhân của người bị hại mà người bị hại đang nuôi dưỡng, cấp dưỡng (con nhỏ, cha mẹ già)
+ người thân thích: nhận bồi thường về tổn thất tinh thần khi thiệt hại đến tính mạng của người bị hại
+ người đã bỏ tiền ra cứu chữa, chăm sóc cho nạn nhân: có quyền đòi người gây thiệt hại thanh toán chi phí
2. Đặc điểm của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng
VD: A vào cửa hàng của B mua chiếc lọ thủy tinh:
+ trường hợp 1: A hỏi giá, B nói 500k, A nói đắt, đang xem kỹ chiếc lọ thì làm rơi, lọ vỡ
+ trường hợp 2: A hỏi giá, B nói 500k, A mặc cả 400k, B đồng ý, A làm rơi, lọ vỡ
Hỏi A phải bồi thường bao nhiêu ?
+ với trường hợp 1, hợp đồng chưa giao kết, A sẽ phải bồi thường chiếc lọ theo giá thị trường của chiếc lọ đó
+ với trường hợp 2, hợp đồng đã giao kết, A sẽ phải bồi thường 400k
– Nếu PL quy định thì ngay cả không có lỗi vẫn phải bồi thường: là trường hợp cha mẹ BTTH do con chưa thành niên gây ra, hoặc chủ gia súc BTTH do gia súc của mình gây ra (như trâu bò húc người)
Trừ trường hợp:
+ bất khả kháng, không lường trước được, hoặc có lường trước được nhưng không thể ngăn chặn được;
+ do nạn nhân cố ý, VD vì muốn tự tử nên cố ý chạy ra đường đâm vào xe ô tô
Chú ý: luật Dân sự 2023 có những thay đổi rất cơ bản về tính chịu trách nhiệm của NN:
+ trước kia, chỉ dân phải chịu trách nhiệm bồi thường, NN được miễn hầu hết trách nhiệm, VD cây cối của dân đổ, gãy rơi vào xe người khác thì phải bồi thường, nhưng nếu cây của NN thì không phải bồi thường; dân săn bắn voi rừng thì lập tức bị khép tội, trong khi voi rừng xuống phá nhà cửa, thậm chí làm chết người thì dân không được ai bồi thường (trong khi đó là lỗi của NN vì không quản lý được)
+ luật Dân sự 2023 quy định NN cũng phải chịu trách nhiệm như người dân, VD dân có quyền kiện nếu cơ quan NN không làm tròn bổn phận của mình, như không cung cấp đủ nước sạch, đủ điện, …
– Trách nhiệm BTTH phát sinh giữa người phải bồi thường và người bị hại.
Chú ý: người phải bồi thường có thể không phải là người gây ra thiệt hại (như đã phân tích ở trên). VD lái xe cơ quan gây thiệt hại, thì cơ quan sẽ bồi thường chứ không phải lái xe (sau đó cơ quan có thể yêu cầu lái xe bồi thường lại cho cơ quan)
– Trách nhiệm mang tính chất tài sản: cưỡng chế tài sản của bên gây ra thiệt hại để BTTH cho bên bị hại
– Không áp dụng chế độ miễn trách nhiệm bồi thường: khi đã gây ra thiệt hại thì bắt buộc phải bồi thường (việc các bên dân sự có thể thỏa thuận với nhau không cần bồi thường là việc riêng, việc thỏa thuận cá nhân, còn với cơ quan NN thì vẫn bắt bồi thường, tòa án cũng sẽ yêu cầu bồi thường)
3. Điều kiện phát sinh
Có 4 điều kiện phát sinh:
+ có thiệt hại thực tế xảy ra
+ có lỗi của người gây thiệt hại
+ có hành vi trái PL
+ có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái PL và thiệt hại xảy ra
a. Có thiệt hại thực tế xảy ra
– Thiệt hại phải xảy ra trên thực tế, có thể tính toán được thì mới có thể yêu cầu bồi thường.
– Theo tính chất, chia thành 2 loại thiệt hại:
+ thiệt hại trực tiếp: mất mát, hư hỏng tài sản, các chi phí để ngăn chặn, khắc phục các thiệt hại
+ thiệt hại gián tiếp: thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất
Chú ý: thiệt hại phải có cơ sở xác định chắc chắn, không chấp nhận suy đoán.
– Theo đối tượng thiệt hại, chia thành:
+ thiệt hại vật chất: tính toán cụ thể bằng tiền hoặc hiện vật
+ thiệt hại về sức khỏe: là việc bị giảm sút % sức khỏe, thiệt hại gồm chi phí chữa bệnh, thu nhập bị mất, bị giảm sút + bồi thường thiệt hại tinh thần (do thỏa thuận hoặc bằng tối đa 30 tháng lương tối thiểu)
+ thiệt hại về tính mạng: chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc trước khi chết, chi phí mai táng, chi phí cấp dưỡng cho những người phụ thuộc của người bị hại + bồi thường thiệt hại tinh thần cho những người ở hàng thừa kế thứ 1 của người chết (do thỏa thuận hoặc bằng tối đa 60 tháng lương tối thiểu)
+ thiệt hại về danh dự, uy tín: gồm chi phí để hạn chế, khắc phục + thiệt hại tinh thần (do thỏa thuận hoặc bằng tối đa 10 tháng lương tối thiểu, luật Dân sự 2023 quy định 50 tháng lương tối thiểu)
+ thiệt hại về cơ hội kinh doanh: VD mất hợp đồng (mới có trong Luật Dân sự 2023)
b. Có lỗi của người gây ra thiệt hại
– Lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện
– Tuy nhiên, trong dân sự thì dù có lỗi hay không có lỗi, nếu đã gây ra thiệt hại thì đều phải bồi thường, việc xác định mức độ lỗi chỉ nhằm mục đích xem có thể giảm nhẹ trách bồi thường hay không.
