– Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng. Ông sinh năm 1941, quê huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
– Ông bắt đầu ” cầm bút” từ những năm 60 của thế kỉ XX và tập trung khai thác ở hai mảng đề tài chính: cuộc chiến đấu của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mĩ và vẻ đẹp của con người giữa cuộc sống đời thường.
– Bài thơ ” Bếp lửa ” ra đời năm 1963, khi ấy tác giả đang là sinh viên ngành Luật tại Liên Xô và mới bắt đầu đến với thơ.
” Bếp lửa ” là một hình ảnh độc đáo, sáng tạo, xuất hiện nhiều lần trong bài thơ, nó vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng:
+ Bếp lửa gợi lên sự tảo tần, chăm sóc, yêu thương của người bà dành cho người cháu trong những năm tháng đói nghèo, chiến tranh để trưởng thành và khôn lớn.
+ Bếp lửa gợi lên bao vất vả, cực nhọc của đời bà. Song bà nhóm bếp lửa cũng chính là nhóm lên sự sống, niềm vui, niềm tin, và hi vọng cho cháu vào một tương lai phía trước.
+ Bếp lửa còn là biểu tượng của gia đình, quê hương, đất nước, cội nguồn… đã nâng bước người cháu trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.
– Phần một: Khổ thơ đầu: Hình ảnh bếp lửa – Nơi bắt đầu nỗi nhớ.
– Phần hai: Ba khổ tiếp: Những kỉ niệm tuổi thơ được sống bên bà và bếp lửa.
– Phần ba: Hai khổ tiếp: Suy ngẫm về bà và bếp lửa.
– Phần bốn: Khổ thơ cuối: Nỗi nhớ về bà và bếp lửa.
Dòng hồi tưởng bắt đầu từ hình ảnh thân thương, ấm áp về bếp lửa. Để rồi, từ hình ảnh bếp lửa ấy, dòng kỉ niệm niệm về bà thức dậy và được tái hiện:
” Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm ”
+ Gợi đến bàn tay cần mẫn, khéo léo, chính xác của người nhóm lửa.
+ Gợi tấm lòng chi chút của người nhóm ngọn lửa.
+ Gợi bóng dáng của người bà, người mẹ tần tảo, thức khuya dậy sớm chăm sóc cho chồng, cho con.
+ Diễn tả dòng cảm xúc dâng tràn ùa về từ kí ức.
+ Miêu tả bếp lửa với ngọn lửa bốc cao, bập bùng, tỏa sáng, ẩn hiện giữa màn sương sớm.
+ Bếp lửa ấy mờ tỏa, chờn vờn trong kí ức về những năm tháng tuổi thơ được sống bên bà của nhà thơ.
Một cách tự nhiên, hình ảnh bếp lửa đã làm trỗi dậy dòng cảm xúc yêu thương mãnh liệt trong người cháu:
” Cháu thương bà biết mấy nắng mưa! ”
– Bộc lộ sự thấu hiểu đến tận cùng những vất vả, nhọc nhằn, lam lũ của đời bà.
– Chữ ” thương ” dùng thật đắt qua vần thơ cảm thán, diễn tả cảm xúc đến rất tự nhiên và lan tỏa tâm hồn người cháu.
Đó là kỉ niệm tuổi thơ với những năm tháng gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn:
+ Câu thơ trĩu xuống, khiến lòng người như nao nao, nghẹn ngào khi nghĩ về kí ức tuổi thơ ấy.
Trong những năm đói khổ ấy, cháu cùng bà nhóm lửa:
” Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay ”
– Khói bếp của bà chẳng làm no lòng cháu nhưng đã lưu giữ một kỉ niệm sống mãi không nguôi: mùi khói đã hun nhèm mắt cháu để đến bây giờ nghĩ lại ” sống mũi còn cay “.
– Tác giả nhắc đi nhắc lại từ “khói”: ” mùi khói“, ” khói hun ” gợi một về một thời gian khó đã đi qua.
– Cảm giác cay cay vì khói bếp và cái cay cay bởi nỗi xúc động của người cháu như hòa quyện, quá khứ và hiện tại như đồng hiện trên những dòng thơ.
“Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa”
– Gợi khoảng thời gian tám năm cháu nhận được sự yêu thương, che chở, bao bọc của bà.
– Tám năm ấy, cháu sống cùng bà vất vả, khó khăn nhưng đầy tình yêu thương.
– Bếp lửa hiện diện như tình bà ấm áp, như chỗ dựa tinh thần, như sự cưu mang đùm bọc đầy chi chút của bà.
– Tiếng chim tu hú – âm thanh quen thuộc của đồng quê mỗi độ hè về, để báo hiệu mùa lúa chín vàng đồng, vải chín đỏ cành.
– Tiếng chim tu hú như giục giã, như khắc khoải điều gì da diết lắm, khiến lòng người trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong. Tiếng tu hú gợi nhớ, gợi thương:
+ Về tám năm kháng chiến chống Pháp ” mẹ cùng cha công tác bận không về ” bà vừa là cha, vừa là mẹ.
+ Về những năm tháng tuổi thơ, về một thời cháu cùng bà nhóm lửa, được sống trong tình yêu thương, đùm bọc, cưu mang trọn vẹn của bà:
“Cháu ở cùng bà, bà kể cháu nghe Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”
++ Các từ “bà” – “cháu” được điệp lại bốn lần, đan xen vào nhau như gợi tả tình bà cháu quấn quýt yêu thương.
Tình yêu, sự kính trọng bà của người cháu được thể hiện thật chân thành, sâu sắc qua câu thơ:
“Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”
” Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”
+ Gợi hình ảnh chú chim đang lạc lõng, bơ vơ, côi cút khao khát được ấp ủ, che chở.
