Luật Bằng Trắc Trong Thơ Lục Bát

Người làm thơ Đường Luật phải biết và chấp nhận bó mình trong niêm luật vần đối của nó. Thơ lục bát chỉ có luật, vần nên thi sĩ không bị niêm, đối “kềm kẹp”. Trong bài viết ngắn này tôi chỉ bàn về luật.

Đọc xong chắc có người thắc mắc ” Sao tui đọc sách và những bài viết trên mạng thấy luật bằng trắc trong thơ lục bát cũng rườm rà, rắc rối lắm mà sao ông viết lại đơn giản quá vậy? Có ‘ăn bớt’ không đó cha nội?”

Sau một thời gian dài làm thơ lục bát nhiều thi sĩ đã “vượt rào”, phớt lờ luật tắc. Độc giả mới đầu còn thấy lạ lạ, kỳ kỳ. Đọc riết rồi thấy cũng “ổn” nên bảo nhau ” Không có gì mà ầm ĩ“. Dần dà một vài luật tắc rườm rà đó ” tuân theo cũng được mà phớt lờ cũng không sao “. Đó là quy luật tiến hóa của thi ca.

Vì thế ở đây tôi chỉ nói đến những điểm luật cốt yếu – ở thời điểm này mà không tuân thủ thì bài thơ sẽ bị chê là “mất tính lục bát”.

Chữ thứ 6 câu lục, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 câu bát phải là thanh bằng.

Chữ thứ 4 câu bát phải là thanh trắc.

Mười chữ còn lại thì tự do – bằng cũng được mà trắc cũng không sao.

Nếu chữ thứ 6 của câu bát thanh huyền (dấu huyền) (thí dụ 1) thì chữ thứ 8 phải thanh ngang (không dấu) và ngược lại (thí dụ 2).

Kêu con lên giúp đem về Hà Nam

Trong thí dụ này tôi “chơi nổi”, chọn 10 chữ còn lại toàn là thanh bằng. Nếu bạn không thích thì tự do thay đổi.

Để lại một mẫu chú Hương cất nhà

Ở đây tôi chọn 10 chữ còn lại là thanh trắc. Dĩ nhiên, bạn cũng có toàn quyền thay đổi.

Luật bằng trắc của lục bát chỉ có thế. Bạn chỉ cần để ý 4 chữ (in đậm) – 3 bằng một trắc – thì thơ lục bát của bạn luật sẽ vững như bàn thạch.

1/ Trong trang Lục Bát Việt Nam trên Facebook có bài thơ Nước Mắt Ngày Gặp Lại của Thanh Tu có 2 câu:

Hôm nay mình gặp lại nhau

Ôm chặt bạn mà nỗi đau nhói lòng

Với luật thơ lục bát hiện hành thì nó phạm luật (chữ “mà” phải chuyển thành chữ khác có thanh trắc mới đúng). Với con mắt người bình thơ như tôi thì bài thơ thất bại một cách oan uổng; ý tứ có hay tôi cũng ngoảnh mặt làm ngơ. Nhưng biết đâu mấy chục năm nữa cách nhìn nhận luật thơ phóng khoáng hơn, bài Nước Mắt Ngày Gặp Lại (hay những bài phạm lỗi tương tự) sẽ được bình phẩm một cách cởi mở hơn.

– Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 14.08.2023.

– Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

– Vui lòng ghi rõ nguồn chúng tôi khi trích đăng lại.

Tôi Học Làm Thơ: Luật Bằng Trắc Trong Thơ 8 Chữ

Luật bẳng trắc của thơ 8 chữ hơi khác thơ 7 chữ và là thể thơ tương đối tự do, không hoàn toàn gò bó vào luật bằng trắc như thơ bảy chữ. Luật bằng trắc chỉ áp dụng cho những câu liền mạch thông thường. Những câu ngắt thành nhiều cụm từ thì chỉ theo luật đôi chút hoặc đôi khi không theo luật bằng trắc gì cả.

Việc áp dụng luật bằng trắc nhiều hay ít còn tùy theo nội dung bài thơ, nghệ thuật biểu cảm của câu thơ, và tùy tài năng của nhà thơ. Những câu thơ không theo luật đôi khi là những câu thơ hay, có giá trị nghệ thuật cao, tạo nên những điểm nhấn thú vị, mang lại nét riêng cho bài thơ.