– Các loại lỗi:
+ cố ý: trực tiếp / gián tiếp
+ vô ý: vì quá tự tin / do cẩu thả
+ ngoài ra dân sự còn phân biệt:
Lỗi vô ý nặng: biết có khả năng xảy ra hậu quả cao
Lỗi vô ý nhẹ: khó xảy ra hậu quả hoặc cho rằng không thể xảy ra
Việc đánh giá nặng hay nhẹ có thể dựa vào khả năng hành vi có lỗi đó gây ra thiệt hại, VD giờ tan tầm mà đi ngược chiều thì khả năng gây thiệt hại lớn, còn nếu đi ngược chiều vào 1h chiều thì khả năng đó là nhỏ
– Trách nhiệm BTTH không cần lỗi: trường hợp trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ, công trình xây dựng, cây xanh, …
c. Có hành vi trái PL
– Là trái quy định của ngành luật mà hành vi xâm phạm đối tượng thuộc phạm vi của ngành luật điều chỉnh sự kiện đó, hoặc trái thuần phong mỹ tục
VD: đi sai đường là vi phạm quy định của luật Giao thông; nhà bị đổ là vi phạm luật xây dựng; đánh nhau gây hậu quả là vi phạm luật hình sự; thủ quỹ thụt két cơ quan là vi phạm PL về tài chính kế toán
VD: đòi nợ bằng cách mang quan tài đặt trước cửa nhà người nợ là trái thuần phong mỹ tục
– Thông thường, hành vi trái PL là có lỗi. Tuy nhiên, trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết thì hành vi trái PL không bị coi là có lỗi
d. Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra
– Nguyên nhân: phải là hành vi trái PL. Cần xem xét đâu là nguyên nhân chính.
VD: gây tai nạn giao thông có thể do lỗi của người lái xe, của phương tiện giao thông, hoặc do đường xá, do thời tiết, …
– Hậu quả thiệt hại:
+ 1 hậu quả có thể do nhiều nguyên nhân
+ nguyên nhân chính là do hành vi trái PL
+ các nguyên nhân khác là điều kiện để xảy ra thiệt hại: điều kiện là sự tác động, ảnh hưởng đến nguyên nhân, làm cho hậu quả xảy ra trong 1 hoàn cảnh cụ thể (còn gọi là nguyên nhân khách quan khác)
4. Nguyên tắc bồi thường (Điều 605)
– Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:
+ Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
+ Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
+ Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
– Các trường hợp bồi thường:
+ bồi thường toàn bộ thiệt hại: khi người gây ra thiệt hại phải bồi thường tất cả thiệt hại do hành vi trái PL của mình gây ra, áp dụng khi:
Người gây thiệt hại có lỗi cố ý: khi đó dù thiệt hại có lớn hơn khả năng kinh tế của họ thì vẫn phải bồi thường
Người gây thiệt hại có lỗi vô ý và họ có khả năng (về tài sản) để bồi thường toàn bộ
Người gây thiệt hại có lỗi vô ý, thiệt hại xảy ra lớn hơn khả năng kinh tế của họ, nhưng về lâu dài họ có khả năng kinh tế để thực hiện việc bồi thường
+ bồi thường 1 phần thiệt hại: mức bồi thường nhỏ hơn thiệt hại đã gây ra, được áp dụng khi đủ 2 yếu tố:
Về mặt chủ quan: do lỗi vô ý
Về mặt khách quan: xét về hoàn cảnh hiện tại cũng như lâu dài, người gây thiệt hại không có khả năng kinh tế để bồi thường toàn bộ thiệt hại
+ thay đổi mức bồi thường thiệt hại: căn cứ vào điều kiện thực tế của các bên, thời giá thị trường. VD khi phải bồi thường lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn (do mất mùa, thiên tai, …), hoặc người được bồi thường đã hồi phục sức khỏe, có thu nhập trở lại (với trường hợp người bị hại mất sức lao động)
5. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân (Điều 606)
– Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
– Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của cha mẹ.
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
6. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm (Điều 612)
– Thời điểm tính bắt đầu bồi thường là thời điểm gây thiệt hại
– Trường hợp thiệt hại về sức khỏe:
+ nếu người bị hại mất hoàn toàn khả năng lao động, và trước khi bị gây thiệt hại họ có khả năng lao động và có thu nhập: được bồi thường khoản tiền bằng với thu nhập thực tế của người bị hại trước khi bị gây thiệt hại phạm sức khỏe cho đến lúc chết.
+ nếu người bị hại mất khả năng lao động, nhưng trước đó họ chưa có khả năng lao động và chưa có thu nhập: được hưởng khoản tiền cấp dưỡng cho đến lúc chết
+ nếu người bị hại còn khả năng lao động nhưng bị giảm sút: được hưởng khoản tiền chênh lệch trong thu nhập cho đến lúc chết.
– Trường hợp thiệt hại về tính mạng thì sẽ bồi thường cho nhân thân người bị thiệt hại: nhân thân ở đây là những người mà người bị thiệt hại về tính mạng có trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng (con nhỏ, cha mẹ già)
+ người được cấp dưỡng là người chưa thành niên, hoặc người chưa sinh ra nhưng đã thành thai trước khi người bị thiệt hại chết (con sắp sinh của người bị thiệt hại): được hưởng khoản tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ 18 tuổi
+ người được cấp dưỡng đã thành niên nhưng không còn khả năng lao động: được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến lúc chết
7. Phương thức bồi thường thiệt hại
– Là cách thức mà người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực hiện để bù đắp các tổn thất về vật chất và tinh thần cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại.
– Phương thức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định theo 1 trong 2 cách:
+ bồi thường 1 lần: thường áp dụng với bồi thường cho thiệt hại về tài sản, hoặc thiệt hại về sức khỏe nhưng sau đó hồi phục
+ bồi thường nhiều lần theo định kỳ: thường áp dụng với trường hợp cấp dưỡng
Tuy nhiên, trong thực tế, Tòa án và các bên thường chọn phương thức bồi thường 1 lần, để giải quyết nhanh chóng và triệt để, trách được tình trạng cố ý chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm.
8. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 607)
– Thời hiệu là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
– Cần xác định thời điểm gây thiệt hại:
Chú ý:
+ Sau khi các bên thỏa thuận bồi thường, thường lập thành hợp đồng cam kết bồi thường (hay Biên bản cam kết bồi thường), khi đó trách nhiệm bồi thường chuyển thành nghĩa vụ của hợp đồng bồi thường
II. Trách nhiệm BTTH do con người gây ra
1. Trách nhiệm bồi thường vượt quá giới hạn vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 613)
– Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
– Nếu gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Chú ý: đây là trường hợp người bị hại cũng có lỗi nên phải áp dụng Điều 617: Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
2. Trách nhiệm bồi thường vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết (Điều 614)
– Tình thế cấp thiết: thiệt hại xảy ra phải nhỏ hơn thiệt hại có thể xảy ra. Nếu lớn hơn thì bị coi là vượt quá giới hạn tình thế cấp thiết
– Điều kiện: ngăn chặn khả năng gây thiệt hại cho mình và cho người khác
– Đối tượng: người thứ 3 bị thiệt hại
– Thiệt hại: tài sản, tính mạng, sức khỏe
– Mức bồi thường: phần vượt quá thiệt hại sẽ xảy ra (lớn hơn)
– Người gây ra tình thế cấp thiết phải bồi thường theo mức phần thiệt hại xảy ra
3. Trách nhiệm liên đới (Điều 616)
– Là trách nhiệm của nhiều người cùng gây ra thiệt hại: cùng thống nhất về mặt ý chí, thống nhất về hành vi và thống nhất về hậu quả
+ thống nhất về ý chí: có sự bàn bạc với nhau
VD: A, B, C bàn nhau đánh D (để trả thù), khi đó A, B, C phải chịu trách nhiệm liên đới cùng nhau
+ thống nhất về hành vi: cùng nhau thực hiện hành vi
Có thể cùng nhau thực hiện hành vi bất hợp pháp. VD 2 người cùng nhau đi trộm tài sản
Có thể cùng nhau thực hiện hành vi hợp pháp, nhưng quá trình thực hiện gây ra hậu quả. VD 2 công nhân công ty cây xanh cùng nhau cưa cây, 1 người cầm dây, 1 người cưa cây, do không cảnh báo người đi đường nên để cành cây rơi vào người đi đường gây hậu quả
+ thống nhất về hậu quả: cùng gây ra 1 hậu quả, nếu thiếu hành vi của 1 người thì sẽ không gây ra hậu quả
Chú ý: phân biệt với trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại nhưng không có sự bàn bạc thống nhất với nhau. VD A bị tai nạn ngã ra đường, B đi qua liền lấy trộm chiếc xe máy của A, C đi qua liền lấy trộm điện thoại của A, khi đó B và C không phải chịu trách nhiệm liên đới với nhau (mà chỉ phải chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra), vì B và C không có sự bàn bạc với nhau
– Xác định trách nhiệm BTTH:
+ chia theo phần của mỗi người: căn cứ vào lỗi, tài sản chiếm đoạt, hành vi gây thiệt hại của từng người
+ nếu không xác định được thì lỗi chia đều
– Trách nhiệm liên đới do PL quy định: 1 người chịu cho nhiều người, hoặc nhiều người chịu cho 1 người (áp dụng với hộ gia đình, tổ hợp tác, nguồn nguy hiểm cao độ)
VD: A, B, C cùng gây ra thiệt hại, A có điều kiện kinh tế tốt nhất, bên bị thiệt hại sẽ đòi A phải bồi thường toàn bộ ngay, sau đó A sẽ đòi B và C phải hoàn trả lại mình phần tài sản đã bỏ ra để bồi thường hộ cho B và C
VD ngược lại: A, B, C cùng gây ra thiệt hại, A có hoàn cảnh khó khăn, khi đó B và C ngoài việc bồi thường theo trách nhiệm của mình, cùng hỗ trợ A để bồi thường luôn cho người bị hại, sau đó A có nghĩa vụ phải hoàn trả lại cho B và C.
– Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm liên đới:
+ cùng thực hiện, hoặc
+ do PL quy định, gồm:
Hộ gia đình: có trách nhiệm liên đới khi 1 thành viên của hộ gia đình gây thiệt hại. VD con lái xe gây tan nạn, thì trách nhiệm sẽ liên đới cả bố mẹ, anh chị em
Tổ hợp tác: VD tổ hợp tác cùng kinh doanh vận tải, 1 người gây tai nạn, thì các thành viên trong tổ hợp tác cùng chịu trách nhiệm liên đới
4. Trách nhiệm hỗn hợp (Điều 617)
– Là trách nhiệm của người gây thiệt hại và người bị hại đều có lỗi trực tiếp, khi đó căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi người để xác định mức bồi thường, nếu không xác định được thì chia đôi; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
– Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng: nếu
+ người gây thiệt hại vô ý nặng và người bị hại vô ý nhẹ thì người gây thiệt hại phải bồi thường chính (không còn là trách nhiệm hỗn hợp). VD người đi bộ qua đường, bị xe phóng nhanh vượt ẩu đâm vào
– Thiệt hại về tài sản: luôn là trách nhiệm hỗn hợp, dù cho bên nào gây ra lỗi nặng hay nhẹ
5. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân (Điều 618)
– Pháp nhân: là các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan NN, doanh nghiệp
– Người là thanh viên của pháp nhân phải là người được ký Hợp đồng lao động đang có hiệu lực với pháp nhân
– Căn cứ vào nhiệm vụ giao, thời gian, địa điểm gây thiệt hại để xác định trách nhiệm:
– Khi pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của PL
6. Trách nhiệm dân sự của cơ quan NN (Điều 619)
– Tương tự như Trách nhiệm dân sự của pháp nhân
– Thành viên của cơ quan NN:
+ cán bộ, công chức
+ người ký hợp đồng lao động có thời hạn với cơ quan NN
– Chú ý: cán bộ công chức không cần phải được giao nhiệm vụ như với thành viên của pháp nhân (trong Điều 619) mà có thể chủ động thi hành công vụ của mình, khi đó nếu gây thiệt hại thì cơ quan NN sẽ bồi thường. Nếu xác định có lỗi của cán bộ công chức thì cơ quan NN có trách nhiệm yêu cầu cán bộ công chức bồi thường lại.
7. Trách nhiệm dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 620)
– Các chủ thể:
+ thẩm phán, hội thẩm nhân dân: thuộc tòa án
+ kiểm soát viên: thuộc viện kiểm soát
+ điều tra viên: thuộc cơ quan điều tra
chịu trách nhiệm không phụ thuộc vào lỗi (vô ý hay cố ý), mục đích gây thiệt hại
– Trách nhiệm bồi thường : thuộc cơ quan tiến hành tố tụng
– Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của PL, nếu người có thẩm quyền có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ.
Chú ý: Luật Dân sự 2023 bỏ cả 2 điều 619, 620, mà chỉ quy định trách nhiệm dân sự của pháp nhân, vì coi cơ quan NN, cơ quan tiến hành tố tụng cũng đều là pháp nhân.
Chú ý: ý nghĩa của việc phân biệt chủ thể chịu trách nhiệm: là để xác định sẽ kiện ai, sẽ đòi ai bồi thường
Câu hỏi: Thủ trưởng cơ quan thi hành án gây thiệt hại, ai sẽ bồi thường. VD Cục trưởng cục thi hành án ra Quyết định cưỡng chế sai, gây thiệt hại
Chú ý: trách nhiệm dân sự của NN trong các trường hợp cụ thể:
+ các cơ quan tiến hành tố tụng như công an, viện kiểm sát, tòa án gây oan sai:
8. Trách nhiệm dân sự do người làm công, người học nghề (Điều 622)
– Người làm công: có hợp đồng công việc do bên thuê quản lý điều hành (chú ý: không phải hợp đồng lao động, không phải hợp đồng dịch vụ)
– Người học nghề: học tại cơ sở đào tạo
9. Trách nhiệm của nhà trường, bệnh viện (Điều 621)
– Nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hình vi dân sự phải bồi thường
————————————————————————————————-
Ngày 27/03/2023
Giảng viên: cô Hoàng Thị Loan
(tiếp bài trước)
III. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
Lý do phân biệt trách nhiệm bồi thường do hành vi con người gây ra và do tài sản gây ra (mặc dù cùng gây ra thiệt hại hoặc về nhân thân, hoặc về tài sản cho chủ thể bị thiệt hại). VD: trường hợp lái xe gây tai nạn, với trường hợp lái xe thì xe trục trặc kỹ thuật (đứt phanh, nổ lốp, …) gây tai nạn
1. Khái quát chung về trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra
a. Khái niệm và đặc điểm
– Khái niệm: là 1 loại trách nhiệm dân sự mà theo đó khi có 1 sự kiện gây thiệt hại của tài sản đối với 1 chủ thể nào đó thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, hoặc người quản lý tài sản sẽ phải chịu trách nhiệm BTTH
– Đặc điểm:
+ thiệt hại là do nội tại của tài sản gây ra, không có tác động của hành vi con người. VD xe đang lưu thông thì bị lỗi kỹ thuật (mất phanh, nổ lốp, …) gây tai nạn; cây cối đổ, gãy ; nhà đổ ; gia súc húc người
+ loại bỏ yếu tố lỗi của chủ thể sở hữu hoặc chiếm hữu hợp pháp tài sản
b. Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra
– Ba điều kiện:
+ phải có thiệt hại thực tế xảy ra
+ phải có sự kiện gây thiệt hại của tài sản
+ phải có quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại của tài sản với thiệt hại thực tế xảy ra
c. Xác định vấn đề BTTH khi tài sản gây ra
– Nếu chủ sở hữu tài sản đang sử dụng, quản lý tài sản: chủ sở hữu sẽ BTTH
– Người được chủ sở hữu chuyển giao:
+ nếu thông qua quan hệ mệnh lệnh hành chính:
Ghi nhớ: cách xác định chủ sở hữu hay người được chuyển giao phải chịu trách nhiệm bồi thường: xác định người được hưởng lợi ích từ việc khai thác, sử dụng tài sản thì sẽ là người phải BTTH
– Trường hợp chiếm hữu trái phép:
– Trường hợp tài sản của vợ chồng:
+ nếu là tài sản chung: thông thường vợ chồng cùng chịu, tuy nhiên còn tùy vào từng trường hợp cụ thể (ví dụ: bạn mượn ô tô, chồng đòng ý cho mượn, nhưng vợ không đồng ý, người bạn vẫn mượn được và ô tô bị mất phanh gây tai nạn, khi đó chỉ người chồng phải chịu BTTH)
+ nếu là tài sản riêng: tài sản của ai thì người đó chịu BTTH
– Trường hợp tài sản của người nước ngoài gây thiệt hại: phải xem xét VN và nước đó có cùng tham gia điều ước quốc tế nào không thì sẽ áp dụng quy định trong điều ước đó, nếu không thì áp dụng luật nơi có hậu quả xảy ra.
Chú ý: trường hợp người nước ngoài tự gây thiệt hại cho nhau, thì sẽ áp dụng luật của nước mà người gây ra thiệt hại có quốc tịch
2. Quy định của PL hiện hành về BTTH do tài sản gây ra
a. Nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại (Điều 623)
– Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ: gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ, vũ khí, thú dữ
– Dấu hiệu của nguồn nguy hiểm cao độ:
+ luôn tiền ẩn nguy cơ có khả năng gây thiệt hại (tiềm ẩn tức là không biết khi nào sẽ gây ra thiệt hại)
+ khi tài sản đó đã gây ra thiệt hại thì bằng khả năng của con người khó có thể khắc phục
– Trách nhiệm BTTH:
+ chủ sở hữu, hoặc người được chủ sở hữu giao luôn phải có trách nhiệm BTTH ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại (VD do muốn tự tử nên cố tình đâm vào xe ô tô) hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết
– Chiếm hữu trái phép: người chiếm hữu trái phép phải chịu trách nhiệm BTTH nếu việc chiếm hữu trái phép không phải do lỗi của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Nếu có lỗi thì chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản phải chịu trách nhiệm liên đới.
b. BTTH do súc vật gây ra (Điều 625)
– Khái niệm súc vật: chó, mèo, …
– Chủ sở hữu súc vật có trách nhiệm bồi thường
– Người được chủ sở hữu giao có trách nhiệm bồi thường
– Người thứ 3 chịu trách nhiệm bồi thường khi là nguyên nhân gây ra thiệt hại. VD A trêu chọc con chó của B, dẫn đến con chó của B cắn C
– Người bị thiệt hại: khi lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại
Bài tập tình huống: nhà bà A nuôi 1 con chó, bà B sang chơi, chó nhà bà A cắn bà B, bà A thỏa thuận sẽ đưa bà B đi tiêm phòng và mọi chi phí sẽ do bà A chịu. Cơ sở y tế nói bà B sẽ phải tiêm 3 mũi trong 3 tuần, mỗi mũi 2 triệu đồng. Sau khi tiêm được 1 mũi, bà B thỏa thuận với bà A rằng bà B sẽ tự đi tiêm, bà A chỉ việc đưa tiền cho bà B. Bà A đưa bà B 10 triệu đồng. Nhưng sau đó bà B không đi tiêm nữa. Một thời gian sau bà B bị chết, kết quả giám định là do bà B bị nhiễm vi-rus dại. Hỏi bà A có phải chịu trách nhiệm BTTH do bà B bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng không ?
c. BTTH do cây cối đổ gây ra (Điều 626)
– Chủ sở hữu của cây cối, hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý cây cối phải có trách nhiệm cắt cành, tỉa cành, chặt bỏ khi có nguy cơ gãy, đổ
– Nếu để cây cối đổ , gãy gây thiệt hại thì chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý phải chịu trách nhiệm BTTH, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng
Tình huống thực tế: Cây trên đường do mưa bão đổ gãy, gây thiệt hại chết người, hỏi ai phải chịu trách nhiệm BTTH ?
Luật dân sự 2023 quy định chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm, bỏ trường hợp bất khả kháng
Tinh huống thực tế: Quả dừa, quả mít, sầu riêng rơi xuống, gây thiệt hại, hỏi có áp dụng Điều 626 được không, vì Điều 626 chỉ quy định cây cối đổ, gãy gây ra ?
Tình huống này áp dụng PL tương tự, quả cũng là 1 bộ phận của cây
d. BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại (Điều 627)
– Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.
Câu hỏi: tài sản vô chủ gây thiệt hại, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường ? Không ai phải chịu.
Chia sẻ:
Số lượt thích
Đang tải…
Bài Giảng Về Bộ Luật Dân Sự Năm 2023
Sửa đổi hoặc bổ sung quy định về tạo lập công cụ pháp lý trong giải quyết vụ việc dân sự khi không có quy định của pháp luật.
Vị trí luật chung còn thể hiện trong các quy định về địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ dân sự, giao dịch dân sự, đại diện, thời hiệu, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, trách nhiệm dân sự…
Bộ luật q uy định mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai. Bộ luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện (Điều 137, Điều 138), tài sản chung của các thành viên gia đình (Điều 212), hợp đồng hợp tác (Điều 504 – Điều 512) để tạo cơ chế pháp lý phù hợp với cách tiếp cận mới về hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự.
– Quy định cụ thể hơn về thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của việc hết thời hiệu này. Trong đó, thời điểm tính thời hiệu đối với giao dịch vô hiệu tương đối (các điều 125, 126, 127, 128) và giao dịch vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129) được quy định linh hoạt theo tính chất của từng loại giao dịch và hết thời hiệu tuyên b ố giao dịch dân sự vô hiệu tương đối mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
5. Quy định về thời hiệu phù hợp hơn với bản chất pháp lý của thời hiệu trong quan hệ dân sự – công cụ pháp lý để chủ thể sử dụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 149 – Điều 157)
Đặc biệt, Bộ luật bổ sung quy định về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất (Điều 325) và thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 326). Trong đó, trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Sửa đổi căn cứ hủy bỏ hợp đồng theo hướng, m ột bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận; bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; trường hợp khác do luật quy định.
– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu t hiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình ;
– Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.
