Đọc Hiểu Văn Bản Kiều Ở Lầu Ngưng Bích / Top 9 # Xem Nhiều Nhất & Mới Nhất 6/2023 # Top View | Bac.edu.vn

Đọc Hiểu Văn Bản Kiều Ở Lầu Ngưng Bích

KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

I – TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả:

Nguyễn Du (1765-1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên; quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; sinh trưởng trong một gia đình đại quí tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cha là Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức Tể tướng, anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản cũng từng làm quan to dưới triều Lê – Trịnh.

Nguyễn Du sống trong một thời đại có nhiều biến động: cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, bão táp phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn đánh đổ các tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn, quét sạch hai mươi vạn quân Thanh, rồi phong trào Tây Sơn thất bại, nhà Nguyễn được thiết lập. Những biến cố đó đã in dấu ấn trong sáng tác của Nguyễn Du, như chính trong Truyện Kiều ông viết: Trải qua một cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Nguyễn Du từng trải một cuộc đời phiêu bạt: sống nhiều nơi trên đất Bắc, ở ẩn ở Hà Tĩnh, làm quan dưới triều Nguyễn, đi sứ Trung Quốc. Vốn hiểu biết sâu rộng, phong phú về cuộc sống của Nguyễn Du có phần do chính cuộc đời phiêu bạt, trải nghiệm nhiều tạo thành.

Đoạn trích nằm ở phần thứ hai trong Truyện Kiều (Gia biến và lưu lạc). Gia đình Kiều gặp cơn nguy biến. Do thằng bán tơ vu oan, cha và em Kiều bị bắt giam. Để chuộc cha, Kiều quyết định bán mình. Tưởng gặp được nhà tử tế, ai dè bị bắt vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự tử. Tú Bà (chủ quán lầu xanh) vờ hứa hẹn gả chồng cho nàng, đem nàng ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, sau đó mụ sẽ nghĩ cách để bắt nàng phải tiếp khách làng chơi.

Đoạn trích gồm hai mươi hai câu. Sáu câu thơ đầu thể hiện hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Thuý Kiều; tám câu thơ tiếp thể hiện nỗi thương nhớ của nàng về Kim Trọng và về cha mẹ; tám câu còn lại thể hiện tâm trạng đau buồn, âu lo của Thuý Kiều.

II – GIÁ TRỊ TÁC PHẨM

Nguyễn Du là một bậc thầy về tả cảnh. Nhiều câu thơ tả cảnh của ông có thể coi như là chuẩn mực cho vẻ đẹp của thơ ca cổ điển:

– Dưới trăng, quyên đã gọi hè Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông.

– Long lanh đáy nước in trời Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng…

Với những câu thơ này, Nguyễn Du đã làm đẹp, làm giàu có thêm rất nhiều cho ngôn ngữ dân tộc. Từng có ý kiến cho rằng, so với tiếng Hán vốn có tính hàm súc, tính biểu hiện rất cao thì tiếng Việt trở nên quá nôm na, ít khả năng biểu hiện. Tuy nhiên, Nguyễn Du đã chứng minh rằng ngôn ngữ tiếng Việt có một khả năng biểu hiện vô giới hạn.

Nhưng Nguyễn Du không chỉ giỏi về tả cảnh mà còn giỏi về tả tình cảm, tả tâm trạng. Trong quan niệm của ông, hai yếu tố tình và cảnh không tách rời nhau mà luôn đi liền với nhau, bổ sung cho nhau. Ví dụ, trong hai câu thơ tả cảnh chị em Thuý Kiều đi chơi xuân:

Nao nao dòng nước uốn quanh Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Cảnh rất đẹp và thanh, ứng với tâm hồn hai chị em đang nhẹ nhàng thơi thới. Ngược lại, khi người buồn thì cảnh cũng buồn theo. Trong một đoạn thơ khác thuộc Truyện Kiều, ông viết:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Hai câu thơ này thể hiện rất rõ quan niệm của Nguyễn Du về mối quan hệ giữa tâm trạng của con người và cảnh vật. Cảnh vật đẹp hay không đẹp, nhẹ nhàng, thanh thoát hay nặng nề, u ám phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng của con người trước cảnh đó.

