Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính
1. Quyền khiếu nại hành chính là gì?
Quyền khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân, thông qua hoạt động khiếu nại, công dân có thế yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Luật khiếu nại năm 2011, đã quy định: Khiếu nại là việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng các quyết định hay hành vi này là trái pháp luật và xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, đối tượng của khiếu nại hành chính là các quyết định hành chính và hành vi hành chính. Căn cứ để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại là tính trái pháp luật của quyết định hành chính, hành vi hành chính đó và được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước.
2. Tính hợp pháp của quyết định hành chính
Quyết định hành chính là một dạng cụ thể của quyết định pháp luật, do chủ thể có thẩm quyền nhân danh Nhà nước ban hành theo một trình tự thủ tục nhất định theo quy định.
Như vậy, một quyết định hành chính chỉ được coi là hợp pháp khi nó thỏa mãn các yêu cầu sau về tính hợp pháp của một quyết định pháp luật:
– Nội dung của quyết định không trái với Hiến pháp, luật và pháp lệnh cũng như các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền ban hành (có nội dung không trái pháp luật);
– Không vi phạm về thẩm quyền ban hành, hay nói cách khác là phải do chủ thể có thẩm quyền ban hành;
– Theo một trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.
Khi quyết định hành chính vi phạm một trong các yêu cầu trên thì được xác định là quyết định trái pháp luật và cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định đó.
3. Giải quyết khiếu nại quyết định hành chính cá biệt
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cá nhân, tổ chức chỉ có quyền khiếu nại với các quyết định hành chính cá biệt, bởi vì chỉ có các quyết định này mới trực tiếp xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Như vậy, cá nhân, tổ chức không có quyền khiếu nại đối với các quyết định hành chính chủ đạo hay quy phạm. Tuy nhiên, xuất phát từ vai trò quan trọng của quyết định hành chính trong quản lý hành chính nhà nước, các quyết định chủ đạo hay quy phạm có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực và hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước. Bởi vì quyết định hành chính không chỉ đề ra các chủ trương, chính sách mà còn tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội.
Ví dụ: Như quyết định tăng giá điện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh, đến hoạt động kinh doanh sản xuất, đến các hoạt động cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, cũng tồn tại những quyết định hành chính quy phạm không mang tính khả thi hay không có khả năng thực hiện trên thực tế.
Như vậy, để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước thì hoạt động khiếu nại, phản ánh hay kiến nghị của các cá nhân, tổ chức phải được đảm bảo giải quyết trên thực tế.
Khi tiếp nhận được các khiếu nại của các cá nhân, tổ chức thì các cơ quan nhà nước, các chủ thể có thẩm quyền có nghĩa vụ xem xét và giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Khiếu nại là căn cứ để chủ thể có thẩm quyền xem xét lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính và khắc phục những vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính. Quyết định giải quyết khiếu nại của cấp có thẩm quyền phải đưa ra kết luận về việc khiếu nại là đúng, đúng một phần hay sai toàn bộ, đồng thời cũng đưa ra cách giải quyết như giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính.
Như vậy, khi giải quyết khiếu nại thì chủ thể có thẩm quyền mới chỉ xem xét đến tính hợp pháp của quyết định hành chính và đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, quyết định hành chính chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi nó đảm bảo tính hợp lý, khả thi và phù hợp với điều kiện khách quan của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Tóm lại, hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với các quyết định hành chính là một trong các biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức./.