QĐND – Năm 2010, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ là 4,5%. Đến năm 2014, tỷ lệ này chỉ còn 1,2%. Đặc biệt, với các bệnh nhân phẫu thuật, chi phí thuốc giảm xuống 14,8 lần, số ngày nằm điều trị giảm xuống trung bình 7 ngày. Năm 2013, bệnh viện tiết kiệm được 4,5 tỷ đồng, năm 2014 là 4,8 tỷ đồng tiền sử dụng thuốc kháng sinh. Đó là những con số biết nói cho thấy hiệu quả từ một quyết định táo bạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện. Đó là Chương trình áp dụng phác đồ kháng sinh dự phòng cho phẫu thuật sạch và sạch nhiễm.
Trung tướng, PGS, TS, Thầy thuốc nhân dân Trần Duy Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh Tuấn Tú.
Có một thực tế tồn tại ở nhiều cơ sở y tế là vấn đề điều trị kháng sinh kéo dài khá phổ biến. Cứ mổ xẻ là dùng kháng sinh, có khi một bệnh nhân phải dùng nhiều loại kháng sinh cùng một lúc. Ngắn thì 5-10 ngày, lâu thì 15 ngày hoặc hơn. Điều này gây tốn kém cho người bệnh nhưng nguy hiểm nhất là gây nên hiện tượng nhờn kháng sinh của các loại vi khuẩn.
Nhiều thập niên qua, tình trạng kháng kháng sinh đã được Tổ chức Y tế Thế giới với hàng nghìn nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu, tìm giải pháp để hạn chế đến mức tối đa. Trong đó sử dụng kháng sinh dự phòng cho các bệnh nhân được phẫu thuật sạch và sạch nhiễm là một trong những biện pháp khi áp dụng đã đạt được kết quả tốt. Những ca phẫu thuật sạch (là phẫu thuật tiến hành theo kế hoạch hay mổ phiên, mọi công tác chuẩn bị được thực hiện kỹ càng rồi mới đưa bệnh nhân đi mổ. Phẫu thuật sạch được phân thành 2 loại: Sạch hoàn toàn (ví dụ như mổ cơ, mổ tim..) và sạch nhiễm (như mổ dạ dày, đại tràng…), nếu bệnh nhân chuẩn bị tốt theo quy trình thì sau khi mổ (hậu phẫu) không cần dùng kháng sinh. Các phẫu thuật viên áp dụng phác đồ này, chỉ dùng kháng sinh 3 lần: Trước mổ, khi mở vết mổ và khi kết thúc ca phẫu thuật.
Thực hiện phẫu thuật mổ tim mở ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh Tuấn Quận.
Trên thế giới, nhất là các nước phương Tây có nền y học hiện đại chương trình này đã được áp dụng tại các bệnh viện như là một việc đương nhiên. Nhưng ở Việt Nam chúng ta và một số nước đang phát triển thì chưa từng có tiền lệ. Có nhiều nguyên nhân nhưng tôi xin nêu 3 yếu tố lớn nhất ngăn cản, ảnh hưởng đến việc sử dụng phác đồ điều trị này. Thứ nhất, nhiều bác sĩ của chúng ta có thói quen sử dụng kháng sinh khi phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân thì bản thân thầy thuốc mới yên tâm. Dùng kháng sinh như một sự bảo đảm bởi ai cũng lo sợ về mức độ thành công cho cuộc phẫu thuật của mình. Thứ hai là điều kiện môi trường bệnh viện của ta dù sao cũng không bằng các nước tiên tiến nên nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện là rất lớn. Cuối cùng không kém phần quan trọng là tác động của kinh tế thị trường. Khi bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân thì họ sẽ được hưởng những lợi ích nhất định từ các hãng dược phẩm và nhà cung cấp. Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế…
Chính vì vậy, để hiện thực hóa ý tưởng này có nhiều khó khăn nhưng cũng có thuận lợi. Nhưng khó và chưa có tiền lệ không có nghĩa là không làm được. Bản thân tôi từ những nghiên cứu khoa học và thực tế ứng dụng hiệu quả ở các nước phương Tây nhận thấy rằng: Tất cả quy trình, quy định thực hiện đã có hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và trong triển khai thực hiện các nước đi trước đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm mà ta có thể học tập được. Tôi tin chắc rằng, nếu làm là thắng lợi.