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là sự kết hợp, giao hoà của hai yếu tố cảnh vật và tâm trạng. Về cảnh vật có lầu cao, có non xanh nước biếc, sơn thuỷ hữu tình. Nếu Thuý Kiều ở vào một hoàn cảnh khác, trong tâm trạng khác thì hẳn cảnh đó sẽ rất đẹp. Tuy nhiên, tâm trạng Kiều lại đang rất u ám, sầu não: bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, Kiều da diết nhớ cha mẹ, nhớ người yêu, đồng thời lại rất đau xót cho thân phận mình. Cảnh vật, do đó, nhuốm màu tâm trạng:

Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.

Kiều ngắm cảnh hay Kiều đối cảnh? Thật khó có thể nói là “ngắm” theo nghĩa thông thường của từ này. Bởi “ngắm” có nghĩa là chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn. Kiều đang trong tâm trạng như thế sao có thể thưởng ngoạn cho được? Bởi vậy, dù có cả “vẻ non xa” lẫn “tấm trăng gần” nhưng cảnh vật ấy chẳng thể nào gợi lên một chút tươi vui hay ấm áp. Nhà thơ đã dùng hai chữ “ở chung” thật khéo. Kiều trông thấy tất cả những thứ đó nhưng với nàng, chúng chẳng khác gì nhau và càng không có gì đặc biệt. Hai yếu tố trái ngược (non xa, trăng gần) tưởng như phi lí nhưng thực ra đã diễn tả rất chính xác sự trống trải của cảnh vật qua con mắt của Kiều. Khung cảnh “bốn bề bát ngát” chỉ càng khiến cho lòng người thêm gợi nhớ:

Bốn bề bát ngát xa trông Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.

Có thể hình dung rất rõ một không gian mênh mang đang trải rộng ra trước mắt Kiều. Một người bình thường đứng trước không gian ấy cũng khó ngăn được nỗi buồn. Với Kiều, không gian rộng rãi, trống trải ấy chỉ càng khiến nàng suy nghĩ về cuộc đời mình:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Bởi trong những câu thơ tả cảnh trên đã thấm đẫm cái “tình” (tâm trạng) của Kiều nên đến những câu thơ này, Nguyễn Du đã bắt vào mạch tả tâm trạng một cách hết sức tự nhiên. ý thơ chuyển đổi rất linh hoạt: tả cảnh gắn với không gian. Không gian cao rộng (non xa, trăng gần) càng khiến cho cảnh mênh mang, dàn trải. Tả tâm trạng lại gắn với thời gian. Thời gian dằng dặc (mây sớm, đèn khuya) càng cho thấy tâm trạng chán nản, buồn tủi của Kiều. “Nửa tình nửa cảnh”  trước mắt là tình hay là cảnh, dường như cũng không còn phân biệt được nữa.

Theo dòng tâm trạng của Kiều câu thơ bắt vào nỗi nhớ:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng Tin sương luống những rày trông mai chờ. Bên trời góc bể bơ vơ Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Nhớ nhà, trước hết Kiều nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến chén rượu thề nguyền dưới trăng. Đối với một người luôn đa sầu đa cảm, nặng tình nặng nghĩa như Thuý Kiều, cảm xúc ấy thật xa xót. Càng nhớ đến Kim Trọng thì Kiều lại càng đau đớn cho thân phận mình. Việc Kiều thương Kim Trọng đang chờ mong tin mình một cách vô vọng đã cho thấy một vẻ đẹp khác trong tâm hồn nàng: Kiều luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình. Tấm lòng ấy thật cao đẹp và đáng quý biết bao!

Tiếp theo là Kiều nhớ đến cha mẹ. Có ý kiến cho rằng, Kiều đã nhớ đến người yêu trước rồi mới nhớ đến cha mẹ, phải chăng là nàng đã đặt chữ “tình” lên trên chữ “hiếu”? Thực ra, việc Nguyễn Du miêu tả nỗi nhớ của Kiều dành cho Kim Trọng trước rồi mới miều tả nỗi nhớ cha mẹ là hoàn toàn hợp lí. Kiều không hề đặt chữ “hiếu” sau chữ “tình”. Khi gia đình gặp tai biến, trước câu hỏi “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?”, Kiều đã dứt khoát lựa chọn chữ “hiếu” bằng hành động bán mình chuộc cha. Giờ đây, khi cha và em nàng đã được cứu, người mà nàng cảm thấy mình có lỗi chính là Kim Trọng. Nhưng không vì thế mà nỗi nhớ cha mẹ kém phần day dứt:

Xót người tựa cửa hôm mai Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ? Sân Lai cách mấy nắng mưa Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Những thành ngữ, điển tích, điển cố (tựa cửa hôm mai, quạt nồng ấp lạnh, Sân Lai, gốc tử) liên tục được sử dụng đã thể hiện rất rõ tình cảm nhớ nhung sâu nặng cũng như những băn khoăn trăn trở của Thuý Kiều khi nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến bổn phận làm con của mình. Trong hoàn cảnh thực tế, những suy nghĩ, tâm trạng đó càng chứng tỏ nàng là một người con rất mực hiếu thảo.

Tám câu thơ cuối cũng nằm trong số những câu thơ tả cảnh hay nhất của Truyện Kiều. Chúng thể hiện rất rõ nét nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” của Nguyễn Du:

Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa? Buồn trông ngọn nước mới sa, Hoa trôi man mác biết là về đâu? Buồn trông nội cỏ dàu dàu, Chân mây mặt đất một màu xanh xanh…

Nếu tách riêng các yếu tố ngoại cảnh ra mà xét thì có thể thấy đó là một khung cảnh thật thơ mộng và lãng mạn: có cánh buồm thấp thoáng, có man mác hoa trôi, có nội cỏ chân mây mặt đất một màu… Thế nhưng khi đọc lên, những câu thơ này chỉ khiến cho lòng người thêm sầu muộn, ảo não. Nguyên nhân là bởi trước mỗi cảnh vật kia, sừng sững án ngữ cụm từ “buồn trông”. Không phải là “xa trông” như người ta vẫn nói, cũng không phải là “ghé mắt trông” như Xuân Hương đã từng tinh nghịch mà điền trước đền thờ Sầm Nghi Đống, ở đây, nhân vật trữ tình chỉ có một tâm thế duy nhất: “buồn trông”. Tâm trạng nàng đang ngổn ngang trăm mối: nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, cảm giác mình là người có lỗi,… và nhất là đang hết sức đau xót cho thân phận mình. Bởi vậy, cảnh vật ấy cần được cảm nhận theo con mắt của Thuý Kiều: cánh buồm thấp thoáng nổi trôi vô định, hoa trôi man mác càng gợi nỗi phân li, nội cỏ không mơn mởn xanh mà “dàu dàu” trong sắc màu tàn úa… Nổi bật lên trong cảnh vật đó là những âm thanh mê hoặc:

Buồn trông sóng cuốn mặt duềnh ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã nhiều lần miêu tả âm thanh. Có thể nói lần nào ông cũng thành công. Có khi chỉ qua một vài từ, ông đã diễn tả rất chính xác cảnh huyên náo trong nhà Thuý Kiều khi bọn vô lại kéo đến nhà:

Trước thầy sau tớ xôn xao Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.

Nguyễn Du đặc biệt thành công khi ông tả tiếng đàn của Kiều. Tuỳ theo tâm trạng, mỗi lần tiếng đàn của Kiều cất lên là một lần người nghe phải chảy nước mắt khóc cho số phận oan nghiệt của nàng.

Trong đoạn thơ này, Nguyễn Du không tả tiếng đàn mà tả tiếng sóng. Trong khung cảnh bát ngát, mênh mang, tiếng sóng vỗ “ầm ầm” (lưu ý: nhà thơ đã đảo ngữ để cho ấn tượng đó càng rõ ràng hơn) quả là một thứ âm thanh hết sức bất thường. Dường như nó muốn phá vỡ khung cảnh nặng nề nhưng yên tĩnh, nó dứt Kiều ra khỏi dòng suy tư về gia đình, người thân mà trả nàng về với thực tại nghiệt ngã.