Là người học làm thơ, tôi nghĩ mình nên nên bắt đầu tìm hiểu về luật thơ 8 chữ, giống như học nhày, đầu tiên, ta phải đi những bước cơ bản, sau đó rồi mới học bước “făng” và “făng” nhiều hay ít là chuyện về sau, khi đã nhảy thành thạo.

Luật bằng trắc của một câu thơ 8 chữ tùy theo vần của chữ thứ 8. Nếu chữ thứ 8 vần trắc thì chữ thứ 3 trắc, chữ thứ 5 và 6 bằng. Ví dụ:

Em cứ HẸN nhưng EM ĐỪNG đến NHÉ (xxTxBBxT)

Nếu chữ thứ 8 vần bằng thì chữ thứ 3 bằng, chữ thứ 5 và 6 trắc. Ví dụ:

Để lòng BUỒN tôi DẠO KHẮP trong SÂN, (xxBxTTxB)

Thử ghi luật bằng trắc một số bài thơ của vài nhà thơ nổi tiếng để xem họ áp dụng luật bằng trắc như thế nào.

Trong bài Ân Tình Dạ Khúc của Đinh Hùng, đa phần (29/31 = 93,5%) câu áp dụng chính xác luật bằng trức của thơ 8 chữ.

Đa phần các câu trog bài NGẬP NGỪNG của Hồ Zếnh đều áp dụng nghiêm ngặt luật bằng trắc của thơ 8 chữ (15/18= 83%). Ba câu không áp dụng luật là những câu được ngắt thành 2 nhịp, có lẻ tác gỉa muốn diễn tả sự ngập ngừng, lững lơ, dang dở của một mối tình không biết rồi sẽ ra sao. (Có thể tác gỉa biết thế nào rồi cuộc tình của mình cũng đến hồi kết thúc nên muốn kéo dài càng lâu càng tốt? Hoặc những mối tình êm xuôi có thể sẽ không có được những bài thơ hay?)

Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân, (xxBxTTxB)

Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần… (xxBxTTxB)

Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế? (xxTxBBxT)

Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu ? (xxBxTTxB)

Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu ? (xxBxTTxB)

Thuở ân ái mong manh như nắng lụa. (xxTxBBxT)

Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa,

Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi, (xxBxTTxB)

Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

Tôi sẽ trách – cố nhiên! – nhưng rất nhẹ (xxTxBBxT)

Nếu trót đi, em hãy gắng quay về, (xxBxTTxB)

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề, (xxBxTTxB)

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở. (xxTxBBxT)

Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,

Cho nghìn sau … lơ lửng… với nghìn xưa … (xxBxTTxB)

Bài NHỚ RỪNG của Thế Lữ là bài thơ có nhiều câu ngắt thành từng cụm từ để tạo nhịp điệu riêng, manh mẽ hơn, để thể hiện một tâm sự u uất, chán nản và khát vọng tự do. Tuy nhiên, đa phần các câu còn lại (33/47 = 70%) vẫn theo luật bằng trắc nghiêm ngặt.

Thử ghi lại luật bằng trắc của bài thơ Nhớ Rừng. Câu nào không ghi cũng theo luật nhưng mềm hơn. Đa phần chữ không theo luật nằm vào chữ thứ 5 hoặc thứ 6. Ví dụ:

Ta nằm dài theo NGÀY tháng dần qua (xxBxBTxB). (Chữ NGÀY không theo luật)

Than ôi! Thời oanh liệt NAY còn đâu. (xxBxTBxB) (Chữ NAY không theo luật)

Đôi khi chữ thứ 3 cũng không theo luật. Ví dụ:

Ta đương THEO giấc MỘNG ngàn to lớn. (xxBxTBxT) , (THEO và MỘNG không theo luật)

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm, (xxTxBBxT)

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, (xxTxBBxT)

Với khi thét khúc trường ca dữ dội, (xxTxBBxT)

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc, (xxTxBBxT)

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối, (xxTxBBxT)

– Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu, (xxBxTTxB) Ghét những cảnh không đời nào thay đổi, (xxTxBBxT)

Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối: (xxTxBBxT)

Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm, (xxTxBBxT)

– Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi! (47)

Tóm lại, thơ 8 chữ cũng có luật bằng trắc của nó. Là người tập làm thơ, tôi tự rút ra bài học, hy vọng có ngày cũng làm được mấy câu để đọc cho cháu nội nghe.