Lược Ghi Bài Giảng Về Bộ Luật Dân Sự Năm 2023
Thứ năm – 21/04/2023 15:24
I. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG BỘ LUẬT
– Bộ luật được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013;
– Xây dựng Bộ luật với ý nghĩa, vai trò là luật chung của pháp luật tư;
– Ghi nhận, bảo vệ tốt hơn quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong giao lưu dân sự
– Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
– Kế thừa truyền thống pháp luật dân sự nước ta từ trước đến nay
II. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN
Bộ luật có 6 phần, 27 chương với 689 điều, bao gồm:
Phần thứ hai “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản “ (Điều 158 – Điều 273), quy định về nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, bảo vệ và giới hạn quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chiếm hữu, quyền sở hữu, quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt và được kết cấu thành 4 chương
Phần thứ ba “Nghĩa vụ và hợp đồng” (Điều 274 – Điều 608), quy định về căn cứ phát sinh, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng, một số hợp đồng thông dụng, hứa thưởng và thi có giải, thực hiện công việc không có ủy quyền, nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và được kết cấu thành 6 chương
Phần thứ tư “Thừa kế” (Điều 609 – Điều 662), quy định về quyền thừa kế, thời điểm, địa điểm mở thừa kế, di sản, người thừa kế, người quản lý di sản, từ chối nhận di sản, thời hiệu thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán, phân chia di sản và được kết cấu theo 4 chương
Phần thứ năm “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” (Điều 663 – Điều 687), quy định về xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân, đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài và được kết cấu thành 3 chương
Phần thứ sáu “Điều khoản thi hành” (Điều 688 và Điều 689).
So với Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật giữ nguyên 82 điều, kế thừa và sửa đổi 573 điều, bổ sung 70 điều, bãi bỏ 122 điều.
Bổ sung Chương V “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự,
Chương VII “Tài sản (quy định về tài sản ở Phần Tài sản và quyền sở hữu của Bộ luật dân sự năm 2005), Chương XII “Chiếm hữu”, Chương XIV “Quyền khác đối với tài sản”, Chương XVII “Hứa thưởng, thi có giải”; sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số chương, như Chương II – Những nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2005 được sửa đổi thành một điều “Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” (Điều 3); Chương VIII “Thời hạn”, Chương IX “Thời hiệu” của Bộ luật dân sự năm 2005 được quy định chung thành một chương (Chương X “Thời hạn và thời hiệu”)…
III. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CHỦ YẾU
1. Xác định rõ vị trí, vai trò luật chung của Bộ luật dân sự
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Các quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật là các quan hệ có chủ thể là cá nhân, pháp nhân với các dấu hiệu chung, cơ bản là bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm; Quy định thống nhất các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3)
Bộ luật quy định những nguyên tắc thể hiện nguyên lý cơ bản nhất của quan hệ dân sự và của pháp luật dân sự, bao gồm:
Sửa đổi hoặc bổ sung quy định về tạo lập công cụ pháp lý trong giải quyết vụ việc dân sự khi không có quy định của pháp luật.
Bên cạnh kế thừa có phát triển quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, Bộ luật bổ sung quy định trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định và cũng không thể áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật thì Tòa án có thể áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự.
Bổ sung cơ chế pháp lý về thực hiện, bảo vệ quyền dân sự (Điều 9 – Điều 15)
Vị trí luật chung còn thể hiện trong các quy định về địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ dân sự, giao dịch dân sự, đại diện, thời hiệu, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, trách nhiệm dân sự…
2. Quy định về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự có tính bao quát, thống nhất và phù hợp hơn với tính chất của quan hệ dân sự, tạo cơ chế pháp lý thuận lợi, minh bạch hơn để chủ thể tham gia quan hệ dân sự và trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự.
Về cá nhân: Được quy định tại Điều 21; Người có khả năng trong nhận thức, làm chủ hành vi tại Điều23; Quyền nhân thân được quy định tại Điều 25; Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 39; Quy định về giám hộ và chấm dứt việc giám hộ tại (Điều 46 – Điều 63); Về pháp nhân (Điều 74 – Điều 96)
Bộ luật quy định mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
Pháp nhân phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự do sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.
Về Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự (Điều 76, Điều 97 – Điều 100)
Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Về hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự (Điều 101 – Điều 104)
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiệntheo quy định của Luật đất đai. Bộ luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện (Điều 137, Điều 138), tài sản chung của các thành viên gia đình (Điều 212), hợp đồng hợp tác (Điều 504 – Điều 512) để tạo cơ chế pháp lý phù hợp với cách tiếp cận mới về hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự.
3. Quy định bao quát, minh bạch hơn về tài sản trong giao lưu dân sự (Điều 105 – Điều 115)
Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Quyền sử dụng đất, quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và các quyền trị giá được bằng tiền khác là quyền tài sản.
Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản; quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác. Việc đăng ký tài sản phải được công khai.
4. Quy định về giao dịch dân sự và đại diện linh hoạt, bao quát hơn, bảo đảm tốt hơn về tự do ý chí, sự an toàn pháp lý và ổn định trong giao dịch dân sự, quyền, lợi ích của bên thiện chí, bên ngay tình.