Ngoài ra, dường như đó còn là những dự cảm về quãng đời đầy những khổ đau, tủi nhục ê chề mà Kiều sắp phải trải qua.

(Sưu tầm)

Kiều Ở Lầu Ngưng Bích

Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820.

Tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên.

Quê quán: làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Cuộc đời

Ông sinh trưởng trong gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng và sáng tạo nghệ thuật.

Ông sống trong thời đại đau khổ, bế tắc và nhiều biến động.

Ông là người có hiểu biết sâu rộng, có vốn sống phong phú, Nguyễn Du đã sống nhiều năm lưu lạc tiếp xúc với nhiều cảnh đời và thân phận con người trong thời đại loạn lạc, dâu bể.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du rất phong phú và đồ sộ.

Ông có ba tập thơ chữ Hán với 243 bài, sáng tác chữ Nôm xuất sắc nhất là “Truyện Kiều”.

Đoạn trích được trích trong tác phẩm Truyện Kiều, được viết bằng chữ Nôm.

Đoạn trích nằm ở phần hai (Gia biến và lưu lạc).

Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà vờ hứa hẹn đợi bà bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế, rồi đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới.

Văn bản được bố cục thành ba phần.

Phần 1: 6 câu đầu: Hoàn cảnh cô đơn của Kiều.

Phần 2: 8 câu còn lại: Nỗi nhớ của Kiều

Phần 3: Còn lại: Tâm trạng của Thúy Kiều.

Không gian: Lầu Ngưng Bích.

Thời gian: Mây sớm, đèn khuya, trăng.

Cảnh vật

Non xa – trăng gần.

Mây – đèn.

Cồn cát nọ – bụi hồng kia.

Bốn bề bát ngát.

⇒ Nghệ thuật liệt kê, đối lập làm cho cảnh vật hiện ra bộn bề, bát ngát mênh mông đối lập với lòng người cô đơn trống vắng nơi đất khách quê người.

Câu thơ “nửa tình“: vẻ đẹp trước lầu Ngưng Bích đã được nàng gửi gắm và tình cảm nhớ quê hương. Lúc này tình cảm và cảnh vật cứ đan xen,hoà trộn làm cho tâm trạng bẽ bàng, sầu tủi.

⇒ Cảnh vật dưới cái nhìn của Kiều được hiện ra đẹp nhưng đượm buồn.

Nhớ người yêu.

Nhớ cha mẹ.

Nỗi nhớ Kim Trọng.

Nhớ đêm thề nguyện với Kim Trọng dưới đêm trăng.

Hình dung Kim Trọng nơi xa xôi đang mong chờ tin tức. Kiều cảm thấy mình có lỗi.

“Tấm son gột rửa“: động từ mạnh “gột rửa” diễn tả tấm lòng thuỷ chung, mối tình đầu đẹp đẽ không thể gột rửa được cho dù nàng muốn lãng quên nó đi.

⇒ Tác giả dùng từ chọn lọc diễn tả nỗi nhớ người yêu đau đáu, da diết, đầy cảm động.

Nỗi nhớ cha mẹ.

“xót“: xót thương cha mẹ ngày ngày “tựa cửa” ngóng tin con.

“Quạt nồng ấp lạnh“: lo cho cha mẹ, thương cha mẹ già yếu mà mình không được chăm sóc. Kiều tự trách mình không chu đáo.

Điển tích “Sân Lai” để nói đến tấm lòng hiếu thảo của Kiều chỉ biết lo cho người khác mà không nghĩ đến mình.

⇒ Kiều là người thuỷ chung, hiếu thảo, vị tha.

Điệp ngữ: “buồn trông” 4 lần, kết hợp một hệ thống từ láy và đặc biệt là mỗi cặp câu thơ là một cảnh vật.

Cảnh vật: hình ảnh cánh buồm “xa xa” thấp thoáng nơi cửa bể chiều hôm gợi cảnh đời lưu lạc nơi chân trời góc bể, nỗi nhớ quê hương da diết.

Cảnh vật: cánh hoa trôi man mác gợi lên số phận lênh đênh vô định của Kiều.

Cảnh vật: nội cỏ rầu rầu gợi về một tương lai mờ mịt trong xã hội phong kiến suy tàn không lối thoát mà thân phận nhỏ bé của con người không biết làm sao đây.

Cảnh vật: “gió cuốn mặt duềnh“, “ầm ầm tiếng sóng” kêu gợi tâm trạng hãi hùng, lo sợ trước số phận, cuộc sống đang đe doạ bủa vây xung quanh nàng.

Nghệ thuật: vần bằng, hệ thống từ láy tạo nên nỗi buồn tầng tầng lớp lớp.

Miêu tả cảnh vật từ xa đến gần diễn tả tâm trạng từ chỗ nhớ quê hương, người thân đến lo buồn cho tương lai, sợ hãi, rùng rợn cho số phận của mình.

⇒ Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tác giả xây dựng một bức tranh tâm trạng đặc sắc nhất, hay nhất của Truyện Kiều: nỗi buồn đau của Kiều như lan toả sang cảnh vật đã xâm chiếm lòng nàng.

Ghi chú:

Nội dung: Đoạn thơ thể hiện tâm trạng cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều.

Nghệ thuật: Miêu tả nội tâm nhân vật, diễn biến tâm trạng được thể hiện qua ngôn ngữ độc thoại.

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

Điệp ngữ.

Kiều Ở Lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều)

Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu:

– Đặc điểm của không gian trước lầu Ngưng Bích (chú ý không gian mở ra theo chiều rộng, chiều xa, chiều cao qua cái nhìn của nhân vật).

– Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều (chú ý hình ảnh trăng, “mây sớm đèn khuya”).

– Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Thúy Kiều đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng như thế nào? Từ ngữ nào góp phần diễn tả hoàn cảnh và tâm trạng ấy?

Trả lời:

– Hai chữ “khóa xuân” cho thấy Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là bị giam lỏng.

– Câu thơ sáu chữ, chữ nào cũng gợi lên sự rợn ngợp của không gian: “Bốn bề bát ngát xa trông”. Cảnh “non xa”, “trăng gần” như gợi lên hình ảnh lầu Ngưng Bích chơi vơi giữa mênh mang trời nước.

– Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín.

Câu 2 (Trang 95 SGK ngữ văn 9 tập 1)

Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.

a) Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ tới ai? Nàng nhớ ai trước, ai sau? Nhớ như thế có hợp lí không, vì sao?

b) Cùng là nỗi nhớ nhưng lại là cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích việc dùng từ ngữ, hình ảnh của tác giả để làm sáng tỏ điều đó.

c) Em có nhận xét gì về tấm lòng Thúy Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng?

Trả lời:

– Đầu tiên Kiều nhớ tới Kim Trọng. Điều này vừa phù hợp với quy luật tâm lí, vừa thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du.

– Tiếp đó Kiều nhớ đến cha mẹ. Nghĩ tới song thân, Kiều thương và xót. Nàng thương cha mẹ khi sáng, khi chiều tựa cửa ngóng tin con, trông mong sự đỡ đần. Nàng xót xa lúc cha mẹ tuổi già sức yếu mà nàng không được tự tay chăm sóc và hiện thời ai người trông nom.

Câu 3 (Trang 96 SGK ngữ văn 9 tập 1)

Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.

a) Cảnh là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều. Em hãy phân tích và chứng minh điều đó.

b) Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?

Trả lời:

Đúng là cảnh lầu Ngưng Bích được nhìn qua tâm trạng Kiều: cảnh từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ. Ngọn gió cuốn mặt duềnh và tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi là cảnh tượng hãi hùng, như báo trước dông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều.

Câu 1 – Luyện tập (Trang 96 SGK ngữ văn 9 tập 1)

Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình? Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối (“Buồn trông cửa bể chiều hôm… Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”).

Trả lời:

Tả cảnh ngụ tình là một bút pháp đặc trưng của văn học trung đại nói chung, của ngòi bút Nguyễn Du nói riêng với cơ chế là tả cảnh thông qua đó để bộc lộ tâm trạng con người, tả cảnh để nói tình chứ không chỉ là bức tranh tả cảnh thuần túy.

– Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối:

→ Cảnh vật ở tám câu thơ cuối được nhìn qua con mắt của Thúy Kiều nên nhuốm màu tâm trạng rõ rệt.

Bạn đang học lớp?

Phân Tích: Kiều Ở Lầu Ngưng Bích ( Truyện Kiều )

Ngoài đoạn trích Cảnh ngày xuân miêu tả cái đẹp của mùa xuân thì đến đoạn trích này, các ban sẽ thấy một hình ảnh Kiều với thật nhiều những suy nghĩ tâm tư tình cảm.

KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH đáng thương thay cho số phận của Kiều. Hồng nhan mà bạc mệnh

A/ Tìm hiểu khái quát:

1/tác giả: Nguyễn Du. 2/ Văn bản: Kiều ở lầu Ngưng Bích a) Xuất xứ: Trích từ Truyện Kiều Của Nguyễn Du Vị trí nằm ở phần 2 của truyện Kiều ( Gia biến và lưu lạc) b) Thể loại: Thơ c) Nội dung:Tả cảnh nơi lầu Ngưng Bích và tâm trạng cô đơn, buồn khổ, nhớ nhà, nhớ người yêu của Kiều . d) Bố cục 3 phần -Phần I: 6 câu đầu: Thể hiện hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp của Thuý Kiều. -Phần II: 8 câu sau: Thể hiện nỗi thương nhớ của nàg về Kim Trọng và về cha mẹ. -Phần III: 8 câu cuối: Thể hiện tâm trạng đau buồn , âu lo của Thuý Kiều.

B-trả lời câu hỏi

1/ Hoàn cảnh cô đơn của Kiều: Sáu câu đầu là bức tranh thiên nhiên tại lầu Ngưng Bích . Gợi tả hòan cảnh cô đơn của Kiều Trước hết là hình ảnh bị giam lỏng : “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân”. Khóa xuân là khóa kín tuổi xuân, ý nói là bị cấm cung. Hai chữ cấm cung cho thấy Kiều bị giam trong lầu Ngưng Bích như co gái bị cấm cung . Nàng trơ trọi giữa một khung cảnh thiên nhiên vắng lặng, heo hút , không một bóng người : “Vẻ non xa tấm trăng gần soi chung. Bốn bề bát ngát xa trông, Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”. Câu thơ “Bốn bề bát ngát xa trông” như mở ra trước mắt Kiều một không gian rợn ngợp. Từ lầu cao nhìn ra là những dãy núi bát ngát điệp trùng xa mờ và mảnh trăng gần gũi như sắp chạm đầu. Trước mắt nàng là cảnh vật bốn bề xa trông bát ngát, bên thì từng đụn cát vàng nhấp nhô như sóng lượn , bên thì những đám bụi hồng trải khắp dặm xa. Cảnh thiên nhiên mênh mông hoang vắng đó càng làm nổi bật hơn nỗi niềm cô đơn, buồn tủi của Kiều khiến nàng thêm bẻ bàng chua xót : “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya. Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” Cụm từ “mây sớm đèn khuya” là từ thời gian khép kín. Khuya và sớm, đêm và ngày Kiều lẻ loi trơ trọi chỉ biết làm bạn với mây và đèn . Có thể nói đây là lúc nàng cô đơn tuyệt đối.

2/ Tâm trạng Thúy Kiều : Trong xúc cảm, trước hết, nàng nhớ đến Kim Trọng. Nàng hình dung ra người yêu đang sầu tư ngóng đợi. Có lẽ hơn lúc nào hết, trong lúc này, Kiều thương Kim Trọng vô hạn. Trong tình thương ấy có một chút ân hận ,nàng cảm thấy như mình có lỗi với chàng. Để chàng phải ngày đêm trông ngóng, đau khổ, mòn mõi “rày trông mai chờ”, Kiều xót xa, ân hận như một kẻ phụ tình. “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng. Tin sương luống những rày trông mai chờ”. Càng thương nhớ người yêu , càng tiếc nuối mối tình đầu không trọn vẹn, Kiều càng thấm thía tình cảnh bơ vơ nơi đất khách quê người của mình và càng hiểu tấm lòng sắt son của mình đối với Kim sẽ không bao giờ phai nhạt. “Bên trời góc bểbơ vơ. Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Ở bốn câu thơ còn lại , Kiều xót xa thương nhớ cha mẹ : “Xót người tựa cửa hôm mai . Quạt nồng ấm lạnh những ai đó giờ ? Sân Lai cách mấy nắng mưa. Có khi gốc tử đã vừa người ôm” Với cha mẹ, nỗi nhớ thương của Kiều cũng ngập tràn xót xa, da diết . Tuy đã bán mình cứu cha và em khỏi cảnh ngục tù nhưng Kiều vẫn thấy mình chưa trọn đạo làm con . Nàng hình dung ra bóng song thân giàyếu đang ngày đên “tựa cửa” ngóng trông mình và xót xa tự nghĩ ai sẽ là người thay mình chăm sóc cha mẹ . Chỉ với bốn câu thơ độc thọai nội tâm, tác giả đã thể hiện một cách sinh động , cao đẹp và đầy xúc cảm tấm lòng hiếu thảo của Kiều. Trong đọan thơ này , tài năng của thi hào Nguyễn du còn thể hiện ở chỗ đã đặt tình trước hiếu khi viết về tâm trạng Kiều. Để nàng nhớ người yêu trước rồi mới nhớ đến cha mẹ. Điều này thật chuẩn xác và khách quan vì đối vơi cha mẹ Kiều đả tự bán mình, như vậy cũng đã đền đáp được một phần chữ hiếu, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Còn đối với Kim Trọng, Kiều đã thấy mình lỗi hẹn như một người bạc tình: “Kim lang ơi, hỡi Kim lang. Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” Đây là một chi tiết nhỏ nhưng nó cho thấy cái tinh tế trong tâm lý nhân vật mà Nguyễn Du nhận ra đã thể hiện một cách cực kỳ chính xác.

3/ Ở tám câu thơ cuối đoạn trích, Nguyễn du đã cho thấy một bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc . Cảnh vật được miêu tả qua tâm trạng, tâm trạng nhuốm lên cảnh vạt, cảnh vật thể hiện tâm trạng: – Sắc thái của bức tranh thiên nhiên thể hiện từng trạng thái tình cảm của Thuý Kiều: + Nhớ thương cha mẹ, quê hương, cảnh vật là: ” Buồn trồn cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa. + Nhớ người yêu, xót xa cho tình duyên lỡ dở , thì cảnh là: ” Buồn trông ngọn nước mới sa, Hoa trôi man mác biết là về đâu” + Buồn tủi, đau đớn cho thân mình, thì cảnh là: ” Buồn trông gió cuốn mặt duềnh Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh gkế ngồi” Như vậy, từng chi tiết, hình ảnh , khung cảnh thiên nhiên đều mang đậm trạng thái tình cảm của Thuý Kiều. Mỗi cảnh là mỗi tình, song tất cả đều buồn thươg đúng là ” Người buồn cảnh có vui đâu bao jờ” – Cụm từ” Buồn trông” được lặp lại 4 lần trong 8 câu thơ như những đợt sóng lòng trùng điệp, càng khiến nỗi buồn dằng dặc, mênh mông, kết hợp vs cái nhìn từ xa đến gần , thu hẹp dần vào nội cảm con người để đến cuối đoạn thì tâm trạng cô đơn, sầu nhớ, cảm giác đau đớn trào lên. Sóg jó nổi lên như dự báo về những đâu khổ ê chề rồi đay sẽ xảy ra đối vs Kiều, là dự cảm cho 1 đoạn đời: “Thanh lâu 2 lượt thanh y 2 lần”.