+ Đứa cháu được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bà đã chạnh lòng thương con tu hú. Và thương con tu hú bao nhiêu, tác giả lại biết ơn những ngày được bà yêu thương, chăm chút bấy nhiêu.
Từ trong khói lửa của cuộc chiến tranh tàn khốc, người bà càng sáng lên những phẩm chất cao đẹp:
– Trước hiện thực khó khăn, ác liệt ấy, bà vẫn mạnh mẽ, kiên cường không kêu ca, phàn nàn. Điều đó được thể hiện qua lời dặn dò của bà với cháu:
+ Bà không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho hậu phương mà còn là điểm tựa vững chắc cho cả tiền tuyến.
Từ những kỉ niệm tuổi thơ được sống bên bà, nhận được sự yêu thương, chăm sóc của bà bên bếp lửa quê hương, người cháu suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa.
Trong bài thơ, trên dưới mười lần tác giả nhắc đến bếp lửa và hiện diện cùng bếp lửa là hình ảnh người bà, với vẻ đẹp tần tảo, nhẫn nại và đầy yêu thương. Và đến đây, tác giả đã dành một khổ thơ để nói lên những suy ngẫm về bếp lửa:
– Hình ảnh bếp lửa ở dòng thơ đầu là hình ảnh tả thực về sự vật hữu hình, cụ thể, gần gũi và gắn liền với những gian khổ của đời bà.
– Từ hình ảnh ” bếp lửa” hữu hình, tác giả đã liên tưởng đến ” ngọn lửa” vô hình ” lòng bà luôn ủ sẵn” với ý nghĩa trừu tượng và khái quát:
+ Bếp lửa bà nhóm lên không phải chỉ bằng nhiên liệu bên ngoài, mà còn bằng chính ngọn lửa từ trong lòng bà – ngọn lửa của tình yêu thương, niềm tin vô cùng ” dai dẳng “, bền bỉ và bất diệt.
+ Ngọn lửa bền bỉ và dất diệt ngày ngày bà nhóm cũng chính là nhóm niềm vui, niềm tin, niềm yêu thương để nâng đỡ cháu trên suốt những chặng đường dài.
+ Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa -ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.
Hình ảnh bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa. Bà là người nhóm lửa, cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng và tỏa sáng. Để rồi mỗi khi nhớ lại, người cháu vô cùng cảm phục và biết ơn bà:
– Cụm từ chỉ thời gian ” đời bà”, “mấy chục năm” đi liền với từ láy tượng hình ” lận đận” và hình ảnh ẩn dụ “nắng mưa” đã diễn tả một cách sâu sắc và trọn vẹn về cuộc đời đầy những lận đận, gian nan, vất vả của bà.
– Thời gian có thể trôi, mọi sự có thể biến đổi, song chỉ duy nhất một sự bất biến: Suốt cả một cuộc đời lận đận, vất vả, bà vẫn ” giữ thói quen dậy sớm ” để làm công việc nhóm lửa, nhóm lên niềm tin, tình yêu thương cho cháu.
Bà không chỉ nhóm lửa bằng đôi tay khẳng khiu, gầy guộc, mà còn bằng tất cả tấm lòng đôn hậu ” ấp iu nồng đượm ” đối với con cháu:
+ ” Nhóm bếp lửa”, “nhóm nồi xôi gạo ” là hình ảnh tả thực công việc của bà.
+ ” Nhóm niềm yêu thương”, “nhóm dậy cả những tâm tình” là hình ảnh ẩn dụ về công việc thiêng liêng và cao quý nhất của con người. Bà đã khơi dậy trong tâm hồn cháu và những người xung quanh niềm yêu thương, sự chia sẻ.
Nỗi nhớ bà và bếp lửa gợi lên từ một thực tại, người cháu năm xưa giờ đã lớn khôn, trưởng thành, đã được chắp cánh bay xa, được làm quen với những chân trời rộng lớn:
– Dòng thơ đầu được ngắt thành hai câu để gợi sự chảy trôi của thời gian (từ bốn tuổi, tám tuổi đến trưởng thành); gợi sự biến đổi của không gian (từ căn bếp của bà đến những khoảng trời rộng lớn).
+ Cho thấy người cháu đã có những thay đổi lớn trong cuộc đời, đã tìm được bao niềm vui mới.
+ Khẳng định đứa cháu không thể quên được ngọn lửa của bà, tấm lòng đùm bọc, ấp iu của bà. Ngọn lửa ấy đã thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin thiêng liêng, kì diệu nâng bước người cháu trên suốt chặng đường dài.
– Bài thơ Bếp lửa – Bằng Việt đã khẳng định, ngợi ca tình cảm bà cháu bình dị, gần gũi mà thiêng liêng.
– Qua những hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và bếp lửa, đã bộc lộ những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước.
– Hệ thống hình ảnh vừa chân thực lại vừa giàu ý nghĩa biểu tượng.
– Cảm xúc mãnh liệt, chân thành và đậm chất triết lí sâu xa.
IV. Một số dạng đề tham khảo
Câu 1. Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
… Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi Nhóm nồi xôi gạo mới sẽ chung vui Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ …
(Ngữ văn 9 Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr143)
a. Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?
b. Trong các từ nhóm trên, từ nào được dùng với nghĩa gốc, từ nào được dùng với nghĩa chuyển? Giải thích nghĩa gốc, nghĩa chuyển của từ nhóm trong đoạn thơ.
c. Nêu hiệu quả nghệ thuật của điệp từ nhóm trong đoạn thơ trên.
Câu 2. Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt.
Câu 3. Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt.