Chuyện phá sản bắt nguồn từ việc một con nợ không trả được một số tiền vay nên bị một hoặc nhiều chủ nợ đưa ra tòa và buộc phải giải quyết, bán hết của cải để thanh toán nợ nần. Không trả được đầy đủ thì con nợ sẽ bị tòa phán quyết là “phá sản” và một khi đã bị liệt vào hạng này thì hầu như thông thường người ấy không còn làm ăn gì được nữa. Về mặt xã hội thì dường như mấy chữ “tán gia bại sản” đã là một dấu ấn cực kỳ xấu, khó gột rửa được và cái “gông” này sẽ bị tròng vào cổ con nợ… suốt đời!
Dĩ nhiên là trong số những con nợ bị phá sản này là những người thực sự “xấu” nghĩa là đã cố ý lường gạt bằng con đường làm ăn bất chính, nhưng cũng có những người “tốt” nhưng đã không may trong việc làm ăn nên gặp thất bại. Thông cảm với điều đó, ai cũng mong rằng những người “tốt” này cần được giúp đỡ và tạo cơ hội để họ có thể trở lại cuộc sống bình thường hầu có thể tiếp tục đóng góp cho xã hội. Vấn đề bức xúc đầu tiên của nhà làm luật là làm sao để gạn lọc những thành phần tốt, xấu một cách phân minh? Thêm vào đó, theo đà tăng tốc trên thương trường thì số vụ kiện tụng phá sản ngày càng tăng nhanh và vấn đề bức xúc thứ hai là làm sao để giúp tòa án khỏi bị “ngộp” vì không đủ phương tiện và khả năng để xét xử cho kịp.
Sửa đổi luật phá sản năm 1995
Hai điểm đặc biệt nhất trong lần sửa đổi này là: Thứ nhất, bộ luật đưa ra một khung hình mới cho phép con nợ tình nguyện đề nghị một phương cách dàn xếp trả nợ với chủ nợ, và chấp nhận để cho một đệ tam nhân đứng ra giải quyết, thay vì tất cả các đối tượng phải kéo nhau ra tòa án phá sản như trước đây.
Điểm thứ hai là việc tòa án chấp nhận trao nhiều quyền hạn hơn cho người Quản lý viên Tòa án (Official Assignee) trong quá trình thi hành án lệnh. Người “quản tòa” này là một nhân viên tòa án thuộc cấp dưới của vị thẩm phán, nay được trao quyền phán xét ai “xấu” ai “tốt” để có thể quyết định cho xóa án sau một thời gian, mà không cần phải trình lên thẩm phán như trước.
Hai điểm bổ sung này tương đối đã giúp giảm bớt gánh nặng cho tòa án, tuy nhiên dường như mọi người vẫn thích kéo nhau ra tòa mà chẳng có mấy ai chịu nhờ đến các đệ tam nhân để giúp xét xử vì chi phí tốn kém khá cao.
Bộ luật phá sản Singapore lại được sửa đổi một lần nữa vào năm 1999 nhằm mục đích khuyến khích doanh nhân liều lĩnh hơn trên thương trường và đồng thời tiếp tục duy trì một môi trường sinh hoạt có kỷ luật và đạo đức. Nói chung là nhà nước muốn giúp cho con thuyền kinh tế Singapore có thêm nhiều tay chèo liều lĩnh và tài ba, khi chuyển hướng tiến vào giai đoạn kinh tế tri thức trước mặt.
Sửa đổi luật phá sản năm 1999
Một số thay đổi mới được đưa ra trong lần bổ sung 1999 về bốn mặt sau đây:
Giúp chủ nợ và con nợ giải quyết tranh chấp theo hình thức tự nguyện dễ dàng hơn bằng cách:
Tăng thời gian đề giúp con nợ có thể thu nhập dữ liệu và trình bày đề nghị giải quyết với chủ nợ, từ 28 lên 42 ngày;
Ấn định khung giá về chi phí mà một đệ tam nhân (phải là kế toán viên hay luật sư) có thể tính để tránh những bảng giá… cắt cổ.
2. Tạo điều kiện cho người phá sản tiếp tục làm ăn
Trước đây thì trong thời gian bị phá sản, muốn tiếp tục làm ăn (làm thành viên hội đồng quản trị hoặc giám đốc trong một công ty), thì con nợ phải đệ đơn xin tòa án cứu xét rất lâu dài và khó khăn. Nay họ chỉ cần người “quản tòa” cho phép mà không cần đưa lên tòa án.
3 Giải quyết xóa án phá sản nhanh chóng và đơn giản hơn
Kể từ năm 1995, người “quản tòa” được quyền quyết đoán xóa án phá sản sau một thời gian tối thiểu là năm năm. Nay thì thời hạn này được rút xuống còn ba năm. Trước đây thì chỉ được xét tòa án với những món nợ dưới 250.000 đô-la Singapore, nay mức xét xử được nâng lên 500.000 đô-la Singapore, tăng số người có thể được xóa án lên nhiều hơn.