Tôi Học Làm Thơ: Luật Bằng Trắc Trong Thơ 7 Chữ

Trong chương trình phổ thông ngày xưa, ta học thơ lục bát trong Lục Vân Tiên và Kiều, thơ đường của Bà Huyên Thanh Quan và Nguyễn Khuyến, hát nói của Nguyễn Công Trứ nhưng tôi không nhớ đã học tác giả thơ mới nào, và cũng chưa nghe thầy nào dạy cách làm một bài thơ, cho dù là thơ lục bát.

Có một thời từ cô thôn nữ đến cậu sinh viên đều thuộc nhiều bài thơ của những tác gỉa nổi tiếng trong phong trào thơ mới như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên… vì thơ họ hay. Vậy thơ họ hay ở chỗ nào? Thơ họ hay trước hết vì họ diễn tả tình cảm cá nhân, đăc biệt là tình yêu đôi lứa, do đó, ai cũng cảm thấy nhà thơ đã nói hộ tâm trạng mình. Trong thơ họ, thí tứ phong phú, cảm xúc dạt dào, tình cảm nồng nàn, tha thiết, mãnh liệt, được diễn tả bằng từ ngữ bay bướm, sáng tạo, giàu nhạc tính, có vần điệu, nghe êm tai. Nói chung, thơ họ hay bởi họ có tài làm thơ, cái mà nhiều người khác không có được. Không chỉ có vậy, thơ họ hay còn nhờ họ hiểu cặn kẽ luật thơ và biết phá luật để tạo những câu thơ đẹp.

Dù không làm được thơ hay vì không có tài nhưng không ai cấm chúng ta viết đôi câu để chúc mừng lễ vu quy của cháu gái hay giải sầu khi vợ ốm phải nằm viện. Những lúc như thế, nếu viết được một vài câu dù chưa phải là thơ nhưng cũng đủ làm cuộc sống trở nên vui hơn, có ý nghĩa hơn, đỡ buồn, đỡ stressed, dễ thở hơn đôi chút. Nếu đọc cho bạn bè nghe thì cũng xuôi tai. Muốn vậy thì phải học làm thơ, đặc biệt là học các nhà thơ lớn, xem thử cái kỹ thuật tối thiểu trong thơ họ là gì.

Một bài được gọi là thơ theo dạng thơ mới (không nói đến thơ tự do) thì ai cũng biết là phải có vần, nhưng theo tôi, thứ quan trọng không kém là luật bằng trắc trong câu, mà rất nhiều người làm thơ nghiệp dư không chú ý đến lại là thứ mà những nhà thơ nổi tiếng ít ai không tuân thủ.

Trong nhạc có nhịp và phách, trong thơ (có vần) có câu và luật bằng trắc của mỗi từ trong mỗi câu. Trong nhạc, các nốt nhạc ở phách mạnh đầu nhịp là quan trọng, thì trong thơ 7 chữ, các từ thứ 2, 4 và 6 là những từ quan trọng.

Hãy nghiên cứu luật bằng trắc trong một vài bài thơ 7 chữ của các nhà thơ nổi tiếng.

Thử ghi luật bằng trắc của các từ thứ 2, 4 và 6 trong bài thơ Đậm Nhạt của Vũ Hoàng Chương.

Trong bài thơ này, tác giả hoàn toàn tuân thủ luật bẳng trắc của thơ Đường: Trong mỗi câu, từ thứ 2 luôn giống vần từ thứ 6: ví dụ từ thứ 2 vần bằng thì từ thứ 6 cũng vần bằng, từ thứ 4 vần trắc, chẳng khác gì thơ Đường. Về niêm cũng tương tự thơ Đường: Câu đầu và câu cuối giống nhau, các câu còn lại giống nhau từng cặp. Vần thì mỗi đọan thơ 4 câu giống với 4 câu đầu trong thơ Đường: Các từ cuối của các câu 1, 2 và 3 vần với nhau. Như vậy, bài Đậm Nhạt còn ảnh hưởng sâu sắc của thơ Đường về luật bằng trắc và niêm, chỉ không có đối và số câu nhiều hơn mà thôi.