Xuất phát từ suy nghĩ trên, ngay khi nhận nhiệm vụ là giám đốc bệnh viện năm 2008, tôi bắt đầu nung nấu quyết tâm đưa chương trình này vào áp dụng. Với tôi khó nhất là có được niềm tin của mọi người. Bước đầu, tôi đưa ý tưởng chương trình vào các cuộc họp. Khi đã thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống từ trong Đảng ủy, Ban giám đốc đến các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và chuẩn bị kỹ lưỡng mới chính thức triển khai thực hiện.
Công tác xử lý dụng cụ tại Trung tâm tiệt khuẩn của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh Vạn Trung.
Khâu đột phát đầu tiên chính là việc làm sạch môi trường bên trong bệnh viện. Trước đây, công việc này do mấy cô lao công quét dọn, hưởng lương nhà nước đảm nhiệm nên hiệu quả rất thấp. Nếu bệnh viện muốn sạch mà tiệt khuẩn được thì không thể sử dụng đội ngũ làm vệ sinh thuộc hệ thống y công. Quyết định táo bạo đầu tiên được triển khai. Toàn bộ lực lượng cũ chuyển công tác khác, nay những người lo việc quét dọn, làm vệ sinh thì bệnh viện bỏ toàn bộ tiền ra thuê. Một thời gian kiểm tra nếu làm không được như yêu cầu, bệnh viện lập tức hủy hợp đồng, chọn đối tác khác. Thay và chọn liên tục. Tôi nhớ đã kiên quyết chấm dứt hợp đồng với ít nhất ba đối tác không bảo đảm. Thậm chí là chấm dứt hợp đồng khi mới thực hiện được một nửa. Kết quả sau một thời gian, môi trường cảnh quan bệnh viện biến chuyển rõ rệt, sạch đẹp hơn trước. Dần dần, lực lượng này còn được đưa vào trong phòng bệnh làm một số việc như dọn phòng, thay ga…
Bước tiếp theo là tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế và cả người bệnh về vệ sinh, phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. Đảng ủy bệnh viện đã cụ thể hóa vấn đề bằng việc ra Nghị quyết chuyên đề “Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện”. Ban Giám đốc ban hành quy định thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và đưa vào tiêu chuẩn thi đua của bệnh viện. Tập thể, cá nhân làm tốt thì được khen thưởng, ngược lại không tốt sẽ bị xử phạt. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức và giám sát thực hiện.
Và rồi, nín thở chờ kết quả triển khai thí điểm tại Khoa B3, khi nhận được báo cáo chúng tôi đã thở phào sung sướng. Kết quả hơn cả sự mong đợi, với gần 60 ca áp dụng phác đồ kháng sinh dự phòng, tỉ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng là dưới 1% (thấp hơn mức Tổ chức Y tế Thế giới cho phép là 1%). Đúng thời gian đó, có đoàn phẫu thuật thay khớp của Mỹ sang giúp ta làm phẫu thuật nhân đạo cho 70 trường hợp. Họ mượn cơ sở của bệnh viện. Cũng những buồng bệnh đấy, phòng mổ đấy, họ áp dụng phác đồ kháng sinh dự phòng cho các bệnh nhân như là chuyện đương nhiên và không hề nói với chúng tôi. Kết quả 100% đạt yêu cầu. Đây là nguồn động viên, là cơ sở khoa học để bệnh viện tiếp tục thực hiện theo kế hoạch.
Đến cuối năm 2011, phác đồ kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật sạch và sạch nhiễm được áp dụng tại khoảng 80% đơn vị. Và hiện nay, 100% các khoa ngoại của bệnh viện đều đã áp dụng chương trình và đã thu được kết quả đầy tự hào. Nếu năm 2010, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ là 4,5% thì đến năm 2014 chỉ còn 1,2%. Đặc biệt, các bệnh nhân phẫu thuật được sử dụng phác đồ kháng sinh dự phòng chi phí thuốc giảm xuống 14,8 lần; số ngày nằm điều trị giảm xuống trung bình 7 ngày. Năm 2013, bệnh viện tiết kiệm được 4,5 tỷ đồng, năm 2014 là 4,8 tỷ đồng tiền sử dụng thuốc kháng sinh. Số tiền đó bệnh viện đã sử dụng mua sắm thêm trang thiết bị để phục vụ cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là bệnh viện đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công phác đồ kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật với phạm vi rộng, có chiều sâu ở tất cả các khoa ngoại. Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện ngày một đông hơn là niềm tự hào và sự khẳng định uy tín của bệnh viện. Với riêng tôi, từng là người đứng đầu bệnh viện, tôi lại càng tự hào khi nói về một tập thể đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
BÍCH TRANG (ghi)
Trung tướng TRẦN DUY ANH (kể)