Xây dựng pháp luật là gì? Phân tích khái niệm xây dựng pháp luật?
1 – Theo nghĩa rộng – Xây dựng pháp luật là hoạt động của tất cả tổ chức và cá nhân (các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền, các Tổ chức xã hội và các cá nhân trong xã hội) tham gia vào quá trình tạo lập pháp luậtQuá trình tạo lập pháp luật rất phức tạp, bao gồm rất nhiều hoạt động kế tiếp nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng tiến hành, nhằm chuyến hoá ý chí nhà nước thành những quy định pháp luật dựa trên những nguyên tắc nhất định và được thể hiện dưới những hình thức pháp lý nhất định, đặc biệt là hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
2 – Theo nghĩa hẹp – Xây dựng pháp luật là quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định nhằm ban hành các quy phạm pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội theo mục đích của nhà nướcTheo nghĩa này, xây dựng pháp luật có đặc điểm sau:
– Xây dựng pháp luật là hoạt động được tiến hành bởi các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền ban hành pháp luật theo quy định của pháp luật. Pháp luật của các nước thường qưy định cụ thể các chủ thể có thẩm quyền sáng tạo ra pháp luật.
– Hoạt động xây dựng pháp luật được tiến hành theo những trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Do đó, xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức rất chặt chẽ, được diễn ra theo quy trình nhất định với những bước cơ bản sau:
Thứ nhất, làm sáng tỏ những nhu cầu về sự cần thiết phải xây dựng hoặc sửa đổi pháp luật, loại văn bản cần xây dựng (luật, pháp lệnh, nghị định hay án lệ…), xác định đối tượng áp dụng, phạm vi áp dụng và phương pháp điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ xã hội đó;
Thứ hai, công nghệ sáng tạo ra quy phạm pháp luật: Xác định những nội dung cơ bản, nội dung của từng chương, mục, điều, khoản, điểm cụ thể của văn bản.
Nhìn chung, các nhà nước thường có những quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, tên gọi, nội dung, nguyên tắc và trình tự, thủ tục ban hành đối với mỗi loại hình thức (nguồn) pháp luật nhất định trong Hiến pháp hoặc luật hoặc văn bản dưới luật…
– Kết quả của hoạt động xây dựng pháp luật là làm hình thành nên các quy định pháp luật mới để bổ sung vào hệ thống quy phạm pháp luật hiện hành hoặc sửa đổi, loại bỏ những quy định pháp luật đã lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hiện tại, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Do vậy, xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính sáng tạo, là một quá trình sáng tạo ra các quy định pháp luật.
Việc tạo ra các quy phạm pháp luật có thể tiến hành thông qua hoạt động xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, thông qua việc thừa nhận các quy tắc đạo đức, phong tục, tập quán… hoặc qua việc đưa ra các án lệ được thừa nhận.