Đậm Nhạt – Vũ Hoàng Chương

Da thịt đìu hiu rợp bóng mây (TBT)

Sương lam mờ cỏ gió vàng cây (BTB)

Song sa nắng xế dần ân ái (BTB)

Lạnh cả mùa xưa nguyệt Mái Tây (TBT)

Nẻo ngắt chiêm bao nhịp rụng đều (TBT)

Tâm tư ngờ chạm bước hài thêu (BTB)

Tiền thân nửa gối vườn mưa lá (BTB)

Vết cũ phong sầu đậm nhạt rêu (TBT)

Tình chủng bơ vơ độc viễn hành (TBT)

Nàng Thôi thôi đã hết Oanh Oanh (BTB)

Gót sen chùa cổ đêm trăng ấy (BTB)

Vọng thấu luân hồi nhạc mỏng manh (TBT)

Mùa nhớ thương sang mộng nõn nà (TBT)

Tinh anh nghìn kiếp thoáng dư ba (BTB)

Hồn ai xác mới nghe thoi thóp (BTB)

Vang bóng hài xiêm chuyển thớ da (TBT)

Bài Hạnh Ngộ của Đinh Hùng đổi mới không nhiều. Luật bằng trắc trong mỗi câu vẫn giữ nguyên, chỉ có niêm là đôi chút thay đổi: Câu đầu và câu cuối không giống nhau, Câu 4 và câu 5 không giống nhau. Tất cả nhưng câu còn lại đều theo luật niêm của thơ Đường.

Bài Ca Hạnh Ngộ – Đinh Hùng

Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay, (BTB)

Ôi mộng nào hơn giấc mộng này?(TBT)

Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ, (TBT)

Nửa như hoài vọng, nửa như say. (BTB) (4)

Em đến như mây, chẳng đợi kỳ, (TBT) (5)

Hương ngàn gió núi động hàng mi. (BTB)

Tâm tư khép mở đôi tà áo, (BTB)

Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi. (TBT)

Em muốn đôi ta mộng chốn nào? (TBT)

Ước nguyền đã có gác trăng sao. (BTB)

Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý, (BTB)

Còn lối bâng khuâng: ngõ trúc đào. (TBT)

Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ. (TBT)

Nắng trong hoa, với gió bên hồ, (BTB)

Dành riêng em đấy. Khi tình tự, (BTB)

Ta sẽ đi về những cảnh xưa. (TBT)

Rồi buổi ưu sầu em với tôi (TBT)

Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời. (BTB)

Vai kề một mái thơ phong nguyệt, (BTB)

Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười. (TBT)

Bài Mưa Xuân của Nguyễn Bính vẫn giữ nguyên luật bằng trắc nhưng niêm đã thay đổi khá nhiều. Một phần tư các cặp câu không theo luật niêm, nằm vào câu cuối đoạn thơ trước và câu đầu đoạn thơ sau, đó là các cặp câu 4-5, 12-13, 24-25, 28-29, 32-33,

Em là con gái trong khung cửi (BTB)

Dệt lụa quanh năm với mẹ già (TBT)

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng (TBT)

Mẹ già chưa bán chợ làng xa. (BTB) (4)

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay (TBT) (5)

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy (BTB)

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ (BTB)

Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”. (TBT)

Lòng thấy giăng tơ một mối tình (TBT)

Em ngừng thoi lại giữa tay xinh (BTB)

Hình như hai má em bừng đỏ (BTB)

Có lẽ là em nghĩ đến anh. (TBT) (12)

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn (BTB) (13)

Em ngửa bàn tay trước mái hiên (TBT)

Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh (TBT)

Thế nào anh ấy chả sang xem! (BTB)

Em xin phép mẹ, vội vàng đi (BTB)

Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe. (TBT)

Mưa bụi nên em không ướt áo (TBT)

Thôn Đoài cách có một thôi đê. (BTB)

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm (BTB)

Em mải tìm anh chả thiết xem (TBT)

Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh (TBT)

Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em. (BTB) (24)

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang (TBT) (25)

Thế mà hôm nọ hát bên làng (BTB)

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn (BTB)

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! (TBT) (28)

Mình em lầm lũi trên đường về (BTB) (29)

Có ngắn gì đâu một dải đê! (TBT)

áo mỏng che đầu mưa nặng hạt (TBT)

Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya (BTB) (32)

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay (TBT) (33)

Hoa xoan đã nát dưới chân giày (BTB)

Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ (BTB)

Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”. (TBT)

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày (TBT)

Bao giờ em mới gặp anh đây? (BTB)

Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ (BTB)

Để mẹ em rằng hát tối nay? (TBT)

Trong bài Xuân của Chế Lan Viên, luật bằng trắc trong mỗi câu vẫn giữ nguyên, nhưng luật niêm đã nhạt. Chỉ có 2 cặp câu giống nhau về luật bằng trắc, những câu còn lại trong bài không có cặp nào giống nhau. Đoạn 1 và đoạn 4 giống khau về luật niêm, chẳng khác gì đoạn đầu và đoạn cuối của một ca khúc, có thể dụng ý nghệ thuật của tác giả muốn diễn tả hoàn cảnh không thay đổi của mình mặc dù mùa xuân có đến rồi đi.

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu (TBT)

Đem chi xuân lại gợi thêm sầu? (BTB)

Với tôi, tất cả như vô nghĩa (BTB)

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau! (TBT)

Ai đâu trở lại mùa thu trước (BTB)

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng? (TBT)

Với của hoa tươi, muôn cánh rã, (TBT)

Về đây đem chắn nẻo xuân sang! (BTB)

Ai biết hồn tôi say mộng ảo (TBT)

Ý thu góp lại cản tình xuân? (BTB)

Có một người nghèo không biết tết (TBT)

Mang lì chiếc áo độ thu tàn! (BTB)

Có đứa trẻ thơ không biết khóc (TBT)

Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran! (BTB)

Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ! (BTB)

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.(TBT)

Đến bài Đây Thôn Vỹ Dạ, chỉ có câu đầu không theo luật bẳng trắc (BBB), các câu còn lại vẫn giữ luật bằng trắc, nhưng niêm đã thay đổi đến 4/5. Chỉ có 1 cập câu giống nhau về luật bằng trắc (câu 10 và 11). Mỗi đoạn có một mẫu “niêm” khác nhau. Có thể đây là dụng ý nghệ thuật của tác giả muốn nói dù cảnh vật không thay đổi nhưng tình người có lẻ đã nhạt phai.

Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử

Sao anh không về chơi thôn Vĩ? (BBB)

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, (TBT)

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc (BTB)

Lá trúc che ngang mặt chữ điền (TBT)

Gió theo lối gió, mây đường mây (BTB)

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…(TBT)

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, (BTB)

Có chở trăng về kịp tối nay? (TBT)

Mơ khách đường xa, khách đường xa, (TBT)

Áo em trắng quá nhìn không ra… (BTB) (10)

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh (BTB) (11)

Ai biết tình ai có đậm đà? (TBT)

Tóm lại, nếu có lúc nào đó ta hứng chí muốn viết một bài thơ 7 chữ để đọc vào tiệc rượu nào đó thì hãy nhớ kiểm tra xem các từ 2, 4 và 6 trong câu đã đúng luật bằng trắc hay chưa. Đừng xuê xoa luật này vỉ ngay cả Vũ Hoàng Chương cũng còn phải tuân thủ.

Vần Điệu Trong Thơ Lục Bát

Ở các thể loại thơ văn xuôi, thơ tự do, người viết có thể bỏ vần để lấy ý, bỏ âm điệu trắc, bằng để tạo ra những âm điệu mới mẻ khác cho phù hợp với bài thơ. Còn ở thơ lục bát người viết phải tôn trọng những niêm luật riêng. Vần điệu trong thơ tự do, người viết thường chủ động buông bắt biến hoá, dài ngắn tuỳ theo cách diễn đạt của riêng mình , vần điệu trong thơ lục bát nếu khác sẽ trở nên thô kệch, vụng về.

Nhắc vần điệu trong thơ lục bát, xin được dẫn chứng một bài thơ của cố thi sĩ Nguyễn Bính:

Rừng chiều

Lữ hành bắt gặp quán cơm Bày ong bắt gặp mùi thơm hoa rừng Đèo cao cho suối ngập ngừng Nắng thoai thoải nắng, chiều lưng lửng chiều… Trăng non như một cánh diều Trẻ con phất dối thả liều lên mây Chim nào kêu mỏi ngàn cây Ngẩn ngơ đôi chiếc ngựa gầy dong xe Đồi sim dan díu nương chè Trắng phau khói núi, xanh lè áo ai…

Bài thơ trên Nguyễn Bính viết năm 1938 ở Thái Nguyên. Một bài thơ toàn bích trong cấu trúc và cách diễn đạt. Đặc biệt vần điệu trong thơ vừa tự nhiên vừa điêu luyện. Đọc đôi lần đã nhớ đã thuộc. Thuộc rồi, nhiều lúc nhớ đến, nhắc đến vẫn thấy ngân nga, rung động:

Đèo cao cho suối ngập ngừng Nắng thoai thoải nắng, chiều lưng lửng chiều… răng non như một cánh diều Trẻ con phất dối thả liều lên mây

Những chữ ngừng, lưng hoặc chiều, diều, liều gieo vần thật chuẩn mực mà không hề gò bó khiên cưỡng. Câu thơ:Nắng thoai thoải nắng, chiều lưng lửng chiều cách diễn đạt sáng tạo, tài tình và rất Nguyễn Bính. Bài thơ hay một cách giản dị, xuất thần. Hay đến nỗi không thể gọt giũa, thêm bớt. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu câu thơ trên mà viết khác hoặc dịch ra tiếng nước ngoài, cái hay cái đẹp sẽ giảm đi đến mức nào.

Trải qua thời gian thơ lục bát có thể biến ảo trong phạm vi nhất định. Người làm thơ có thể ngắt nhịp, xuống dòng để diễn tả điều mình muốn nói một cách tự nhiên. Người làm thơ có thể gieo liền những âm bằng trong cả câu sáu hoặc câu tám… Nhưng đã viết lục bát thì dù phóng túng, ngang tàng đến mấy câu thơ cũng phải có… vần. Đọc một vài thơ lục bát, cứ nhìn vào cung cách gieo vần cũng đủ biết tay nghề cao hay thấp của tác giả. Thể loại thơ lục bát rất cũ càng, giống như một lối đi có sẵn, dễ mà hoá khó, khó mà hoá dễ – nó là nơi thử sức và thách thức cả những cây bút mới vào nghề và cả những cây bút cao niên, già dặn.

Nguyễn Đức Mậu

Lục Bát Và Những Vần Thơ Đau

Phạm Xuân Trường, “một tay chơi lục bát có hạng” như có nhà văn nói, thuộc số những nhà thơ khá thành công ở loại thơ này. Khi bắt đầu đọc một bài thơ lục bát của Phạm Xuân Trường thì ta có thể yên tâm đọc hết bài mà không sợ gặp phải sự trúc trắc đâu đó về vần, luật. Đối với nhiều nhà thơ khác, tuy cũng thuộc hàng danh tiếng, nhưng tôi luôn nơm nớp sợ bị như thế, nên mới ướm đọc vài câu đầu thấy không gợi được điều gì thú vị thì vội bỏ ngay; không phải vì coi thường mà vì sợ sẽ gặp phải những lỗi về vần luật, là điều tối kỵ, là sự xúc phạm thơ lục bát và người đọc. Điều quan trọng nữa mà một người lành nghề lục bát đều hiểu là cách biểu đạt trong một bài thơ thuộc thể loại này phải khác hơn so với một bài thơ theo vần luật khác hay thơ tự do.