Thủ tục giải quyết và xin phép xóa án cũng được đơn giản hóa. Nay không còn đòi hỏi phải thông qua những cuộc hòm rườm rà của tất cả các chủ nợ mà chỉ cần qua thư từ, bưu điện. Sau khi chủ nợ chấp nhận những đề nghị thanh toán số nợ còn lại, một khi giải quyết xong nợ nần thì người “quản tòa” có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận là con nợ đã xóa án phá sản.
Trước đấy chỉ cần nợ 2.000 đô-la Singapore là người ta có thể kéo nhau ra tòa kiện phá sản. Lần sửa đổi năm 1999 nâng mức này lên 5.000 đô-la Singapore. Mục đích là để khuyến khích các đối tượng tìm cách giải quyết ôn hòa bằng những hình thức khác thay vì sẵn sàng đưa nhau ra tòa, để rồi nhiều cá nhân hoặc công ty bị tuyên bố phá sản chỉ vì những món nợ tương đối nhỏ.
Những bổ sung năm 1999 được đưa ra với một mục đích tìm cách giúp người “tốt” chẳng may sa cơ, được có cơ hội “làm lại cuộc đời” và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên cũng đã có lắm kẻ lợi dụng lòng tốt này.
Trước khi luật phá sản được thay đổi thì “phá sản” dường như là một vũ khí quan trọng của chủ nợ. Không thanh toán sòng phẳng trong chuyện vay mượn thì chỉ với một món nợ nhỏ là con nợ có thể bị đưa ra tòa và một khi bị tuyên bố phá sản thì con nợ kể như là “thân bại danh liệt”. Với những thay đổi mới, chủ nợ nay không dễ dàng đưa con nợ ra tòa như xưa, và dù có bị phá sản, con nợ cũng có thể được phép làm ăn như thường! Không những thế, chỉ sau có ba năm là án có thể được xóa sạch! Từ nay “phá sản” dường như không còn là một hình phạt khắt khe như trước và người bị “phá sản” giờ cũng… nhởn nhơ khắp chốn!
Một hiện tượng khác đã xuất hiện, đó là việc chủ nợ chưa kịp ra tay kiện tụng thì con nợ đã vội vàng “xuất chiêu” trước với thế võ mới là… “tự phá sản”! Thật đơn giản, cứ vay mượn một số tiền thật lớn rồi ỳ ra không trả, làm đơn tự xin phá sản, thương thuyết với chủ nợ qua người “quan tòa” để chỉ trả một phần số tiền, rồi chỉ ba năm sau là có thể “làm lại cuộc đời”… Từ đó số trường hợp tự nguyện phá sản tăng vọt ở Singapore! Năm 1999 chỉ có 24 người được chấp nhận “tự phá sản”, và thành phàn này chỉ là một tỷ số không đáng kể trong tổng số án phá sản ở Singapore. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2003, trong số 17.640 người Singapore đang gặp kiện tụng nợ nần có 3.505 người đệ đơn xin tự phá sản ở Singapore và trong đó đã có 500 trường hợp “tự phá sản” được chính thức chấp nhận nghĩa là đã tăng 20 lần so với năm 1999. Tỷ lệ “tự phá sản” tăng vọt lên gần 15% tổng số án phá sản cả nước trong vòng 8 tháng của năm 2003. Không chỉ ở Singapore, tình hình tại Hồng Kông còn tệ hơn nữa. Năm 1998, luật phá sản được thay đổi, cho phép người phá sản được tự động xóa án sau bốn năm thay vì tám năm. Số người “tự phá sản” từ đó đã tăng vọt từ 33 (1997) lên đến 23.655 người (2002)!
Trước đà này, tháng 3/2002, Bộ Tư pháp Singapore đã cho áp dụng cách phân loại những trường hợp người tự phá sản vào hai “vùng”: “Vùng xanh” cho những người chân chính, hợp tác tốt đẹp với người “quản tòa” và trả nợ đều đặn như đã hứa, và “vùng đỏ” cho những kẻ lừa đảo không tôn trọng thỏa thuận thanh toán nợ nần. Khi đã bị liệt vào “vùng đỏ” thì rất khó để cho các “quản tòa” đề nghị xóa án, nghĩa là vấn đề xóa án sau ba năm không còn là chuyện tự động như mọi người nghĩ. Tuy vậy con số người tự phá sản cũng còn tăng mạnh, và số nợ mất đứt tại các ngân hàng Singapore trong 8 tháng đầu năm 2003 đã lên đến 116,4 triệu đô-la Singapore, tăng 48% so với vùng kỳ năm ngoái.