-Về giao dịch dân sự (Điều 116 – Điều 133)
– Quy định cụ thể hơn về thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của việc hết thời hiệu này. Trong đó, thời điểm tính thời hiệu đối với giao dịch vô hiệu tương đối (các điều 125, 126, 127, 128) và giao dịch vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129) được quy định linh hoạt theo tính chất của từng loại giao dịch và hết thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu tương đối mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
Về đại diện (Điều 134 – Điều 143)
5. Quy định về thời hiệu phù hợp hơn với bản chất pháp lý của thời hiệu trong quan hệ dân sự – công cụ pháp lý để chủ thể sử dụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 149 – Điều 157)
Về quy định chung (Điều 158 – Điều 178); Về thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản (Điều 161); Về chiếm hữu (Điều 179 – Điều 185);Về hình thức sở hữu (Điều 197 – Điều 220);Về quyền đối với bất động sản liền kề (Điều 245 – Điều 256); Về quyền hưởng dụng (Điều 257 – Điều 266); Về quyền bề mặt (Điều 267- Điều 273)
7. Quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, rõ ràng và hợp lý hơn về những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về sự thông thoáng, minh bạch, an toàn pháp lý trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự(Điều 292 – Điều 350)
– Ghi nhận 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: (1) Cầm cố tài sản; (2) Thế chấp tài sản; (3) Đặt cọc; (4) Ký cược; (5) Ký quỹ; (6) Bảo lưu quyền sở hữu (bổ sung); (7) Bảo lãnh; (8) Tín chấp và (9) Cầm giữ tài sản (bổ sung);
Đặc biệt, Bộ luật bổ sung quy định về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất (Điều 325) và thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 326). Trong đó, trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
8. Quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ theo hướng bảo đảm sự an toàn, thông thoáng, sự thiện chí và công bằng trong quan hệ nghĩa vụ (Điều 351 – Điều 364)
– Quy định cụ thể hơn về nội hàm của vi phạm nghĩa vụ bao gồm việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ;
– Quy định lãi suất phát sinh do chậm trả tiền không dựa trên lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước mà dựa trên mức lãi suất cố định như trong hợp đồng vay tài sản;
– Quy định trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác;
9. Quy định về hợp đồng đã bảo đảm hơn về tự do ý chí, tính hợp lý, công bằng, hạn chế rủi ro pháp lý và thông lệ quốc tế trong hợp đồng (Điều 385 – Điều 569)
Về giao kết hợp đồng (Điều 385 – Điều 397)
Quy định đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng;
Về giải thích hợp đồng dân sự (Điều 404)
Về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng (Điều 405 và Điều 406)
Bổ sung điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng. Nội dung của điều kiện giao dịch chung phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên.
Về thực hiện hợp đồng (Điều 409 – Điều 420)
– Bổ sung quy định, trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba đã thực hiện nghĩa vụ thì lợi ích phát sinh từ hợp đồng thuộc về bên mà nếu hợp đồng không vì lợi ích của người thứ ba thì họ là người thụ hưởng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
– Bổ sung quy định, thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định chung tại khoản 2 Điều 419, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật;
– Bổ sung quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản khi có đủ các điều kiệnluật quy định
Về hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng (Điều 422 – Điều 429)
– Sửa đổi căn cứ hủy bỏ hợp đồng theo hướng, một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận; bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; trường hợp khác do luật quy định.
– Sửa đổi quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo hướng, một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
– Quy định việc bồi thường cho bên bị thiệt hại trong hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không dựa trên cơ sở lỗi của bên vi phạm mà căn cứ vào nguyên tắc bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường;
– Sửa đổi quy định về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
-Về hợp đồng thông dụng (Điều 430 – Điều 569)
– Về hợp đồng mua bán tài sản (Điều 430 – Điều 454), Bộ luật quy định, tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán
Về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, Bộ luật quy định, trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.
10. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 584 – Điều 608)
– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình;
– Quy định về mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thỏa thuận thì được xác định theo hướng do luật quy định.
– Quy định về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.
– Quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
11. Về thừa kế (Điều 609 – Điều 662)
Bổ sung quy định người quản lý di sản, người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản được thanh toán chi phí bảo quản di sản; được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế, trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý;
12. Về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Về quy định chung (Điều 663 – Điều 671)
– Pháp luật áp dụng xác định dựa trên các quy phạm xung đột trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
– Thời hiệu áp dụng đối với QHDS yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó.
Về pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân (Điều 672 – Điều 676)
Pháp luật áp dụng với năng lực pháp luật và năng lực hành vi của cá nhân xác định trên cơ sở quốc tịch; trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch thì pháp luật áp dụng đối với cá nhân có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam là pháp luật Việt Nam; pháp luật của nước nơi pháp nhân có quốc tịch là pháp luật áp dụng với những vấn đề về nhân thân của pháp nhân (tên gọi, đại diện theo pháp luật, cơ cấu tổ chức nội bộ, quan hệ giữa pháp nhân với thành viên pháp nhân, người của pháp nhân…). Quốc tịch của pháp nhân xác định theo pháp luật nơi pháp nhân thành lập.
Về pháp luật áp dụng đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân (Điều 677 – Điều 687)
– Đối với giám hộ, pháp luật nước nơi người được giám hộ cư trú là pháp luật áp dụng với quan hệ giám hộ;
– Đối với nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và thực hiện công việc không có ủy quyền, pháp luật của nơi thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc nơi phát sinh lợi ích được hưởng mà không có căn cứ pháp luật là pháp luật áp dụng đối với quan hệ nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Pháp luật do các bên lựa chọn áp dụng với quan hệ thực hiện công việc không có ủy quyền, nếu các bên không chọn, pháp luật nơi thực hiện công việc không có ủy quyền được áp dụng;
– Đối với quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ là pháp luật áp dụng với quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài;
– Đối với hình thức di chúc, pháp luật áp dụng với hình thức di chúc bao gồm: pháp luật của một trong các nước: nơi lập di chúc, nơi người lập di chúc cư trú hoặc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết, nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản;
– Đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có cùng nơi cư trú hoặc thành lập thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó. Trường hợp các bên không chọn pháp luật áp dụng, pháp luật nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.
13. Về Điều khoản thi hành (Điều 688 – 689)
– Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Bộ luật Dân sự năm 2005 (Luật số 33/2005/QH11) hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật có hiệu lực;
– Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
+ Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11;
+ Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;
+ Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết;
+ Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.
– Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.
Nguồn tin: http://kiemsat.vn/
Bài Tập Luật Hình Sự
Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.
Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhát và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội, chế độ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm hại sự tồn tại, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những tội có tính chất nguy hiểm cao, được chia làm 2 nhóm:
Hai nhóm tội trên tuy mang những đặc điểm riêng biệt nhưng vẫn có những đặc điểm dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy, với bài tập cá nhân thứ nhất, em xin được làm rõ hơn vấn đề trên với đề bài sau:
A (là công dân Việt Nam) là phóng viên của một tờ báo ra hàng ngày nhưng bất mãn vì không được đề bạt vào vị trí lãnh đạo. A thường tâm sự với B và C (là thành viên của một tổ chức chính trị nước ngoài). Biết rõ thái độ của A, B và C đề nghị A sưu tầm những thông tin đăng tải trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước. B đã trả cho A 20 triệu đồng và A biết được rằng B và C sẽ gửi số tài liệu sưu tầm cho tổ chức nước ngoài để sử dụng chống lại Việt Nam.
Anh, chị theo quan điểm nào? Hãy lập luận đẻ chứng minh cho quan điểm của mình và phản bác quan điểm mà anh (chị) cho là sai.
Bài làm
– Thứ nhất, về mặt khách thể: Việc A sưu tầm tầm những thông tin đăng tải trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước để đưa cho B, C (là thành viên của một tổ chức chính trị nước ngoài), sẽ làm xâm hại đến an ninh đối ngoại của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Vì những tài liệu mà A đưa cho B và C sẽ được gửi đến cho tổ chức nước ngoài nhằm chống lại Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng đến độc lập của nước CHXHCNVN, bất khả xâm phạm lãnh thổ và khả năng phòng thủ đất nước.
– Thứ hai, về mặt khách quan: Hành vi của A là hành vi cung cấp và thu thập các tài liệu thuộc bí mật, thông tin đăng tải trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước cho người nước ngoài để sử dụng chống lại Việt Nam.
Hành vi này cũng được quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 80 BLHS như sau:
” 1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
c, Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
– Thứ ba, về mặt chủ quan: Lỗi của A ở đây là lỗi cố ý trực tiếp. A bất mãn vì không được đề bạt vào vị trí lãnh đạo, dẫn đến nghe theo lời đề nghị của B và C thu thập tài liệu…và A biết được rằng B và C sẽ gửi số tài liệu thu thập đó cho tổ chức nước ngoài để chống lại Việt Nam, nhưng A vẫn làm để chống chính quyền nhân dân
Như vậy, với đầy đủ yếu tố cấu thành của tội gián điệp như trên, A phạm tội gián điệp.
Với những lập luận trên, theo em, quan điểm cho rằng A phạm tội phản bội Tổ quốc là sai.
Tội phản bội tổ quốc và tội gián điệp cũng có điểm giống nhau nên rất dễ xảy ra sự nhầm lần giữa hai tội này. Tội phản bội tổ quốc và tội gián điệp đều có dấu hiệu quan hệ với nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh sự giống nhau đó, còn có những điểm khác nhau để nhận diện được hai tội trên.
Quan điểm cho rằng A phạm tội phản bội tổ quốc là sai vì:
Theo như Khoản 1 Điều 78 BLHS có quy định như sau:
” 1. Công dân ViệtNam nào câu kết với người nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.”
Hành vi của tội này đó là “Câu kết với người nước ngoài làm gây nguy hại…”: hành vi câu kết của tội này mang tính chặt chẽ, nếu A câu kết chặt chẽ có thể sẽ là những hành động:
+ Bàn bạc với B và C về mưu đồ chống phá nhà nước Việt Nam, cùng lập kế hoạch kĩ lưỡng.
+ Hoạt động dựa vào thế lực của B và C.
+ Nhận tiền của Bvà C để phục vụ cho việc hoạt động gây nguy hại cho độc lập chủ quyền…
Nhưng ở đây, hành vi sưu tầm tài liệu của A để đưa cho B và C là hành vi làm theo sự chỉ đạo của B và C , chứ không có sự bàn bạc kĩ lưỡng về mưu đồ, lập kế hoạch kĩ lưỡng. Và khoản tiền 20 triệu đồng là khoản tiền B và C trả công cho hành vi thu thập tài liệu của A, chứ đây không phải khoản tiền để phục vụ cho việc gây nguy hại đến độc lập chủ quyền… A hoạt động sưu tầm này không phải dựa trên thế lực của B và C mà việc thu thập này là do A là một phóng viên nên có thể lợi dụng ngành nghề của mình để thu thập. Thêm nữa, những tài liệu về tồn tại, bất cập, khiếm khuyết khi được sử dụng chống lại Việt Nam sẽ làm trực tiếp uy hiếp sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
2. Tội phạm do A thực hiện ở giai đoạn tội phạm hoàn thành.
Tội phạm do A thực hiện là tội gián điệp được quy định tại Điều 80 BLHS có cấu thành tội phạm hình thức.
Tội phạm gián điệp có cấu thành tội phạm hình thức nên tội phạm hoàn thành ngay khi A thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của A đó là “Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho người nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để người nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” A đã thực hiện các hành vi trên và được trả 20 triệu đồng, chứng tỏ A đã hoàn thành hành vi phạm tội .
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cập nhật thông tin chi tiết về Bài Giảng Luật Hình Sự trên website Bac.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!