Trong 7 tập thơ đã xuất bản của Phạm Xuân Trường phần lớn là thơ lục bát: Cỏ cháy – 2002, Ở trọ hồn làng – 2007, Bến chuồn chuồn – 2010, Ấn tượng trong tôi – 2010, Thần dược – 2023, Dị thảo và Kỳ hồ – 2023 đã đem đến sự thú vị cho người đọc, như tôi được biết qua những cuộc tiếp xúc với bạn bè văn chương. Có những bài thơ lục bát của Phạm Xuân Trường được giải thưởng. Riêng tập thơ Cỏ cháy đoạt giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Máu đào một giọt chia hai/ Đứa đi quân dịch, đứa ngoài chiến khu/ Trời còn nín được cơn mưa/ Má sao nén được giọt thưa giọt dầy/ Mộ chồng một nén nhang gầy/ Con hai nấm đất bên này, bên kia/ Thắng thua ngủ dưới mộ bia/ Vô danh kia nữa thì chia cho đều… (Chiều nghĩa trang). Những câu: một giọt chia hai – nín cơn mưa – giọt thưa giọt dầy – chia cho đều… nghe gần với ca dao cổ.

Đã từng có những cuộc tranh cãi về nguồn gốc thơ lục bát. Số đông cho rằng lục bát là thơ riêng của người Việt Nam. Có người khẳng định lục bát thuộc về dân tộc Chăm. Thậm chí, có người chỉ ra rằng nhiều dân tộc trong vùng Đông Nam Á cũng có thơ lục bát… Phạm Xuân Trường cho rằng những điều ấy không quá quan trọng; chỉ biết rằng thơ lục bát đã tồn tại trên đất Việt từ lâu, người Việt Nam nào cũng biết đến thơ lục bát. Cũng với Phạm Xuân Trường, thơ lục bát vốn là của người bình dân mang ý nghĩa đẹp về con người và thiên nhiên, là phương tiện tốt nhất để nói về số phận, nguyện vọng của người dân. Bao đời nay dân chúng đã dùng thơ lục bát, để giãi bày, để ca tụng, phản kháng, đả kích… các hiện tượng của xã hội theo tâm trạng và hoàn cảnh của mình.

Trong thơ lục bát, điều nhà thơ cần nói sẽ không giống như với bài thơ theo vần luật khác hay thơ tự do. Những bài thơ lục bát thành công trong đó thường có tình ý, cách thức của những câu ca dao, dân ca cổ. Đó là sự vơ vẩn, ỡm ờ, lúng liếng, hoặc bâng khuâng, nghẹn ngào, hờn giận, trách móc, như một đặc tính của thể loại thơ này. Lục bát của Phạm Xuân Trường luôn chất chứa những đau đớn, ngậm ngùi thương cảm và cả sự giận dữ, khiến cho những vần thơ như phong dao, dân ca ấy không chỉ véo von tình tứ mà còn nhức nhối về kiếp người, về nỗi đời. Những bài thơ dù dài, ngắn, với đề tài nào cũng ít thấy những câu thơ vui, nhất là khi anh nói về những người dân thường, đã được nhiều người thuộc, ngâm ngợi thích thú, bởi những câu thơ như nói hộ những ấm ức trong lòng mình.

…Bàn cờ phận tốt mong manh / Thấp cao cỏ chả tranh giành với ai/ Khi vui phải biết đứng ngoài/ Đến khi máu đổ chẳng ai trước mình… (Cỏ hát). Và: … Ngổn ngang trên cánh đồng người/ Mẹ ngồi cời những nụ cười thành than (Đốt mã) – … Mẹ là khuyết con đang rằm/ Con ban mai nắng mẹ thăm thẳm chiều (Lòng mẹ) – … Bao nhiêu sẹo ở thân cành/ Gió ơi còn hát biếc xanh làm gì (Giếng chùa)…

Tôi đã chứng kiến sự tán thưởng thân thiện từ những người đã đọc thơ Phạm Xuân Trường. Họ bày tỏ cảm khoái với những vần câu thơ lục bát trước những nghịch lý, bất công.

… Dẫu là chôn xuống vật lên/ Ngàn năm cỏ vẫn vững bền sinh đôi/ …Cầm bằng hai chữ hư danh/ Thảo dân và cỏ ta thành một đôi/ Thản nhiên xanh một kiếp đời/ Bao dung cỏ hát giữa trời vô danh… (Cỏ hát) … Kìa ai nửa tỉnh nửa mê/ Trắng tay còn một câu thề chặt đôi/ Đất đai giờ đã lên ngôi/ Tình người đồng kẽm buông xuôi giữa đời… (Chôn dọc).

Và sự cảm thông với những tấm lòng nhân hậu một thời, trước bạc bẽo của người đời: … Ngủ đi rơm rạ mùa thu/ À ơi sương giá ngày mù như đêm/ Ngủ đi giun đất yếu mềm/ Thôi đừng quặn nữa đau thêm lòng này/ …Rạ rơm ơi chớ giận hờn/ Nén đau cối gạo mo cơm chấm vừng/ Bây chừ qua ngõ dửng dưng/ Ai cần mặn muối cay gừng nhà quê… (Ngủ đi)

Nỗi đau của người mẹ tử sĩ đâu có thể xoa dịu bằng những bài thơ tán tụng vô cảm, cùng khuôn mẫu giả tạo. Về điều này, Phạm Xuân Trường có một câu thơ rớm máu, theo thể song thất lục bát: chúng tôi chết thật, mẹ thì sống giả/ Biết làm sao gửi được xuống mồ/ Ai đem vàng mã vào thơ/ Để thêm lần nữa dưới mồ kêu đau… (Quán trọ)

Phạm Xuân Trường còn có tài làm tranh gò đồng. Anh đã kỳ công khắc họa tới gần 100 bức chân dung những văn nghệ sĩ mà mình yêu kính. Sau khi trưng bày ở các phòng triển lãm, anh đem về treo kín tường nhà, ngày ngày anh trò truyện với những chân dung ấy: … Rượu trong như nước mắt người/ Hai tay nâng chén con mời vĩ nhân/ Nguyên Hồng, Phùng Quán, Nguyễn Tuân/ Trần Dần, Lê Đạt, Huyền Trân, Lê Bầu… (Nhà tôi thành bảo tàng đêm)

Hòa Vang, một người nhiệt huyết. Nhưng từ thơ Phạm Xuân Trường, tôi đã thấy văn tài yểu mệnh này còn có những nỗi ngậm ngùi:… Vơi đi nắng lửa từng ngày/ “Vẹn nguyên trong dở dang” này phần em/ Người đi về phía không tên/ Tầm xuân hoa rụng trước thềm như mưa… (Bút gươm trao lại), ( Vẹn nguyên trong dở dang là tên một truyện ngắn của Hòa Vang). Tôi lặng người khi đọc Phạm Xuân Trường viết về Nguyễn Bính: …Sống tha phương, chết tha hương/ Bốn phen cải cát nắm xương giang hồ/…Sống thì mắc nợ phù hoa/ Chết về với đất làm ma thất tình… (Viếng mộ Nguyễn Bính)

Thơ Phạm Xuân Trường thể hiện sự yêu ghét quyết liệt, như con người thực của anh. Trong bài Dở hơi , bức chân dung tự họa, anh viết: …Thật lòng ghét thật lòng yêu/ Thơ thì gàn dở nói điều xót xa/ Vơ vào toàn chuyện người ta/ Để mà khóc mướn để mà thương vay…

Có thể có người cho rằng thơ lục bát đã quá cũ kỹ vì tính gò ghép vần luật, hạn chế sự biểu đạt, và vì vậy thể thơ này khó còn chỗ trong nền thơ đương đại. Nghe có vẻ hữu lý, nhưng, nếu vẫn còn những câu lục bát làm cho người đọc khóc, cười, khoái hoạt và giận dữ thì nghĩa là thể thơ này vẫn còn sức sống mạnh mẽ. Xin hãy thử lắng hồn mình nghe Phạm Xuân Trường khóc những người bạn lính đã chết trận, không về dự buổi họp lớp cũ của những ông bà già ngày nay, vẫn “mày tao” thân thiết với nhau như ngày xưa. Bài thơ Họp lớp như lời khấn vọng các vong hồn tử sĩ:… Thương cho những đứa không về/ Lời nguyền đã cởi, câu thề đã buông/ Người ta bán đất mở đường/ Biết đâu sỏi đá lẫn xương chúng mày/ Khởi công rượu đỏ trên tay/ Phải chăng là máu chúng mày đấy thôi/ Quá giang những chuyến đò người/ Về đây góp một tiếng cười rồi đi…